Quảng Ngãi: Giám đốc Sở KH&CN nói về mô hình nghệ chết giữa chừng

Trả lời về nguyên nhân dẫn đến mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo (kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng) chết giữa chừng, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi, người đứng đầu đơn vị quản lý mô hình cho biết, do nắng nóng ngoài mức dự lường.

Lực bất tòng tâm (?)

Trước những thắc mắc vì sao có nhiều cấp sở ngành chuyên môn, nhà khoa học tham gia nhưng mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo, với kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng lại chết giữa chừng, PV Etime tiếp tục tìm hiểu, trao đổi để làm rõ nguyên nhân.

Quảng Ngãi: Giám đốc Sở KH&CN nói gì mô hình nghệ gần 4 tỷ đứt bóng giữa đường  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi (ảnh cắt từ Clip trang tin Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi).

Là người đứng đầu đơn vị quản lý mô hình, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Trước và trong quá trình triển khai mô hình, sở và các thành viên tham gia đã có sự xem xét, nghiên cứu rất kĩ; đồng thời tuân thủ và thực hiện đúng, đủ các bước theo quy định.

Cụ thể là từ khâu lựa chọn địa điểm, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho số người dân tham gia, làm đất, chăm sóc bón phân, làm cỏ, phương án khắc phục điều kiện bất lợi cho mô hình…đều được thực hiện kỹ lưỡng và đầy đủ.

Tuy nhiên theo vị đứng đầu Sở KH&CN, thời điểm triển khai mô hình (trồng và chăm sóc nghệ từ khoảng đầu, đến giữa năm 2020), nắng nóng cực đoan và quá khốc liệt, ngoài tính toán trước đó, là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng nghệ trồng và trồng bổ sung sống sót với tỷ lệ thấp (ước khoảng 20%).

Trả lời câu hỏi: “Tại thời điểm đề nghị dừng vào gần giữa tháng 6/2020, thời gian thực hiện mô hình vẫn còn rất dài vì sao không tiếp tục thực hiện?”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi giải thích: Do được tưới nước và bón phân nên số keo trồng cùng với nghệ phát triển tốt và quá nhanh, nên đến thời điểm đó (tháng 6/2020) đã bắt đầu khép tán, tạo bóng rợp vì vậy không thể tiếp tục thực hiện mô hình được.

“Làm mô hình phải chấp nhận mạo hiểm”

Đồng tình với câu trả lời từ phía Sở KH&CN về nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của mô hình, tuy nhiên đại diện Chủ trì dự án mô hình là UBND huyện Sơn Tịnh có câu trả lời khác về lý do đề nghị dừng mô hình dù thời gian vẫn còn.

Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh cho rằng, sau khi trồng bổ sung nhưng tỷ lệ sống cũng chỉ ước đạt 20% diện tích, nếu chọn địa điểm khác để tiếp thục thực hiện, người dân tham gia sẽ bỏ vì không còn tin vào hiệu quả của dự án nữa. Vì vậy nên huyện mới quyết định đề xuất cho dừng (tháng 6/2020).

Trước những nghi ngờ về nguyên nhân thất bại của mô hình, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: Những mô hình, dự án nông nghiệp mà sở đã, đang tham gia triển khai là thí điểm và hoàn toàn mới, vì vậy phải chấp nhận mạo hiểm và thất bại.

Theo nguồn tin riêng và những văn bản mà PV Etime được cung cấp thì không chỉ dự án nghệ, hàng loạt mô hình thí điểm khác ở các huyện Trà Bồng, Sơn Hà… do Sở KH&CN tham gia cũng rơi vào cảnh chết thảm.

Như PV Etime đã có loạt bài phản ánh, mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng (gọi tắt trồng nghệ dưới tán rừng keo) được triển khai thực hiện vào đầu năm 2020, có diện tích dự tính khoảng 10 ha ở tại thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, với.

Quảng Ngãi: Giám đốc Sở KH&CN nói gì mô hình nghệ gần 4 tỷ đứt bóng giữa đường  - Ảnh 4.

Một góc khu vực thực hiện mô hình nghệ tại thôn Minh Xuân (ảnh: Lam Nguyễn).

Chủ trì dự án mô hình trên là UBND huyện Sơn Tịnh; quản lý dự án là Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi, tổng kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng, gồm nguồn vốn của Sở KHCN (gần 1,4 tỷ đồng), UBND huyện Sơn Tịnh (khoảng 1,5 tỷ đồng), còn lại là của HTX NN Tịnh Bắc và người dân tham gia đóng góp.

Tuy nhiên chỉ hơn 6 tháng triển khai với 2 lần trồng và trồng bổ sung, số nghệ sống sót chỉ ước khoảng 20% diện tích, nên đến cuối năm 2020 mô hình trồng nghệ dưới tán rừng keo, có kinh phí dự tính gần 4 tỷ đồng đành phá sản nửa chừng.