Quan trọng là bác sĩ phải giỏi nghề và có tâm
Tranh minh họa
Và với ngành Y, thi môn Văn hay không thi môn Văn chưa hẳn là giải pháp. Mà giải pháp như bạn đọc đề cập, chính là: chú ý đến quá trình đào tạo, đến chuyện đảm bảo “cơm áo gạo tiền”…
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng:
* Hãy nghĩ đến khâu đào tạo, tuyển chọn
– Không chỉ xét tuyển theo môn văn, nên tổ chức phỏng vấn chặt chẽ, tránh bị những “con vẹt” môn văn đánh lừa. Những bài văn “nhạy” của người khác sẽ không có hồn của người viết, văn thì đẹp nhưng liệu tấm lòng người có đẹp?
– Tôi không làm trong ngành Y, nhưng tôi thấy: Vấn đề y đức không phải nằm ở chỗ bác sĩ không giỏi Văn mà ở chỗ khác.
Lương thấp, áp lực cơm áo gạo tiền, cường độ làm việc cao, dân trí thấp, thiếu văn hóa trong hành xử với bác sĩ mới là nguyên nhân.
Nhiều bác sĩ trước học phổ thông là những người học văn giỏi, làm thơ giỏi, đâu phải bác sĩ luôn là những người không học văn, không có tâm hồn!
Anh trai tôi trước đây là học sinh giỏi văn và bây giờ đang là tiến sĩ Y học- giám đốc một bệnh viện cấp tỉnh. Con gái tôi học phổ thông đạt học sinh giỏi giải nhì văn cấp tỉnh, hiện đang học trường Y ở TP HCM là những minh chứng. Bác sĩ không thiếu văn, không thiếu chữ mà chỉ do chế độ đãi ngộ rẻ mạt đã làm hỏng y đức bác sĩ thôi.
Cha ông đã dạy : “có thực mới vực được đạo” mà các nhà lãnh đạo có nghe đâu.
– Tại sao chỉ quan trọng đầu vào? Còn nâng chất quá trình đào tạo như thế nào để có những bác sĩ có tâm, có nghề – có ai nghĩ tới không?
– Cho dù có thi Văn để xét tuyển vào ngành Y thì nó có lợi gì khi trong vòng 4 đến 6 năm học hầu như không hề đụng chạm đến.
Cái Y đức nó đến từ trong lòng mà tôi được dạy đó là “thiên hướng”.
Muốn thi môn Văn thì cứ thi nhưng tôi đảm bảo chả sinh viên nào ghi nhớ đâu.
– Môn văn là môn khoa học cơ bản thuộc khoa học xã hội, không thể thiếu trong hành trang của một bác sĩ tương lai vì đối tượng lao động của bác sĩ là con người.
– Phải học mô hình của Mỹ, đó là ít nhất một bằng đại học rồi sau đó qua phỏng vấn trực tiếp để xem có phù hợp với ngành y không, có đủ trải nghiệm để theo đuổi nghề nghiệp này không.
– Theo tôi vấn đề không phải là môn văn. Mà nên xét tuyển y đức trước khi được vào học. Ai có đức có tài thì được học y. Vậy thôi cần gì bàn cãi nhiều. Các nước phát triển họ vẫn phỏng vấn trước khi học y đó thôi.
+ Người có lòng nhân từ mà làm bác sĩ thì phước cho đất nước còn văn có giỏi đến đâu mà tâm không thiện thì thảm họa.
* Bác sĩ và cái tâm nghề nghiệp
– Người học giỏi môn văn thường có tâm hồn đa sầu đa cảm, có lòng thương người. Họ dễ cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của người khác. Vi thế họ sẽ hết lòng vi bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.
– Y học, theo cá nhân tôi, vừa là một môn khoa học và vừa là một bộ môn nghệ thuật.
Tính nghệ thuật nó biểu hiện ở chỗ là chữ “TÂM”, bắt buộc một bác sĩ phải có để biết thương yêu, đồng cảm với bệnh nhân và hoàn cảnh của họ, là khả năng giao tiếp, khả năng diễn đạt… với bệnh nhân.
Một bệnh nặng, về mặt khoa học tiên lượng là tử vong, nhưng hậu quả sau đó hoàn toàn khác nếu bác sĩ giao tiếp, chia sẻ, an ủi… theo những cách khác nhau.
Nếu khối B trước đây chỉ là Toán, Hóa, Sinh – giống như chỉ toàn là đề cao IQ, thì giờ đây đưa thêm môn Văn vào – giống như bổ sung thêm EQ thì chắc chắn sẽ tốt hơn.
+ Ở một số nước phát triển, khi tuyển sinh đầu vào thường có 2 phần. Ưu tiên phần thứ nhất là hệ thống các câu hỏi về đạo đức, nhân văn, tâm lý, xã hội, thẩm mỹ quan để đánh giá ‘’y đức’’ của người bác sỹ tương lai. Cha ông ta thường nói ‘’thầy thuốc như mẹ hiền.’’
Nếu vượt qua phần thi này thì mới được thi tiếp phần thứ 2 về kiến thức như hiện tại của mình, như khối B với môn Toán, Lý, Hóa gì đó. Bằng cách này họ tuyển chọn được những hạt giống vừa có ‘’đức’’ & ‘’năng’’.
Chứ không phải như mình, hổng nhiều trong tuyển đầu vào, khiến nhiều gương mặt bác sỹ trẻ ra trường thái độ làm việc, cách nói chuyện, tư vấn cho bệnh nhân nghe ‘’trời ơi, đất hỡi’’ lắm.
– Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào khẳng định người học giỏi văn luôn là người có đạo đức tốt. Nếu lập luận kiểu môn văn là cần cho ngành Y thì môn văn sẽ cần cho các ngành Sư phạm nhiều hơn.
– Khi vào bệnh viện hay đến các phòng khám tư, tôi chỉ muốn được điều trị bởi một bác sĩ có tay nghề giỏi và y đức cao. Chứ tôi không hề thắc mắc bác sĩ trị bệnh cho mình viết tiếng Việt có đúng chính tả và ngữ pháp không. Đòi hỏi tất cả bác sĩ phải viết đúng chính tả và ngữ pháp thì quá cầu toàn.
Là giáo viên dạy Văn, tôi thấy yêu cầu ấy nên dùng cho giáo viên dạy Văn thì đúng hơn hết. Bởi lẽ không hiếm giáo viên dạy Văn – trong đó có cả giáo viên dạy Văn cấp trung học phổ thông – cũng viết sai chính tả và ngữ pháp.
– Từ trước đến nay thi khối B đâu có môn văn, BS ra trường làm việc không phải người nào cũng nhận hoa hồng, bao thư. Vấn đề ở đây là đạo đức của những người làm bác sĩ.
– Học giỏi văn không đồng nghĩa với có đạo đức… Kết quả học văn chỉ là điểm số, còn đạo đức tự tâm mỗi người thôi.
– Theo tôi, trong toán cũng đã có văn rồi. Người bác sĩ chỉ nên chuyên sâu vào những môn thuộc ngành đào tạo đòi hỏi tính tư duy, những kiến thức còn lại bản thân họ sẽ tự cập nhật trong quá trình học.
Nếu chỉ cần giữ nguyên các môn như cũ nhưng cải thiện chất lượng đầu vào mới quan trọng, tình trạng tuyển sinh đào tạo như hiện nay đối với ngành y mới là điều đáng lo ngại và đáng bàn.
Không chỉ ngành Y
– Người nhìn nhận và am hiểu về chính nguồn cội của mình sẽ là người có thể làm được nhiều việc có ích, có lợi, lớn lao hơn, sáng tạo hơn cho xã hội, cộng đồng và nhân loại.
Cái TÂM, cái ĐỨC, cái TẦM của người trí thức, người làm khoa học từ đó mới có thể được khẳng định vững chắc hơn, tạo nền tảng cho cái TÀI, cái TRÍ của họ vươn xa, căn cơ hơn.
Không chỉ ngành Y mà kể cả các ngành KHOA HỌC CƠ BẢN cũng cần phải có năng lực này.
Hãy để dòng máu Việt, văn hóa cội nguồn Việt chảy mạnh hơn trong huyết quản của những người con Việt.
[poll width=”400px” height=”300px”]25[/poll]