Quán triệt nguyên tắc về sự thống nhất giữa tính Đảng và tính khoa học trong giảng dạy môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – Trường Chính trị Hoàng Đình Giong tỉnh Cao Bằng
Quán triệt nguyên tắc về sự thống nhất giữa tính Đảng và tính khoa học trong giảng dạy môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Nghiên cứu và giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phải đứng trên lập trường, quan điểm, phương pháp luận chủ nghĩa Mác – Lênin và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; bảo đảm tính khách quan khi phân tích, lý giải và đánh giá các sự kiện, tránh việc áp đặt, cường điệu hóa hoặc hiện đại hóa các chủ trương, tư tưởng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính Đảng và tính khoa học thống nhất với nhau trong sự phản ánh trung thực, khách quan là yêu cầu về mặt nguyên tắc cần được quán triệt sâu rộng trong công tác giảng dạy hiện nay.
Tri thức lịch sử là một trong những bộ phận quan trọng nhất hình thành nền văn hóa nhân loại, không hiểu biết lịch sử thì không thể xem là có văn hóa toàn diện, sâu sắc và không thể xem việc giáo dục con người là hoàn thiện, đầy đủ. Khoa học lịch sử giúp cho ta hiểu biết quá khứ, có cái nhìn khách quan về hiện tại và có thể dự đoán được sự phát triển, chiều hướng vận động tương lai, từ đó có hành động phù hợp với quy luật… Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng là dựng lại những quan điểm, đường lối của Đảng; phong trào cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện quan điểm, đường lối đó; những bài học kinh nghiệm của Đảng lãnh đạo cách mạng trong từng thời kỳ. Để công trình lịch sử Đảng thể hiện chân thực nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đòi hỏi người nghiên cứu, biên soạn phải đảm bảo tính khoa học và tính Đảng.
Giữa tính Đảng và tính khoa học luôn có mối quan hệ thống nhất với nhau trong suốt quá trình nghiên cứu. Tính khoa học yêu cầu người viết phản ánh được sự tồn tại khách quan của sự vật, hiện tượng một cách chân thực; thể hiện kết quả nghiên cứu sự vật, hiện tượng cụ thể để đạt tới chân lý khách quan. Tính Đảng yêu cầu người viết phải dựa vào hệ tư tưởng của Đảng và đứng trên lập trường giai cấp. Đối với chúng ta phải dựa vào lập trường, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.
Khi tiến hành giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, người giảng viên phải nhận thức rõ và nắm chắc nguyên tắc sự thống nhất giữa tính Đảng và tính khoa học đó để áp dụng vào bài giảng, nhằm phản ánh một cách trung thực và đầy đủ nhất đến người học các nội dung của môn học. Cụ thể là:
Nguyên tắc tính Đảng đòi hỏi phải vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, quán triệt sâu sắc lập trường, quan điểm, đường lối của Đảng; đấu tranh không khoan nhượng với những khuynh hướng sai lầm, đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích của nhân dân.
Nguyên tắc tính khoa học được thể hiện ở trình độ tổng kết thực tiễn đảm bảo khách quan, trung thực, đúc kết kinh nghiệm, bổ sung lý luận.
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử lãnh đạo xây dựng và đấu tranh của Đảng với tư cách là đội tiên phong chính trị của giai cấp công nhân, đại biểu lợi ích của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là quá trình vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn sống động của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn quán triệt tính khoa học và tính Đảng trong tất cả các khâu, các bước.
Trong giảng dạy lịch sử Đảng, trước hết, quán triệt nguyên tắc tính khoa học và tính Đảng đòi hỏi phải dựng lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam một cách trung thực, đúng đắn, phải làm rõ các giai đoạn, các thời kỳ lịch sử với nhiều biến cố xảy ra, trong đó cả thành công và cả những sai lầm, tổn thất.
Thứ hai, nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng vào thực tiễn lịch sử. Phải đảm bảo tính khoa học khách quan trong từng sự kiện, giảng dạy lịch sử Đảng một cách trung thực, đúng đắn, không chỉ trình bày thắng lợi mà cả những sự kiện không thành công. Cần nghiên cứu giảng dạy lịch sử nói chung và lịch sử Đảng nói riêng một cách thẳng thắn, trung thực. Phải nói đúng quan điểm, đường lối của Đảng, phải phục cho nhiệm vụ chính trị của Đảng. Phải rèn luyện phong cách, phương pháp nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng, phải hết lòng vì sự nghiệp, say sưa tâm huyết với nghề. Phê phán những quan điểm sai trái tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo và tính Đảng trong nghiên cứu, giảng dạy; phê phán quan điểm nghiên cứu lịch sử Đảng chỉ đề cao tính Đảng.
Giữa tính Đảng và tính khoa học có mối quan hệ mật thiết, thống nhất biện chứng lẫn nhau. Sự thống nhất đó được thể hiện cụ thể:
Tính Đảng chỉ đạo phương hướng, phương pháp nghiên cứu đúng đắn, đưa việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đạt đến chân lý khách quan. Bởi vì bản thân chủ nghĩa Mác – Lênin đã là khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tế cách mạng ở Việt Nam. Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa, văn hóa nhân loại… Khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta”.
Vì vậy, việc đứng trên lập trường giai cấp công nhân, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử Đảng sẽ đảm bảo cho chúng ta làm rõ được sự thật lịch sử, đạt tới chân lý khách quan, khoa học. Tính khoa học và tính Đảng trong sử học Mác-xít luôn thống nhất với nhau và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ giữa tính khoa học và tính Đảng thể hiện ở chỗ tính Đảng cộng sản là cái bản chất tư tưởng – chính trị, có ý nghĩa chỉ đạo phương hướng, bảo đảm cho khoa học phục vụ lợi ích của dân tộc và giai cấp vô sản. Tính đảng không chỉ giới hạn trong phạm vi xác định lập trường, quan điểm của giai cấp vô sản mà còn gắn liền và tác đến các vấn đề nội dung và phương pháp nghiên cứu.
Chúng ta không thể tách rời tính khoa học ra khỏi tính Đảng và ngược lại, bởi vì làm như vậy bản thân khoa học sẽ mất hiệu lực và không thể giải quyết những vấn đề quan trọng mà khoa học lịch sử đã đặt ra. Kết hợp đúng đắn giữa tính khoa học và tính Đảng sẽ làm cho việc nghiên cứu lịch sử hiệu quả hơn. Từ sự nhận thức mối quan hệ giữa tính Đảng khoa học và tính Đảng đòi hỏi người nghiên cứu lịch sử phải đồng thời rèn luyện lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các nguyên tắc Mácxít – Lêninnít vào nghiên cứu, nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn khoa học.
Chẳng hạn, khi trình bày nội dung Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền cách mạng từ 1930 – 1945, chúng ta phải tôn trọng thực tiễn khách quan, khôi phục lại bức tranh chân thực của lịch sử đã diễn ra; trình bày những sự kiện điển hình, có tính chất bước ngoặt trong từng giai đoạn lịch sử; trình bày cả thành công và hạn chế; trình bày đường lối, chủ trương, Nghị quyết quá trình tổ chức thực tiễn để đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Chính từ sự thật lịch sử đó, rút ra những tổng kết kinh nghiệm quý báu trong giai đoạn cách mạng từ 1930 – 1945, đặc biệt những kinh nghiệm trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bên cạnh đó, phải kết hợp sử dụng rộng rãi các phương pháp liên ngành như thống kê, so sánh, đồng đại… để nghiên cứu và giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, chứng minh tính đúng đắn trong sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng nước ta nhưng bên cạnh đó phải làm rõ những thất bại, hạn chế, từ đó sửa chữa sai lầm. Đó chính là thái độ khoa học trong nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng. Ví dụ, trong cải cách ruộng đất năm 1953, chúng ta đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng do không nắm vững những biến đổi ở nông thôn miền Bắc sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Nhưng đến tháng 9/1945, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã thảo luận và kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị chủ trương: “Kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi thu được”. Hội nghị khẳng định: “Chúng ta không sợ vạch rõ sai lầm, khi đã thấy sai lầm thì chúng ta kiên quyết sửa chữa và nhất định sửa chữa được”. Như vậy, với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng ta một mặt nhanh chóng sửa chữa sai lầm, mặt khác có những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi, kịp thời có những chủ trương đúng đắn để đưa nông thôn miền Bắc tiến lên, cải thiện đời sống cho nhân, tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Quá trình sửa chữa sai lầm đó của Đảng được trình bày đúng đắn, khách quan trong các văn kiện của Đảng, các công trình nghiên cứu sử học. Đó chính là thái độ khoa học trong nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính khoa học và tính đảng…
Nói tóm lại, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị mang tính đặc thù, đổi mới song phải luôn luôn bảo đảm tính Đảng. Tính Đảng là một nguyên tắc trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận đòi hỏi người giảng dạy phải tuân theo, vì nó là vũ khí để đấu tranh tư tưởng và đấu tranh chính trị. Bên cạnh đó, giảng viên phải sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, năng lực tư duy khoa học, thái độ vô tư, công bằng trong đánh giá và phải có trách nhiệm trước lịch sử, trước sự tiến bộ của khoa học: bảo vệ chân, thiện, mỹ. Đấu tranh phê phán, loại bỏ những quan điểm phản động xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch. Trong mối quan hệ giữa tính Đảng và tính khoa học thì tính Đảng phải đặt lên hàng đầu, vì tính Đảng phục vụ cho sự nghiệp chính trị.
ThS. Phùng Thị Thu
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng