Quần thể Danh Thắng Tràng An vẻ đẹp của ”Vịnh Hạ Long trên cạn” | Hutc.org
Danh thắng Tràng An là khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An, là một điểm du lịch nổi bật không những ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014.
Khác biệt với sự nhộn nhịp của chốn thị thành hay sự đông vui nơi miền biển, Tràng An nép mình lại trong vẻ đẹp nhẹ nhàng cùng núi non xanh biếc. Vẻ đẹp thiên nhiên tĩnh lặng, trầm mặc cùng thời gian đã khiến nhiều người đến Tràng An, một lần đến sẽ muốn đến thêm một lần.
Tràng An vẻ đẹp của ”Vịnh Hạ Long trên cạn”
Vị trí địa lý Quần thể Danh Thắng Tràng An
Nằm cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km theo hướng tây dọc đại lộ Tràng An. Quần thể danh thắng Tràng An trải rộng hơn 2.000 ha, bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An ở vị trí trung tâm, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động ở vị trí phía bắc cách 8km, cố đô Hoa Lư ở vị trí phía nam cách 3km..Liên kết giữa các khu du lịch này là khu rừng đặc dụng và những thung lũng, sông ngòi uốn lượn, hòa quyện vào nhau.
Quần Thể bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp
Chỉ khi được tận mắt ngắm nhìn toàn cảnh nơi đây, du khách mới thực sự cảm nhận được sự ví von Tràng An như một vịnh Hạ Long trên cạn. Ngoài ra, khu du lịch này còn rất gần các địa điểm hút khách du lịch khác như Chùa Bái Đính, Hang Múa, đầm Vân Long…
Các di tích văn hóa và hang động trong quần thể danh thắng Tràng An
Các di tích văn hóa
Thành Nam Tràng An là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư nên nơi đây còn nhiều đền phủ, dấu tích của các quan lại triều Đinh và Nhà Trần sau này. Tại đây còn khá nhiều di tích lịch sử nằm sâu trong rừng mà du khách sẽ gặp trên chặng đường hành hương tiêu biểu như:
Đền Trình: Đền Trình là nơi thờ 4 công thần Nhà Đinh là 2 vị Tả Thanh Trù và 2 vị Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào nhường ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, các ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, nhân dân đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ các ông.
Đền Tứ Trụ: Đền Tứ Trụ nằm cạnh đền Trình, là di tích thờ 4 vị đại thần Nhà Đinh gồm Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.
Đền Trần Ninh Bình: do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần.
Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại Nhà Trần. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, cùng với lễ hội cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính là những lễ hội lớn ở Ninh Bình.
Đền thờ Phủ Khống nằm trong quân thể danh Thắng Tràng AN
Phủ Khống: Nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lủng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có hai loại: 1 tròn và 1 dẹt
Hành cung Vũ Lâm: Khu du lịch Hành cung Vũ Lâm nằm sâu trong khu vực rừng núi của Quần thể di sản thế giới Tràng An, để đến khu du lịch Hành cung Vũ Lâm, du khách sẽ được ngồi trên các con thuyền truyền thống do người dân địa phương chèo lái, trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết, lộng lẫy của hang kỳ, đá lạ và trở về nét vàng son của lịch sử dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước Tại đây, Viện khảo cổ học Việt Nam đã khai quật, thám sát thung đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật ở trên bề mặt và trong những hố đào. Trung tâm hành cung Vũ Lâm thờ vua quan Nhà Trần. Dưới triều của Nhà Trần có danh thần Trương Hán Siêu, ông gốc là người Ninh Bình, là một danh sĩ nổi tiếng thời Trần, và là môn khách đắc lực của Trần Hưng Đạo. Trương Hán Siêu có tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Trong giai đoạn vua Trần Nhân Tông về vùng đất này để tu hành thì sau đó danh thần Trương Hán Siêu cũng đã lui về ẩn tu và lập am tu tập tại quê hương Ninh Bình. Chính vì vậy mà Trương Hán Siêu cũng được nhân dân thờ tại khu di tích này.
Đền Cao Sơn: thờ thần Cao Sơn trấn Tây Hoa Lư tứ trấn. Thần Cao Sơn khi đi tuần tra vùng núi Vũ Lâm (Ninh Bình) đã tìm ra loại cây búng báng sử dụng thay gạo cứu đói, được nhân dân tôn thờ. Ngôi đền nằm trên 1 tuyến du lịch trong khu du lịch sinh thái Tràng An, cùng với các điểm tham quan khác là đền Suối Tiên và Hành cung Vũ Lâm.
Đền Suối Tiên: nằm ở thượng nguồn dòng sông Ngô Đồng, thực chất là điểm kéo dài của tuyến du lịch Tam Cốc nhưng lại được kết nối trong tuyến du lịch thứ 2 trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đền thờ thần Quý Minh trấn Nam Hoa Lư tứ trấn. Đền nằm giữa vùng rừng núi hoang vắng, thượng nguồn của suối Tiên và chỉ có thể đi vào được bằng thuyền.
Lễ hội Tràng An diễn ra trong 3 ngày, từ 17 đến 19/3 âm lịch hàng năm để tôn vinh 2 vị thần Quý Minh, Cao Sơn trấn trạch Hoa Lư tứ trấn và các vua đầu Nhà Trần đã lập ra hành cung Vũ Lâm. Phần lễ với nhiều nghi thức truyền thống được diễn ra trên sông như: rước nước, rước kiệu và rồng để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân có công giữ yên bờ cõi, bảo vệ giang sơn. Các đoàn rước đi thành đoàn trên những chiếc thuyền, khởi đầu từ bến thuyền Tràng An đoàn đi dọc theo dòng sông Sào Khê rước nước qua hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn vào đền Suối Tiên và thực hiện các lễ tế tại đây.
Lễ hội Tràng An
Lễ hội Tràng An hàng năm
Lễ hội Tràng An trải qua hành trình trên sông nước qua các hang động hàng nghìn năm kiến tạo địa chất như: Hang Mây dài hơn 1 km, hang Vạng, hang Đại La, hang Vân và các điểm di tích lịch sử đền Trình, đền suối Tiên, phim trường Kong: Skull Island, hành cung Vũ Lâm. Phần hội là biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian ở hai bên dòng sông trong suốt hành trình rước.
Các hang động tiêu biểu
Hang Địa Linh: dài khoảng 1500m và là hang đầu tiên trong cuộc hành trình xuất phát từ bến thuyền sông Sào Khê tham quan tuyến số 1. Hang còn có tên là hang Châu Báu vì khi vào đây du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho báu của những nhũ đá hóa thạch. Ra khỏi cửa hang là một khung cảnh sơn thủy hữu tình của mây trời, núi non và sông nước.[28] Hang dài 260 m với nhiều nhũ đá rủ xuống kì ảo.
Hang Nấu Rượu: Trong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua
Hang nấu rượu Tràng An
Hang Ba Giọt: có nhiều nhũ đá với đủ màu sắc xuất hiện. Có loại gọi là cây bụt mọc xuyên từ trần ngược xuống. Điểm đặc biệt là các nhũ đá ở hang Ba Giọt không khô như những hang trước mà ướt đẫm và tiếp tục biến hình, hình thành nên những hình dáng, sắc thái mới…
Hang Sính, hang Si và hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trầm mình ở hang Si. Tương truyền ai đi qua hang Ba Giọt mà đón được ba giọt nước từ nhũ đá nhỏ vào lòng bàn tay sẽ may mắn trong cuộc đời và hạnh phúc trong tình yêu.
Hang Bói: là một di chỉ khảo cổ học có giá trị trong quần thể di sản thế giới Tràng An. Lối vào hang sâu thăm thẳm, rậm rạp với nhiều loài cây mọc ken dày, ánh nắng không thể chiếu xuống đất được nên con đường đầy rêu và thảm lá cây. Hang Bói được phát hiện năm 2002. Lúc đó lòng hang có nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật và một vài mảnh tước, bằng chứng cho thấy dấu ấn người tiền sử thuộc Văn hóa Hòa Bình sớm cách ngày nay khoảng một vạn năm. Các nhà nghiên cứu thống nhất đặt tên hang Bói vì nó ở trong khu thung Bói gắn với truyền thuyết vua quan Nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây.
Từ năm 2007, khu này đã được các nhà cổ sinh, địa chất, khảo cổ của Việt Nam và Đại học Tổng hợp Cambridge- Anh quốc nghiên cứu khảo sát. Hố thám sát và cửa hang được rào kín bằng lưới sắt. Di chỉ khảo cổ học hang Bói gồm hai phần: hang trên rộng khoảng 200m2, hang dưới rộng 150m2. Từ cửa hang, phải cầm đèn pin lần theo cầu thang sắt cheo leo đi xuống.
Nhiều cột đá, măng đá lấp lánh như kim tuyến. Các nhà khoa học cho rằng nơi đây có dấu ấn người tiền sử cách nay 5.000 đến 30.000 năm. Nguồn thức ăn chính của người tiền sử là ốc núi, thủy sản sông suối, rùa núi, cua đá, chim thú nhỏ, các loại củ, quả, hạt… Chỗ ở của họ là hang đá, mái đá. Giới khoa học nhận định, dưới đáy hang có thể là một dòng sông cổ.
Phim trường ‘Kong: Skull Island’
Phim trường ‘Kong: Skull Island’
Bối cảnh phim trường làng thổ dân trong phim Kong: Skull Island nằm tại khu du lịch Tràng An đã mở cửa cho du khách tham quan từ ngày 15/4/2017.
Phim trường làng thổ dân được phục đựng với diện tích khoảng 10 hecta, gồm 36 túp lều chóp nhọn cùng sự tham gia của hơn 50 người đóng vai thổ dân. Đây là mô hình do ban quản lý sinh thái Tràng An và Doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện.
Kong: Skull Island là bộ phim bom tấn của Mỹ được bấm máy vào năm 2016 với nhiều cảnh quay tại các danh thắng của Việt Nam như: Quần thể di sản thế giới Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình). Kong: Skull Island đã trở thành ông vua kỷ lục phòng vé Việt Nam khi nó đã xô đổ mọi kỷ lục trước đó để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở đây.
Thời điểm du lịch Tràng An
Thời điểm đẹp nhất để đi Tràng An chính là vào tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Vì ở thời gian này, thời tiết không quá lạnh, trời trong xanh và ít mưa nên thuận lợi cho việc ngồi trên thuyền và tham quan các danh thắng. Mùa này cũng là mùa có rất nhiều lễ hội diễn ra tại đây, có thể kết hợp tham quan với việc tham gia các lễ hội hay đi chùa cầu an.
Tháng 7-9 là mùa lúa chín ở Tràng An, đối với những ai mê việc đi thuyền và ngắm những cánh đồng lúa chín vàng thì không thể bỏ qua thời điểm này.Tháng 6 thời tiết hơi oi bức nhưng trời lại trong xanh và ít mưa, thêm nữa đây là thời điểm mùa sen nở rộ, cũng rất hợp cho việc tham quan.
Hướng dẫn đi tới Tràng An
Đường bộ
Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, có 9 quốc lộ (trong đó có 6 quốc lộ khởi đầu và 3 quốc lộ đi qua) dàn đều trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên phương tiện thuận lợi nhất để đến với Ninh Bình chính là thông qua hệ thống giao thông đường bộ.
Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Do TP Ninh Bình cũng nằm ngay sát trên trục QL1A nên ngoài các tuyến xe này, các bạn có thể sử dụng bất cứ một tuyến xe nào khác từ Hà Nội đi vào các tỉnh miền Trung hay miền Nam (hãy lựa chọn các tuyến xe Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… vì các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục).
Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm TP Ninh Bình, từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.
Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL1A cũ qua Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình – Thanh Hóa. Chú ý là tránh không đi nhầm sang phía hướng Nam Định – Thái Bình để đỡ vòng vèo.
Đường sắt
Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.
Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22 để đến Quần Thể danh thắng Tràng An.
Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.
Từ Ninh Bình đi Tràng An
Tràng An chỉ cách trung tâm Tp Ninh Bình khoảng 7km (từ bến xe Ninh Bình khoảng 7km, từ ga Ninh Bình khoảng 8km), khá gần nên các bạn có thể thuê xe máy tại Ninh Bình nếu muốn tự đi, nếu không thì đi xe ôm hoặc taxi. Với những bạn đi bằng phương tiện cá nhân từ Hà Nội, khi bắt đầu vào đến trung tâm TP Ninh Bình các bạn để ý bên tay phải có đường Tràng An, rẽ vào và đi thẳng khoảng vài km là tới.
Hành trình của du khách
Hiện nay, Du khách đến Tràng An thường tham gia 3 Tour – tuyến du lịch bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ và một tour du lịch leo núi.
Tour du lịch đường thủy
Phương tiện đi lại duy nhất ở Tràng An là thuyền, và tất nhiên là bạn cũng không thể tự mang thuyền vào để chèo được. Khi vào cổng, bạn mua vé tham quan là đã bao hồm tiền thuyền ở trong đó. Một thuyền chở 6 người, và nhất định là phải đủ 6 người mới đi. Nếu trong trường hợp nào đó mà bạn muốn đi thuyền riêng, bạn chỉ cần mua đủ 6 vé là được. Trước kia ở đây thuyền chỉ đi theo 1 lộ trình, tuy nhiên kể từ sau khi quay xong bộ phim Kong, một lộ trình thứ 2 đã được đưa thêm vào để du khách có thể lựa chọn.
So với các khu du lịch lân cận có nét tương đồng như Tam Cốc – Bích Động chủ yếu là hình thức du lịch trên sông; khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là du thuyền trên đầm sinh thái thì hang động Tràng An có nét đặc trưng riêng biệt là hình thức du thuyền trên các thung nước tạo bởi nhiều vách núi đá được nối thông nhau bằng những hang nước mà không phải quay ngược lại.
Bến Thuyền Tràng An
Bến thuyền là nơi khởi đầu cho một chuyến du ngoạn bằng thuyền để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Tràng An. Vào mùa lễ hội đầu năm, nơi đây trên bến dưới thuyền vô cùng tấp nập. Từng chiếc thuyền nhỏ sẽ đưa du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, tham quan các di tích lịch sử trong quần thể danh thắng Tràng An.
Bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An, qua các điểm du lịch:
– Tuyến 1: Trung tâm du khách– Bến thuyền – Đền Trình – Hang Tối – Hang Sáng – Hang Nấu Rượu – Đền Trần – Hang Ba Giọt – Hang Seo – Hang Sơn Dương – Phủ Khống – Chùa Báo Hiếu – Hang Khống – Hang Trần – Hang Quy Hậu – Trung tâm du khách (thời gian 3,5 tiếng)
– Tuyến 2: Trung tâm du khách – Hang Lấm – Hang Vạng – Hang Thánh Trượt – Đền Suối Tiên – Hang Đại – Hành Cung Vũ Lâm – Phim trường Kong (làng thổ dân) – Trung tâm du khách (thời gian 2,5 tiếng).
– Tuyến 3: Trung tâm du khách – Đền Trình – Hang Mây – Suối Tiên – Hang Địa Linh – Hang Đại – Hành Cung Vũ Lâm – phim trường Kong (làng thổ dân) – Trung tâm du khách (thời gian 3 tiếng).
Tour du lịch đường bộ
Tuyến du lịch đường bộ có chiều dài 1,6 km, du khách sẽ đi bộ qua 3 quèn vào đền Trần. Tuyến này bắt đầu từ bến Cây Bàng, du khách sẽ đi bộ, leo núi qua ba đèo liền nhau. Đèo thứ nhất là đèo Cậy có độ cao so với mặt nước khoảng 60m. Đèo thứ hai là đèo Vài. Và đèo thứ ba là đèo đền Trần.
Đền Trần Tràng An
Hiện nay, đường leo núi này đã được xây các bậc đá rộng. Trên đường đến đền Trần đã dựng 7 chiếc lầu bằng gỗ lim hình bát giác làm nơi nghỉ chân cho du khách khi leo núi. Sự hòa quyện của cỏ cây, mây nước như tạo nên một sự hài hòa, đa sắc của Tràng An. Trước khung cảnh “Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”, du khách sẽ có cảm giác như thời gian đang ngưng lại. Đắm chìm vào vẻ đẹp của thiên nhiên tươi xanh và quên đi những muộn phiền, lo toan của cuộc sống thường nhật.
Lưu trú tại Tràng An
Hiện nay, đường leo núi này đã được xây các bậc đá rộng. Trên đường đến đền Trần đã dựng 7 chiếc lầu bằng gỗ lim hình bát giác làm nơi nghỉ chân cho du khách khi leo núi. Sự hòa quyện của cỏ cây, mây nước như tạo nên một sự hài hòa, đa sắc của Tràng An. Trước khung cảnh “Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”, du khách sẽ có cảm giác như thời gian đang ngưng lại. Đắm chìm vào vẻ đẹp của thiên nhiên tươi xanh và quên đi những muộn phiền, lo toan của cuộc sống thường nhật.
Nghỉ tại thành phố Ninh Bình
Quần Thể danh thắng Tràng An cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 7km, các bạn nên lựa chọn nghỉ tại thành phố Ninh Bình để có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm khách sạn, nhà nghỉ phù hợp. Từ đây, chỉ mất khoảng 15-20 phút di chuyển là tới bến thuyền Tràng An nên không quá bất tiện.
Homestay ở Tràng An
Nếu không thích di chuyển xa và muốn tận hưởng cuộc sống giữa bốn bề là thiên nhiên tươi đẹp, các bạn có thể cân nhắc việc lựa chọn ở trong một số homestay ngay gần Tràng An.
Du lịch Tràng An nên ăn gì?
Cơm cháy Ninh Bình
Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.
Thịt dê núi Ninh Bình
Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.
Ốc núi Ninh Bình
Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.
Quà lưu niệm, đặc sản mua về làm quà du lịch Tràng An
Ngay trong Quần Thể danh thắng Tràng An có rất nhiều gian hàng bày bán các mặt hàng lưu niệm với đủ chủng loại và giá cả cho bạn chọn lựa. Thường được ưa chuộng nhất là những đồ lưu niệm thủ công làm bằng cói (túi xách, thố, giày dép,…)
Cơm cháy và rượu Kim Sơn cũng là đặc sản khá nổi tiếng thường được mua về làm quà biếu.
Một số lưu ý
Khu du lịch sinh Thái Tràng An rất rộng và hành trình tham quan kéo dài, nếu đi vào mùa nắng, bạn nên trang bị thêm nón lá và kem chống nắng, còn đi vào mua mưa thì một chiếc áo mưa mỏng là điều vô cùng cần thiết để không làm gián đoạn chuyến tham quan của bạn. Ngoài ra bạn nên mang theo nước uống nữa nhé. Và khi tham quan ở Tràng An, nếu muốn dừng lại chụ hình thì bạn hãy trao đổi với người lái đò, họ sẽ dừng cho mình chụp.
Với những nét đẹp tiềm ẩn, Tràng An được mệnh danh là “nàng thơ” của vùng đất Ninh Bình và là điểm đến làm say lòng giới trẻ trong thời gian gần đây. Nếu vẫn còn đang phân vân kiếm địa điểm du lịch và chưa biết đi đâu thì đừng bỏ qua Quần Thể danh thắng Tràng An tuyệt đẹp này nha. Hi vọng bạn sẽ có một chuyến đi thật đáng nhớ.