Quan tâm đời sống văn học, nghệ thuật

Trong thời gian qua, đời sống văn học, nghệ thuật tỉnh An Giang về căn bản vẫn duy trì được sự ổn định và phát triển. Hằng năm, với sự lao động bền bỉ, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, vẫn có nhiều sáng tác mới xuất hiện.

Các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã phản ánh hiện thực đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới có những đột phá, sáng tạo trong tư tưởng, nghệ thuật, thể hiện một cách sâu sắc, hiện thực được phản ánh với cách nhìn chân thực. Ở một số tác phẩm như văn, thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kịch, sân khấu… đã chỉ ra những giá trị mới của đất nước, con người Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng; đồng thời, nêu rõ những cái xấu, cái ác, những tiêu cực trong đời sống xã hội, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, cái xấu, cái suy thoái… đang diễn ra hiện nay.

Tác phẩm văn học, nghệ thuật với lợi thế của nó, đã phản ánh các giá trị tốt đẹp về nhân cách, lối sống cũng như việc phơi bày lối sống suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lý tưởng… thông qua các hình tượng văn học, nghệ thuật cũng là một khía cạnh quan trọng, góp phần giáo dục con người và định hướng xã hội. Tuy nhiên, trong hoạt động văn học, nghệ thuật cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, nhiều vấn đề rất đáng quan tâm trong lĩnh vực này.

Một số địa phương còn coi nhẹ, chưa xác định đúng vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật trong văn hóa, chưa coi trọng văn nghệ sĩ như là một bộ phận quan trọng của trí thức. Đảng ta luôn khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm xã hội của lực lượng văn nghệ sĩ trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Văn học nghệ thuật là tinh hoa, cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam mới. Trong khi đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa đánh giá đúng các giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật; thậm chí cá biệt có hiện tượng áp đặt tư tưởng nội dung các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Một số chính sách đến nay còn chậm được thể chế hóa dành cho văn nghệ sĩ. Vai trò phản biện của trí thức văn nghệ sĩ trong các hoạt động văn học, nghệ thuật, trong đời sống xã hội ít được các cơ quan quản lý nhà nước coi trọng, quan tâm; một số công trình kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa dân gian, các giá trị âm nhạc truyền thống… vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các hội.

Quá trình hội nhập và phát triển trước ảnh hưởng của những khuynh hướng nghệ thuật từ nước ngoài đối với giới trẻ và công chúng, đặc biệt là trong bối cảnh truyền thông phát triển rộng rãi và phổ cập tới mọi người dân như hiện nay, đã có tác động không nhỏ tới một số ngành nghệ thuật truyền thống. Trong đó, sân khấu tuồng, cải lương, hát bội và nhiều loại hình văn hóa dân gian khác vừa bị mai một vừa bị biến tướng; nhiều di sản văn hóa chưa được quan tâm trùng tu, tôn tạo; văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số cũng thiếu sự quan tâm đúng mức… Báo chí văn học, nghệ thuật trong nhiều năm nay dường như chưa có sự đầu tư thích đáng, nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về mặt tư tưởng, nghệ thuật ít đến được với công chúng, bạn đọc…

Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay, các thế lực thù địch, chống phá vẫn luôn lợi dụng văn học, nghệ thuật để tấn công vào quan điểm đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi dụng tự do dân chủ, những kẻ xấu luôn tận dụng những văn nghệ sĩ có quan điểm sai trái, lệch lạc để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và những thành tựu của đất nước, của tỉnh trước những khó khăn, thách thức của đời sống.

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình hội nhập và phát triển, các thế lực thù địch, cơ hội, chống phá cách mạng luôn tìm mọi cách len chân vào từng đối tượng văn nghệ sĩ, hòng phá vỡ mặt trận văn nghệ bằng nhiều hình thức tinh vi như trao các giải thưởng, tiền bạc, lợi dụng các diễn dàn trao đổi mang tính học thuật, nghiệp vụ để công kích, kích động, phủ nhận các giá trị truyền thống của nền văn học, nghệ thuật dân tộc.

Do vậy, các tổ chức hội văn học, nghệ thuật trong tỉnh cũng cần đổi mới về phương thức hoạt động, chống hành chính hóa các tổ chức hội, đề cao tính chuyên nghiệp hóa; hội phải là mái nhà chung tập hợp các văn nghệ sĩ, phát huy tài năng sáng tạo của từng cá nhân, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển. Việc đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ cũng cần phải lưu tâm và tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất. Mỗi văn nghệ sĩ cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, đổi mới tư duy của chính mình khi tiếp cận hiện thực của đất nước, lịch sử của dân tộc ở thời kỳ thông tin được rộng mở.

Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 22-4-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đại hội các hội văn học, nghệ thuật cấp huyện và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh An Giang, với tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Trách nhiệm’’, vì sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật dân tộc và đây cũng là dịp tiếp tục động viên, khích lệ văn nghệ sĩ tỉnh nhà sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Đăng Giai
(Ảnh: La Lam)