Quan tâm chăm lo đời sống cho người có công

Quan tâm chăm lo đời sống cho người có công

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều người con TP Thanh Hóa đã mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ hoặc để lại một phần máu xương nơi chiến trường ác liệt. Để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh, bằng trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, TP Thanh Hóa đã và đang chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công (NCC) ngày càng tốt hơn.

Quan tâm chăm lo đời sống cho người có côngLãnh đạo phường Đông Sơn thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn phường.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, TP Thanh Hóa luôn tự hào là nơi đã đóng góp nhiều sức người, sức của. Hiện nay, thành phố có 7.865 người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Trong đó, người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945 có 4 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là 4 người; thân nhân liệt sĩ 1.404 người; Mẹ Việt Nam Anh hùng 6 người; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân 5 người; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 3.504 người; bệnh binh 1.058 người; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ là 1.655 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày 76 người; người phục vụ thương, bệnh binh, chất độc hóa học 81% trở lên, Mẹ Việt Nam Anh hùng là 149 người.

Để chăm lo đời sống cho NCC, TP Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi NCC với cách mạng để người dân biết, kê khai thủ tục hồ sơ theo quy định và tham gia giám sát việc thực hiện. Đặc biệt, thành phố đã làm tốt công tác tiếp nhận, xét duyệt, xác nhận hồ sơ của các đối tượng chưa được hưởng trợ cấp để giúp NCC không phải chịu thiệt thòi. Ngay sau khi các phường, xã nhận được đơn của NCC đề nghị thụ hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi, UBND các phường, xã triển khai rà soát hồ sơ theo quy định và tổ chức hội nghị xét đối với từng trường hợp cụ thể. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, các phường, xã sẽ thông báo cho NCC được biết. Đối với trường hợp đủ điều kiện, các phường, xã sẽ lập tờ trình kèm theo biên bản họp xét và hồ sơ đề nghị UBND thành phố xem xét. Sau khi kiểm tra, xét duyệt, UBND thành phố đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và các cơ quan cấp trên xem xét giải quyết.

Công tác phối hợp tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng được thành phố quan tâm thực hiện. Sau khi có văn bản của Sở LĐTB&XH về rà soát, bổ sung chứng cứ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Phòng LĐTB&XH thành phố phối hợp với UBND các phường, xã thông báo cho các đối tượng đang hưởng trợ cấp bổ sung thêm chứng cứ chứng minh đã tham gia kháng chiến tại chiến trường B, C, K để tiếp tục được hưởng trợ cấp. Đối với những đối tượng có thời gian công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 1-8-1961 đến 30-4-1975 tại chiến trường B, C, K mà không còn chứng cứ, các phường, xã hướng dẫn các đối tượng làm đơn xin giải mã phiên hiệu đơn vị, có xác nhận của UBND phường, xã gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để giải mã phiên hiệu đơn vị. Với sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố và các phường, xã, cơ bản các đối tượng đã bổ sung được chứng cứ nên số hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ cao. Hiện nay, tổng số người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 1.655 người, trong đó trực tiếp là 1.227 người, gián tiếp là 428 người.

Ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với NCC, những năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội từ thành phố đến phường, xã đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, nhà ở xuống cấp… Công tác chăm sóc sức khỏe cho NCC cũng được thành phố thực hiện chu đáo. Hằng năm, các phường, xã rà soát, lập danh sách NCC còn đủ sức khỏe cho đi nghỉ dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng NCC của tỉnh. Việc cấp thẻ BHYT cho NCC cũng được thực hiện kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho NCC. Cùng với chăm lo đời sống vật chất, TP Thanh Hóa cũng luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của NCC. Nhân các ngày lễ, tết, ngoài những phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các phường, xã đều tổ chức các đoàn đến thăm, trao tặng những phần quà ý nghĩa và ân cần thăm hỏi đời sống, bệnh tật của NCC, động viên họ vượt qua nỗi đau thân thể tiếp tục sống có ích cho gia đình và xã hội.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ, thành phố và các xã, phường sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm, tặng quà cho NCC, tổ chức lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng; dâng hoa, dâng hương tại Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã, Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng và Tượng đài Thanh niên xung phong. Đặc biệt, năm nay thành phố sẽ tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng NCC tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác chăm sóc NCC và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Với sự quan tâm chu đáo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến phường, xã, đến nay TP Thanh Hóa không còn gia đình chính sách là hộ nghèo, cận nghèo; tất cả các gia đình NCC đều có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Để phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng đem lại hiệu quả thiết thực, TP Thanh Hóa tiếp tục làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, để truyền thống tốt đẹp của dân tộc mãi mãi được gìn giữ và phát huy.

Bài và ảnh: Thu Vui