Quản lý nhập khẩu và Việt hóa phim truyền hình phát sóng trên VTV3

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc nhập khẩu và Việt hóa phim đã trở nên phổ
biến ở Việt Nam. Phim truyền hình được nhập khẩu bản quyền và phóng tác/chuyển thể
lại gần đây đã rất thành công, mang lại giá trị nhất định cho công chúng và đội ngũ sản
xuất phim trong nước. Với Việt Nam, việc nhập khẩu bản quyền và Việt hóa phim đã giúp
đội ngũ sản xuất trong nước có thêm những bài học, trải nghiệm tốt hơn trong nghề. Bài
viết tập trung làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý
nhập khẩu và Việt hóa phim truyền hình phát trên VTV3 giai đoạn 2015 – 2020.

Phim việt hóa “Người phán xử” tạo được rating rất cao trên VTV

Nhập khẩu để học hỏi

Dù Việt hóa các kịch bản được nhập khẩu bản quyền từ nước ngoài có giá thành cao hơn kịch bản được sáng tạo trong nước, VTV vẫn chọn cách phát triển phim truyền hình Việt Nam bằng cách nhập khẩu và Việt hóa phim bắt đầu từ năm 2013.

Nhưng ngay sau 2-5 năm, VTV đã trưởng thành và cho ra một loạt các phim thuần Việt được khán giả đón nhận không thua gì những kịch bản được Việt hóa tại Việt Nam. Đó là dấu hiệu đáng mừng và cho thấy cách phát triển phim Việt trong bối cảnh mới là đúng. Năm 2017 có thể được xem là năm đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của phim truyền hình Việt Nam. Sau thành công của phim Việt hóa: Người phán xử; Sống chung với mẹ chồng…

Chúng ta đã biết cách tự tạo ra những câu chuyện hay, biết cách xử lý tình huống và sắp xếp bố cục phim chặt chẽ và logic hơn với sự thành công của loạt phim thuần Việt như: Quỳnh Búp bê; Về nhà đi con; Hoa hồng trên ngực trái… Lượng rating lần lượt đạt 11.5; 14.15 và 11.5 tại thị trường Hà Nội. Những phim thuần Việt này đã tạo ra hiệu ứng tốt không thua gì so với những phim đã mua bản quyền từ nước ngoài về.

Để có một bộ phim truyền hình hay trên kịch bản nước ngoài, Việt hóa là yếu tố quan trọng nhất. Kịch bản phim sau khi nhập khẩu cần phải trải qua quá trình thay đổi, điều chỉnh cả về nội dung và hình thức nhằm xử lý sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam với những nền văn hóa khác. Trên thực tế và trong nghiên cứu, công chúng đã hoàn toàn không để ý đến yếu tố phim họ đang xem, được mua kịch bản nước ngoài hay không. Có thể nói, những bộ phim truyền hình được Việt hóa trên VTV3 đang thực sự thành công, khiến người Việt yêu phim Việt, yêu văn hóa Việt và đất nước Việt Nam qua những thước phim đẹp.

NSND Lan Hương đã tạo được thành công lớn cho bộ phim Việt hóa “Sống chung với mẹ chồng”

Kết quả khảo sát từ thực tế

Thứ nhất, phim nhập khẩu và phim phóng tác từ kịch bản được nhập khẩu bản quyền chiếm hơn 70% lượng phim phát sóng trên VTV3.

Số lượng phim nhập khẩu phát trên VTV3 giai đoạn 2015 – 2020 chiếm tỷ trọng lớn, áp đảo phim thuần Việt. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 phim nước ngoài nguyên bản chiếm tỷ lệ lớn nhất lên tới 68.49%, tỷ lệ mua bản quyền kịch bản phim phóng tác/chuyển thể lại (remake) chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn 5.02%, tỷ lệ phim thuần Việt chiếm 26.48%. Phần lớn phim truyền hình được nhập khẩu đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á, thể hiện ở tỷ trọng các phim nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tới 87.33%. Đặc biệt Hàn Quốc là quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nền điện ảnh của Việt Nam trong giai đoạn này.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lớn nhập khẩu phim Hàn Quốc trong giai đoạn này bắt nguồn từ làn sóng Hallyu. Trong nhiều nghiên cứu về làn sóng Hallyu cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia được Hàn Quốc giới thiệu sớm nhất và được mến mộ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, theo điều tra khảo sát của Đỗ Nam Liên về “Văn hóa nghe – nhìn và giới trẻ” được thực hiện năm 2005 cho thấy, có tới 71% công chúng Việt Nam yêu thích phim điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc, tỷ lệ cao hơn hẳn so với điện ảnh và phim truyền hình của các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.

Ngoài sức ảnh hưởng theo xu hướng phát triển của làn sóng Hallyu trên toàn thế giới, lý do phim Hàn Quốc được nhiều người Việt Nam yêu thích do bản chất văn hóa hai nước Việt – Hàn khá gần gũi, có nhiều nét tương đồng. Những ứng xử trong gia đình, trong tình yêu đôi lứa, những văn hóa ăn uống, sinh hoạt, làm việc… tất cả đều khiến khán giả Việt Nam thấy gần gũi và dễ tiếp nhận hơn các phim đến từ nước khác.

Thứ hai, Việt hóa luôn là vấn đề then chốt. VTV3 chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung của từng tập phát sóng. Theo kết quả nghiên cứu, đài truyền hình và nhà sản xuất phim đã làm rất tốt khâu Việt hóa kịch bản phim. Thời gian gần đây phim Việt hóa đã thu hút được sự quan tâm của khán giả. Phim Việt hóa ngày càng chỉn chu và hoàn thiện hơn, các sản phẩm tạo ra vẫn là phim truyền hình mang đậm văn hóa, ứng xử của người Việt, khán giả sẽ thấy yêu phim Việt hơn, từ đó yêu hơn văn hóa Việt, góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc.

Nếu khâu Việt hóa không được quan tâm chú trọng mà chỉ đơn thuần mua bản quyền và sao chép hoàn toàn nội dung chỉ thay diễn viên bằng diễn viên nước sở tại, đó là phim sao chép. Điều này khiến đội ngũ sản xuất mất dần đi tính sáng tạo. Thậm chí có tính ỉ lại và phụ thuộc những thứ có sẵn.

Trong thực tế, phim Hậu duệ mặt trời là một ví dụ điển hình của sự thất bại khâu Việt hóa. Khán giả toàn châu Á đón nhận nồng nhiệt giúp Hậu duệ mặt trời trở thành bộ phim thành công nhất Hàn Quốc năm 2016 với tỷ lệ khán giả cao nhất là 38,8%.

Bộ phim đã nhận được nhiều giải thưởng truyền hình, được vinh danh là chương trình phổ biến nhất trong năm bởi Korea Broadcasting Advertising Corporation và được ghi nhận cho sự gia tăng của khách du lịch đến Hàn Quốc… nhưng khi được Việt Nam nhập khẩu bản quyền kịch bản và Việt hóa, phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt bị đánh giá thất bại vì sự dập khuôn trong khâu Việt hóa, giống phiên bản gốc đến từng góc máy, thiếu sự sáng tạo và vô lý trong xử lý kịch bản phim.

Như vậy có thể thấy, kịch bản dù có thành công và nổi tiếng trên thế giới đến đâu, nếu khâu Việt hóa không tốt vẫn dẫn đến sự thất bại, gây lãng phí tài chính và ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam và sự tiếp nhận của công chúng. Trách nhiệm không chỉ ở nhà đài mà còn là trách nhiệm trong khâu quản lý của Nhà nước nói chung.

Phim việt hóa “Nhà trọ Balanha”

Một số vấn đề đặt ra

Một là, tác động lớn đến văn hóa. Truyền hình là một trong những phương tiện truyền thông hiệu quả nhất. Mỗi giờ phát sóng của truyền hình có thể có từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu người theo dõi.

Theo nghiên cứu có 6 khung giờ phát phim truyền hình nguyên bản, chưa kể khung giờ phát lại và có khung giờ phát hai tập liền; trong khi đó chỉ có ba khung giờ phát phim Việt. Như vậy thời lượng chiếu phim nước ngoài nguyên bản nhiều hơn phim Việt. Chưa kể có một lượng lớn khá giả mua tài khoản xem phim trên các không gian mạng khác nhau như Netflix, FPT Play… những trang mạng này chứa một lượng lớn phim truyền hình nguyên bản nước ngoài.

Do vậy, nguy cơ tác động văn hóa rất cao. Tác động văn hóa thể hiện rõ nhất trong thời gian qua phải kể đến đó là sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc, khi quốc gia này luôn chiếm tỷ trọng lớn trong việc nhập khẩu phim truyền hình. Trong giai đoạn từ 2015 – 2020 tỷ lệ nhập khẩu nguyên bản phim Hàn Quốc chiếm hơn 50% phim nhập khẩu.

Thông qua các bộ phim truyền hình Hàn Quốc: Ẩm thực, thời trang, phong cách Hàn Quốc đã lan vào những nếp sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam. Nếu như cách đây khoảng 20 năm, rất ít người biết về kim chi hay rượu sochu, Bibimbap… thì ngày nay để tìm được một nhà hàng Hàn Quốc thật quá dễ dàng.

Để bắt chước thần tượng nhiều cô gái trẻ Việt Nam đến thẩm mỹ viện để phẫu thuật cho giống thần tượng trên phim, bất chấp hậu quả. Hay rất nhiều đôi uyên ương rủ nhau đi chụp ảnh cưới theo phong cách Hàn Quốc, mặc trang phục Hanbok truyền thống của người Hàn Quốc thay vì chọn áo dài Việt Nam. Không riêng gì giới trẻ, thông qua những bộ phim truyền hình các bà, các mẹ, các cô cũng mê mẩn với thời trang, mỹ phẩm Hàn Quốc, đó là cơ hội tốt để sản phẩm Hàn Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Có thể thấy sự xâm lấn văn hóa không chỉ đơn thuần làm xói mòn văn hóa truyền thống mà nó còn tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Sự xuất hiện các mặt hàng “Made in Korea” với số lượng lớn như hiện nay tạo sức cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa, thậm chí lấn át hàng nội địa. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc giao thoa giữa các luồng văn hóa là điều không tránh khỏi, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những tác động tích cực thông qua những bộ phim Hàn Quốc mang lại như tính nhân văn, giàu tình cảm về những mối quan hệ xã hội, gia đình. Tuy nhiên, sự xâm nhập quá ồ ạt cũng tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn. Văn hóa là biểu tượng của một quốc gia, nó tích tụ nhiều nội dung tín ngưỡng, đạo đức, tình cảm dân tộc. Nếu ngay cả văn hóa truyền thống của mỗi công dân biến mất, làm sao chúng ta có thể nói đến việc kế thừa và phát huy.

Hai là, chi phí tăng cao. Kết quả phỏng vấn sâu lãnh đạo phòng sản xuất và truyền thông của VFC – Trung tâm sản xuất phim của VTV cho thấy, chi phí mua kịch bản phim nước ngoài trung bình khoảng 1000USD/tập – 5000USD/tập, trong khi chi phí mua kịch bản trong nước chỉ từ 10 triệu – 15 triệu/tập. Vậy tại sao nhà đài vẫn chọn giải pháp nhập khẩu trong khi chi phí nhập khẩu cao như vậy? Đặc biệt việc nhập khẩu ồ ạt dễ làm mất đi tính sáng tạo của đội ngũ biên kịch trong nước?

Ngoài ra, để lấp đầy sóng khi nguồn phim Việt trong nước không thể đáp ứng nhu cầu phát hàng ngày, mỗi năm số lượng phim Việt sản xuất chưa tới 10 phim. Số lượng kịch bản hay trong nước hạn chế, đội ngũ biên kịch giỏi trong nước không nhiều, chính vì vậy việc nhập khẩu phim là yếu tố tất yếu không thể tránh khỏi.

Phim thuần Việt đang ngày càng có chỗ đứng trong lòng khán giả

Đi tìm giải pháp

Chúng ta phải tăng lượng phim thuần Việt, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Để nâng cao chất lượng phim truyền hình nói chung và phim Việt hóa nói riêng tác giả đưa ra ba giải pháp: (1) Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi; (2) Đầu tư kỹ thuật và công nghệ; (3) Đưa ra chính sách phù hợp.

Về đào tạo nguồn nhân lực. Mỗi tác phẩm là một công trình tập thể nên quá trình sáng tạo cần người có chuyên môn tốt ở các khâu. Nhưng công tác đào tạo chính quy ngành này hiện chỉ tập trung vào những vị trí chính như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim…

Các trường đại học chuyên ngành đào tạo chưa đầy đủ các hạng mục quan trọng trong làm phim, ví dụ như vị trí người sản xuất, kỹ xảo hay đạo diễn hành động, hậu cần, đạo cụ, phục trang… trong khi phim là sự kết hợp của rất nhiều thành phần, một khâu yếu kém cũng ảnh hưởng đến chất lượng cả một bộ phim.

Ngoài ra, bên cạnh việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong nước, nhất là các sinh viên trong trường Sân khấu Điện ảnh, Nhà nước cũng cần cử người đi học nước ngoài nhiều hơn, có nhiều quỹ để hỗ trợ các thế hệ sinh viên ra nước ngoài học chuyên ngành điện ảnh. Ngành nào cũng khuyến khích đi học, chất lượng chuyên môn của các hạng mục sẽ đồng đều hơn đối với việc sản xuất phim. Trong một phim mà chất lượng chuyên môn các khâu không đồng đều thì chất lượng phim đương nhiên sẽ bất ổn.

Về kỹ thuật và công nghệ. Ngoài yếu tố nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, yếu tố kỹ thuật và công nghệ cũng đóng một vai trò quan trọng đối với thành công của một bộ phim. Với một người từng có cơ hội làm việc chung với phía Hàn Quốc trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn, NSND Trọng Trinh chia sẻ: “Trong bộ phim Tuổi thanh xuân, để phù hợp với việc phát sóng ở Hàn Quốc, các thiết bị sử dụng cho phim đều phải đồng bộ với thiết bị bên đó. Thiết bị mới, các quay phim, kỹ thuật viên đều được đào tạo đồng bộ luôn cùng thiết bị. Chính việc đầu tư thiết bị, kỹ thuật song song với nhân lực này đã góp phần tạo ra những bộ phim hay và đẹp về mặt hình ảnh. Kĩ thuật quay 4K và kĩ thuật thu âm trực tiếp cũng lần đầu tiên được áp dụng quay cho phim này tại Việt Nam”.

Đưa ra chính sách phù hợp. Theo báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số chính sách cụ thể. Chính sách hỗ trợ còn chung chung. Dự thảo luật cũng chưa đổi mới mạnh mẽ về mục tiêu phát triển điện ảnh. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ rất quan trọng.

Do vậy, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, đất đai, đặc biệt về thuế… Các quốc gia khác trên thế giới cũng ưu tiên phát triển điện ảnh bằng công cụ thuế, bao gồm giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ thuế từ 18 – 25%, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, New Zealand…

NGUYỄN THỊ HUYỀN


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ko Seong Yeon (2016). Hành trình sáng tạo của CJ, Người dịch: Nhung Hoàng, NXB Tri Thức.
2. Quốc hội (2013). Luật Điện ảnh 2013.
3. Đỗ Nam Liên (2005). Văn hóa nghe – nhìn và giới trẻ. Nxb Khoa học xã hội Hà Nội
4. Minh Khuê (2017). “Hậu duệ mặt trời” Việt chữa lỗi bằng dòng chữ “hư cấu” (2018). https://nld.com.vn
5. Vương Tâm (2013). Giới trẻ Việt và cuộc “xâm lược văn hóa” của Hàn Quốc. Báo Tri thức
6. Hương Nhu (2021). Phát triển công nghiệp điện ảnh: Phải đổ móng rồi mới xây nhà. Phunuonline.com.vn
7. Tuyết Loan và Minh Duy (2022). Phim truyền hình Việt: sự chuyển mình mạnh mẽ. Nhandan.vn