Quá trình hình thành và phát triển
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính thuộc Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, thực hiện các lĩnh vực: Giao thông, thuỷ lợi; Kiến trúc và Bưu điện. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Câu nói giản dị của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Giao thông vận tải (GTVT) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác GTVT trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này. Năm 2015, Ngành GTVT Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (28/8/1945 – 28/8/2015). Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể tự hào rằng,lịch sử hình thành, phát triển và trưởng thành của Ngành GTVT, lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân, lao động của Ngành đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Ngành GTVT đã không chỉ cùng quân dân cả nước ngăn bước tiến quân thù mà còn xây dựng nhiều tuyến đường phục vụ kịp thời vận chuyển quân, lương cho các chiến dịch; thiết lập các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt các miền Bắc – Trung – Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 và Chiến thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có phần đóng góp to lớn của những con đường, những cây cầu và những đơn vị vận tải, giao liên của Ngành GTVT. Đường qua miền Tây Bắc cho xe, pháo tới Điện Biên Phủ, đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ vượt dãy Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh trên biển chính là những bản hùng ca bất hủ về chiến công của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Ngành GTVT Việt Nam.
Có thể nói, các cuộc chiến tranh đã viết lên những trang sử hào hùng của Ngành GTVT, cho đến nay cả nước và xã hội đều công nhận về những kết quả đạt được trong 70 năm qua là tiền đề để phát triển sự nghiệp kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cũng chính chiến tranh đã tàn phá nghiêm trọng các kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến sự phát triển lực lượng vận tải và ngành công nghiệp cơ khí GTVT của đất nước. Chính vì vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, công cuộc xây dựng đất nước đặt ra cho Ngành GTVT những nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Một lần nữa, tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm và sự sáng tạo của cán bộ, kỹ sư, công nhân Ngành GTVT đã được phát huy. Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi đất nước bắt đầu công cuộc “đổi mới”, GTVT đã luôn thể hiện vai trò ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, luôn đi trước “mở đường” cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà và cả nước. Các tuyến đường, cây cầu, sân bay, bến cảng…liên tục được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên khắp mọi miền đã tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Mạng lưới đường giao thông nông thôn, đường tới vùng xâu vùng xa cũng cơ bản được hình thành góp phần tích cực công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống nhân dân. Các con đường rộng rãi, êm thuận; nhiều cây cầu mới vượt sông giờ đây đã giúp người dân nhiều địa phương đi lại thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn và an toàn hơn.
Không chỉ tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông, các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Ngành GTVT còn tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vận tải. Việc đi lại của người dân hôm nay đã có sự tham gia phục vụ của rất nhiều loại hình, phương thức vận chuyển, đáp ứng những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Có thể nói, chưa bao giờ người dân đi lại dễ dàng và thuận tiện như ngày nay, bằng các phương thức vận chuyển như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không với các loại phương tiện hiện đại, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao.
Gắn liền với những mốc son lịch sử 70 năm Ngành GTVT Việt Nam với “quá khứ vẻ vang, tương lai tươi sáng”. Ngành GTVT Bình Định cũng từng bước trưởng thành và phát triển. Những năm đầu của chính quyền cách mạng, ở Trung ương thành lập Bộ Giao thông công chính thực hiện các lĩnh vực: Giao thông, Thuỷ lợi, Bưu điện; ở Bình Định thành lập Ty Giao thông công chính cũng thực hiện các nhiệm vụ trên tại địa phương.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (19/12/1946), hưởng ứng chủ trương “Tiêu thổ, kháng chiến” của Chính phủ và Bác Hồ, cán bộ chiến sĩ Ngành GTVT đã nhanh chóng phá cầu, phá đường, đặt chướng ngại vật trên các tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và các tuyến đường dọc, ngang trong tỉnh, tháo dỡ nhiều đoạn đường ray, tà vẹt trên tuyến đường sắt, làm đình trệ các chuyến tàu hoả trên đường sắt chạy qua Bình Định làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Đến khi cần cho việc vận chuyển của ta thì lại huy động nhân lực trong ngành, dân công, bộ đội để sửa chữa, khôi phục lại đường sá, cầu cống đảm bảo giao thông thông suốt. Cùng với việc khai thác, tận dụng đường sắt để phối hợp vận tải bằng cam – nhông ray, xe ngựa, xe đạp thồ, gùi cõng… đã tiếp tế đủ hàng hoá, thuốc men, súng ống đạn dược, nhân tài, vật lực phục vụ cho kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Hiệp định Giơ – ne – vơ được ký kết (1954) đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam – Bắc. Quân và dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh lại bắt đầu một cuộc chiến đấu mới. Sau khi hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc (5/1955), ở miền Nam đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã trắng trợn vi phạm hiệp định, hầu hết các cơ sở cách mạng bị trả thù, bị đánh phá, nhân dân bị kìm kẹp nặng nề. Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, đã phát động và lãnh đạo cao trào đấu tranh cách mạng của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Ở tỉnh Bình Định nhiều xã thuộc 3 huyện miền núi trong tỉnh và toàn huyện An Lão được hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng các cấp được hình thành. Công tác GTVT đòi hỏi rất cấp bách vì vậy đã được Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Ban Cung cấp tiền tuyến tỉnh Bình Định để làm nhiệm vụ, tập trung vận chuyển nhu yếu phẩm, giao liên đưa đón cán bộ, bộ đội, vận chuyển phục vụ chiến đấu, phục vụ sản xuất, đời sống ở các vùng giải phóng…
Chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch bị phá sản, Mỹ vội vã đem quân ồ ạt đổ bộ vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, lúc này nhu cầu về GTVT đỏi hỏi cấp bách hơn nên hệ thống giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam được hình thành đó là hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại làm nhiệm vụ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi của dân tộc ta. Trước đây trên địa bàn tỉnh lực lượng vận tải, làm đường và đảm bảo giao thông chủ yếu là huy động nhân dân. Từ cuối năm 1965 để phục vụ, đáp ứng yêu cầu, kịp thời phục vụ chiến trường ngày càng mở rộng; Tỉnh uỷ quyết định thành lập 2 liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) thường trực là: Liên đội Nguyễn Kim và Liên đội Ngô Mây, với quân số khoảng 300 người và đến cuối năm 1967 để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (mùa xuân năm 1968), số quân đã lên đến 980 người và biên chế thành 4 liên đội thuộc Tổng đội TNXP trực thuộc Ban Giao vận Bình Định, để làm nhiệm vụ mở đường, gùi cõng hàng, lái xe thồ hàng, lái thuyền nan, vận chuyển thương binh, lương thực, thuốc men, vũ khí đạn dược… từ hậu phương ra tiền tuyến.
Tháng 10 năm 1968 do yêu cầu đặt ra đối với công tác GTVT rất to lớn và cấp bách, Tỉnh uỷ Bình Định quyết định thành lập Ban Giao thông vận tải Bình Định, gọi tắt là “Ban Giao vận”, trên cơ sở nòng cốt là tiểu ban hành lang thuộc Hội đồng cung cấp tiền tuyến và Tổng đội TNXP của Tỉnh. Từ đây Ban Giao vận tỉnh Bình Định được giao nhiệm vụ đảm nhiệm mọi công tác xây dựng giao thông, vận chuyển phục vụ chiến đấu ở chiến trường, xây dựng hậu phương vùng giải phóng và đời sống nhân dân. Ngành Giao vận được củng cố xây dựng, phát triển và lớn mạnh không ngừng; từ chỗ chỉ là đảm bảo giao thông, sửa chữa đường sá, cầu cống, vận chuyển bằng gùi cõng, xe đạp thồ, thuyền nan là chính, đã tiến lên làm nhiệm vụ xây dựng mở đường, bắc cầu, xây cống…, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động đi lại dễ dàng trên các tuyến đường như: đường số 5 từ Bồng Sơn đi Cây Muối nối với huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; đường số 4 chạy dọc ven biển huyện Hoài Nhơn; đường Vĩnh Đức xuyên Ân Hữu – Kim Sơn đến Nghĩa Điền (Hoài Ân); nối dài đường số 6 từ Vân Canh vào Mục Thịnh (Phú Yên)…; thành lập Xưởng cơ khí 1/5 để sửa chữa các loại xe ô tô, xe Honda, các loại máy móc, thiết bị thu được của địch; sản xuất dụng cụ cuốc xẻng, dao rựa, xe cải tiến… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mở đường và vận tải phục vụ chiến đấu và sản xuất, đời sống của nhân dân trong vùng giải phóng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngành Giao vận Bình Định đã xây dựng, mở rộng, đảm bảo giao thông trên 11 tuyến đường chính quan trọng gồm: 623km (trong đó có: 337 km đường miền núi và 286 km đường thuộc các huyện đồng bằng, ven biển của tỉnh). Với sự phấn đấu, nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ GTVT, TNXP, dân công hoả tuyến, Ngành GTVT Bình Định đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đáng kể cùng quân, dân trong tỉnh hoàn thành cách mạng giải phóng tỉnh nhà vào ngày 31/3/1975.
Trong điều kiện chiến tranh nhân dân, với sức mạnh tổng hợp toàn dân, có thể nói những thành tích đạt được của Ngành GTVT Bình Định luôn gắn liền với sự đóng góp to lớn của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, các anh hùng, liệt sĩ, của những người đã từng một thời là bộ đội, công binh, TNXP, dân công hoả tuyến và nhân dân đã tham gia trên mặt trận GTVT, mỗi con đường, nhịp cầu, mỗi dòng sông, bến cảng, luồng lạch, cửa biển, nhà ga… đều là nhân chứng lịch sử cho những hành động dũng cảm, kiên cường của các chị, các anh đã không tiếc thân mình vì mục tiêu đảm bảo GTVT thông suốt cho quê hương Bình Định, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sau giải phóng, ngày 11/11/1975, Ty GTVT tỉnh Nghĩa Bình được thành lập (sát nhập 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) và đến tháng 7 năm 1989 thì được tái lập thành Sở GTVT Bình Định. Ngay sau khi thành lập Ngành GTVT đã bắt tay khẩn trương việc hoàn thành sửa chữa, khôi phục tuyến đường sắt thống nhất Bắc – Nam đi qua tỉnh chỉ trong 8 tháng. Đồng thời, xây dựng mới hàng ngàn Km đường giao thông, hàng trăm chiếc cầu bê tông cốt thép nối liền các địa phương trong tỉnh. Sau Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới: “xác định GTVT là trung tâm của kết cấu hạ tầng, phải được phát triển mạnh mẽ để tạo điều kiện cho các ngành, cho nền kinh tế – xã hội phát triển”. Chính sách hội nhập, mở cửa, tăng cường quan hệ quốc tế, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài… Đó chính là cơ hội tạo điều kiện để Ngành GTVT Bình Định được đầu tư nhiều nguồn vốn và thiết bị, công nghệ mới, đẩy mạnh thực hiện thi công các công trình giao thông quan trọng. Từ năm 1986 đến năm 2005, Ngành GTVT Bình Định đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, từng bước vươn lên, trưởng thành về mọi mặt, đã thực sự đổi mới toàn diện về khoa học công nghệ, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất như: thi công móng cầu lớn bằng cọc ống đường kính lớn, cọc khoan nhồi, vữa dâng; dùng bấc thấm xử lý nền đường đất yếu; sản xuất dầm bê tông dự ứng lực khẩu độ lớn và dầm thép các loại; thi công cầu nhịp lớn (120m) dầm hộp bằng công nghệ đúc hẫng; đưa vào sử dụng trạm trộn bê tông nhựa nóng xây dựng mặt đường ô tô cấp cao… Nhiều công trình giao thông quan trọng có ý nghĩa chính trị, kinh tế – xã hội to lớn được xây dựng như: đường Quy Nhơn – Sông Cầu (nay là đường Quốc lộ 1D); tuyến cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội, tuyến đường ven biển Nhơn Hội-Tam Quan, cầu An Lão, Sông Vố, An Xuyên, Ngã Hai, Định Bình, Kiên Mỹ… Công trình đường lên thuỷ điện Vĩnh Sơn; đoạn Quốc lộ 19 (từ ngã ba Cầu Gành – Cảng Quy Nhơn); đường Diêu Trì – Mục Thịnh; đường Bảo tàng Quang Trung; đường Tây tỉnh nối liền các huyện phía Bắc và Nam tỉnh thông qua các huyện phía Tây tỉnh; các tuyến đường lên các huyện miền núi; đường đến các khu dân cư, khu kinh tế mới, đường GTNT, giao thông đô thị v.v…
Đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, cùng với nhân dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X, XI của Đảng; Đại hội lần thứ XVII, XVIII tỉnh Đảng bộ về đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh… Ngành GTVT Bình Định đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông trên địa bàn tỉnh trong 10 năm (2005-2015) đạt gần 6.000 tỷ đồng tăng rất nhiều lần so với các thời kỳ trước, nhiều công trình hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng được đưa vào khai thác phát huy hiệu quả góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như: Đường phía Tây tỉnh ĐT.639B (An Nhơn – Hoài Nhơn); Nâng cấp các tuyến đường ĐT629 ( đoạn Km 19 -:- Km31); đường ĐT638, Cầu Núi Thơm; ĐT.636B (Gò Bồi – Lai Nghi); ĐT.636 (Km0- Km11); Quốc lộ 1D đoạn từ ngã ba Phú Tài đến ngã ba Long Vân. Đặc biệt hiện nay đang tập trung thi công xây dựng và hoàn thành các dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh như: dự án QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định; tuyến đường Quốc lộ 19 ( đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1A) và đoạn Quốc lộ 1A đến Gia Lai; Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1D đoạn từ ngã ba Long Vân đến Bến xe liên tỉnh, tuyến đường trục khu kinh tế Nhơn Hội kéo dài đặc biệt là Đường phía Tây tỉnh (639B) đoạn Km130 – Km145 (kết nối các Quốc lộ 19C, Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D và các khu công nghiệp phức hợp Vân Canh, khu công nghiệp Canh Vinh, khu công nghiệp Long Mỹ, khu công nghiệp Phú Tài, khu đô thị Long Vân và Tp Quy Nhơn). Tính đến nay toàn tỉnh đã có 9.437 km đường bộ, bao gồm 308,5 km đường quốc lộ; 455,3 km đường tỉnh lộ; 490,1km đường huyện; 613,4 km đường đô thị, 207km đường chuyên dùng và 7.363 km đường GTNT. Đã phần nào đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Thực tiễn đã chứng minh: nơi nào giao thông thuận tiện, nơi đó kinh tế phát triển, văn hoá mở mang, an ninh trật tự đảm bảo. Do vậy các năm gần đây được các cấp uỷ Đảng và chính quyền chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng, phát triển giao thông nông thôn – miền núi theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; trong những năm qua, nhiều địa phương bằng nỗ lực của mình với ngân sách của địa phương, huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng đường BTXM trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng mới được gần 3.955 km đường BTXM – GTNT, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, đường giao thông đã cơ bản thông suốt đến trung tâm xã – thôn.
Về vận tải: ngay từ ngày thành lập Ngành đã tiếp nhận số phương tiện xe từ Đoàn xe 10 ban Giao vận Trung Trung bộ, xe cải tạo, xe công tư hợp danh với các thành phần kinh tế phát triển khá mạnh. Các năm gần đây các thành phần kinh tế đã tham gia mạnh mẽ vào hoạt động kinh doanh vận tải, các đơn vị đã mạnh dạn mua sắm, đổi mới hàng ngàn ô tô, nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1000 xe vận tải khách, 14.000 xe tải, các xe có tuổi thọ dưới 10 năm là trên 80%, nhìn chung hoạt động vận tải về cơ bản đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa với sản lượng hàng hóa năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời tận dụng lợi thế về cảng, biển để đầu tư đội tàu vận tải ven biển, tàu vận tải viễn dương. Xây dựng bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, Bồng Sơn; các trạm đón trả khách, kho tàng, bến, cảng. Theo số liệu thống kê thì trong vòng 10 năm qua, hoạt động vận tải bình quân tăng 8,8%/năm về tấn hàng hoá; 8,6% về T.Km; 5.3% về hành khách và 7,8% về HK.Km. Tốc độ tăng trưởng nói trên có thể nói là khá cao so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chung 7,5% mà Đảng và Chính phủ đề ra. Điều này cũng có nghĩa là Ngành GTVT đã và đang đóng góp rất tích cực vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước; giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
Về hàng không phát triển khá mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách từ hai đầu của đất nước là Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi đến Bình Định, góp phần thúc đẩy sự phát triển KTXH của Tỉnh. Từ những năm đầu khi quyết định tận dụng sân bay Quân sự Phù Cát để phát triển vận tải đường hàng không dân dụng, khi đó mỗi tuần chỉ có từ 1 đến 2 chuyến ATR72 cất cánh đi Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đến nay tại sân bay Phù Cát, mỗi ngày có 4 chuyến A320 đi thành phố Hồ Chí Minh và 2 chuyến đi Hà Nội; lượng hành khách thông qua cảng là 500.000 HK/năm vượt gần gấp đôi so với công suất thiết kế. Sở Giao thông vận tải đang tích cực phối hợp với Tổng Công ty hàng không Việt Nam,đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát để nâng công suất trên 1,5 triệu HK/năm (mở rộng sân đỗ từ 4 vị trí đỗ lên 7 vị trí đỗ, đường băng và nhà ga hành khách). Mở thêm các đường bay phục vụ du lịch như Quy Nhơn – Huế, Quy Nhơn – Đà Lạt, Quy Nhơn – Cam Ranh; tập trung năm 2018 xây dựng CHK Phù Cát trở thành CHK quốc tế.
Về công tác an toàn giao thông, trong những năm gần đây, Ngành GTVT đã thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu “3 giảm” về TNGT mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đó là giảm về số vụ tai nạn, giảm số người chết và giảm số người bị thương. Để làm được điều này, Ngành GTVT đã tập trung tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ cho người dân, cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xoá bỏ các “điểm đen” dễ gây TNGT; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện, từng bước loại bỏ các phương tiện cũ thay vào đó bằng các phương tiện mới hiện đại, an toàn; đồng thời tăng cường chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe… Đây là kết quả rất đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực không chỉ của Ngành GTVT mà còn của các địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị.
Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, trong đó 30 năm của thời kỳ đổi mới, bằng trí tuệ, sức lực và sự phấn đấu vượt bậc của CBCNVC-LĐ; được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh; của Bộ GTVT, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành, địa phương; Ngành GTVT Bình Định đã gắn bó và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng hăng hái lao động, chiến đấu và không ngừng trưởng thành. Với những công lao to lớn, Ngành GTVT Bình Định đã được Nhà nước tặng thưởng:
- Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ban Giao vận, nay là Sở GTVT Bình Định năm 2005.
- 667 Huân, Huy chương kháng chiến;
- 759 Huân, Huy chương Giải phóng;
- 1.021 Huân, Huy chương Quyết thắng…cho các tập thể và cá nhân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước;
- 02 Huân chương Lao động hạng Nhất;
- 05 Huân chương Lao động hạng Nhì;
- 12 Huân chương Lao động hạng Ba;
- Được Chủ tịch nước tặng cờ “Tỉnh dẫn đầu thi đua” phát triển GTNT-MN năm 2001;
- Thủ tướng Chính phủ tăng 09 cờ thi đua xuất sắc, 19 tập thể và 18 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác trong thời kỳ hoà bình, xây dựng đất nước.
- 265 cá nhân được tặng “Huy chương vì sự nghiệp GTVT”, 348 cá nhân được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp GTVT”.
- 02 tập thể được Bộ GTVT tặng cờ thi đua xuất sắc và 03 tập thể được Bộ GTVT tặng bằng khen về phong trào phát triển GTNT-MN.
Đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, song nhìn chung vẫn hạn chế, hạ tầng giao thông hiện tại chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, chất lượng công trình chưa cao, chất lượng dịch vụ và quản lý giao thông vận tải đô thị, nông thôn còn nhiều vấn đề bất cập; nhận thức và ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông chưa tốt, dẫn đến tai nạn giao thông còn nhiều.
Năm 2015 là một năm hết sức quan trọng của Ngành GTVT, ngoài các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, chuẩn bị chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành GTVT (28/8/1975 – 28/8/2015). Đứng trước thời cơ và thách thức mới, để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) Ngành GTVT xác định mục tiêu là: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chất lượng quản lý giao thông, vận tải, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe; Thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng với tiến độ nhanh, chất lượng cao; Phấn đấu giảm 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương vì TNGT”.
Trước mắt nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong các năm tiếp theo là: Xây dựng dựng hệ thống giao thông tiên tiến hiện đại theo quy hoạch, từng bước hoàn thành việc nâng cấp hệ thống GTNT-MN; thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng giao thông đô thị (nhất là khu đô thị mới Nhơn Hội), các thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp trong tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phương tiện vận tải đường bộ xe ô tô đời mới hiện đại, nâng cấp và phát triển đội tàu vận tải ven biển và vận tải viễn dương, khẩn trương hoàn thành các công trình theo đúng quy hoạch được duyệt, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: dự án tuyến đường Quốc lộ 19 (đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1A); Nâng cấp mở rộng Quộc lộ 1D đoạn từ ngã ba Long Vân đến bến xe khách liên tỉnh, tuyến đường trục khu kinh tế Nhơn Hội kéo dài, Đường phía Tây tỉnh đoạn Km130 – Km145, các tuyến đường lớn đi đến những khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị…nhằm tạo ra thế và lực mới đáp ứng yêu cầu tăng tốc của một tỉnh trọng điểm kinh tế – Miền Trung – Tây Nguyên. Tin tưởng rằng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh; ngành GTVT Bình Định sẽ còn phát huy truyền thống vẻ vang “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo”, giữ phẩm chất trong sáng, lành mạnh trong đội ngũ cán bộ ngành GTVT, khơi dậy và phát triển mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu phát triển giao thông đi trước một bước trong sự nghiệp CNH – HĐH tỉnh nhà.