Quá ngán với phim Việt dở ra rạp

Danh sách “phim thảm họa” ngày càng nối dài

Bộ phim đang chiếu rạp Duyên ma (từ 12.8, do đạo diễn Khánh Toàn – Tâm Nguyễn thực hiện) với diễn xuất của người mẫu Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Phi Phụng, La Thành, Hải Triều… bị khán giả lẫn giới chuyên môn đánh giá là “phim thảm họa” mới của điện ảnh Việt. Phim có phần kịch bản lỏng lẻo, nhiều sạn; lối kể hạn chế; kỹ xảo hình ảnh tệ và diễn xuất nhạt nhòa, gượng gạo. Khâu hóa trang của phim cũng mắc nhiều lỗi về chi tiết, chẳng hạn cảnh các nhân vật tắm sông thuở bé nhưng khuôn mặt vẫn trang điểm kỹ càng… Phim trầy trật doanh thu, sau 15 ngày chiếu chỉ đạt 6,6 tỉ đồng.

ĐPCC

Tựa đề Duyên ma khiến khán giả nhớ đến bộ phim Thái Lan ăn khách Tình người duyên ma (Pee Mak) khi ra mắt năm 2013; thế nhưng chất lượng của bộ phim Việt năm 2022 này có thể nói là “một trời một vực” so với tác phẩm Thái. Duyên ma có cốt truyện đơn giản, nhưng lại thể hiện kiểu “ngớ ngẩn đến mức khó hiểu” vì vướng lỗi logic ở nhiều tình huống. Minh (Kiều Minh Tuấn đóng) bị tai nạn đột ngột qua đời, trở thành hồn ma, tình cờ gặp Ngọc (Ngọc Trinh thủ vai) – cô gái có khả năng nhìn thấy “hồn ma bóng quế” bởi lý do lúc nhỏ bị ma da kéo chân trong lúc tắm sông; và sau thời gian ở chung, Minh và Ngọc dần cảm mến, yêu nhau… Suốt thời lượng 96 phút, nhịp phim diễn ra đều đều, thiếu tình tiết nhấn nhá hoặc cao trào. Chính vì kịch bản nhiều sạn nên khán giả xem phim thấy rõ tâm lý của cả người lẫn ma đều bất ổn, lời thoại theo dạng đấu khẩu, tung hứng thiếu duyên. Chẳng hạn như khi Minh bị một phụ nữ (Lê Giang đóng) chạy xe tông trúng, bà nhắn anh ra đường nhớ xịt dầu thơm vì quá hôi nách; hay cảnh một hồn ma nữ yêu cầu Ngọc đừng đốt vàng mã hay đồ đẹp, hãy đốt băng vệ sinh là đủ (!?). Phần lớn khán giả bày tỏ ý kiến ngán ngẩm khi phim tra tấn khán giả bằng hàng loạt chi tiết hài thô thiển, như cảnh một nhân vật gọi các bạn lại gần để nghe mình đánh rắm giữa sông, cùng các trò xấu tính của những hồn ma khác trong phim.

Trước Duyên ma, khán giả còn bị “choáng váng” hơn với phim Là mây trên bầu trời của ai đó (hợp tác với ê kíp Thái Lan, chiếu rạp Việt từ 22.7), có diễn xuất của NSND Hồng Vân, Ngọc Lan Vy, Trịnh Tú Trung, Lâm Bảo Châu, Hạo Đông, Nhâm Phương Nam, Quỳnh Lý… Phim thu vỏn vẹn 515 triệu đồng và sớm bị cắt suất chiếu. Khán giả chê phim có kịch bản nhạt nhẽo, mô típ cũ kỹ dễ đoán nhưng lại lan man kéo dài không chút kịch tính, đồng thời nữ chính diễn xuất quá đơ, thiếu chiều sâu.

Điều đáng buồn là trong số các phim Việt ra mắt từ đầu năm 2022 đến nay, danh sách phim kém cả nội dung lẫn hình thức lại ngày càng nối dài và tần suất phim dở xuất hiện quá nhiều. Ngoài hai phim kể trên, còn có những phim dưới trung bình như: Mưu kế thượng lưu (đạo diễn Trần Bửu Lộc, chiếu tháng 2), Mến gái miền Tây (của Võ Đăng Khoa, chiếu tháng 3), Qua bển làm chi (đạo diễn Nguyễn Trung Cang, chiếu tháng 4), Ê ông già yêu ha (đạo diễn Trần Thoại Chương, ra rạp tháng 4), Mỹ nhân thần sách (đạo diễn Nguyên Phương, chiếu tháng 4), Những cô vợ hành động (của FapTV, ra rạp tháng 5), Kẻ thứ ba (của Lý Nhã Kỳ, hợp tác VN – Hàn Quốc, chiếu hồi tháng 5), Kẻ đào mồ (đạo diễn Công Hậu, chiếu tháng 7)…

Đừng để khán giả mất niềm tin

Ai cũng hiểu cách duy nhất kéo khán giả đến rạp chiếu sau 2 năm dịch Covid-19 chính là những bộ phim hay, chất lượng tốt. Thế nhưng ngoài những bộ phim dở, thất bại thê thảm doanh thu đã kể trên, rạp chiếu cũng không có nhiều phim Việt hay, chỉ làng nhàng mức trung bình trở lên (mà lại toàn kịch bản của nước ngoài, Việt hóa làm lại) như Dân chơi không sợ con rơi, Chìa khóa trăm tỉ, Nghề siêu dễ… Phim Việt đầu tư lớn về kinh phí như 578: Phát đạn của kẻ điên đã không thu hút được người xem với doanh thu 3,5 tỉ đồng; còn Em và Trịnh hay Trịnh Công Sơn thì gây tranh cãi đa chiều về chất lượng, ồn ào vì những phát ngôn của nguyên bản đời thật, nên doanh thu cả 2 phim này mới đạt xấp xỉ 100 tỉ đồng, trong khi phim ngoại vẫn có doanh thu cao như Minions: Sự trỗi dậy của Gru đạt 198 tỉ đồng khi chiếu rạp Việt hồi cuối tháng 7.

Chính chất lượng phim Việt, từ kịch bản, câu chuyện, cách quay, dựng phim, chỉ đạo của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên… đều đầy bất ổn với những hạt sạn to đùng, đã khiến những hy vọng về sự khởi sắc của điện ảnh Việt trong những năm gần đây bị kéo lùi lại. Không ít khán giả bày tỏ sự nản lòng, mất niềm tin với phim Việt dù trước đó rất ủng hộ các bộ phim mới do các đạo diễn, nhà sản xuất trong nước thực hiện.

“Cứ đà này, nói đến phim Việt chiếu rạp, khán giả sẽ bỏ qua không xem nữa, vì số lượng phim dở quá nhiều đã lấy mất dần niềm tin, kỳ vọng của công chúng. Đừng đổ lỗi tại sao khán giả quay lưng với phim Việt. Bởi cùng một số tiền là 80.000 – 140.000 đồng bỏ ra để thưởng thức điện ảnh tại rạp, thì tại sao không xem phim ngoại với chất lượng tốt hơn, hình ảnh, kỹ xảo hút mắt, mà khán giả chúng tôi cứ mãi chọn xem phim Việt hoài được, khi họ cứ làm cẩu thả dưới chất lượng của một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, kỹ thuật lạc hậu, nội dung thì nhảm xàm…”, khán giả Ngọc Nhi nói.

Một chủ rạp (đề nghị giấu tên) thẳng thắn nêu ý kiến: “Thực tế hiện tại đáng là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của mỗi đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt, làm sao để khán giả không thất vọng, vẫn còn niềm tin đến rạp xem phim Việt. Nhà làm phim phải nên nghiêm khắc chọn lựa giữa việc làm phim dễ dãi, chụp giật hay tử tế, không thể coi thường trình độ thưởng thức của người xem, để phim Việt sẽ ngày một có chất lượng tốt hơn, tránh gây hệ lụy nặng nề cho những phim tốt ra rạp sau đó”.