QUYỀN CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN CỦA CỔ ĐÔNG PHỔ THÔNG TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN – TPLAW

Trong công ty cổ phần, cổ đông được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể:
Điều 110. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.
…”.
Theo đó, quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông phổ thông cũng được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:
Điều 114. Quyền của cổ đông phổ thông
1. Cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:

d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này;
…”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì cổ đông phổ thông được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Tuy nhiên, pháp luật cũng giới hạn quyền chuyển nhượng cổ phần trong hai trường hợp sau:
– Trường hợp thứ nhất, quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập.
Điều 119. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
…”.
Theo quy định này, trong thời hạn 03 năm tính từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cổ đông sáng lập chỉ được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho các cổ đông sáng lập khác. Trường hợp cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập khác trong thời hạn nêu trên thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông và người dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó. Quy định này, áp dụng cho loại cổ phần phổ thông và người muốn chuyển nhượng là cổ đông sáng lập.
– Trường hợp thứ hai, quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể:
“Điều 126. Chuyển nhượng cổ phần
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
…”.
Tại quy định này, đã nêu lại quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và đưa ra một trường hợp khác là khi Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Để áp dụng quy định trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì quy định này phải được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 không nêu rõ áp dụng cho loại cổ phần nào? Như vậy, ngoài áp dụng cho loại cổ phần phổ thông thì cũng có thể áp dụng cho các loại cổ phần khác.
Trên đây là các quy định của pháp luật liên quan đến quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông trong công ty cổ phần. Mọi thắc mắc và/hoặc cần hỗ trợ pháp lý vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn theo thông tin sau: E-mail: [email protected] hoặc Điện thoại: 028. 3831 3123 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.
                                                                                                                            Chuyên viên pháp lý: LÊ VĂN HOÀN