Phương pháp làm bài văn thuyết minh – loigiaihay.com

1. Phương pháp

–   Muốn làm tốt một bài văn thuyết minh, trước hết cần nắm được yêu cầu của bài làm là cung cấp tri thức khách quan, khoa học về đối tượng thuyết minh.

–   Phải quan sát, tìm hiểu kĩ lưỡng, chính xác đối tượng cần thuyết minh, tìm cách trình bày theo trình tự thích hợp sao cho người đọc dễ hiểu.

–   Phải sử dụng ngôn ngữ chính xác, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.

Phương pháp thuyết minh có những thao tác sau đây, tuỳ theo đối tượng được thuyết minh mà lựa chọn sao cho hợp lí:

+ Nêu định nghĩa, giải thích

+ Liệt kê

+ Nêu ví dụ, dùng số liệu

+ So sánh, đối chiếu

+ Phân loại, phân tích

+ Nêu tác dụng, công dụng, lợi hại

2. Ví dụ

a. Bướm và Hoa, Ong và Hoa

Cây thông, tùng, cây sồi, bạch đàn, liễu… không có màu sắc rực rỡ của hoa nhưng ở các cây đó, phấn hoa phát tán trong không khí thành những dám mây mỏng lơ lửng màu vàng nhạt, thoang thoảng mùi hương lan xa. Gió nhẹ đã giúp cho thông, tùng, bạch đàn… thụ phấn, giao phấn một cách dễ dàng.

Hoa không thể thiếu bầy ong. Ong đi tìm mật, tìm phấn hoa. Ở đâu có hoa đẹp, hoa thơm là ong dập dìu bay tới. Hoa cuốc-xi-nen, hoa đậu đũa, hoa đan sâm… đã lôi cuốn đàn ong từ sáng sớm đến xế chiều. Cánh hoa như được phủ đầy nhuỵ hoa; ong bay từ hoa này đến hoa khác để hút mật và hoa được thụ phấn. Lại có loại ruồi bé tí cũng biết thụ phấn cho hoa mộc hương.

Thế giới hoa lan là vương quốc của loài bướm.

Hoa lan là những hoa đẹp đẽ nhất trong muôn nghìn loài hoa. Ở các nước ôn đới, hoa lan được trồng trong các nhà kính và các hoa này giá rất đắt. Ớ các vùng nhiệt đới, hoa lan có hàng trăm, hàng nghìn loài khác nhau, phong phú về hình dáng, rực rỡ ngào ngạt về hương sắc. Nhà thực vật Côn đã từng viết:

“Mỗi loài hoa đều có một kiểu “áo quần” đặc biệt. Trên hoa lan, ta có thể thấy mọi màu sắc từ màu trắng tinh hoặc hồng nhạt tới màu đỏ thắm, vàng tươi và đỏ với những cách kết hợp đặc sắc. Một số hoa lan lốm đốm như da báo, số khác có sọc trông như da hổ, và số thứ ba thì tô vẽ những hình thù kì quái. Một số nằm lẫn trong đám cỏ, số khác lại quấn quanh thân các cây gỗ và đu đưa trên những cành cao nhất.

Một số lan tựa như thè lưỡi đỏ thẫm, ở số khác hoa lại giống như đầu bò có sừng cong, số thứ ba nhìn hệt như một con nhện đáng ghét. Cuối cùng có những hoa lan có hình dạng tương tự như ong đất, ruồi, muỗi. Có hoa tựa hồ lượn lờ trong không khí như những cánh bướm. Có hoa giống như bồ câu trắng hoặc loài chim tí hon ở nước Mĩ có bộ lông sặc sỡ mà ta vần gọi là cô-li-bri”…

Nhưng các nhà thực vật đều biết rằng, mặc dầu lan có muôn màu muôn vẻ, chúng đều có cùng một kiểu thích nghi với sự giao phấn.

Chúng ta hãy dừng lại trên một loại hoa như vậy. Đó là một loài lan ở nước Nga cũng có, gọi là cỏ đồng, nở về đêm. Trên các thân dài của cây có những hoa trắng thơm mọc thành chùm. Mỗi hoa như thế lại có nhụy và nhị, nghĩa là các cơ quan sinh sản bình thường của bất kì hoa nào. Mỗi cặp nhị của hoa trông giống như một cái kim băng và cả hai đều dính trên một mảng mỏng gắn ở đáy hoa. Nhụy và đầu nhụy có hai thùy nằm ở hai bên gốc nhị.

Lúc bướm bay tới, thò vòi vào, và sau khi hút mật rút vòi ra thì ở đầu vòi đã thấy dính hai nhị. Khi bay tới hoa khác, bướm chạm nhị dính trên vòi của nó vào đầu nhụy của hoa thứ hai này và để lại đó các bao phấn. Tất cả điều đó đã tạo điều kiện cho hoa được thụ phấn, thụ tinh và tạo quả.

Ở hoa, mỗi cấu tạo đều thích nghi với việc giao phấn. Đối với sâu bọ cũng vậy, cấu tạo và cách sống của chúng phù hợp với đặc điểm cấu tạo của những hoa mà khi hút mật chúng giúp cho sự thụ phấn diễn ra. Ở ong nhà và ong đất, hàm và chân được cấu tạo hoàn toàn không giống các sâu bọ khác. Bướm không gặm và nghiền thức ăn như các loại bọ cánh cứng, chúng cũng không có lưỡi hoặc châm đốt như ở ong mà có vòi hút dài. Vòi hút của bướm thích nghi trong một chừng mực nhất định với cấu tạo các hoa khác nhau mà chúng thường tới hút mật.

Từ những điều đã nói ở trên, ta thấy quả thực giữa hoa và sâu bọ đã hình thành một quan hệ chặt chẽ: sự sống của nhóm này có liên quan với sự sống của nhóm kia.

Bướm và hoa, ong và bướm… là những chuyện lí thú của sinh giới. Và sự giao phấn bao giờ cũng có lợi cho cây hơn, và chỉ có sâu bọ là giúp cho sự giao phấn đó.

(Theo Những chuyện li thú của sinh giới – v.v. Lun-kê-vic)

b. Chè Cung đình Huế

Xứ Huế có rất nhiều món ngon mang đậm phong vị và đặc trưng riêng, trong đó có chè Cung đình.

Chè Cung đình Huế có đến 36 loại. Mỗi loại có hương vị riêng, màu sắc riêng. Thực khách có thể chọn lựa loại chè mình thích. Người thích cái mùi thơm bùi có thể ăn chè hạt sen; thích sự hài hoà của người Huế thì chọn chè thập cẩm; thích trái cây thì chọn chè các loại trái cây; các cô gái có thể chọn chè bột lọc bọc dừa… thoả thích.

Để nấu được những nồi chè cung đình Huế ngon, không phải ai cũng làm được. Tất cả đều được thực hiện một cách kĩ lưỡng ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Các loại nguyên liệu dùng để nấu chè phải hoàn toàn sạch, tươi và chất lượng tốt. Việc nấu chè cũng phải thực hiện theo từng bước. Phải là người có kinh nghiệm nấu thì chè mới có mùi vị riêng và tỉ lệ vừa nhất. Từng loại chè cũng có những yêu cầu khác nhau. Chè Cung đình Huế chính hiệu có những bí quyết riêng mới tạo ra được món ăn vừa thanh tao vừa sang trọng.

Quán chè Cung đình Huế thường có không gian rộng rãi, thoáng mát. Trong quán những chiếc bàn ghế gỗ nhỏ được sắp xếp thẳng hàng. Trên mỗi bàn để sẵn bình nước lọc và những chiếc li thuỷ tinh trắng.

Ăn chè Cung đình phải ăn ở Huế để vừa “ngậm mà nghe”, mà hiểu ẩm thực, tính cách con người nơi cố đô.

c. Cự Đà – làng Việt cổ bên dòng sông Nhuệ Giang

Cự Đà là một làng cổ thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làng trải dài bên bờ sông Nhuệ, những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền diễn ra tấp nập quanh năm. Thuở ấy, sông Nhuệ còn sâu đến 7-8 mét, thuyền buôn ba lá trọng tải 30-40 tấn ra vào ăn hàng, bốc hàng là chuyện thường.

Cự Đà hiện còn 50 nếp nhà cố mang kiến trúc Bắc Bộ cách nay hơn trăm năm và 25 ngôi nhà còn giữ nguyên kiến trúc Pháp những năm đầu thế ki XX. Qua những phát hiện mới đây của các nhà khảo cổ học từ dấu tích của ngôi mộ gạch thời Bắc thuộc, thì lịch sử thành lập làng Cự Đà không chỉ 800 năm theo như gia phả của một số dòng họ có ghi chép, hay 500 năm theo niên đại cùa chùa Linh Minh Tự, mà có thể làng đã có từ cả nghìn năm trước.

Những ngôi đình, ngôi chùa, những cây cổ thụ, những con đường, đặc biệt 3 cái cống làng và những bức bờ tường,… đã cho thấy sự lâu đời và bền vững của một làng quê. Trước năm 1945, cứ đến giờ giới nghiêm là 3 cái cống làng được đóng chặt lại để “nội bất xuất, ngoại bất nlìập”, lúc nào cũng có tuần phu canh giữ.

Dân Cự Đà ngoài công việc nông tang còn có nghề truyền thống ủ tương, làm miến. Người Cự Đà buôn bán giỏi, đàn bà nổi tiếng đảm đang, tháo vát. Những người làng Cự Đà đi làm ăn xa, buôn bán giỏi vẫn thường đề tên hiệu bắt đầu bằng chữ “Cự” như: Cự Doanh, Cự Phát, Cự Châu, Cự Lộc… với ý thức ngưỡng vọng về quê cha đất tố, tự hào về quê mẹ thân thương, vươn lên tự phú tự cường.

Tuy nằm cách xa trung tâm Hà Nội 25km về phía đông nam, nhưng năm 1937, Cự Đà đã có điện về đến từng nhà. Có thể nói, Cự Đà là làng quê đầu tiên trên đất nước ta đã được điện khí hoá. Năm 1993, khi Cự Đà mới chỉ có 290 nóc nhà, cũng đã được đánh số nhà.