Phụ nữ đối diện với cuộc sống bằng sức mạnh chính mình

pvYt5Y8N.jpgPhóng toĐối diện với cuộc sống và vươn lên, là những thử thách không phải nhỏ với người phụ nữ khi họ được “đặt” quá nhiều trọng trách – Ảnh minh họa

Người đàn ông hay gia đình của họ sẽ là điểm tựa? Hay là chính họ? Hãy lắng nghe sự chia sẻ từ những ý kiến sau đây (*):

Tự chăm sóc bản thân bằng hơi thở

Đại đức Thích Tâm Hải, Tạp chí Văn hóa Phật Giáo đã có những ngụ ý thật giản đơn nhưng rất đáng suy ngẫm: “Người phụ nữ với sự tự chăm sóc bản thân mình, và chỉ qua một yếu tố căn bản mà tôi nghĩ ai cũng có thể làm được, hơi thở, để từ đó có thể phần nào giúp người phụ nữ có được sự thanh bình hơn trong núi áp lực giữa cuộc sống hàng ngày”. Có một mối liên hệ không phải ai cũng nhận ra giữa hơi thở và chất lượng hạnh phúc, chất lượng của đời sống, cái mà ai cũng luôn mong muốn và tìm kiếm cho bằng được.

Thường thì chúng ta thở, nhưng không biết là mình thở. Khi khoẻ, chúng ta thở, như thể hơi thở có “bổn phận và trách nhiệm” trao đổi và cung cấp dưỡng khí nuôi cơ thể. Nó như thể không thuộc về con người, không liên hệ gì mật thiết gì đến trí tuệ và sự làm giàu của chúng ta, không liên hệ gì đến hạnh phúc của chúng ta!…

Đó là một cái nhìn không đúng. Thực ra, mối quan hệ giữa thân và tâm của ta là hết sức mật thiết. Một hôm thôi, khi cái răng nhỏ xíu của bạn bị đau, bị sâu ăn, và việc đó khiến bạn có cảm giác là khó chịu vô cùng, bạn không ăn uống gì được, không có sự bình an để nghe một bản nhạc mà bạn yêu thích… Hạnh phúc của bạn lúc đó có hiện diện không? Chắc chắn là nó đi vắng lúc đó.

“Tôi bận quá, không có đủ thời gian để… thở”. Không ít phụ nữ hiện đại đã nói như thế và cũng có cảm giác như thế. Điều đó tưởng như là hợp lý. Vì người phụ nữ, ngoài các trách nhiệm trong những vai trò xã hội nặng nề đè nặng trên đôi vai nhỏ, họ còn phải gánh thêm hàng núi việc gia đình, những núi việc không tên tuổi. Nhưng thực tế, nếu “không còn thở” thì chúng ta đã… không có gì để bận rộn nữa!

Khi có một vấn đề gì đó, chẳng hạn bạn đang ngồi chờ phỏng vấn việc làm, chỉ có được 30 phút hay thậm chí 10, 5 phút, bạn không nên ôn bài, mà tốt nhất, nên thở thật sâu, nhìn vào hơi thở của mình, biết nó đi đến đâu trong cơ thể, cảm giác nó đi đến các tế bào. Bình tĩnh sẽ ở với bạn ngay lúc đó.

Khi gia đình có một sự xung đột, chẳng hạn, con cái có hành động khiến người mẹ bực mình. Người mẹ rất giận. Một lời nói trong lúc giận có hậu quả thường là rất xấu, cho đối tượng tiếp nhận. Người mẹ tốt sẽ im lặng, nhìn vào hơi thở của mình. Khi nhìn vào, thở đều, sâu và chậm, người mẹ sẽ biết các tế bào trong cơ thể mình đang căng ra, mình đang giận. Thấy đối diện và nhận ra cơn giận, cơn giận sẽ từ từ lắng xuống. Cơn giận lắng đi, người mẹ mới có những lời của người mẹ với con cái được.

Mỗi ngày, dẫu bận rộn thế nào, chúng ta hãy nên để một chút thời gian cho chính mình. 5 phút, 10 phút hay có thể nhiều hơn, tuỳ mỗi người. Ngồi xuống ngay ngắn, ngồi trên ghế cũng được, mắt khép hờ không nhìn vào cái gì khác, đặt sự chú ý vào hơi thở, hãy thở thật sâu và từ từ, để cảm nhận sự sống trong cơ thể mình, một sự sống vô phong phú và tinh vi vô cùng…

Đối diện bằng sức can đảm nội tại

Bà Libby Zinman, Tiến sĩ Tâm lý học người Mỹ thì đưa đến bằng câu chuyện trải nghiệm của chính mình: “Tôi đã trở thành một người phụ nữ thông qua các kinh nghiệm và bằng sự khắc phục những nỗi sợ hãi của tuổi trẻ, một tuổi thơ nhiều đau buồn luôn thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ, tôi đã bị bỏ một mình tự xoay sở với tính khắc nghiệt của những người giúp việc, những người chỉ cho tôi hình phạt thể chất thay cho tình thương yêu”.

Vâng, vấn đề nghiêm trọng nhất mà bà nhận ra đó là tuổi thơ cô đơn. Và rồi khi lập gia đình, sau 16 năm sống trong tình nghĩa vợ chồng, bà mới nhận thức được là bà không và chưa bao giờ thật sự yêu chồng, mà chỉ cần chồng hỗ trợ về mặt tình cảm. Nhưng cuộc hôn nhân ấy cũng đã kết thúc và bà lại tìm về cuộc sống của chính mình và khó khăn nhất là để vượt qua nó. Cuối cùng thì bà cũng đã “trưởng thành”, có được một vị thế XH và sự nể trọng của nhiều người. Song, một lần nữa, bà lại can đảm rời mọi thứ, để sang VN, với một lý do cao nhất: “Tôi đã tìm thấy một nền văn hoá, một cộng đồng và một dân tộc mà tôi thật sự ngưỡng mộ, tôn trọng và cuối cùng là đã học được cách yêu thương” cách đây 6 năm.

Một sự “rời bỏ” có quá liều lĩnh với người phụ nữ không còn trẻ nữa cho mọi sự bắt đầu như bà? “Sự phụ thuộc quá nhiều ở người phụ nữ giống như một căn bệnh. Với tôi, là phụ nữ, đối diện với cuộc sống đồng nghĩa với tìm kiếm một sự an toàn bên trong – khi thoát khỏi sự sợ hãi, nỗi cô đơn và sự bất an của những tháng năm khó khăn trước, phụ thuộc vào người khác và vào một nơi chốn nào đó”, bà chia sẻ.

Và sự quan tâm từ xã hội

Nhưng câu hỏi lớn vẫn xin dành lại cho các phía ban ngành và những chính sách XH khi giải quyết vấn đề bình đẳng giới đến đâu? Thạc sĩ Phát triển Cộng đồng Nguyễn Thị Oanh chia sẻ một câu chuyện: “Vợ chồng chị Xuân và anh Hoà đang sống hoà thuận êm ấm. Anh là kỹ sư, chị là giáo viên ngoại ngữ. Nhờ vốn ngoại ngữ của mình chị được vào làm ở một công ty nước ngoài. Lương của chị bỗng chốc cao hơn lương của anh gấp 3-4 lần.

Sau thời gian dành dụm, chị muốn dành cho chồng một niềm vui bất ngờ. Chị mua thêm một chiếc xe gắn máy để hai người khỏi chở nhau. Tưởng đâu anh mừng nhưng anh đã giận và không động tới chiếc xe đó. Một phần do chị không bàn với anh nhưng chủ yếu là anh tự ái vì mình không còn làm chủ về kinh tế. Từ đó những mâu thuẫn nho nhỏ không tên kéo dài làm chị rất buồn… Vâng, đó là “mặc cảm trụ cột” mà không ít phụ nữ hiện đại ngày nay gặp phải”.

Còn nhiều lắm những hiện tượng bất bình đẳng giới trong XH. Một ví dụ nhỏ có thể thấy là “phong trào “sống thử” trong giới trẻ nổi lên rất mạnh mẽ. Sau khi bao hệ lụy xảy ra, các bạn gái lại tự đặt mình trong thế yếu một cách đáng thương hại…

Có phải tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn rất sâu trong tâm khảm người VN nên giáo dục bình đẳng giới phải bắt đầu trong gia đình khi trẻ còn rất nhỏ? Trong giáo dục chuẩn bị hôn nhân hay giáo dục sức khỏe sinh sản người ta có xu hướng tập trung vào nữ giới. Lẽ ra phải rất chú tâm giáo dục thanh thiếu niên nam biết tôn trọng bạn gái, giữ gìn sức khoẻ sinh sản là trách nhiệm của cả đôi bên.

Phá vỡ tất cả rào cản để người phụ nữ có thể vươn lên giữ nhiều trọng trách trong XH, được bình đẳng giới với người đàn ông mà vẫn làm tốt vai trò một người phụ nữ – cội rễ của một gia đình, hẳn không phải là điều dễ dàng. Trước hết vẫn là sự tự thân vận động, nhưng, bên cạnh đó, còn là sự chung vai từ nhiều phía.

(*) Diễn đàn Người phụ nữ đối diện với cuộc sống do Thời báo Kinh tế VN và Hội Liên hiệp Phụ nữ VN tổ chức.