Phụ nữ bây giờ biết kết hợp truyền thống và hiện đại trong gian bếp
Giáo sư Lê Văn Lan – người dành cả cuộc đời để nghiên cứu nền lịch sử Việt Nam.
* Thưa giáo sư, vì sao nấu nướng luôn gắn liền với vai trò của người phụ nữ? Điều này xuất phát từ sự phân công lao động của xã hội hay xuất phát từ góc độ sinh học?
– Vào những năm 60 của thế kỉ trước, tôi đi khảo cổ ở các hang đá của văn hóa Hòa Bình (một vạn năm tuổi), đã phát hiện một cái bếp cổ có tro than, có những con ốc, mảnh xương. Di chỉ này cho biết cách đây một vạn năm, người nguyên thủy đã có bếp ăn.
Như chúng ta đã biết, cách đây một vạn năm, xã hội người nguyên thủy đang ở chế độ mẫu hệ. Lúc đó người phụ nữ đóng vai trò làm chủ thị tộc. Về mặt sinh lý, họ là người tạo ra cả một thị tộc và đứng đầu thị tộc đó. Từ xưa, người phụ nữ đã nắm vai trò quản lý thức ăn do các thành viên mang về thông qua chế biến, phân phát.
Kết luận là việc bếp núc gắn với phụ nữ từ cả hai yếu tố sinh học lẫn yếu tố xã hội. Đó là sự khởi đầu của một truyền thống ít nhất cũng đã có từ một vạn năm nay ở nước ta và liên tục về sau, khi xã hội chuyển sang chế độ phụ hệ, truyền thống này vẫn được bảo lưu bền bỉ.
Khoảng 2000 – 3000 năm trước công nguyên trở đi, thời Hùng Vương, lúc này người đàn ông đã giành lấy vai trò chính trị, xã hội nhưng vẫn bảo lưu truyền thống phụ nữ quản lý bếp ăn.
Bắt đầu khoảng 2.000 năm trước khi đạo Nho du nhập vào nước ta thì xã hội có những thay đổi căn bản. Nét chính của đạo Nho là bổn phận của người phụ nữ được gói gọn trong “tam tòng, tứ đức”, trong đó lấy “công, dung, ngôn, hạnh” làm đầu. Tức người xưa coi trọng sự đảm đang, khéo léo, tề gia nội trợ của phụ nữ hơn cả.
Đầu thế kỉ 20, người phụ nữ vẫn là người giữ vai trò bếp núc trong gia đình, mà lúc này được gọi bằng một từ mỹ miều hơn là nội trợ. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, xã hội đã có sự thay đổi nhanh chóng, bắt đầu thực hiện khẩu hiệu “Nam nữ bình quyền”.
Xã hội có sự phân công lại trong công việc, vai trò của phụ nữ cũng thay đổi so với trước kia. Họ đảm nhận thêm nhiều vị trí đáng kể trong xã hội và được nể trọng hơn.
* Trong xã hội hiện đại ngày nay, giáo sư đánh giá như thế nào về việc nấu nướng là đặc quyền của phụ nữ?
– Tôi vẫn nghĩ: nấu ăn là thiên chức của phụ nữ. Đó là lĩnh vực thực sự phù hợp với thiên hướng tự nhiên: làm mẹ – chăm sóc con cái của họ. Trong khi chế biến món ăn, người phụ nữ dồn toàn tâm toàn ý vào đấy. Tự thân họ đã hoàn thiện kĩ năng, hoàn thiện con người mình.
Món ăn không chỉ bao hàm sự tính toán thông minh của người nấu, mà còn gói trọn cả thành ý, tâm ý của họ.
Ngày nay, vị thế của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Họ đã tự tin bước ra khỏi “bốn góc nhà, ba góc bếp” với việc nắm giữ các chức vụ quan trọng, ghi lại những dấu ấn và thành tựu nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hôi.
* Giáo sư cảm nhận như thế nào khi người phụ nữ vào bếp nấu ăn?
– Khi phụ nữ nấu ăn là lúc họ rèn luyện được phẩm chất của một người vợ, người mẹ tuyệt vời. Đó là tính kiên nhẫn, quan tâm, yêu thương người khác.
Tôi vẫn nhớ cuộc sống gia đình tôi thời bao cấp khó khăn, bữa cơm chỉ có rau, nhưng vợ tôi luôn cố gắng để có một quả trứng luộc cho bữa ăn thêm ngon.
Đến bữa ăn, cô ấy dùng một sợi tóc cắt quả trứng làm bốn phần và đề ra nguyên tắc người nào phải ăn hết phần của người ấy, không ai được nhường ai (gia đình tôi có hai con).
Về giá trị, vai trò bếp núc như trong gia đình hiện nay cũng đã có sự thay đổi. Người phụ nữ không còn là “người số 1” trong nấu nướng, mà có thể là các thành viên khác trong gia đình.
Thỉnh thoảng gia đình “bình chọn” người nấu nướng giỏi nhất thì tôi luôn được bầu là số 1, con trai là số 2, thứ 3 là mẹ và cô con gái út đứng cuối. Tuy nhiên cả vợ tôi và các thành viên khác vẫn vui vẻ với điều đó.
* Giáo sư là người nấu ăn ngon, phải chăng ông được truyền cảm hứng từ chính mẹ của mình?
– Tôi rất thương và quý mẹ tôi. Bà là người rất sáng tạo, tỉ mỉ trong nấu nướng. Tôi vẫn nhớ nồi cơm tám nhỏ, bà nấu ăn kèm châu chấu rang, thêm một ít lá chanh, hoặc món chả rươi ăn đến đâu biết đến đấy. Món bún thang tôi làm, được nhiều bạn bè khen là tôi học từ mẹ.
Bà dạy tôi nấu nước dùng phải có sá sùng hoặc tôm để có vị ngọt của hải sản. Bún thang chỉ cho rau răm, không cho hành. Nhân ruốc tôm màu hồng phải để ở chính giữa, xung quanh là giò trắng, trứng vàng.
Khi chan phải rưới nước dùng xung quanh bát để không làm trôi nhân. Ăn uống mà cẩn thận thì đúng là một khoa học và chắc chắn là một nghệ thuật.
* Ngày nay gia vị nấu ăn rất đa dạng, tiện dụng và góp phần hỗ trợ đắc lực cho người phụ nữ mỗi khi vào bếp. Theo ông điều này sẽ tác động như thế nào để nấu nướng, ẩm thực?
– Các gia vị mới, kĩ thuật tiện lợi áp dụng cho việc bếp núc là phương thức không chỉ thức thời mà còn nhân văn và nhân ái, góp phần giải phóng sức lao động, cải thiện điều kiện cho người phụ nữ làm bếp núc.
Người phụ nữ với sự sáng tạo và tài năng đã và đang phối hợp giá trị truyền thống và văn minh hiện đại để phát triển kỹ nghệ bếp núc.
* Phụ nữ trong xã hội hiện đại đang đảm nhiệm nhiều vị trí cùng một lúc để chứng tỏ tài năng và bản lĩnh của mình. Theo giáo sư, ông có lời khuyên nào giúp họ sống trọn vẹn hơn?
– Ngày nay, nữ giới đã biết cách tận dụng những trợ thủ đắc lực như gia vị, thực đơn gợi ý để chế biến thực đơn đủ dưỡng, không mất nhiều công sức, thời gian.
Bằng cách đó, phụ nữ có thể tự giải phóng bản thân khỏi áp lực “tề gia nội trợ”, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và đạt được nhiều thành công hơn.
Đồng hành cùng cùng phụ nữ trong xã hội hiện đại, Maggi khơi nguồn cảm hứng giúp họ chinh phục bếp núc, biến nấu nướng trở nên sáng tạo, thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Để thực hiện mục tiêu này, Maggi giới thiệu hàng trăm thực đơn “sáng tạo món quen” nhằm hỗ trợ chị em đơn giản hóa việc chuẩn bị và mang lại hương vị mới lạ cho bữa cơm hằng ngày.
Maggi tin tưởng rằng gian bếp nên là nơi tiếp thêm năng lượng cho người phụ nữ được sống một cách trọn vẹn với niềm đam mê của mình.