Phủ chúa Trịnh dưới thời vua Lê hoạt động như thế nào?
Phủ chúa Trịnh hay phủ liêu, còn được gọi là chính phủ để phân biệt với nội điện của vua Lê.
– Thế tử: Theo lệ, các con của chúa khi lên 7 tuổi thì được ở nhà riêng, đọc sách. Đến 13 tuổi, con trưởng của chúa được mở phủ, phong Thế tử. Riêng Đoan Nam vương do bị cha ghẻ lạnh nên 9 tuổi mới đi học.
Sau khi được nhận kim sách sách phong từ vua Lê, vương Thế tử được gọi là Tiết chế phủ. Cũng như “tiểu triều đình” Đông Cung, Tiết chế phủ là một “tiểu chính phủ”. Theo Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (Samuel Baron), ông có người hầu cận và có quan lại làm việc cho mình với các phẩm hàm tương đương như ở phủ chúa. Vị Tiết chế phủ này hoàn toàn đại diện chúa vào cung chúc tụng vua Lê trong các dịp lễ tết.
Một buổi thiết triều trong phủ chúa Trịnh.
– Nội viện của chúa: Mẹ chúa sẽ được vua Lê sách phong Thái phi, bà nội chúa được sách phong Thái tôn Thái phi. Trường hợp vương phi tiền nhiệm không phải là mẹ chúa mới, các bà sẽ được tôn là “Chính phi”. Chuyện này phát sinh khi chính phi của Hoằng Tổ Dương vương Tạc là Trịnh Thị Ngọc Lung trường thọ, sống qua đời chúa sau là Chiêu Tổ Khang vương Căn, do chính phi không phải mẹ ruột nên chúa Trịnh không có ý tôn làm thái phi, vì thế vẫn giữ mỹ xưng “Quốc thái mẫu chính phi” từ thời kỳ trước, và cũng từ chính phi Ngọc Lung, tôn xưng dạng “quốc mẫu” rất thịnh hành đối với các bà thái phi phủ chúa.
Hậu viện của chúa học theo nội cung: Tam phi, cửu tần, lục chức. Trong đó cửu tần là cao nhất. Như bà Vũ thị – mẹ của Ân vương Doanh có danh vị là Chiêu viên, bà chúa chè Đặng thị trước là Tu dung; sau khi Thịnh vương Sâm hoăng thì bà đã được sách phong Tuyên phi. Bà là chính thất của Thịnh vương, ca dao và tục biên đều xác nhận điều này. Trong Loại chí có nghi lễ sách phong Chiêu nghi viên đó là cung tần phủ chúa.
– Xưng hô: Theo tác giả Samuel Baron, các vương tử được gọi là “ducang”, tức Đức ông. Các quận chúa được gọi là “batua”, tức Bà chúa.
– Đối với anh em: Họ có tước hiệu nhưng theo ông Baron thì tập ấm không đến con cháu của họ. Cũng theo ông: “Chúa chu cấp cho con mình đầy đủ còn anh chị em Chúa đành phải chấp nhận với nguồn thu từ quỹ công mà Chúa ấn định vốn phụ thuộc vào thứ bậc cũng như là họ gần hay họ xa, theo đó bậc thứ tư hoặc thứ năm chẳng còn được ban phát gì nữa”.
– Chị em chúa được sách phong Quận thượng chúa, con gái chúa có tước vị Quận chúa.
– Vào chầu: Theo Lê triều chiếu lệnh thiện chính, vào năm 1631 thời Lê Thần Tông, triều đình quy định ngày các quan đến phủ chúa nghị sự như sau:
Theo quy định, các ngày 2 – 5 – 8 – 11- 14 – 20 – 23 – 26 – 29 âm lịch đều phải tham gia họp bàn chính sự ở phủ chúa. Ai vắng mặt, xử phạt. Đến ngày hầu, sáng sớm các quan văn võ mặc phẩm phục theo quy định trong Lê triều chiếu lệnh thiện chính vào phủ đường. Các quan đi ngựa, kiệu đến chờ trước cửa Diệu Đức. Khi cửa phủ mở, các quan vào theo lối tả hữu Cáp môn. Các quan theo thứ tự vào phủ đường, chia ban văn – võ đứng hầu ở sập của chúa. Còn từ Đô Đốc, Cai Cơ, Cai Đội trở xuống thì vào phủ chúa làm việc hàng ngày.
Chi tiết buổi chầu được Samuel Baron chép lại như sau:
Các quan lại trong Nội Phủ vào chầu chúa vào mỗi buổi sáng. Riêng vua Lê, tiếp kiến quần thần vào mồng một và rằm mỗi tháng. Khi vào chầu, chúa ngồi lộ thiên nhưng khoảng cách khá xa. Binh lính cầm vũ khí đứng trong sân chầu, hoạn quan cũng đứng bên cạnh để chuyển lệnh chúa, đồng thời quỳ tâu câu trả lời của các quan. Thế tử – vị mà theo ông Samuel Baron chỉ vào chầu mỗi tháng một lần đều có cấp dưới chầu chực bên Nội Phủ. Chúa sẽ cho Thế tử biết về nội dung buổi chầu để có quyết sách phù hợp. Và, không lót thì chẳng có vụ kiện nào trơn tru.
Những vị quan đi chân đất vào buổi chầu. Và khi có việc xin tha cho người thân/quen phạm tội, các ông sẽ bỏ mũ ra; lạy bốn lạy trước chúa. Các ông thỉnh cầu chúa tha thứ cho kẻ phạm tội vì những phẩm chất tốt đẹp của họ (???). Tất nhiên, Thiên Nam dư hạ tập trứ danh đã có quy định về lấy tiền đền mạng.
Vào khoảng giờ thìn (7- 9h), chúa bãi chầu. Chỉ có hoạn quan và cung nhân có phòng ở trong phủ. Điều khá lạ là: Chúa là người thừa kế chính thức khi các hoạn quan qua đời. Cha mẹ hoặc người thân của họ chỉ có thể được một ít tài sản theo sự chấp thuận của chúa.
Nguồn:
1. Lê triều chiếu lịnh thiện chính, Nguyễn Sĩ Giác dịch, nhà in Bình Minh, 1961
2. Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Phan Huy Chú, Nxb Giáo Dục, 2007
3. Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, Samuel Baron, Hoàng Anh Tuấn dịch, NXB KH XH, 2019