Phụ cấp y – bác sĩ quá bèo bọt
Tại hội nghị thường niên CLB Giám đốc bệnh viện (BV) các tỉnh phía Bắc vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết chế độ tiền trực của nhân viên y tế được xây dựng từ nhiều năm trước đến nay không còn phù hợp.
Bộ Y tế đã đề nghị sửa mức phụ cấp này để phù hợp với công sức, giúp bác sĩ (BS) nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm công tác.
Không thể cống hiến với “cái bụng rỗng”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS-BS Trương Nguyễn Hoài Linh, Khoa Tim mạch lồng ngực BV Thống Nhất (TP HCM) – người có hơn 27 năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết tổng thu nhập hiện tại của ông cũng chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ông được các BV tư mời gọi với mức thu nhập có thể cao gấp 6-7 lần.
Theo BS Linh, là BS phẫu thuật tim, người mổ chính nhưng phụ cấp tiền cho 1 ca mổ kéo dài 3-5 giờ của ông không quá 300.000 đồng/ca. Tiền mổ mấy ca nhỏ hơn như bướu cổ, cắt u lồng ngực từ 150.000 – 200.000 đồng/ca. Mổ tim hở, thay van tim thì từ 200.000 – 250.000 đồng. Phụ cấp đối với y tá, người phụ mổ còn thấp hơn nhiều. BS Linh cho biết: “Có trường hợp phải đứng mổ từ 23 giờ hôm trước đến 7-8 giờ hôm sau. Không chỉ thời gian đứng mổ lâu mà ê-kíp mổ còn có nguy cơ phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm khá cao”. BS Linh kiến nghị đối với trường hợp phẫu thuật lớn như não, tim, liên quan đến mạng sống của người bệnh thì ê-kíp mổ cần phải được trả tương xứng với công sức.
Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, hiện nay ở nhiều BV tư trả công cho các phẫu thuật viên từ 5-10 triệu đồng/ca mổ và những ca mổ phức tạp còn cao hơn nhiều. Vì vậy, hết giờ hành chính, dù trải qua một ngày căng sức, nhiều BS của BV Việt Đức vẫn phải đi làm bên ngoài để có thêm thu nhập nhưng với điều dưỡng thì không có khoản gì ngoài lương. “Có những đêm trực, BS và điều dưỡng phải thức trắng vì bệnh nhân cấp cứu liên tục, nhiều bệnh nhân diễn biến xấu, trong khi sáng hôm sau BS và điều dưỡng vẫn phải làm, thậm chí không có thời gian cho gia đình” – BS Giang nói.
Chia sẻ về mức thu nhập từ BV, một BS ở BV Bạch Mai cho biết so với thời điểm trước đại dịch COVID-19, thu nhập của ông giảm hơn 50% trong khi công việc thì vất vả hơn rất nhiều do lượng bệnh nhân đông hơn.
Khoa cấp cứu được xem là một trong những khoa “đầu sóng, ngọn gió” tại BV khi thường xuyên tiếp nhận ca bệnh, công việc căng thẳng, áp lực. Một BS trưởng khoa cấp cứu thuộc BV hạng I với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề bày tỏ: “Với học vị BS chuyên khoa II, tương đương với tiến sĩ nhưng tất cả thu nhập cũng chưa đến 20 triệu đồng. Nếu muốn tăng thu nhập phải ra phòng mạch làm thêm trong khi ngoài 50 giờ/tuần làm việc ở BV”.
Một chuyên gia y tế cho rằng việc điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động của ngành y tế theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là rất cần thiết. Bởi không ai có thể cống hiến với “cái bụng rỗng”.
Ê-kíp mổ trong một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCMẢnh: Hải Yến
Cần giải pháp căn cơ
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng việc điều chỉnh phụ cấp về thủ thuật, phẫu thuật, chế độ độc hại, ưu đãi ngành (nếu có) cũng không cải thiện tổng thu nhập do hệ số lương thấp. Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng sắp tới lên 1.800.000 đồng nhưng nhân hệ số lương cũng không vượt quá 10 triệu đồng.
Theo BS Khanh, nếu lương, thu nhập thấp buộc đội ngũ y tế phải lo về kinh tế thì họ không thể tập trung nghiên cứu, khám chữa bệnh. Do vậy cần có giải pháp căn cơ để họ an tâm cống hiến. Bên cạnh đó, hiện các cơ sở y tế được giao tự chủ tài chính, nếu chỉ điều chỉnh hệ số lương tăng thêm mà không điều chỉnh giá viện phí thì khó bảo đảm nguồn thu để vận hành bộ máy đơn vị. BS Khanh phân tích: “Một ca mổ 1-2 giờ hay 7-8 giờ cùng loại đều cùng một mức phụ cấp. Ví dụ, mổ 1 ca ruột thừa, bệnh nhân có BHYT chỉ đóng thêm 1-2 triệu đồng kể cả nằm phòng dịch vụ. Trong khi đó, nếu ở BV tư, với dịch vụ và mổ tương tự, bệnh nhân phải trả khoảng 30 triệu đồng”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dù thời gian đào tạo y – BS dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đến thời gian đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục; thế nhưng chế độ đãi ngộ tiền lương lại không nhiều… Theo quy định hiện nay, BS học xong 6 năm y khoa và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề (gần gấp đôi thời gian đào tạo cử nhân) nhưng lương chỉ khoảng 3,5 triệu đồng, tương đương với các cử nhân; thêm phụ cấp ưu đãi nghề là 40% là gần 4,9 triệu đồng. Tuy nhiên, trừ nộp BHXH, BHYT và các loại phí khác, mức lương BS chưa đến 4 triệu đồng và điều dưỡng chưa đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73 đã hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa thay đổi. Hiện mức phụ cấp trực 24/24 giờ là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng với BV hạng I, hạng đặc biệt. Đối với người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính loại đặc biệt là 280.000 đồng; loại 1 là 120.000 đồng; loại 2 là 65.000 đồng và loại 3 là 50.000 đồng. Đối với người phụ mổ, người phụ gây mê hồi sức hoặc phụ châm tê lần lượt là 200.000 đồng, 90.000 đồng, 50.000 đồng và 30.000 đồng. Đối với người giúp việc cho ca mổ loại đặc biệt 120.000 đồng, loại 1 là 70.000 đồng, loại 2 là 30.000 đồng và loại 3 là 15.000 đồng.
Từ những bất cập về tiền lương và phụ cấp của nhân viên y tế đã quá lạc hậu, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế, cho rằng cần phải điều chỉnh tiền lương, tiền công cho nhân viên y tế theo Nghị quyết 20-NQ/TW. Ngành y tế là một ngành đặc thù, việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng lao động rất đặc biệt nhưng tiền lương chưa tương xứng. “Chúng ta cần phải điều chỉnh bất cập này ngay lập tức. Một BS để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Thời điểm này, họ đã đến 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến. Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300.000 đồng/ngày công cũng có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh” – ông Quang dẫn chứng.
Bất cập về hệ số lương
PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết ngành y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù. Thời gian đào tạo BS kéo dài 6 năm so với các ngành khác chỉ 4 năm. Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành, BS mới được hưởng lương bậc 1. Ở các ngành khác, sau 4 năm đại học, mức lương khởi điểm là 2,34 (bậc 1). Đây là một bất cập. “Với mức lương hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của cuộc sống, rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập” – PGS-TS Phạm Thanh Bình nói.
Hơn 9.300 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc
Bộ trưởng Bộ Y tế từng thừa nhận chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ y tế khu vực công lập nghỉ việc, bỏ việc thời gian vừa qua. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, hơn 9.300 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, 8.620 viên chức y tế các sở y tế tỉnh, thành trực thuộc trung ương; 777 viên chức y tế các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.