Phú Yên: Nữ Thạc sỹ nghiên cứu thành công mô hình nuôi tảo Spirulina

Phú Yên: Nữ Thạc sỹ nghiên cứu thành công mô hình nuôi tảo Spirulina

Mô hình “Nuôi tảo Spirulina bằng nguồn nước khoáng Lạc Sanh kết hợp công nghệ chiếu sáng Led” của Ths. Phạm Thị Ngọc Nga tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Phú Yên lần thứ 9 (2020-2021) được giới chuyên môn đánh giá cao.

Th.S Phạm Thị Ngọc Nga, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) khóa 2005-2009. Phạm Thị Ngọc Nga (34 tuổi) ở Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo (Trường Cao đẳng Công thương miền Trung-Bộ Công Thương) bằng niêm đam mê nghiên cứu sáng tạo khoa học, cô đã thành công mô hình “Nuôi tảo xoắn Spirulina bằng nguồn nước khoáng Lạc Sanh kết hợp công nghệ chiếu sáng Led”

Tảo xoắn Spirulina được ví là siêu thực phẩm xanh, có Protein thực vật, các loại Vitamin và nhiều thành phần khác tốt cho sức khỏe con người…cô Phạm Thị Ngọc Nga, chia sẻ.

Đam mê ý tưởng sáng tạo

Sinh ra và lớn lên ở xã Hoà Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên) cô Phạm Thị Ngọc Nga, tốt nghiệp THPT và thi đỗ và trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh niên khóa (2005-2009) chuyên ngành Công nghệ Sinh học, năm 2017 tốt nghiệp Cao học (Thạc sĩ) trường đại học Khoa học Huế, chuyên ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường

Với hành trang kiến thức được trang bị khi học Đại học và Cao học, cô Phạm Thị Ngọc Nga rất đam mê nghiên cứu sáng tạo lĩnh vực sinh học và môi trường. Từ khi được tuyển dụng công tác ở Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo (Trường Cao đẳng Công thương miền Trung-Bộ Công Thương) có thể nói đây là môi trường tốt để cô thỏa niềm nghiên cứu sáng tạo. Hiện nay, cô Ngọc Nga đã nghiên cứu nuôi tảo xoắn Spirulina bằng công nghệ chiếu sáng Led và làm ra các sản phẩm từ tảo Spirulina ngay chính trên quê hương “ xứ Nẫu” (Phú Yên) của mình.

Qua trao đổi được biết trong quá trình học tập trình học tập, được thầy cô bộ môn giới thiệu về tảo xoắn Spirulina, cô Nga rât ấn tượng về hàm lượng dinh dưỡng cao trong tảo. Tính dược liệu có trong tảo đặc biệt là Phycocyanin và Chlorophyll vừa giúp ngăn ngừa bệnh, vừa có giá trị trong lĩnh vực mỹ phẩm. Từ đó cho nên cô quyết định chọn mô hình nghiên cứu tảo xoắn Spirulina để thực hiện.

Phạm Thị Ngọc Nga chia sẻ: “Thực sự làm mô hình này không dễ vì đầu tư kinh phí và chất xám nhiều, mọi thứ đều mới mẻ vì ở tỉnh Phú Yên chưa có ai làm… nên mình nhìn thấy toàn là khó khăn. Nhưng nếu mình không mạnh dạn làm thì bao giờ có sản phẩm…”

Mong muốn giữ được 100% chất dinh dưỡng của tảo Spirulina, cô Nga bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu giống tảo này rồi dần dà nhận ra mô hình nuôi tảo xoắn Spirulina bằng công nghệ chiếu sáng Led mới có thể bảo đảm được nguồn dinh dưỡng trong tảo còn nguyên vẹn.

Tìm hiểu về quy trình thí nghiệm để phát triển các dạng sản phẩm từ sinh khối tảo xoắn Spirulina, cô Ngọc Nga cho biết: Bước 1: Nhân sinh khối tảo giống Spirulina cấp 2; Bước 2: Tảo giống cấp 2 nuôi cấy trên thành phần dinh dưỡng: Nước khoáng + Môi trường Zarrouk. Thực hiện đầy đủ chế độ chiếu sáng và sục khí cho tảo phát triển tốt. Bước 3: Sau khi nuôi cấy khoảng 10-12 ngày là thu hoạch, sử dụng túi lọc polyester có đường kính mắt lưới 30 micromet để thu tảo, sau khi thu hoạch tiến hành lọc rửa tảo. Thu hoạch tảo tốt nhất là lúc buổi sáng. Đây là thời điểm thu tảo với hàm lường Protein cao nhất. Bước 4: Bảo quản và chế biến sản phẩm tảo Spirulina. Tảo tươi được bảo quản ngăn đông sau khi thu hoạch. Tảo tươi qua công đoạn sấy lạnh thành sản phẩm tảo bột khô (có thời gian bảo quản lâu hơn tảo tươi).

Ths.Phạm Thị Ngọc Nga bên sản phảm tảo

Hướng đến sản phẩm sạch

Khi được hỏi về tương lai để đưa sản phẩm tảo đến với người tiêu dùng, cô Nga cho hay: “Từ trước đến nay, chỉ tập trung nghiên cứu thí nghiệm và cho ra sản phẩm với số lượng còn ít. Với suy nghĩ đơn giản là mang đến cho người dùng một sản phẩm tảo nguyên chất, trọn vẹn dinh dưỡng, Cho nên trong tương lai với sự giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường tôi sẽ tham mưu Trung tâm với chiến lược maketing đưa sản phẩm đến tay người dùng…”

Trước mắt chưa có chiến lược kinh doanh nhưng cô Nga lại nuôi ý tưởng muốn được mở rộng diện tích nuôi tảo để kết hợp du lịch trải nghiệm để có một nơi không chỉ cho du khách tham quan mà còn cho thế hệ trẻ trải nghiệm kích thích đam mê nghiên cứu…sau những ngày nghỉ cuối tuần thay vì chơi game, xem tivi, điện thoại…”, cô Nga tâm sự.

Nuôi trồng tảo một mô hình sản xuất nhiều cái lợi đối với việc bảo vệ môi trường, quá trình quang hợp của tảo sẽ tạo ra được nguồn ôxy và hút bớt các khí thải nhà kính có hại như CO2, hơn nữa việc nuôi trồng tảo không sử dụng nguồn nước nhiều như sản xuất nông nghiệp nên rất thuận lợi, không làm bạc màu đất đai. Chính vì những ưu điểm này mà cô Nga luôn mong muốn nhân rộng mô hình nuôi trồng tảo, vừa là tạo được góp phần cải thiện môi trường của tỉnh nhà.

Cô Nga, khẳng định: “Sản phẩm tảo có thể cho vào nước hoặc đồ ăn, sữa chua, uống với nước và mật o¬ng. Giúp cho các bé chống nhiệt miệng và táo bón. Phụ nữ và nam giới trong tuổi lao động có thể uống thay nước lọc tạo năng lượng cho cơ thể tích cực không cảm thấy mệt mà không sợ béo. Người cao tuổi bổ sung vào bữa ăn hằng ngày để bớt mệt mỏi, đồng thời hỗ trợ điều trị tim mạch, tiểu đường, gan, dạ dày…”

Được biết mô hình “Nuôi tảo Spirulina bằng nguồn nước khoáng Lạc Sanh kết hợp công nghệ chiếu sáng Led” của cô Ngọc Nga đã tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 9 (2020-2021) do UBND tỉnh tổ chức (Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Phú Yên làm Trưởng ban)

Đánh giá về đồng nghiệp, Th.S Võ Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo (Trường Cao đẳng Công thương miền Trung) bộc bạch: “ Th.S Phạm Thị Ngọc Nga, rất nhiệt tình công tác và đam mê nghiên cứu khoa học. Trong quá trình công tác cô Nga, năm 2019 được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương và năm 2020 đạt Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương” ./.

 Tác giải bài viết: Huỳnh Đức Thế (Liên hiệp Hội Phú Yên)