Phú Xuyên: Xứng danh miền quê xanh anh hùng
Hè năm 2018 cũng là mốc tròn 64 năm, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hoàn toàn giải phóng, chấm dứt đêm dài nô lệ cùng cả nước bước vào hòa bình, độc lập và tiếp tục xây dựng nên biết bao nhiêu kỳ tích để hôm nay, sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, Phú Xuyên vẫn xứng danh là “Miền quê xanh anh hùng – Khu đô thị vệ tinh ngàn năm văn vật”…
Cách đây 64 năm (1954 – 2018), huyện Phú Xuyên hoàn toàn được giải phóng, cảm nhận trong tôi về sự khởi đầu một vùng quê: “Chiêm khê, mùa thối/ Sống ngâm da, chết ngâm xương/ Sáu tháng đi bằng chân/ Sáu tháng đi bằng tay”; do biển lùi và sự bồi đắp của phù sa châu thổ sông Hồng hàng vạn năm, nhân dân Phú Xuyên đã đắp đê, khai sông, mương, máng, kênh, rạch để chống lại sự tàn phá của lũ lụt và đào ao, đầm, vượt thổ làm nhà đảm bảo cuộc sống sinh nhai. Qua 4 lần đổi tên Phù Lưu, Phù Vân, Phú Nguyên, Phú Xuyên (nghĩa là giàu có về sông nước, hồ, đầm), sống chung với úng, ngập, người dân phải vật lộn với thiên nhiên để giành giật từng củ khoai, bông lúa, sẵn sàng chấp nhận với mọi khó khăn, vươn lên ăn ở nghĩa tình, ôm ấp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Tác phẩm “Trong nắng” chụp về một làng nghề ở huyện Phú Xuyên. Ảnh: Nguyễn Hoàng Hiển
Qua thăng trầm lịch sử, truyền thuyết về một vị tướng Trung Thành Phổ Tế Đại vương – Thổ Lệnh Trưởng thời Hùng Vương kéo dân binh từ Bạch Hạc (Phú Thọ) về Phú Xuyên lập nghiệp. Dọc sông Nhuệ, sông Lương, sông Cà Lồ, sông Hậu Bành, sông Mang Giang, sông Kim Ngưu, sông Sa… là những dấu tích thời Hùng Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, qua các triều đại (Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Nguyễn) để lại kho di sản văn hóa nổi trội: Trống đồng Hoàng Hạ, di chỉ khảo cổ Đường Cồ, khu Mộ cổ Châu Can, làng khoa bảng Phượng Vũ, làng cổ Cựu Vân Từ, đền Bà Ả Lanh liệt nữ, nhà thờ Phạm Nguyễn Anh Vũ, “Lễ hội Chạy Lợn thờ” Duyên Yết, hò Cửa Đình, múa Bài Bông Phú Nhiêu, hát ca trù Chanh Thôn, hát trống quân Đông Đoài, chèo Tri Trung, vật cầu Thượng Liễu, rước nước Cát Bi… Với trên 102 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng kiến trúc nghệ thuật đời “Trần – Lê – Nguyễn”: Đình Giẽ Thượng, Giẽ Hạ (Phú Yên), đình và miếu Nam Quất (Phong Triều), đình và chùa Tri Chỉ (Tri Trung), đình và chùa Thần Quy, Kim Quy (Minh Tân), chùa Đa Bảo (Tri Thủy), đình Duyên Yết, Duyên Trang, Lạt Dương (Hồng Thái), đình và chùa Cát Bi (Thụy Phú), đền và chùa Thanh Xuyên (Hoàng Long), đình Phượng Vũ (Phượng Dực), đền Bà Ả Lanh (thị trấn Phú Xuyên)… những trò diễn lạ “trải Leo, chèo Bối, rối Lường”, “chuông Trào, trống Chảy, mõ Cổ Châu”, “trai Hồng Thái, gái Vân Từ”, “cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”, “nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba chùa Thần”; những dấu tích và niềm tin truyền thống “Vực Quýt Đường Vàng, Cửa Ải, Ứng Cử, Ứng Thiên, Kẻ Chảy…”; những diễn xướng dân gian độc đáo qua “Đất và người Phú Xuyên”, “Tục ngữ – ca dao Phú Xuyên xưa và nay”, “Văn hoá dân gian Phú Xuyên”, các tập thơ “Sắc xuân Cầu Giẽ” thể hiện rõ những khó khăn “Phú Xuyên đồng trắng nước trong/ Thóc gạo thì ít, rêu rong thì nhiều”, nhưng “Thiêng liêng hai tiếng Phú Xuyên/ Cho ta nguồn cội làm nên tình người”.
Diện mạo đồng làng Chảy sau mười năm Hà Nội hợp nhất, mở rộng.
Mảnh đất địa linh, nhân kiệt, thời nào, đời nào cũng có các nhà khoa bảng, các vị đỗ đạt làm rạng danh cho non sông đất nước: Chu Thịnh tướng thời Hùng Vương giúp Thánh Gióng đánh giặc Ân; quần thể di tích Quang lãng thờ Lục vị Đại Vương có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân; làng khoa bảng “Phượng Dực đăng khoa lục” có 272 người thi đỗ (tiến sỹ, y khoa, thư toán, sinh đồ, tam trường, hương cống); Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ (Cảnh Hiên tiên sinh, người con trai duy nhất của Ức Trai Nguyễn Trãi và Phạm Thị Mẫn), Nguyễn Ngạn ở An Khoái (Phúc Tiến) đỗ Hoàng giáp 1502; Tiến sĩ (Ngô Nho, Bùi Thúc Độ, Nguyễn Trạm, Trần Hán Lễ, Bùi Doàn Hiệp, Bùi Lôi Phủ, Bùi Trí Vĩnh, Đào Bảo…); Nguyễn Tựu (Phượng Dực) đỗ ông Nghè 1541; Đỗ Văn Ái, Đỗ Trọng Đại, Đỗ Văn Quỳnh (Thụy Phú) đỗ ông Nghè; Vũ Duy Vĩ (Châu Can) đỗ Phó bảng 1869, Trần Tán Bình (làng Chảy) đỗ Phó bảng 1895; ông tổ nghề báo Nguyễn Văn Vĩnh (Phượng Dực)…
Ẩm thực dân gian “rượu Vân Trai, giai Bất Nạo, gạo Đồng Bồ, xôi khô Tạ Xá, cá Đồng Vinh”; cháo hến chợ Giẽ, cá rô đầm Sét, cá chép Mang Giang, chả nhái làng Trào; nhiều vùng “Kẻ Chợ” là những trung tâm mậu dịch thương mai “trên bến, dưới thuyền”, buôn bán, giao dịch, trao đổi hàng hóa cổ xưa như: Kẻ Sổ, kẻ Trê, kẻ Trể, kẻ Mè, kẻ Sộp, kẻ Quán, kẻ Dũi, kẻ Khang, kẻ Dực, kẻ Lựu, kẻ Vác, kẻ Kiều, kẻ Nàng, kẻ Đình, kẻ Nguyễn, kẻ Chuôn, kẻ Leo, kẻ Bặt, kẻ Dìm. Hệ thống mạng lưới chợ phong phú: Chợ Lịm, chợ Chảy, chợ Phú Minh, chợ Phú Túc, chợ Đồng Vàng, chợ Chuôn, chợ Tre, chợ Giẽ…
Vùng đất hiếu học làng Ứng Thiên “Em là con gái Ứng Thiên/ Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng/ Bao giờ chiếm được Bảng rồng/ Bõ công gánh nước vun trồng cho rau”; làng Giẽ Hạ có 18 Quận công và họ tộc cụ Trần Văn Huy 5 đời đỗ đại khoa; huyện có 9 vị tướng, có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi. Huyện vinh danh 156 làng nghề truyền thống lần thứ ba, tiêu biểu: Tò he Xuân La Phượng Dực, sơn khảm Chuyên Mỹ, cỏ tế Phú Túc, may mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, thêu ren Đại Đồng, lưới chã Thao Ngoại, mộc cao cấp Văn Nhân, mộc gia dụng Tân Dân, giấy gió Hồng Minh, nón Tri Trung, rau sạch Minh Tân, may màn xuất khẩu Đại Thắng, dệt lụa Quang Trung, cơ kim khí Phú Minh; “Công thành tổ phụ, ân nghĩa bao la” các sản phẩm đã xuất khẩu sang châu Âu, châu Á, châu Mỹ La tinh, Nhật Bản, Đài Loan đã đi vào dân gian, thi ca sâu lắng tạo nên một bản sắc riêng “Cầu Giẽ anh hùng”.
Trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ tổ quốc huyện có 364 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 3881 liệt sĩ, huyện và 6 xã (Hồng Thái, Quang Trung, Quang Lãng, Châu Can, Đại Xuyên, Phú Yên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 4 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…
Sau 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính: Thành phố đã huy động hơn 1.800 tỷ đồng/năm cho khu vực nông thôn tạo cơ sở thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Thu nhập bình quân của huyện từ 7,4 triệu đồng/người/năm, đến nay là 33 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Giá trị sản xuất tăng gấp hơn 4,3 lần; công tác dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tập trung thực hiện tốt; quan tâm phát triển các vùng chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển làng nghề; đầu tư xây dựng cơ bản cũng nhiều thay đổi. An sinh xã hội quan tâm đầu tư, nhân dân được hưởng thụ và rất phấn khởi, nhất là về “điện, đường, trường, trạm”.
Đường điện cao áp không còn bị cắt điện luân phiên, có đường cấp nước sạch, mạng lưới xe bus trợ giá. Huyện đã xóa toàn bộ các phòng học tạm, xây dựng nhiều trường chuẩn quốc gia và trạm y tế xã. Môi trường ngày càng được cải thiện (nhất là ở các làng nghề), đời sống của cán bộ, người dân được nâng cao hơn. Thu nhập của nông dân tăng gần 3 lần. Chính quyền chuyển biến hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên xứng đáng là cửa ngõ phía Nam Thủ đô, là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng…
Suốt 64 năm, kể từ ngày 31/7/1954 Phú Xuyên được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Phú Xuyên đã thay da, đổi thịt một cách sâu sắc về diện mạo, con người, cuộc sống và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực: Cách mạng, đánh giặc, củng cố chính quyền, xây dựng kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội phát triển, an ninh chính trị quốc phòng đảm bảo.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối của Đảng, Nghị quyết của Thành uỷ vào điều kiện của địa phương, đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực, tạo được nhiều điểm nhấn quan trọng; xuất hiện nhiều công dân Thủ đô ưu tú (Lâm Văn Bảng, Nguyễn Thị Vui, Nguyễn Đắc Hải…), xã Châu Can và cá nhân Nguyên Đắc Hải (Chuyên Mỹ) được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; trên 15 năm liên tục huyện giành lá cờ đầu khối (quận, huyện, thị) của tỉnh, thành phố; Đảng bộ và nhân dân Phú Xuyên được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (2014); đặc biệt được phê duyệt quy hoạch tượng đài “Chiến thắng Cầu Giẽ” cửa ngõ của Thủ đô – Một khu đô thị vệ tinh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của Thủ đô ngàn năm văn hiến.