Phú Thọ: Đa dạng giải pháp hỗ trợ và tạo việc làm cho người lao động

Trong thời gian gần đây, Phú Thọ là địa phương có nhiều bứt phá trong công tác giải quyết việc làm với sự tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng của đội ngũ lao động được kết nối việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Xác định giải quyết việc làm là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương, các cấp uỷ, chính quyền tại Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Chịu trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ cả người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình tìm kiếm nhân sự và việc làm để đảm bảo sự suôn sẻ và cân bằng của cán cân cung – cầu lao động, góp phần ổn định thị trường và an sinh xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ) đã có những đóng góp thiết thực cho công tác giải quyết việc làm tại địa phương.

Trên thực tế, hoạt động của Trung tâm trong nửa đầu năm nay đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19 khi phải tạm hoãn các phiên giao dịch việc làm cố định hàng tháng, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn việc làm… Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng như những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm trong việc đa dạng, linh hoạt các hình thức tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm, hoạt động của Trung tâm vẫn diễn ra hiệu quả, hoàn thành những mục tiêu đã đề ra và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.

Trước sự bùng phát và kéo dài dai dẳng của dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác kết nối việc làm. Thông qua những nền tảng số như website, facebook, zalo…, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phỏng vấn tuyển dụng vẫn diễn ra đều đặn, thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm ra những ứng viên tiềm năng và hỗ trợ người lao động lựa chọn, tiếp cận công việc phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân. Bên cạnh việc tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp để thu thập thông tin về những vị trí việc làm còn trống, Trung tâm cũng khai thác nhu cầu tìm việc làm mới của những trường hợp tới làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do, từ đó, xây dựng nên hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú về “việc tìm người”, “người tìm việc” để phục vụ cho hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến. Tính đến tháng 6/2020, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm mới và hỗ trợ học nghề cho gần 10.000 người.

Phú Thọ: Đa dạng giải pháp hỗ trợ và tạo việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

TTDVVL Phú Thọ làm tốt vai trò là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh:TD

Công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, người lao động cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ quan tâm thích đáng. Trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền một số chính sách giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động tại trường THPT Thạch Kiệt, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Yên Lập. Tại đây, những người tham gia không chỉ được phổ biến, cập nhật các chính sách về lao động – việc làm của Nhà nước, của tỉnh mà còn được đội ngũ cán bộ tư vấn của Trung tâm giải đáp những thắc mắc liên quan đến xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Những hội nghị này là cơ hội tốt để những cá nhân sẽ trực tiếp đóng góp sức lao động của mình vào chuỗi sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho xã hội trong tương lai hình thành định hướng nghề nghiệp cho bản thân để kịp thời trang bị những kiến thức, kĩ năng thiết yếu cho hành trình sắp tới.

Song song với việc tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ đã và đang phối hợp hiệu quả với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để triển khai chương trình tín dụng ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm dành cho những tập thể, cá nhân có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với mục tiêu góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ… Nhiều dự án vay vốn phát huy hiệu quả rõ rệt khi giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn bị thu hồi đất, bảo tồn những ngành nghề truyền thống ở các địa phương như nghề mộc, đan lát… hay phát triển những mô hình khởi nghiệp, kích thích tinh thần vượt khó và chủ động của thanh niên. Từ 17 tỉ đồng tiền vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm, trong những tháng đầu năm 2020, đã có 420 lao động tại Phú Thọ được hỗ trợ tạo việc làm mới.

Để cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần thiết thực cho quá trình xoá đói giảm nghèo, công tác xuất khẩu lao động vẫn được Trung tâm đẩy mạnh trong thời gian qua. Dựa trên kết quả điều tra cung – cầu lao động, Trung tâm đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại nước ngoài cùng chính quyền các địa phương tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngoài nước tới các xã, phường, thị trấn; đồng thời hỗ trợ về thủ tục pháp lý, kinh phí, đào tạo ngoại ngữ, kĩ năng, kiến thức văn hoá cho các cá nhân có nhu cầu đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tính đến tháng 6/2020, tại Phú Thọ, đã có 774 người tham gia xuất khẩu lao động.

Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Thọ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả của hoạt động kết nối việc làm để hỗ trợ tích cực cho người lao động và doanh nghiệp, từng bước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục và giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới kinh tế và đời sống của nhân dân địa phương.

Thu Huyền