Phong tục gói bánh chưng ngày Tết: Nét đẹp cổ truyền lưu giữ mãi
Cùng với sự phát triển, đổi thay của đời sống kinh tế – xã hội, nhiều phong tục cổ truyền ngày Tết đã bị mai một, tuy nhiên, tục gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên ngày Tết thì vẫn được nhiều gia đình duy trì.
Trong mâm cỗ đón Xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và gói trong lá dong… Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, tức vào ngày giỗ tổ Vua Hùng. Vì có từ thời Vua Hùng thứ 6, bánh chưng song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết. Những người từng trải qua Tết xưa như những năm 40-50 của thế kỷ về trước, thường nhớ về Tết cổ truyền với những chiếc bánh chưng được chọn lựa cầu kỳ từ chiếc lá dong, hạt nếp cái hoa vàng, đỗ xanh cho tới lạt tre.
Khâu chuẩn bị cho việc gói bánh chưng: Chẻ lạt tre; ngâm nếp thơm theo đúng thời lượng yêu cầu; nấu chín nhân đậu xanh; lựa thịt heo ngon. Gia đình nhiều thế hệ cùng quây quần gói bánh chưng. Các em nhỏ tỏ ra hân hoan khi được xem gói bánh. Bên ngoài xanh lá dong xanh/Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho bầu trời, được Lang Liêu (con trai Hùng Vương thứ 6) làm nên từ những nguyên liệu rất gần gũi với đời sống của người nông dân. Màu xanh lá dong là hình ảnh của cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho hoa trái, thịt lợn đại diện cho muông thú và gạo nếp chính là nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt. Việc gói bánh chưng để thờ cúng tổ tiên cũng mang một thông điệp của con cháu muốn báo cáo với tổ tiên về một năm làm ăn, sản xuất hanh thông, cùng cầu mong cho một năm mới thuận hòa, may mắn. Ngoài ra, phong tục gói bánh chưng ngày Tết còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn khi đây là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau.