Phong tục dán giấy đỏ ngày Tết
Hàng năm cứ đến đầu tháng Chạp, ông Hoàng Văn Tuấn (42 tuổi, Lạng Sơn), là thầy cúng và biết chữ Hán lại được dân bản nhờ viết câu đối và chữ để dán trên bàn thờ tổ tiên.
Ông Hoàng Văn Tuấn cho biết năm nào cũng vậy bước sang tháng Chạp mọi người mang giấy đỏ đến nhà, khách để lại tên tuổi, trình bày nguyện vọng xin chữ. Sở dĩ ông Tuấn được nhiều người nhờ viết câu đối và chữ thờ, bởi ông viết chữ đẹp và là thầy cúng nên được mọi người tin tưởng.
Khi khách đến nhờ thì ông Tuấn nhận giấy đỏ, rồi dựa vào kho sách cổ để viết câu đối và chữ thờ cho khách. Nội dung câu đối thường là những vế đối Hán Việt, còn chữ thờ bao gồm họ của khách, quê quán và những lời chúc năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Sau khi viết xong, ông Tuấn trả lại giấy đã viết chữ cho khách, nhận giấy xong khách biếu thầy cúng một ít tiền để cảm ơn.
Bàn thờ người Tày Nùng được dán giấy đỏ. Ảnh: Viết Trường
Tục dán câu đối và tranh thờ ngày Tết là phong tục cổ truyền của người Việt, câu đối thường được khắc vào gỗ sơn son thếp vàng hoặc viết lên giấy bồi để mỗi năm thay đổi cho mới, cho hợp với gia cảnh từng năm.
Theo sách Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay của Bùi Xuân Mỹ biên soạn thì treo câu đối là lề tục có văn hóa, một lối chơi văn hóa vì nội dung câu đối thường biểu hiện một ý niệm triết lý nhân sinh, hoặc ca ngợi tổ tiên, đề cao đạo lý, nói lên ý tưởng về cuộc sống bình dị của con người. Nội dung câu đối cũng nhằm mục đích cầu mong phúc, lộc, thọ, khang, ninh, hoặc nói lên chí khí, ước vọng đối với đất nước, non sông.
Người Việt truyền thống quan niệm Tết mà không có tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp màu sắc, thiếu sự hỗ trợ và thoải mái về tinh thần. Dân ta thích treo những bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài, đáp ứng những nhu cầu đời thường. Đó là những bức ông Tiến tài và ông Tiến lộc, với mong muốn năm mới tiền của vào nhà nhiều như nước. Có nhà thì dán tranh Vũ Đinh và Thiên Ất, với mong muốn ma quỷ sẽ không dám vào nhà để quấy nhiễu.
Những nhà có học chữ thánh hiền thích chơi tranh bộ như Nhị bình (chim công múa, cá chép trông trăng), Tứ bình (bốn mùa hay bốn tố nữ).
Tranh dán trong nhà vừa để trang trí vừa tăng thêm sắc màu rực rỡ, tươi mới cho ngôi nhà. Hiện nay ở một số địa phương vào dịp Tết người ta vẫn dán câu đối và tranh thờ vào ngày Tết, ngoài ra ở một số địa phương còn dán giấy màu đỏ vào cây cối, các loại đồ dùng, vật dụng trong gia đình.
Người ta dán giấy đỏ vào cây cối với mong muốn mùa xuân chúng sẽ đâm chồi nảy lộc, năm mới bội thu. Dán giấy đỏ vào đồ dùng, vật dụng lao động để đánh thức chúng thức dậy để chuẩn bị cho một mùa vụ sản xuất mới.