Phong tục chơi tranh Tết
Chơi tranh Tết không chỉ là thú vui đơn thuần, còn diễn biến thành phong tục, là nét văn hóa đặc sắc thể hiện thế giới quan của người Việt.
Tranh Tết chính là loại tranh “khu hung nghênh tường” (tống tiễn những cái cũ, xấu (họa) để đón nhận những điều mới mẻ, tốt lành (phúc). Tự bao giờ, dọn dẹp nhà cửa, treo tranh ngày Tết không chỉ là hoạt động trang hoàng nhà cửa đơn thuần, đó còn là một liệu pháp tâm lý, thậm chí mang tính tâm linh của người Việt, nhằm cầu chúc cho một năm mới an lành, thịnh đạt, gia môn hạnh phúc, con cháu đông đàn, người già thì sống lâu, con trẻ khỏe mạnh, gia chủ làm quan thì quan lộ hanh thông, buôn bán thì thuận đường làm ăn, làm nông thì được vụ mùa tươi tốt. Và hơn tất cả, người Việt ưa chuộng hòa bình, luôn mong muốn đất nước thái bình, dân sinh, vật thịnh. Với những nhu cầu tự thân như vậy, dân gian thường tự mua tranh về để treo, dán, trang trí nhà cửa; mua nhiều hay ít tùy vào điều kiện kinh tế, nhưng hầu như nhà nào cũng sắm và treo tranh ngày Tết.
Tranh dân gian Kim Hoàng “Gà”. Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp
Tranh Tết có nhiều thể loại và có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau. Phân loại theo chủ đề, tranh Tết thường có bốn nội dung chính: Tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh minh họa văn hóa lịch sử. Phân loại theo chức năng và vị trí, hình thức sử dụng có thể phân loại theo các dạng tranh dán cửa (tranh Thiên Ất, Vũ Đinh, tranh Tiến tài, Tiến lộc…); tranh bày trí ban thờ Phật, ban thờ tổ tiên (tranh chữ, tranh Hương Chủ, Thổ công, Táo quân, Tổ nghề, Quan Âm, tranh đạo mẫu…) và tranh dán lên tường đơn thuần.
Loại tranh dán tường đơn thuần lại có thể chia làm nhiều thể loại khác là tranh trừ tà, chúc tụng thông qua các hình ảnh súc vật quen thuộc (gà, lợn, cóc, chuột, mèo…); tranh gương luân lý: Vua Thuấn đi cày, Tăng Tử, Diễm Tử, nhị thập tứ hiếu…; tranh lịch sử, anh hùng dân tộc (Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh…); tranh phong tục, giải trí: Các trò chơi dân gian diễn ra trong xóm làng, lễ hội mùa xuân, tranh truyện như xóc đĩa, tổ tôm điếm, bịt mắt bắt dê, đánh đu bắt chạch…; ngoài ra còn có tranh Tết về các chủ đề nghề nghiệp với mong muốn công việc làm ăn phát đạt, ngày càng mở rộng. Các loại tranh này thường có kèm những dòng chữ Hán, Nôm dẫn giải ngụ ý tranh, thậm chí có những tranh lấy chữ làm đối tượng thể hiện.
Ngoài những bản gỗ cổ truyền hoặc lưu giữ có sửa đổi, đến giữa thế kỷ 20 có những cảnh sinh hoạt văn hóa và chính trị của cuộc sống mới (đi học bình dân, ca múa, đón bộ đội về Thủ đô, mừng hòa bình, rước ảnh Bác Hồ…) và đến gần đây, với xu hướng hồi sinh các dòng tranh dân gian, một số nghệ nhân sáng tạo thêm những mẫu tranh mới. Bên cạnh chữ Hán, chữ Nôm, trên tranh còn xuất hiện chữ Quốc ngữ làm mới mẻ thêm chủ đề và hình ảnh tranh dân gian. Tranh Tết thường có màu sắc tươi sáng, gần gũi, thân thuộc với thiên nhiên, cảnh sắc nông thôn Việt Nam: Đỏ như xôi gấc, vàng màu hoa hiên, xanh màu lá cây, nâu như đất ruộng… Đó là những màu sắc thân thuộc in qua nhiều thế hệ thành màu dân tộc.
Nghệ thuật của các dòng tranh do nhiều thế hệ đúc kết và truyền lại, có sự độc đáo riêng biệt theo từng vùng, miền. Một số làng nghề sản xuất tranh Tết nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), làng Sình (Huế). Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất tranh Tết nhỏ cũng được nhắc đến ở Nam Đàn (Nghệ An), Bình Vọng, Nam Dư Thượng, Hàng Quạt (Hà Nội)… Trong đó, làng Đông Hồ còn giữ được cốt cách truyền thống in và vẽ tranh dân gian. Nơi đây cũng còn lưu được nhiều bản gỗ quý thuộc các loại tranh sinh hoạt, tranh lịch sử. Đến nay, một số gia đình vẫn giữ được truyền thống sản xuất tranh. Ở Hà Nội, có loại tranh thờ in đen hoặc vẽ tay tô màu của Hàng Trống, tranh gỗ in nhiều màu của Yên Phụ và một vài gia đình khác. Tiếc rằng đến nay, truyền thống này đã mai một. Dòng tranh Hàng Trống hiện chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên giữ gìn, tiếp nối. Ở Nam Đàn (Nghệ An)-loại in đen tô màu phẩm thông thường-tuy không có nhiều bản gỗ cổ những diễn đạt khá nhuần nhị những đề tài nông thôn. Tuy nhiên đến nay, việc làm tranh Tết ở đây không còn tiếp diễn. Điều tương tự cũng xảy ra ở một số địa phương như Bình Vọng, Nam Dư, Hàng Quạt… Điều đáng mừng là vài năm trở lại đây, làng nghề Kim Hoàng đang được một số mạnh thường quân đầu tư, tìm cách hồi sinh những bức tranh gà, lợn từng vang danh một thời.
Trước những thách thức để tồn tại và phát triển, các nghệ nhân làng tranh dân gian đã tìm cách chuyển mình, đổi mới, sáng tạo thêm những mẫu mới, hồi phục những vốn cổ có giá trị. Dù vậy, cũng cần lưu ý, việc phục hồi vốn cổ, làm giàu và phát huy vốn cổ là cần làm, nhưng không nên và cũng không nhất thiết phát triển vốn dân gian bằng con số cộng đơn giản.
VIỆT HÀ