Phong cảnh miền Tây Nam Bộ –

Miền Tây Nam Bộ đã thu hút rất nhiều du khách bởi vẻ đẹp nơi đây. Vẻ đẹp ấy đến từ những đồng ruộng mênh mông, những cánh đồng bát ngát hay các con sông, kênh rạch chằng chịt đan xen vào nhau, tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp.

Tiền Giang, nét đặc trưng đó là làng nghề thủ công với các cơ sở làm kẹo dừa trải dài dọc theo dòng sông Tiền thơ mộng, hình ảnh những chiếc xuồng ba lá uốn mình theo kênh rạch. Ở Cần Thơ, đó là Chợ Nổi – phương thức họp chợ rất “Nam Bộ” bằng cách tập hợp nhiều chiếc ghe, xuồng đủ mọi kích cỡ trên sông Cái Răng vào mỗi buổi sáng, đây là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng cũng như nhiều mặt hàng đa dạng khác từ món ăn sáng, cà phê… đến cả vé số. Thông thường mỗi chiếc ghe, tàu sẽ có 1 cây bẹo, và mỗi cây bẹo này được treo những thứ cần bán để người mua nhận diện, ví dụ như: treo dưa thì bán dưa, treo bí thì bán bí… 

Nếu như ở Sóc Trăng, nhiều du khách quan tâm chùa Dơi và chùa Bửu Sơn hay còn gọi là chùa Đất Sét, nơi thờ phụng sở hữu cây nến nặng 200kg  đã cháy được 70 năm và những tượng Phật được làm từ đất sét. Điểm dừng chân kế tiếp tại Bạc Liêu sẽ thu hút khách đến tham quan khách sạn Công Tử Bạc Liêu, viếng mộ của Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người đã sáng tác ca khúc bất hủ “Dạ cổ hoài lang”, hay còn được biết đến như là Ông Tổ của làng cải lương Việt Nam. Người đã có những cống hiến đáng kể góp phần giữ gìn, phát huy và làm thay đổi diện mạo ngành nghệ thuật cải lương Việt Nam nói chung cũng như cải lương tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Nằm ở ven biển cực Nam của Việt Nam và thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau – nơi địa đầu Tổ Quốc từ lâu được du khách biết đến bởi dịch vụ khám phá Đất Mũi bằng tàu cao tốc qua sông Cửa Lớn, cồn Ông Trang nổi bật với những cồn cát được cây mắm bao phủ một màu xanh tươi mát suốt 52 km đường sông. Đặt chân đến khu vực neo đậu của ghe, thuyền du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy Đài quan sát có độ cao 26 mét, từ trên Đài có thể thu vào tầm mắt bao quát toàn bộ vùng Đất Mũi. Đứng tại chóp Mũi Cà Mau này, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp đặc trưng của biểu trưng của Mũi Cà Mau với hình tượng một con tàu đương rẽ sóng ra khơi. Và chính tại nơi đây, du khách còn được thỏa sức ngắm nhìn mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây.

Có thể nói miền Tây Nam Bộ không chỉ hấp dẫn khách đến bởi cảnh quan, mà còn gieo vào lòng khách đến những tình cảm ngọt ngào từ những giai điệu đờn ca tài tử, câu hò Nam Bộ mượt mà, những giọng ca cải lương được đúc kết từ phong cách phóng khoáng, chân chất của người dân miệt vườn. Ẩm thực nơi đây cũng thu hút du khách với những vườn cây trái ngọt lành, món ăn dân dã đặc trưng như lẩu mắm, ba khía, cua đồng, chuột xào lá cách, gỏi sầu đâu, khô rắn, khô cá, cá lóc nướng trui… những món bánh miền Tây còn khiến du khách nhớ mãi có món bánh Pía, bánh gan, bánh lá mít, bánh tai yến… 

Đến U Minh Hạ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một thảm rừng tràm nguyên sinh được gìn giữ, bảo tồn với hàng trăm loài động – thực vật quý hiếm. Cách đó không xa là khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc với cụm đảo gồm 3 hòn nằm liền kề nhau như hình chữ S và chỉ rộng 6.3ha, cách đất liền 460 mét. Du khách có thể leo lên đỉnh núi nhìn ngắm giếng Tiên, bàn tay Tiên và nghe những câu chuyện huyền thoại về cá Ông cứu nạn ngư dân trên biển. Ngoài ra còn bạn có thể trải nghiệm gác kèo ong rừng U Minh Hạ. Tại đây sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh rừng tràm mênh mông với nhiều dây leo chằn chịt, chuyến hành trình sẽ càng thú vị hơn khi lần đầu tiên bạn được đi vào rừng lấy ong cùng với những người dân địa phương chuyên “ăn ong”.

IMG_0065

Chùa Miên ở Trà Vinh

 

Dongthap (10)

Cánh đồng sen ở Khu sinh thái Tam Nông – Đồng Tháp

Dongthap (15)

Cánh đồng cỏ năn nơi những con chim hạc đầu đỏ di cư đến ở khu sinh thái Tam Nông -Đồng Tháp

 

 

 

hatien (3)

                Nhà thờ Mạc Cửu ở Hà Tiên

 

hatien (39)

      Hòn Phụ tử ở Hà Tiên

 

                Kèo ong ở rừng U Minh