Phong cách thời trang Preppy: Len lỏi từ khuôn viên trường học đến ngôi vương lãnh địa thời trang đương đại – Tạp chí Đẹp
Tạm gác lại xu hướng Y2K đang “làm mưa làm gió” trên khắp các nền tảng mạng xã hội thời gian gần đây bởi còn một xu hướng thời trang khác vẫn nắm giữ ngôi vương trong nhiều năm và hứa hẹn sẽ tiếp tục khuấy đảo địa hạt thời trang trong vài năm tới. Đó chính là phong cách Preppy mang cảm hứng học đường cổ điển và hết mực thanh lịch.
Mấy ai biết được rằng đồng phục học sinh – sinh viên được phối theo phong cách Preppy, trước khi trở thành xu hướng trang phục được các tín đồ thời trang thuộc thế hệ Millennial và Z vô cùng ưa chuộng trong nền văn hóa đại chúng thời thượng hiện nay, lại được xem là loại trang phục gây nhiều phiền toái nhất. Đơn giản vì cảm giác ngột ngạt mà chúng mang lại cho người mặc cũng như bị giới hạn trong một phạm vi quy tắc ăn mặc nhất định bên ngoài khuôn viên trường học, và khó lòng sử dụng cho bất kỳ sự kiện nào khác. Tuy nhiên, giờ đây, giới mộ điệu có thể bắt gặp Preppy ở khắp mọi nơi, từ các BST thời trang của nhiều nhà mốt danh tiếng, ấn phẩm tạp chí thời trang cho đến trang phục của dàn ngôi sao đình đám. Vậy làm thế nào mà đồng phục học đường và phong cách Preppy có thể chiếm giữ vị trí độc tôn trong nền thời trang, tồn tại vững vàng qua nhiều thập kỷ mà không có dấu hiệu suy thoái như vậy?
Preppy – Cái nôi của mọi phong cách thời trang mang cảm hứng học đường
Ý tưởng về đồng phục học đường xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 13 ở các trường học tại Anh quốc. Tuy nhiên, mãi cho đến tận thế kỷ 16, hình dáng nguyên bản của đồng phục như ngày nay mới được hình thành. Khi ấy, học sinh đều được mặc một bộ đồng phục gồm một chiếc áo khoác dài, quần tây màu xanh navy và một chiếc tất dài màu vàng vô cùng trịnh trọng. Còn ở Hoa Kỳ, đồng phục được phổ biến rộng rãi ở các trường tư thục và trường thuộc tổ chức tôn giáo vào những năm 1900, sau đó trải dài đến các trường công lập vào thập niên 80. Tất niên, kiểu cách của đồng phục cũng thay đổi ít nhiều theo chiều dài của thời gian.
Trải qua bao thăng trầm cùng với sự tiến triển của nền thời trang, đồng phục học đường nói riêng và phong cách Preppy nói chung vẫn giữ nguyên tinh thần ban sơ vốn có của nó: thanh lịch, trẻ trung và trung tính (cả nam và nữ đều mặc được). Theo thời gian, Preppy đã đặt nền móng cho sự ra đời của nhiều phong cách thời trang cùng mang cảm hứng học đường điển hình như Ivy League, Beatnik, Academia đương đại (Dark/Light Academia)…
Nếu như trang phục Preppy mang đến một cái nhìn tự do mang hơi hơi hướng thủy quân hơn thì phong cách Ivy League lại vô cùng chững chạc, trang trọng, trong khi Beatnik đề cao sự tối giản, hay các phong cách thuộc thẩm mỹ Academia mang lại một diện mạo cổ điển, tinh tế cho người mặc. Mỗi phong cách đều ẩn chứa tinh thần thời trang riêng để rồi từ đó, các nhà thiết kế lẫy lừng có thể đưa câu chuyện thẩm mỹ của mình vào các thiết kế trang phục.
Hành trình chinh phục lãnh địa thời trang xa xỉ của Preppy
Tuy thoạt đầu đồng phục học đường thường bị gắn mác là trang phục chỉ dành cho những cô cậu “mọt sách” vì quá chỉn chu và trang trọng nhưng các NTK khi ấy đã nhìn nhận chúng như là những viên ngọc thô cần được mài giũa để trở thành những bảo vật đắt giá của nền thời trang sau này. Và quả thật đúng như vậy, đồng phục và phong cách Preppy trở thành nền tảng của địa hạt thời trang hiện nay, mang đến cho các NTK muôn vàn ý tưởng sáng tạo đột phá từ dáng hình cổ điển của trang phục học đường.
Không thể phủ nhận được rằng những xu hướng nhất thời thường bị triệt tiêu trong một khoảng thời gian ngắn tồn tại, còn các xu hướng cơ bản vốn đã và đang được xem là thước đo chuẩn mực hiển nhiên trở thành tài liệu tham khảo vô giá cho các nhà mốt để sáng tạo nên các thiết kế mới mẻ và đột phá hơn. Cho đến tận ngày nay, muôn hình vạn trạng của phong cách Preppy đã được các NTK lừng lẫy giới thiệu với bảng màu đa dạng trên các kiểu áo blazer phối cùng chân váy xếp pli hoặc quần bermuda shorts, áo sơ mi, tất dài và giày tây.
Nhà mốt Thom Browne là một ví dụ điển hình nhất với định hướng xây dựng đế chế thời trang mang cảm hứng học đường cổ điển, sang trọng, phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bởi đối NTK người Mỹ này, các set đồ suit của ông không chỉ thể hiện kỹ năng may đo bậc thầy dòng tailoring hiện đại mà còn cho thấy tầm nhìn khác biệt của ông đối với trang phục sartorial đương đại, khi mà hai khác niệm về tính đơn điệu và tính phù hợp tưởng chừng như đối lập nhưng lại giao thoa với nhau ở chủ nghĩa cá nhân, làm tôn lên dấu ấn khác biệt độc nhất của mỗi người.
Trong khi đó, cũng còn rất nhiều NTK khác cũng đã “phải lòng” Preppy và đồng phục. Trong đó có thể kể đến BST Thu Đông 2020 của nhà mốt Pháp Dior. NTK Maria Grazia Chiuri đã mang làn gió mới vào kiểu áo khoác Bar trứ danh của NTK huyền thoại Christian Dior từ BST “New Look” với phom dáng mềm mại, nữ tính hơn. Đi cùng với chúng là những kiểu chân váy xếp pli, áo cổ chữ V, áo sơ mi thắt cà vạt vô cùng hợp mốt.
Bên cạnh đó, thương hiệu Moschino cũng từng giới thiệu các set đồ mang phong cách Preppy trong BST Thu Đông 2013 trên nền họa tiết tartan lấy cảm hứng từ đồng phục của học sinh – sinh viên Nhật Bản. Ngoài ra, Versace cũng từng khiến giới mộ điệu thế giới đảo điên với các thiết kế skirt suit sọc vuông biểu tượng của thời trang thập nên 90, lấy cảm hứng từ nhân vật Cher Horowitz trong “Clueless” thông qua BST Thu Đông 2018. Và tất nhiên cho đến tận mùa mốt Xuân Hè 2022 tới, phong cách học đường vẫn tiếp tục thống lĩnh lãnh địa thời trang với các sáng tạo mới mẻ hơn với áo blazer lửng, áo sơ mi phom dáng ngoại cỡ, chân váy pelmet ngắn…