Phỏng Vấn Qua Điện Thoại – Bạn Cần Chuẩn Bị Những Gì?

Nếu bạn sắp bước vào một cuộc phỏng vấn qua điện thoại và không biết bắt đầu từ đâu, đừng lo lắng, Glints sẽ ở đây và cùng bạn tìm lời giải trong bài viết này!

Trước khi khám phá các bước hướng dẫn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ qua về lý do…

Vì sao doanh nghiệp lựa chọn phỏng vấn qua điện thoại?

Mỗi cách thức tuyển dụng đều chiếm một ưu thế riêng. Mặt tích cực của việc phỏng vấn qua điện thoại là:

  • Giải quyết bài toán khoảng cách địa lý: Nếu bạn đang muốn chuyển đến nơi khác để lập nghiệp; đây quả là phương thức phỏng vấn tuyệt vời giúp bạn tiết kiệm chi phí đáng kể.
  • Kiểm tra sơ bộ và đánh giá kỹ năng: Bạn cho rằng qua một cuộc gọi, nhà tuyển dụng không thể đánh giá ứng viên? Vậy thì lầm to rồi đấy. Bằng nghiệp vụ và câu hỏi phỏng vấn, họ hoàn toàn có thể biết được bạn là người thế nào; mục tiêu nghề nghiệp và kỳ vọng phát triển ở vai trò mới ra sao. Từ đó, nhà tuyển dụng đưa ra quyết định liệu ứng viên này có đạt đủ tiêu chí của bước phỏng vấn tiếp theo hay không.

Vậy, chúng ta cần chuẩn bị gì để chắc rằng bản thân có thể đáp ứng đủ điều kiện thành ứng viên tiềm năng của nhà tuyển dụng qua buổi phỏng vấn điện thoại?

Chuẩn bị tinh thần kỹ càng cho buổi phỏng vấn qua điện thoại

1. Nghiên cứu về công ty, mô tả công việc (Job Description) 

Nếu bạn đã nhận được những thông báo trước đó về cuộc phỏng vấn, đừng quên xem lại mô tả làm việc và nghiên cứu một chút về công ty.

Về công ty, bạn có thể tìm xem trên trang web chính thức, trang mạng xã hội hay những hoạt động gần đây của công ty để tìm hiểu thêm về các giá trị, mục tiêu và văn hóa công ty.

cách chuẩn bị cho buổi phỏng vấncách chuẩn bị cho buổi phỏng vấn© Pexels.com

Ghi lại những chi tiết nhất định về công ty và cố gắng đề cập đến chúng trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại nếu có cơ hội. Ví dụ, nếu công ty gần đây nhận được một giải thưởng nào đó, bạn có thể đề cập đến vấn đề này như một phần lý do vì sao bạn muốn ứng tuyển vào đây.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về mô tả công việc sẽ giúp bạn hình dung khái quát được nhà tuyển dụng sẽ đặt những câu hỏi liên quan đến công việc như thế nào. Bạn cũng hoàn toàn có thể lồng ghép những kinh nghiệm của bản thân để cho họ thấy rằng bạn hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện gói công việc này.

2. Chọn lọc câu hỏi phỏng vấn và luyện tập trước gương 

Một trong những lợi thế bạn có thể tận dụng của hình thức này chính là chuẩn bị trước câu hỏi phỏng vấn và viết câu trả lời ra giấy. Bạn hoàn toàn có thể để nó bên cạnh khi đang trả lời nhà tuyển dụng. 

Các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại có thể tham khảo gồm:

  • Hãy giới thiệu đôi chút về bản thân bạn
  • Kinh nghiệm chuyên môn của bạn là gì?
  • Tại sao bạn lại chọn công ty của chúng tôi?
  • Bạn mong đợi học được gì khi nhận làm vị trí này?
  • Mức lương kỳ vọng của bạn là bao nhiêu?

Trên đây là top các câu hỏi quen thuộc nhưng cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, câu hỏi tình huống liên quan đến vị trí ứng tuyển cũng nên được tập luyện trước đó; để tránh tình trạng lúng túng.

3. Tìm hiểu về nhân sự sắp phỏng vấn mình

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, có thể bạn sẽ được nhà tuyển dụng, quản lý tuyển dụng hoặc quản lý cấp trên của bạn trực tiếp phỏng vấn. Hãy xác định xem vai trò phỏng vấn của họ là gì trong công ty. 

Bạn có thể lên LinkedIn của công ty để xem sơ qua về danh sách nhân sự đang làm việc tại đây, hoặc cũng có thể thăm dò thông tin từ các diễn đàn trao đổi tìm việc để hỏi han các ứng viên cũ từng phỏng vấn tại đây.

Nếu như phỏng vấn với nhà tuyển dụng, bạn sẽ nhận được những câu hỏi bao quát liên quan đến kinh nghiệm. Nhưng nếu phỏng vấn với sếp trực tiếp, bạn sẽ nhận được những câu hỏi liên quan đến kỹ năng đặc thù.

Đọc thêm: Phỏng Vấn Online Cần Chuẩn Bị Gì?

4. Cân nhắc trước về mức lương mong muốn

Nhiều nhà tuyển dụng cũng thường có xu hưởng hỏi về kỳ vọng lương của bạn ngay tại buổi phỏng vấn qua điện thoại, nhằm đảm bảo nhu cầu ứng viên phù hợp với ngân sách của công ty nhanh chóng, tiết kiệm thời gian giữa đôi bên.

chuan bi cho buoi phong vanchuan bi cho buoi phong van© Pexels.com

Vì vậy, việc cân nhắc về mức lương kỳ vọng cũng chính là điều bạn nên chuẩn bị trước. Bạn có thể nghiên cứu mức lương trung bình trong ngành, cùng với đánh giá năng lực bản thân để đưa ra mức lương hợp lý.

Song, bạn cũng đừng nên đưa ra một con số cụ thể, mà có thể xác định một khoảng lương nhất định. Điều này sẽ giúp người phỏng vấn của bạn thấy rằng bạn là một người linh hoạt.

5. Luôn sẵn sàng tài liệu bên cạnh 

Có thể người phỏng vấn sẽ muốn hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến sơ yếu lý lịch hoặc hồ sơ năng lực (portfolio) của bạn để đánh giá kinh nghiệm một cách chính xác, cụ thể hơn.

Do đó, bạn cần chắc chắn rằng tất cả các tài liệu cần thiết để tham khảo luôn được chuẩn bị sẵn sàng bất cứ lúc nào. Bạn có thể in chúng ra hoặc mở chúng trên máy tính để dễ dàng soi chiếu thông tin.

6. Hãy đảm bảo điện thoại luôn đủ pin!

Nếu bạn đang sử dụng điện thoại di động cho cuộc phỏng vấn qua điện thoại, hãy đảm bảo rằng nó đã được sạc đầy và ở tình trạng hoạt động vào ngày phỏng vấn. 

Bạn cũng nên thực hiện cuộc gọi thử nghiệm. Nhờ ai đó gọi cho bạn để đảm bảo rằng đường dây của bạn rõ ràng và điện thoại của bạn có thể nhận cuộc gọi đúng cách. Hãy sẵn sàng từ 10-15 phút trước thời gian phỏng vấn thực tế để đảm bảo điện thoại của bạn hoạt động ổn định.

7. Khéo léo hẹn lại thời gian nếu bạn chưa tiện nghe điện thoại

Nếu bạn không thể thực hiện cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào thời gian đã đề xuất, hãy cân nhắc đề xuất những thời gian khác thuận tiện hơn. Bạn nên nói sơ về lịch trình đang bận hiện tại của mình, sau đó thảo luận với người phỏng vấn về thời gian mà cả hai đều rảnh và xác định lịch hẹn cụ thể, phù hợp.

phong van qua dien thoaiphong van qua dien thoai© Pexels.com

Việc hẹn lại lịch khi bạn bạn cần thêm thời gian hoặc có một cuộc hẹn xung đột sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận bạn là một người trung thực. Đây thường là kỹ năng có giá trị mà nhà tuyển dụng tìm kiếm.

Đọc thêm: Những Khó Khăn Khi Đi Phỏng Vấn

Tổng hợp tuyệt chiêu giúp bạn tự tin hơn khi phỏng vấn qua điện thoại

1. Loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng

Khi bạn chờ điện thoại đổ chuông, hãy loại bỏ mọi tác nhân gây xao nhãng hiện tại, hoặc tiềm ẩn. Ngoài việc tắt TV hoặc nhạc, hãy đóng mọi tab hoặc cửa sổ không cần thiết trên máy tính hoặc điện thoại di động của bạn để đảm bảo sự chú ý của bạn tập trung vào cuộc phỏng vấn. 

Bạn cũng có thể nhắn trước cho gia đình, bạn bè biết rằng bạn sẽ không rảnh vào khoảng thời gian nhất định. Họ sẽ né khoảng thời gian phỏng vấn của bạn để bạn có thể phỏng vấn trơn tru nhất mà không gặp sự cố gì.

2. Giữ vững phong thái chuyên nghiệp

Khi đã đủ hành trang, đây là lúc bạn dành thời gian cho buổi phỏng vấn thật sự.

Trước tiên, hãy chọn nơi yên tĩnh để cuộc trò chuyện diễn ra thuận lợi mà không bị cản trở bởi bất kỳ tiếng ồn nào.

cách trả lời phỏng vấn qua điện thoại chuyên nghiệpcách trả lời phỏng vấn qua điện thoại chuyên nghiệp© Pexels.com

Tiếp theo, hãy gửi lời chào đầu tiên một cách lịch sự với tông giọng vừa phải đến người phỏng vấn. Ở bước này, hãy lắng nghe cẩn thận từng câu hỏi của nhà tuyển dụng. Điều này giúp bạn trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng và mạch lạc.

3. Trả lời rõ ràng, gãy gọn

Khi phỏng vấn qua điện thoại, bạn cần trả lời khúc chiết, gãy gọn từng ý đối với từng câu hỏi một. Người phỏng vấn sẽ lắng nghe và đánh giá kỹ năng giao tiếp của bạn từ đây. 

Việc thể hiện kỹ năng giao tiếp xuất sắc trong quá trình phỏng vấn có thể giúp bạn được đánh giá cao hơn, mang lại ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.

Đọc thêm: Phương pháp STAR trong phỏng vấn

4. Đừng quá phụ thuộc vào giấy ghi chú

Chuẩn bị giấy ghi chú bên cạnh là tốt, tuy nhiên bạn chớ nên quá phụ thuộc vào nó. Việc cầm tờ giấy ghi chú và đọc lên câu trả lời sẽ khiến cuộc phỏng vấn qua điện thoại bị “sượng trân”, khiến bạn gặp phải “điểm trừ” không đáng có đấy!

5. Lắng nghe chủ động

Hãy để tâm đến cuộc phỏng vấn, liên tục đặt những câu hỏi có suy nghĩ và tương tác với nhà tuyển dụng. Điều này sẽ cho thấy rằng bạn đang thực hiện cuộc phỏng vấn một cách nghiêm túc và thực sự quan tâm đến những gì họ nói. 

Đảm bảo rằng bạn đang nghe kỹ càng và theo dõi các câu hỏi cho thấy bạn đang tích cực lắng nghe những gì họ nói.

phỏng vấn hiệu quảphỏng vấn hiệu quả© Pexels.com

6. Đưa ra câu hỏi phù hợp

Sau mỗi buổi phỏng vấn, dù là qua điện thoại hay trực tiếp, nhà tuyển dụng đều muốn biết bạn có đang thực sự quan tâm đến vị trí ứng tuyển hay không qua các thắc mắc cá nhân mà bạn đưa ra. 

Vì vậy, hãy lưu ý điểm này và thể hiện sự quan tâm của bạn bằng cách đặt câu hỏi vào cuối cuộc phỏng vấn như sau để trở nên ấn tượng hơn nhé:

  • Trách nhiệm hàng ngày của tôi đối với công việc này sẽ bao gồm những gì?
  • Phòng ban và đội ngũ mà tôi sẽ hợp tác được tổ chức ra sao, bao gồm những thành viên nào?
  • Môi trường công sở tại đây như thế nào?
  • Dưới cương vị là một người đồng hành cùng công ty trong thời gian qua, anh/chị cảm thấy yêu thích điều gì ở công ty hiện tại?

Đọc thêm: Tìm Hiểu Quy Trình Phỏng Vấn Nhân Sự Hoàn Chỉnh

Làm gì sau khi buổi phỏng vấn kết thúc?

Cẩn thận hỏi về các quy trình phỏng vấn tiếp theo

Sau khi phỏng vấn qua điện thoại, bạn cũng có thể chủ động hỏi về quy trình phỏng vấn tiếp theo. Điều này giúp nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn quan tâm đến vị trí này. Bên cạnh đó, bạn cũng thể hiện được mình là một người rõ ràng, có quy chuẩn. 

Đừng quên gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng

Ngay cả khi buổi phỏng vấn không tốt như kỳ vọng; bạn cũng đừng quên gửi tin nhắn hoặc email cảm ơn đến nhà tuyển dụng. Việc này tạo ấn tượng ban đầu hiệu quả, đồng thời thể hiện tác phong chuyên nghiệp của bạn.

cách phỏng vấn qua điện thoạicách phỏng vấn qua điện thoại© Pexels.com

Phỏng vấn qua điện thoại thực chất không khó như bạn vẫn nghĩ; thêm vào đó, việc không ngồi đối diện trực tiếp trước nhà tuyển dụng đôi khi lại là ý hay. Trong những tình huống chưa kịp học thuộc câu trả lời, bạn không cần lo lắng vì chúng luôn có thể đặt bên cạnh để hỗ trợ khi cần. 

Một số câu hỏi phổ biến khi phỏng vấn qua điện thoại

Đọc thêm: Các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn Online

Câu hỏi 1: Hãy giới thiệu đôi nét về bản thân bạn

Có thể nói, đây là một câu hỏi “kinh điển” khi phỏng vấn qua điện thoại. Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng xác minh được thông tin của ứng viên. Ở câu hỏi này, ứng viên cần trả lời rõ ràng, mạch lạc.

Ví dụ: Tôi tên là Nguyễn Văn A, hiện đang nộp vào vị trí X tại quý công ty Y. Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là ABC, và tôi muốn nộp vào công ty vì XYZ…

Câu hỏi 2: Hãy kể cho chúng tôi biết về vị trí việc làm bạn đã trải qua gần đây nhất?

Câu hỏi về kinh nghiệm làm việc cũng khá quan trọng. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên một phần qua kinh nghiệm mà họ đã trải qua để chắc chắn rằng những kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn có nằm trong khung năng lực mà họ cần. 

Hãy thành thật về những kinh nghiệm của mình, đồng thời nói thêm một chút về kỹ năng hay những điều bạn học hỏi được qua công việc trước.

Ví dụ: Trước đây, tôi từng đảm nhiệm vị trí X ở công ty Y. Qua [số năm] năm làm việc tại đây, tôi đã tích lũy được kinh nghiệm A và B và C. Tôi tin rằng những kinh nghiệm mà tôi có được có thể đáp ứng được gói công việc mà công ty yêu cầu.

Câu hỏi 3: Tại sao bạn quyết định rời khỏi công việc cuối cùng của mình?

Đây là một câu hỏi để biết xem động cơ nghỉ việc của bạn là gì. Thông qua đó, nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy mức độ gắn kết của bạn đối với một công ty, tổ chức nào đấy. Bạn nên khéo léo về lý do nghỉ việc. Tránh những lí do liên quan đến “drama” hay nói xấu công ty cũ.

Ví dụ: Sở dĩ tôi dừng công việc trước là vì sau xx năm gắn bó, tôi nghĩ mình đã lĩnh hội đủ kỹ năng và kinh nghiệm. Tôi muốn được bứt phá nhiều hơn ở môi trường mới. Và tôi nghĩ công ty của quý vị sẽ giúp tôi thực hiện được điều đó.

Câu hỏi 4: Câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu

Đây chính là một câu hỏi để nhà tuyển dụng biết rằng vì sao nên là bạn chứ không phải là bất kỳ ai khác. Ở câu trả lời, bạn có thể kể ra những điểm mạnh của mình, đồng thời nêu lên những điểm chưa tốt và cần phát huy trong tương lai. 

Ví dụ: Tôi có khả năng giao tiếp tốt, bằng chứng ở công ty trước tôi luôn được khen ngợi vì tài giao tiếp đã giúp công ty ký được những hợp đồng với đối tác quan trọng. Tuy nhiên, tôi vẫn còn hạn chế ở kỹ năng tiếng Anh. Hiện tôi đang theo học lớp giao tiếp cho người lớn để có thể phát triển kỹ năng này. 

Câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại phổ biếnCâu hỏi phỏng vấn qua điện thoại phổ biến© Pexels.com

Câu hỏi 5: Câu hỏi về lý do muốn ứng tuyển

Câu hỏi này đòi hỏi sự khéo léo và thông minh từ bạn. Bạn có thể lồng ghép những hiểu biết về công ty vào câu hỏi này. Những lý do hợp lý như bạn muốn trải nghiệm ở môi trường năng động, hoặc cải thiện mức lương của mình,…

Ví dụ: Sở dĩ tôi muốn ứng tuyển vào công ty này là do tôi muốn tìm được một môi trường làm việc tốt. Vừa qua, công ty có nhận được danh hiệu Top 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất nên tôi cảm thấy đây sẽ là một môi trường phù hợp. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn phát triển thêm những kỹ năng của mình ở khía cạnh ABC mà tôi nghĩ rằng gói công việc XYZ có thể giúp tôi thực hiện điều này.

Câu hỏi 6: Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?

Một câu hỏi về khả năng định hướng tương lai của ứng viên và về mức độ gắn bó lâu dài với công ty. 

Ví dụ: Trong 5 năm tới, tôi đã vạch ra những lộ trình nhỏ hơn để có thể dễ dàng đo lường. Cụ thể là trong 1 năm tới, tôi muốn phát triển kỹ năng X, lên mức lương Y  và vị trí Z. Sau 2 năm, tôi sẽ mong muốn đạt được mức lương Y’ cùng vị trí Z’…

Câu hỏi 7: Đâu là mức lương mong muốn của bạn?

Có thể nói, đây là câu hỏi sau khi nhà tuyển dụng đã khá hài lòng về khả năng của bạn. Chính vì thế, hãy đưa ra mức lương bạn thấy phù hợp với năng lực của mình. Đừng ngại cả nể với người tuyển dụng, bởi họ cũng chỉ đang muốn lắng nghe nguyện vọng của ứng viên mà thôi.

Ví dụ: Tôi nghĩ rằng với kinh nghiệm của mình và gói công việc tại công ty, tôi xứng đáng nhận được khoảng lương từ xx triệu đồng đến xx triệu đồng. Đây sẽ là mức lương phù hợp với vị trí này.

Câu hỏi 8: Bạn có bất kỳ câu hỏi nào cho tôi không?

Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng thấy được sự mong muốn của bạn đối với vị trí bạn đang ứng tuyển. Việc đặt ra những câu hỏi về công ty và về công việc mới cho thấy bạn là người chủ động nữa đấy! Hãy tham khảo các câu hỏi đã liệt kê ở bên trên nhé!

Với những mẹo hay Glints chia sẻ trên, hy vọng bạn sớm tìm được công việc phù hợp và rèn luyện kỹ năng để đủ tự tin đối diện nhà tuyển dụng dù phỏng vấn qua điện thoại hay dưới bất kỳ hình thức nào.

Bài viết được đóng góp bởi Tany, Tien Tran.

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 1

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Tác Giả

Nghia Nguyen

“My name means ‘tons of meaningfulness’. How can we live a meaningless life, right?”