Phong Tục Đón Tết Miền Nam – Những Điều Bạn Chưa Biết

Phong tục đón Tết miền Nam, Việt Nam có những đặc trưng nào khác biệt với các vùng miền khác không? Hãy cùng Intertour tiếp tục tìm hiểu qua series bài viết về Tết cổ truyền vô cùng thú vị nhé!

Hoa mai: biểu tượng Tết miền Nam

Không biết từ khi nào, hình ảnh cành mai vàng rực rỡ lại trở thành biểu trưng cho ngày Tết cổ truyền của các gia đình miền Nam, Việt Nam. Nhà ai những ngày này không sắm được chậu mai lớn để trước nhà thì cũng phải mua vài cành bé xinh xinh rồi dán cả hoa giấy trang trí khắp tường, cửa thì mới thấy được không khí Tết.

Tùng, cúc, trúc, mai – Người xưa đưa cây mai vào trong bốn loại cây quý của dân tộc. Mai biểu trưng cho cốt cách cao quý, tinh thần bền bỉ không ngại khó khăn. Màu sắc tươi vui rực rỡ của loài hoa này lại càng hợp với những ngày đầu năm hơn bất kỳ loại hoa nào khác. Cũng như người Bắc chơi đào, Tết nào người miền Nam mà không chơi mai thì không phải là Tết nữa.

Mâm cỗ Tết

Mâm cỗ trong phong tục đón Tết miền Nam khác rất nhiều so với miền Bắc. Vì khí hậu quanh năm ổn định, kể cả vào những ngày đầu năm nên mâm cơm miền Nam phong phú hơn về các loại rau củ quả. Canh khổ qua là món ăn không thể nào thiếu trong ngày Tết người phương Nam vì nó mang một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt – “ăn cho đau khổ qua đi”, xua tan những khó khăn, khổ ải cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc hơn.

Bên cạnh đó, mâm cỗ các gia đình miền Nam còn có thêm chả giò, tôm khô củ kiệu, gỏi gà, bánh tét… Nhìn chung thì những món này khá dễ ăn, nhẹ nhàng, không ngán…

Mâm ngũ quả

Người miền Nam lựa chọn mâm ngũ quả theo tên gọi: “cầu sung vừa đủ xài” với ước nguyện một năm sung túc đủ đầy. Cầu chính là mãng cầu, sung là trái sung, vừa là cách phát âm lái của trái dừa, tiếp theo là đu đủ và cuối cùng là xoài. Ngoài ra, người ta còn hay thêm một cặp dưa hấu đỏ lòng để cầu may mắn trong năm mới.

Khác với miền Bắc, người Nam không bao giờ bày chuối, cam hay lê, táo trên mâm ngũ quả. Vì cũng theo cách gọi tên thì những loại quả này tượng trưng cho sự không may như chúi nhủi, lê lết, quýt làm cam chịu… Toàn những điều chẳng lành.

Các phong tục đón Tết truyền thống ở miền Nam

Phong tục đón Tết miền Nam không thể nào thiếu chợ hoa xuân vào những ngày cuối năm. Họ không chỉ đi chợ để mua hoa về trưng mà còn chụp hình, ngắm nghía. Người miền Nam rất yêu hoa, họ xem hoa là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn và phúc lộc.

Những ngày cận Tết, các gia đình miền Nam cũng có thói quen làm mứt. Các loại mứt dừa, mứt sầu riêng, mứt mãng cầu tự làm được bày đầy màu sắc trên bàn tiếp khách. Chẳng quan trọng là vị ngon ra sao đâu, quan trọng là được quây quần bên nhau cùng làm vài mẻ mứt, vậy là đã ấm lòng lắm rồi.

Các điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết miền Nam

Phong tục đón Tết ở miền Nam không có nhiều điều kiêng kỵ như ở miền Bắc. Tuy nhiên, bạn vẫn phải lưu ý một số điều như về nhà trước giao thừa, cất chổi sau khi quét dọn, để cối xay gạo trống… Chú ý một chút để ngày Tết thật trọn vẹn nhé!

Phong tục đón Tết miền Nam có khá nhiều điều thú vị và khác biệt phải không nào. Còn rất nhiều điều hay ho về ngày Tết cổ truyền đang chờ bạn khám phá nữa đấy. Hãy đón đọc các bài viết tiếp theo của Intertour nhé!

CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH INTERTOUR VIỆT NAM

– Địa chỉ: 115 Nguyễn Thái Bình – Quận 1 – TPHCM
– Điện thoại: 028. 3822 9999
– Hotline 24/24: 0961 118899
– Email: [email protected]