Phòng Tổ chức – Hành chính
Tác giả
:
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện đã tạo ra những cơ hội để cho mọi công dân có thể mở rộng sự giao lưu và tìm kiếm cơ hội phát triển. Đối với thanh niên thì điều này càng trở nên quan trọng hơn bởi tuổi trẻ luôn năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, nhanh nhạy nên có nhiều hơn các cơ hội để giao lưu, học tập. Tạo ra nhiều cơ hội, song hội nhập quốc tế cũng đã và đang đặt ra cho thanh niên Việt Nam nhiều thách thức lớn: đó là sự tương thích giữa trình độ học vấn với các cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao; đó là sự tác động của lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền; đó là việc làm thế nào để dung hòa được giữa truyền thống và hiện đại trong lối sống, nếp sống,… Rõ ràng, sự tụt hậu về trình độ học vấn đã làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm của thanh niên trong bối cảnh hội nhập quốc tế trở nên bấp bênh hơn ngay ở trong nước. Thanh niên là lực lượng lao động lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hằng năm, có khoảng 1,2 – 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Năm 2008, số thanh niên hoạt động kinh tế của cả nước hơn 16 triệu người, chiếm 67,2% tổng số thanh niên và chiếm 38,7% lực lượng lao động xã hội; năm 2009, số thanh niên hoạt động kinh tế tăng lên gần 18 triệu người, chiếm 75,4% tổng số thanh niên, 36,6% lực lượng lao động xã hội; năm 2010 con số đó là 17,1 triệu người, chiếm 75,9% tổng số thanh niên, 33,7% lực lượng lao động xã hội)(1).
Có thể nói, nguồn lực và tiềm lực của thanh niên là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của thanh niên hiện nay ngày càng tăng. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lao động thiếu việc làm tăng từ 3% năm 2008 lên 5,6% năm 2009 và 4,1% năm 2010. Trong đó, khu vực thành thị là 2%, khu vực nông thôn là 4,9%.
Tình trạng thất nghiệp cũng có xu hướng tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp
chiếm 4,2% năm 2008, 4,1% năm 2009 và tăng lên 5,2% năm 2010, trong đó ở khu vực đô thị
là 7,8%, cao gần gấp hai lần khu vực nông
thôn (4,3%).
Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp ở nhóm thanh niên cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Trong số những người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, số người ở độ tuổi dưới 24 là 12.275 người (chiếm 24,5%); từ 25 – 40 tuổi là 31.366 người (chiếm 62,7%); trên 40 tuổi là 6.416 người (chiếm 12,8%)(2).
Lực lượng lao động là thanh niên có trình độ trung cấp chuyên nghiệp tăng từ 4,1% năm 2008 lên 6,2% năm 2009 và 6,5% năm 2010; trình độ cao đẳng, đại học tăng nhanh từ 5,5% năm 2008 lên 7,8% năm 2009 và 8,7% năm 2010. Mỗi năm có từ 70 đến 80 nghìn sinh viên hệ cao đẳng và 143 đến 160 nghìn sinh viên đại học tốt nghiệp, bổ sung cho lực lượng lao động xã hội(3). Như vậy, lực lượng lao động là thanh niên được đào tạo ngày càng tăng lên, nhưng tỷ lệ vẫn rất thấp so với tổng số lao động thanh niên (chưa đến 10%). Thực trạng trên đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho thanh niên trong quá trình hội nhập.
Mặt khác, hội nhập quốc tế với sự đầu tư, hỗ trợ ngày càng nhiều từ bên ngoài vào Việt Nam là một cơ hội tốt, nhưng nó cũng dẫn đến sự xáo trộn xã hội, đặc biệt là đối với thanh niên. Do phải vật lộn với cơ hội tìm kiếm việc làm, nhiều thanh niên đã di chuyển khỏi địa bàn cư trú của mình tới các khu vực đô thị và các khu công nghiệp. Điều đó đã làm cho việc tổ chức, quản lý thanh niên gặp khó khăn, thanh niên mất đi điều kiện được sinh hoạt trong tổ chức của chính mình – Đoàn Thanh niên, hoạt động của tổ chức thanh niên bị xáo trộn. Ở nhiều vùng quê hiện nay, hoạt động của tổ chức thanh niên đã gần như bị tê liệt vì không còn thanh niên, không còn đoàn viên. Đối với lực lượng thanh niên đã chuyển cư, do những sự khó khăn về nơi ở, thủ tục hành chính nên họ cũng không được tập hợp lại trong những tổ chức của Đoàn Thanh niên tại nơi họ làm việc. Rất ít thanh niên và đoàn viên tham dự hoạt động của tổ chức thanh niên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh mặc dù họ còn đang trong độ tuổi. Hiện trạng này đã và đang làm cho vai trò của tổ chức thanh niên bị giảm sút, quyền, lợi ích và nghĩa vụ của thanh niên bị suy giảm nghiêm trọng.
Rõ ràng, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội nói chung và thanh niên nói riêng. Sự tác động đó được thể hiện ở cả trong tư duy và hành động của giới trẻ. Đó là sự thay đổi nhận thức của thanh niên về đời sống xã hội, về giá trị của văn hóa, đạo đức, lối sống, về việc làm… Tuy vậy, trong quá trình hội nhập, đa số thanh niên có nhận thức đúng về sự cần thiết, mục đích và nội dung hội nhập quốc tế. Kết quả nghiên cứu năm 2006 của Viện Nghiên cứu Thanh niên cho thấy, tuyệt đại đa số thanh niên cho rằng, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và cấp bách (99,7%). Điều này cũng phản ánh nhu cầu tự thân, mong muốn của thanh niên là được mở rộng cơ hội học tập, lao động, giao lưu, hợp tác quốc tế, bắt kịp sự phát triển của thế giới, tiếp thu thành tựu khoa học, công nghệ. Đa số thanh niên cho rằng, hội nhập kinh tế cần được ưu tiên hàng đầu (76,6%), đào tạo nguồn nhân lực (69,3%), giao lưu văn hoá, du lịch, thể thao, hợp tác y tế, ngăn ngừa tội phạm, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu (trên 40%). Đa số thanh niên hiểu rằng, hội nhập và hợp tác về văn hoá phải được tiến hành trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu văn hoá dân tộc và không để mất bản sắc dân tộc trong văn hoá Việt Nam (76,1%). Điểm đáng chú ý là, đa số thanh niên thể hiện sự thận trọng trong hội nhập và khẳng định sự cần thiết phải giữ vững độc lập dân tộc và định hướng XHCN (88%)(4).
Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều thanh niên về hội nhập quốc tế còn thiếu toàn diện, đơn giản. Thực tế cho thấy, hội nhập quốc tế đang ngày càng thấm sâu và tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống của thanh niên, từ cách ứng xử trong giao tiếp; thẩm mỹ, nhu cầu âm nhạc, thể thao, giải trí đến tâm lý, mục tiêu, định hướng nghề, tìm kiếm việc làm… Do vậy, thanh niên Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù ở nông thôn, miền núi hay thành thị đều đã, đang và sẽ chịu sự tác động ngày càng sâu sắc của quá trình hội nhập. Một bộ phận thanh niên còn mơ hồ trong xác định mục đích hội nhập quốc tế, chỉ thấy mặt tích cực mà chưa thấy hết được tiêu cực, thách thức. Một số thanh niên cho rằng cần hội nhập quốc tế bằng bất cứ giá nào; không chỉ hội nhập kinh tế mà còn cần hội nhập về văn hoá, tư tưởng và chính trị; họ dễ ngộ nhận, tôn thờ cuộc sống vật chất hay về tự do, dân chủ ở các nước khác. Lối sống, lối ứng xử ở một bộ phận thanh niên còn thiếu sự chọn lọc, thiếu chắt chiu những giá trị tích cực, đôi khi bắt chước một cách máy móc. Lối sống thực dụng, lối sống hưởng thụ, sùng ngoại và hướng ngoại thái quá của một bộ phận thanh niên đang có xu hướng lan toả trong giới trẻ. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, thụ động, dễ bị lôi kéo xa rời định hướng XHCN, ca ngợi một chiều CNTB và các giá trị phương Tây; bản lĩnh và khả năng lựa chọn thông tin đúng đắn, các giá trị văn hoá đích thực trong một bộ phận thanh niên rất đáng lo ngại.
Trước tác động của hội nhập quốc tế, “Năng lực hội nhập, kỹ năng xã hội của thanh niên ngày nay được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế; trong đó thanh niên đang thiếu hụt cả về kiến thức lịch sử và văn hóa dân tộc cũng như kỹ năng, khả năng tư duy độc lập. Đa số thanh niên thiếu kiến thức về ngoại ngữ, tin học, chưa có thói quen trong môi trường lao động và đời sống công nghiệp… Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực và trên thế giới, một bộ phận thanh niên bản lĩnh chính trị non kém, dễ bị dao động về lập trường tư tưởng chính trị, có biểu hiện lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng”(5).
Như vậy, hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mà thanh niên phải vượt qua. Đây cũng là những vấn đề mà công tác thanh niên của Đảng và Nhà nước cần phải giải quyết trong thời gian tới.
2. Những vấn đề đặt ra cho công tác thanh niên trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Vận động thanh niên là một trong những nội dung công tác rất quan trọng của Đảng. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác thanh niên. Trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng khẳng định: “công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” (6).
Trong những năm qua, công tác thanh niên được đổi mới và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự góp mặt của thanh niên vào quá trình xây dựng đất nước ngày càng rõ rệt, đặc biệt là trên phương diện giáo dục đào tạo, rèn luyện cán bộ kế cận. Có thể nói đội ngũ cán bộ trong các cơ quan công quyền đã ngày càng được trẻ hóa, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt trẻ sáng giá.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của công tác thanh niên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cũng vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: vẫn còn những chủ trương, chính sách, phong trào hay cuộc vận động không thích hợp với thanh niên, có chủ trương được xây dựng mà thiếu những điều tra, nghiên cứu khoa học đối với thanh niên một cách sâu sắc, toàn diện. Không ít hoạt động mang tính hình thức, không thiết thực giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thanh niên; thiếu những chính sách nhất quán, đồng bộ và lâu dài ở tầm vĩ mô đối với công tác thanh niên. Mặc dù Chính phủ đã có một số chính sách nhằm bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên, nhưng vẫn là chính sách mang tính giải quyết tình thế, chưa mang tính hệ thống. Nhận thức của nhiều cấp ủy, chính quyền về công tác thanh niên chưa đầy đủ, coi công tác thanh niên là việc của Đảng, của Đoàn, do đó chưa tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên.
Đánh giá chung về những hạn chế, bất cập của công tác thanh niên, Hội nghị Trung ương bảy khoá X chỉ rõ: “Một số cấp uỷ đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo công tác thanh niên; việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên không thường xuyên, kịp thời; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ chưa thực sự được coi trọng; chưa làm tốt công tác phát triển đảng trong thanh niên… Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhiều địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác thanh niên”(7).
Công tác thanh niên đang đứng trước những xu hướng và thách thức mới, đó là:
– Công tác thanh niên không chỉ mang tính dân tộc, quốc gia mà hiện nay nó còn mang tính khu vực và quốc tế sâu sắc do sự lan tỏa và ảnh hưởng của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, đòi hỏi phải có chiến lược cụ thể hơn đối với công tác thanh niên trong thời gian tới để định hướng cho sự hội nhập. Thực tiễn cho thấy, định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng trong thời gian qua trong công tác thanh niên chưa được thực hiện tốt, thanh niên Việt Nam còn bỡ ngỡ, bị động và chưa đủ bản lĩnh để hội nhập.
– Hiện nay, thanh niên đã tham gia hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng. Trong nhiều lĩnh vực, thanh niên giữ vai trò chủ chốt. Điều này cho thấy, vai trò, nhiệm vụ của thanh niên đã ngày càng được tăng cường, song công tác thanh niên lại chưa đáp ứng được. Thực tế hiện nay có rất nhiều tổ chức xã hội mới thành lập có sự tham gia của thanh thiếu niên nhưng lại thiếu vắng hẳn sự có mặt của tổ chức thanh niên.
– Nhu cầu hội nhập quốc tế để được học hỏi, trao đổi nâng cao trình độ, năng lực của thanh niên là chính đáng, nhưng việc hội nhập, giao lưu, học hỏi của thanh niên đang còn thiếu sự định hướng, quản lý của các cơ quan, tổ chức. Điều này làm cho những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài rất dễ nảy sinh và lây lan trong thanh niên Việt Nam, đặc biệt là về đạo đức, lối sống. Đây là một thách thức không nhỏ đổi với việc đào tạo và rèn luyện thanh thiếu niên.
– Đội ngũ cán bộ, bộ máy làm công tác thanh niên có xu hướng công chức hóa, hành chính hóa và hầu hết là kiêm nhiệm, rất hiếm cán bộ chuyên trách hiểu và có chuyên môn về công tác thanh niên. Thiếu cán bộ được đào tạo, rèn luyện, chuẩn hóa chuyên về công tác thanh niên là một thách thức lớn, khó khăn lớn đối với công tác thanh niên trong bối cảnh hội nhập.
– Điều kiện vật chất phục vụ công tác thanh niên bị thu hẹp trong mối tương quan với các mặt công tác khác, đặc biệt là các hoạt động của cơ quan nhà nước.
– Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, việc di cư tìm kiếm việc làm diễn ra phổ biến, nhiều nơi có tình trạng “chi đoàn không có thanh niên”, do thanh niên thường xuyên di chuyển nên không có điều kiện để tham gia hoạt động trong các tổ chức của mình. Mặt khác, công tác thanh niên hiện cũng chưa “phủ khắp” các đối tượng, vùng miền, thành phần kinh tế.
Từ những hạn chế và thách thức như vậy, công tác thanh niên trong thời gian tới cần được đổi mới theo hướng: Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị đối với công tác thanh niên. Công tác thanh niên phải thật sự là công tác của toàn Đảng, của mỗi một tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chủ trương, đường lối, công tác cán bộ, kiểm tra và nêu gương sáng đảng viên trong công tác thanh niên; phát huy vai trò quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên, đẩy mạnh quá trình hoạch định chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên; quan tâm đầu tư cho các chủ thể làm công tác thanh niên;… Muốn làm được điều đó, cần đổi mới hoạt động công tác thanh niên, cả về tổ chức, giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị và phương thức tập hợp của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để giáo dục, rèn luyện thanh niên thật sự là lực lượng xung kích trong thời đại mới có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, Đoàn thanh niên xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.
ThS Phạm Minh Thế
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Những tác động của hội nhập quốc tế đối với thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước