Phim hài Tết khó làm, hỗn tạp

Nở rộ trên mạng xã hội

Những năm gần đây, khi thị trường băng đĩa nhường chỗ cho công nghệ số, phim hài Tết đổ bộ trên các nền tảng mạng xã hội, nổi bật là Youtube và được nhiều khán giả ưa chuộng. Nhiều dự án phim thu hút hàng chục triệu lượt xem, thường xuyên lọt top thịnh hành.

NSND Trung Hiếu trong "Đại gia chân đất số 13"
NSND Trung Hiếu trong “Đại gia chân đất số 13”

Mở đầu cho thị trường phim hài Tết năm nay là 2 bộ phim hài Tết của nhà sản xuất – đạo diễn Bình Trọng có tựa đề “Đại gia chân đất số 13” và “Làng ế vợ số 9”. Đây thực chất là hai thương hiệu phim hài đã được đạo diễn Bình Trọng xây dựng thành từng chuỗi phim trong suốt nhiều năm qua. Trong đó, nhắc đến “Đại gia chân đất” là khán giả nhớ đến NSND Trung Hiếu với vai diễn được “đóng đinh” cho anh trong chuỗi phim này.

Bên cạnh 2 bộ phim trên, thị trường phim hài Tết còn có những tác phẩm như: “Lộc Xuân 2” của nhà sản xuất Hường Đinh, nghệ sĩ Xuân Nghĩa với phim “Tết lấy được vợ”; nghệ sĩ Hồng Nguyên với phim “Hồn trương 4, da cốt thịt lợn”. Đạo diễn Mai Long hàng năm cũng ra phim hài vào dịp cuối năm nhưng năm nay, anh ra mắt phim “Chạm vào hạnh phúc” từ tháng 10.

Tuy nhiên một số bộ phim xuất hiện trên mạng xã hội vẫn bị gắn mác hài nhảm, hài nhạt. Theo đạo diễn Mai Long: “Bản chất của hài là sự quá lên hoặc ngược lại với những thứ bình thường. Thông thường thì hài ở ngôn ngữ, hài ở hài động, hài ở tình huống, hài ở những thói quen xấu. Để chọc cười được khán giả, các đạo diễn phải tư duy đến những thứ khác thông lệ, bất bình thường. Nên ranh giới giữa sự nhảm và cái gây cười rất mong. Người hợp gu thấy buồn cười, người không hợp bảo đó là nhảm”.

Mặt khác, theo các nhà làm phim, hiện nay, internet trên khắp mọi miền. Do đó, việc những phim hài nhảm thu hút khán giả trên không gian mạng có nhiều lý do. Khán giả có nhiều thời gian dùng điện thoại có kết nối mạng internet thường bị định hướng bởi những nội dung đơn giản, dễ dãi, dễ hiểu. Những phim hài mang giá trị nhân văn sâu sắc, không có hình ảnh phản cảm, không dung tục lại được cho là kén khán giả.

Đạo diễn Bình Trọng là nhà sản xuất hài Tết khá lâu. 13 năm nay, anh quen thuộc với seri phim “Đại gia chân đất” và “Làng ế vợ”. Đạo diễn Bình Trọng chia sẻ, để tránh bị chê hài nhạt, hài nhảm, ê kíp phải chuẩn bị một kịch bản phim thật hay, đặc sắc. “Hài Tết của tôi là những câu chuyện rất đời thường, thời sự. Như năm đó có sự kiện nào nóng, tôi sẽ đưa vào kịch bản một cách khéo léo, nhưng kiểu “cười mà như khóc”, đả kích sâu cay, ý nhị của không phải cách nói sổ hết” ra” – Đạo diễn Bình Trọng cho hay.

Giữ hướng làm phim hài đúng đắn

Phim hài Tết thường hướng khán giả đến cách nhìn tích cực, mang đến những tiếng cười vui tươi nhưng lại rất ngẫm nghĩ. Chính vì vậy, phim Hài hay đòi hỏi cần có kịch bản chất lượng.

Theo NSND Quốc Anh: Phim hài hay, chọc được khán giả cười thì phải có một kích bản xứng tầm. Nếu diễn viên có giỏi, có duyên dáng đến mấy mà kịch bản dở, không có các tình huống gây cười thì không thành công được.

Để hạn chế được phim Hài kém chất lượng, theo các nhà làm phim là do tình trạng thả nổi về kiểm duyệt trên không gian mạng. Thực trạng này cũng giống như việc các clip nhảm nhí, dung tục đang được đăng tải trên nền tảng số.

Vì vậy, cơ quan chứng năng cần tăng cường kiểm duyệt trên YouTube, mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần phải phân biệt khái niệm hài Tết rõ ràng, những sản phẩm nào đảm bảo chất lượng, thời lượng, không vi phạm thuần phong mỹ tục, được gọi là hài Tết để phục vụ cho công chúng. Còn những sản phẩm không chứa nội dung, giá trị sâu sắc mà vẫn đăng tải trên mạng, gọi là tiểu phẩm giải trí.

Chia sẻ về phim hài Tết ở góc độ làm diễn viên, danh hài Chiến Thắng bày tỏ: Rất nhiều lần tôi đã có những tranh cãi với các đạo diễn để phim Tết hay hơn. Vì nếu bị chê, bị ném đá thì người chịu trận chính là diễn viên. Họ sẽ ít nhắc đến đạo diễn, biên kịch mà cứ lôi diễn viên ra để nói. Nghệ sĩ hài luôn trăn trở với câu “Mua vui có được một vài trống canh”, nhiều người bị khán giả “ném đá” đến mức stress, có những năm, khán giả chê phim, còn vào tận trang cá nhân của diễn viên để nói.

Phim hài được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt, đặc biệt trong những ngày Tết. Thể loại này phù hợp với nhiều lứa tuổi, từ ông bà, cha mẹ đến con cháu có thể cùng nhau quây quần bên bánh mứt, hạt dưa và thưởng thức. Chính vì vậy, để nụ cười ngày Tết được trọn vẹn, hài nhảm, hài dung tục, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội cần được ngăn chặn, loại bỏ.