Phim IMAX về đế chế Khmer đã mất sẽ được công chiếu ngày 16/2 tại Mỹ | Điện ảnh | Vietnam+ (VietnamPlus)

Phim IMAX ve de che Khmer da mat se duoc cong chieu ngay 16/2 tai My hinh anh 1

Quang cảnh khu đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, một trong những kỳ quan khảo cổ của thế giới sẽ được hé lộ với toàn bộ sự tráng lệ và bí mật, khi bộ phim định dạng IMAX mới có tên “Angkor 3D: Đế chế đã mất của Campuchia” mở cửa đón khách tại Rạp IMAX thuộc Trung tâm Khoa học Mỹ vào ngày 16/2 tới.

Khán giả sẽ được du ngoạn qua những khu rừng tới một thành phố cổ từng phát triển rực rỡ nhưng sau đó lại đột ngột bị rơi vào quên lãng.

Các nhà khảo cổ, nhà khoa học và các nhà thám hiểm thời hiện đại giúp vén màn bí mật này.

Bộ phim sẽ được sản xuất và trình chiếu với định dạng IMAX cho chất lượng hình ảnh tốt nhất thế giới.

Angkor 3D là một chuyến phiêu lưu ấn tượng, trong đó có sự giao cắt giữa khoa học, sự thần bí và nền văn minh cổ xưa. Khán giả có thể lần ra manh mối của những bí mật cổ của khu đền Angkor cùng với các nhà khoa học và khảo cổ học bằng những phương pháp tài tình và công nghệ tối tân.

Hàng nghìn ngôi đền và công trình tôn giáo thuộc Công viên khảo cổ Angkor có thể cạnh tranh với các Kim tự tháp ở Ai Cập cả về quy mô và tham vọng.

[Người Nhện giành lại “ngôi vương” từ bộ phim kinh dị Tiếng thét]

Đế chế Khmer kéo dài từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15 và trong thời kỳ thịnh vượng nhất, lãnh thổ của đế chế này trải dài ở Đông Nam Á. Angkor – thủ phủ của đế chế Khmer – từng là trung tâm đô thị rộng lớn nhất thời tiền cách mạng công nghiệp của thế giới.

Vào cuối thế kỷ 16, thủ phủ của đế chế Khmer một thời hào quang này bị tàn phá và bỏ quên giữa rừng. Trong 150 năm, rất nhiều chuyên gia đã cố gắng tìm ra lời giải và nhiều giả thuyết được đặt ra.

Hơn 1.000 ghi chép được khắc trên tường đá ngoài ô cửa của các ngôi đền vẫn còn đó nhưng việc người dân rời khỏi Angkor không phải là lý do duy nhất giải thích cho sự sụp đổ của đế chế Khmer.

Angkor Wat là công trình tôn giáo lớn nhất thế giới, từng là nơi thờ cúng hàng nghìn năm và vẫn là một trong những chốn linh thiêng của đạo Hindu và đạo Phật./. 

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)