Phim ‘Cô gái đến từ hôm qua’ – giấc mơ tuổi thanh xuân ngọt ngào

Tác phẩm chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh gợi nhớ thời học trò thơ mộng cuối thập niên 1990, khi Internet chưa xâm lấn học đường.

Cô gái đến từ hôm qua sắp ra rạp trong sự trông đợi của khán giả, sau thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh, Victor Vũ đạo diễn) năm 2015. Phim mới của Phan Gia Nhật Linh có sự góp mặt của Ngô Kiến Huy và Miu Lê – hai diễn viên chính trong tác phẩm ăn khách anh từng thực hiện là Em là bà nội của anh.

* Trailer “Cô gái đến từ hôm qua”

Phim 'Cô gái đến từ hôm qua' - giấc mơ tuổi thanh xuân ngọt ngào

 

 

Phim ‘Cô gái đến từ hôm qua’ – giấc mơ tuổi thanh xuân ngọt ngào

Đạo diễn từng tâm sự chịu nhiều áp lực khi đưa truyện Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng. Các tác phẩm của cây bút gốc Quảng đa phần không giàu kịch tính nhưng lôi cuốn độc giả nhờ cốt truyện giản dị, lối hành văn trong sáng, giàu cảm xúc. Để chuyển chất tinh tế, nhẹ nhàng từ câu chữ sang hình thức nghe – nhìn là một thử thách lớn với bất kỳ đạo diễn nào muốn chạm vào một tác phẩm văn học đã đi vào lòng nhiều bạn đọc.

Phim Cô gái đến từ hôm qua giữ lại phần lớn tác phẩm gốc. Phim bắt đầu với lời kể chuyện của Thư, cậu học trò cấp ba phải lòng Việt An – cô bạn xinh nhất lớp, xen kẽ dòng hồi tưởng của anh về người bạn thơ ấu Tiểu Li. Trong khoảng 120 phút, phim là những ngọt ngào, giận hờn, cay đắng của hai câu chuyện song hành giữa quá khứ và hiện tại.

phim-co-gai-den-tu-hom-qua-giac-mo-tuoi-thanh-xuan-ngot-ngao

Miu Lê (phải) và Ngô Kiến Huy.

Lấy bối cảnh năm 1997, phim gợi nhắc thế hệ khán giả 7x, 8x về thời thanh xuân. Giai đoạn đó, bảng xếp hạng âm nhạc Làn Sóng Xanh tạo hiệu ứng lớn, lôi cuốn nhiều bạn trẻ – trong đó có Thư – bằng những Tình đơn phương, Phượng hồng, Hương thầm… Thói quen thu băng nhạc phát trên radio rồi chép lại vào sổ tay được tái hiện. Căn phòng nhân vật chính bày ra những cuốn Bảy viên ngọc rồng in năm 1996 – “bảo vật” của học trò một thời. Khung cảnh phố thị cổ kính ở Hội An – bối cảnh quay chính của phim – gợi cảm giác bảng lảng hoài niệm. Nơi đó có hàng chè tàu giữa sân nhà, giọng phát thanh viên văng vẳng trên loa phường, những con đường trải dài với các ô tường màu vàng, những xe cà rem, rạp chiếu bóng và những poster vẽ tay…

Kỷ niệm học trò được khơi lại qua những dòng tỏ tình trên giấy Thư gửi Việt An, cách cậu dấm dúi giấu kẹo, ổi, chocolate… vào hộc bàn tặng người thương, hay bức họa chân dung bằng bút chì vẽ trộm trong sách… Phim kéo người xem vào dòng hồi ức về một thế hệ trẻ chưa từng biết đến Internet, mạng xã hội, chỉ giãi bày tình cảm qua giấy bút, chương trình quà tặng âm nhạc trên radio…

* Ca sĩ Ngọc Linh hát “Tình thơ” cùng Miu Lê

Ngọc Linh hát 'Tình thơ' Trong phim 'Cô gái đến từ hôm qua'

 

 

Ngọc Linh hát ‘Tình thơ’ Trong phim ‘Cô gái đến từ hôm qua’

Nét diễn tròn trịa, không quá lên gân của Ngô Kiến Huy và Miu Lê góp phần tạo âm hưởng nhẹ nhàng cho phim. Kiến Huy vào vai chàng trai (Thư “thơ thẩn”) theo đuổi hot girl và bị đẩy vào các tình huống oái oăm. Miu Lê vào vai Việt An – cô nàng xinh đẹp, lạnh lùng, được nhiều người theo đuổi. Tuy nhiên, so với nhiều vai trước, Kiến Huy chưa đột phá về diễn xuất bởi anh vẫn lặp lại một kiểu diễn, nét mặt, nụ cười và phong cách láu táu quen thuộc. Riêng Miu Lê vẫn chưa có nhiều “đất” thể hiện khả năng biểu cảm đa dạng.

Các diễn viên phụ như Hải “gầy” (Jun Phạm), Hồng Hoa (Hoàng Yến), cô giáo Hường (Lan Phương)… chủ yếu làm nền cho nhân vật chính, tăng độ hài hước. Vai diễn của Lan Phương có những biểu cảm điệu đà, gây cười, theo đuổi người yêu quá lố không phù hợp với mạch phim chung.

Nhân tố nổi trội trong diễn xuất thuộc về Minh Khang và Hà Mi – đóng vai Thư lúc nhỏ và Tiểu Li. Hai gương mặt nhí diễn ăn ý ngay từ phút đầu và giữ phong độ xuyên suốt phim. Ở những cảnh bi, cả hai gợi được cảm xúc người xem bằng lối diễn hồn nhiên, tròn trĩnh. Trong đó, Minh Khang – Á quân Bước nhảy Hoàn Vũ nhí 2014 – gây thiện cảm khi vào vai một cậu bé láu cá, thích bắt nạt cô bạn cùng lứa và loay hoay với những rung động đầu đời.

Âm nhạc đóng vai trò hỗ trợ lớn trong không gian điện ảnh vốn giàu chất thơ của bộ phim. Ngoài những ca khúc nổi tiếng cách đây hai thập niên, phim có những phân cảnh ngẫu hứng mang phong cách nhạc kịch. Phần nhạc nền do Nguyễn Hải Phong đảm nhiệm tạo cảm giác trong trẻo, man mác buồn của thời cuối cấp chưa xa.

Minh Khang (phải) và Hà Mi - đóng vai Thư lúc nhỏ và Tiểu Li

Minh Khang (phải) và Hà Mi – đóng vai Thư lúc nhỏ và Tiểu Li.

Trong truyện, Thư “thơ thẩn” là chàng trai lãng mạn, thích tưởng tượng những tình huống đầy chất tiểu thuyết. Để thể hiện tính cách nhân vật, đạo diễn sử dụng nhiều công nghệ kỹ xảo hình ảnh CGI. Khi Thư gặp Việt An lần đầu, tâm hồn bay bổng của anh được cụ thể hóa bằng cảnh vườn tược, ong bướm… Đôi khi, cách sáng tạo của đạo diễn vượt lên trên độ logic của tình huống, như trong cảnh Thư đuổi theo một nhân vật gần cuối phim.

Phim có nhiều khung hình flycam khai thác cảnh đẹp ở Hội An, Đà Nẵng với bãi biển, đồi hoa mua, suối nước. Ở vài phân đoạn, để tăng hiệu ứng thẩm mỹ, đạo diễn bồi đắp thêm kỹ xảo bằng cảnh cầu vồng, thác nước, đàn bướm … Dù vậy, các cảnh đẹp lung linh này khiến cảm xúc về phim có phần không thật, chưa thật sự tạo nên rung động đến từ những điều giản dị, nhẹ nhàng. Về mỹ thuật, bối cảnh và tạo hình có nhiều chi tiết quá hiện đại, chưa phù hợp với thời điểm 1997.

* Vũ Cát Tường hát “Cô gái ngày hôm qua”

Vũ Cát Tường hát nhạc phim 'Cô gái đến từ hôm qua'

 

 

Vũ Cát Tường hát nhạc phim ‘Cô gái đến từ hôm qua’

Với thời lượng hai tiếng đồng hồ, phim tạo cảm giác dài dòng. Càng về cuối, khán giả dễ phân tâm khi câu chuyện về hai tuyến nhân vật Tiểu Li – Thư và Thư – Việt An liên tục đan xen. Bên cạnh nỗ lực trung thành với kịch bản gốc, đạo diễn Nhật Linh cài cắm các tình tiết, tuyến nhân vật mới lạ. Một trong số đó là mối quan hệ tình cảm của một cặp nhân vật phụ, được anh lấy cảm hứng từ một truyện dài khác của tác giả. Tuy nhiên, câu chuyện này bị chồng chéo với mạch truyện chính do diễn biến còn nửa vời.

Phim dự kiến khởi chiếu ngày 21/7.

Tam Kỳ