Phim “Cánh đồng hoang”

Đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến

Sau một bộ phim về chiến tranh Việt Nam qua bộ phim tài liệu Vietnam War của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, đây sẽ là một bộ phim cùng chủ đề nhưng qua con mắt của chính người Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Sáng và đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. 

Bộ phim không có nhiều nhân vật, có Ba Đô với hình ảnh người lính giao liên chất phát nhưng quả cảm, có Sáu Xoa hồn hậu, dám đương đầu với lính Mỹ dù sợ đến cả con rắn nước, có cậu bé dù quá nhỏ nhưng là nhân vật không thể thiếu trong gia đình đầm ấm, bé nhỏ, có người lính Mỹ với chiếc máy bay quần thảo. Phần không gian mênh mông sóng nước và âm thanh, khi thì tiếng nhạc, khi thì tiếng máy bay, tiếng bom rơi, khi nhẹ nhàng, khi dồn dập, làm nền cho những nhân vật trên tròn vẹn vai diễn của mình.  

Bộ phim mở màn với tiếng hò ơi Nam Bộ, nghe chừng rất dịu dàng và ấm áp. Tưởng chừng đó chỉ là một gia đình bình dị và nghèo nàn ở miền sông nước Nam Bộ, Ba Đô và Sáu Xoa, nhưng thực ra lại là những người du kích nông dân, che giấu và giữ liên lạc cho những người lính Cách mạng Việt Nam. Cuộc sống của họ dù khó khăn nhưng đầy yêu thương.  

Giữa những cảnh bom rơi, là tiếng cười, giọng hát, là tiếng đàn và những lời yêu thương mà họ dành cho nhau.Tình yêu thể hiện ngay ở những phân cảnh đầu tiên qua cái cách người vợ (Sáu Xoa) nhường chồng chén nước mắm uống cho ấm với cái nhìn thèm thuồng. Tình yêu còn thể hiện khi Ba Đô âu yếm nhìn vợ, nhìn con, chăm lo cho miếng ăn, chiếc áo cho họ mà chẳng màng đến mình. Hơn thế còn là tình yêu với đất nước, với Cách mạng, để những con người nhỏ bé bám trụ trên cánh đồng hoang trước những trận càn quét của máy bay Mỹ. Đó cũng là điều mà người lính Mỹ không thể nào hiểu được. Họ không thua một con người với một chiếc thuyền, “nhưng nếu có một con người và một chiếc thuyền ở đây thì ý chí chúng ta thua”, vì vậy mà họ dùng mọi phương tiện có thể để tiêu diệt con đường giao liên. Nhưng với sự thông thạo địa hình của một con người Đồng Tháp Mười, họ vẫn bám trụ và khiến người Mỹ nổi điên. Đỉnh điểm và xót xa, là cảnh họ phải cho đứa con mình vào túi nilon và nhấn xuống nước để trốn máy bay và che giấu tiếng khóc của đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu chuyện. Dù vậy, khi được chỉ huy đề nghị hỗ trợ, họ từ chối và vẫn cố gắng hết sức để dành lực lượng cho những khu vực trọng yếu khác.  

Tuy nhiên, nếu chỉ có thể thì bộ phim Cánh đồng hoang chỉ sẽ dừng lại ở đề tài chiến tranh. Hình ảnh Ba Đô chết trong tay Sáu Xoa, để người phụ nữ mong manh ấy đứng lên cầm súng bắn tay lính Mỹ trả thù chồng không làm ta hả dạ mà khiến ta càng xót xa hơn khi nhìn thấy tấm ảnh của vợ và con anh nơi quê nhà. Tác giả và đạo diễn đã đẩy bộ phim đến xa hơn, rằng chiến tranh là sự mất mát không chừa một ai, rằng dù chiến đấu dưới lá cờ nào, dù thuộc phe nào, mỗi người tham gia vào cuộc chiến ấy cũng là những con người, cũng có gia đình, có những người thân yêu mà họ phải bỏ lại phía sau để lên đường chiến đấu, kể cả đó là người lính Bắc Việt, Nam Việt hay Hoa Kỳ.  

Bộ phim giành được nhiều giải thưởng lớn và ghi dấu ấn của điện ảnh Việt Nam cũng như của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Bộ phim dù cũ nhưng vẫn mang những giá trị về tư tưởng, tình cảm cũng như nghệ thuật (Kim, Trần. 2012).

Chú thích/Tài liệu tham khảo:

Kim, Trần. (2012, 10, 07). Cánh đồng hoang: Khúc tình ca bất khuất. Trích từ http://www.thegioidienanh.vn/canh-dong-hoang-khuc-tinh-ca-bat-khuat-656.html  

Thanh Xuân. (2015, 10, 19),

Sức sống mãnh liệt từ ‘Cánh đồng hoang’.

Trích từ

http://phunuvietnam.vn/sc-sng-mnh-lit-t-cnh-ng-hoang-post3045.html