Phim Ấn Độ: “Món ăn lạ” với khán giả Việt

Có thể xem bộ phim “Ba chàng ngốc” (3 idiots) là bộ phim mở màn cho trào lưu xem phim Ấn Độ, tất nhiên trước đó đã có những bộ phim Ấn tiên phong nhưng chưa thực sự chinh phục được khán giả Việt. “Ba chàng ngốc” được giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, học sinh truyền nhau xem đã đưa điện ảnh Ấn Độ bước đầu chinh phục khán giả Việt.

Tuy vậy, ngay cả đến hiện tại thì dòng phim Trung – Hàn vẫn là món ăn ưa thích của phần lớn khán giả Việt (đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ). Điều này cũng dễ hiểu bởi văn hóa Á Đông vẫn dễ “tiếp thu” hơn, người Việt còn khá mơ hồ về văn hóa Ấn Độ, đại loại chỉ biết Ấn Độ là một quốc gia đông dân, đa dân tộc, ngôn ngữ, đạo Hinđu… Vì thế nên giai đoạn này, điện ảnh Ấn cũng đang ở ngưỡng “ngập ngừng” chinh phục khán giả Việt.

Mới đây, một loạt phim lên lên sóng màn ảnh nhỏ như: “Trái tim mỹ nhân”, “Tình yêu và định mệnh”… phát sóng trên HTV và VTV đang thu hút được nhiều khán giả. Tuy nhiên, những khán giả trẻ xem qua Internet mới là số đông của dòng phim Ấn Độ, khi có cả nhưng hội yêu phim Ấn Độ lên tới hàng chục ngàn thành viên.

Một điểm khá tương đồng giữa phim Ấn Độ với những phim Đông Á khác có thể thấy là “khá sến”, phim thường đề cập đến những số phận bi đát, những tình yêu rất lãng mạn và một cái kết luôn có hậu như một niềm tin vào số phận. Ấn Độ tiếp nhận nhiều hơn ở phương Tây trên khía cạnh chính trị, nhưng cũng không hẳn cởi mở văn hóa, nếu không muốn nói là ít hơn các nước Đông Á.

Các phim Ấn luôn đan cài các clip ca nhạc, khiêu vũ dàn dựng rất nghệ thuật công phu nhưng “ít logic” với tình tiết của bộ phim. Nếu có thay đổi đáng kể, những năm gần đây, thì đó là xuất hiện nhiều hơn các clip nhạc ảnh hưởng của phương Tây, như trong “Rockstar” (2011). Nhưng có một điều chắc chắn phim Ấn phần lớn đều chuyển tải các giá trị nhân văn khá sâu sắc (gần đây khuynh hướng tự do thông thoáng hơn), khá hợp với tâm lý người Việt.

Ấn Độ cũng có một dòng phim kinh dị, ma quái riêng biệt. Tuy nhiên, khác với những thước phim đầy máu me, ghê rợn của Mỹ hay Thái Lan phim kinh dị Ấn Độ mang hơi hướng tôn giáo. Người xem thấy ẩn sau mỗi nhân vật là cả một câu chuyện đầy tính nhân văn. Ví dụ như bộ phim “Ông bụt ma” là câu chuyện về tình cảm gia đình sâu sắc.

Đặc sắc văn hóa Ấn Độ

Một điều nổi bật mà hầu như phim Ấn nào cũng có đó là họ luôn biết cách đưa văn hóa bản địa của mình vào phim, vào từng lời thoại nhân vật. Đó cũng là một cách quảng bá văn hóa mà ít dòng phim nước nào có được.

Một điểm đặc biệt của điện ảnh Ấn Độ chính là sự “bảo thủ” trong việc liên tiếp có những màn múa hát đặc trưng văn hóa Ấn và tiếng Hinđu đi kèm. Qua nhiều thời gian nhưng hầu hết các phim Ấn vẫn giữ nét đặc trưng này. Một con số thống kê trên Wikipedia ở Ấn, các bài hát từ các bộ phim Ấn Độ chiếm 72% doanh thu thị trường âm nhạc. Công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ hỗ trợ âm nhạc bằng sự tôn kính âm nhạc cổ điển, nhưng phối nhạc phương Tây hỗ trợ các giai điệu Ấn Độ, đa số tạo sự hài hòa trong khi vẫn giữ lại hương vị cổ điển và dân gian.

Đến nay Ấn Độ vẫn là nước sản xuất nhiều phim nhất thế giới, trên cả Hollywood và Trung Quốc. Ở Ấn Độ có rất nhiều trung tâm sản xuất phim. Tuy nhiên, Ấn Độ không đầu tư quá nhiều vào những bộ phim bom tấn. Theo số liệu từ Wikipedia năm 2011, Ấn Độ có tổng cộng 1.255 bộ phim sản xuất đưa chiếu rạp, trong 7 trung tâm sản xuất phim lớn thì trung tâm phim tiếng Malayalam có 95 phim và 6 trung tâm khác sản xuất đều trên 100 phim. Bollywood vẫn dẫn đầu với 206 phim.

Nhìn chung điện ảnh Ấn Độ rất đa dạng, dẫu gần đây học hỏi nhiều hơn từ điện ảnh phương Tây, nhưng luôn ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc và mỗi thước phim cho người xem luôn thấy “chất Ấn Độ” đậm nét. Trừ Bollywood và một vài trung tâm khác, còn phần lớn các trung tâm sản xuất phim ảnh nước này đều rơi vào suy thoái khi Ấn Độ mở cửa thị trường, phim Mỹ tràn vào. Song hiện Ấn Độ là một trong số những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và khá ổn định trong vài năm gần đây.

Có thể điện ảnh Mỹ đang thu hút khán giả ở những phim bom tấn hành động, phim Hoa ngữ ở dòng phim thị trường, nhất là phim truyền hình Hàn đánh vào đối tượng khán giả bình dân, lan mạnh ở Đông Á, nhưng Ấn Độ thực sự vẫn là một trung tâm sản xuất phim có chất lượng. Sự khác biệt về văn hóa có thể khiến khán giả Việt Nam không quan tâm nhiều đến điện ảnh Ấn, nhưng điều đó đang dần thay đổi khi liên tục trên màn ảnh Việt xuất hiện nhiều phim Ấn Độ mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả Việt.