Phát triển thị trường khoa học-công nghệ tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Góp mặt trong hầu hết các sự kiện, hoạt động kết nối cung-cầu khoa học-công nghệ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài việc giới thiệu những sản phẩm chocolate độc đáo được làm ra từ những hạt ca cao trên vùng đất Châu Đức, Công ty cổ phần Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) còn mong muốn được tiếp cận những công nghệ chế biến nông sản mới, nhất là chế biến sâu về ca cao. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc công ty, chia sẻ: Chế biến và sản xuất chocolate đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe về kỹ thuật và chất lượng. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới về chocolate đều “cất giấu” rất kỹ những bí quyết này. Là doanh nghiệp đi sau chúng tôi rất cần những chuyên gia giỏi tư vấn về công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản và đóng gói. Đó chính là lý do Công ty Thành Đạt thường xuyên tham gia các hoạt động kết nối cung-cầu khoa học-công nghệ tại địa phương.

Tương tự, từ nhiều năm nay, nhiều sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và từng bước tham gia xuất khẩu. Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: Bầu Mây hiện có khá nhiều dòng sản phẩm, vốn là thế mạnh của địa phương, như: tiêu trắng, tiêu đen, bột hoài sơn… Để nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, chúng tôi luôn mong muốn tiếp cận những công nghệ mới, hiện đại, cả ở trong nước lẫn trên thế giới. Việc phát triển thị trường khoa học-công nghệ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Nắm bắt nhu cầu này, cùng với việc đẩy mạnh các chương trình hội thảo, giới thiệu, trình diễn những sản phẩm, công nghệ mới, năm 2016, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định thành lập sàn giao dịch công nghệ trực tuyến. Đây được xem là định chế trung gian quan trọng bậc nhất nhằm phát triển thị trường khoa học-công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đến nay, sàn giao dịch đã thu hút hơn 800 nhà cung cấp (với khoảng 3.000 sản phẩm chào bán), 275 tổ chức và chuyên gia tư vấn đăng ký tham gia. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với thị trường khoa học-công nghệ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay chính là nguồn cung khoa học-công nghệ khá hạn chế.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Sông Dinh Solution Nguyễn Việt Công cho biết: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm mới nhất của chúng tôi là Senplus, có tác dụng hỗ trợ giảm cholesterol, phòng, chống xơ vữa mạch máu gây tăng huyết áp. Khi nghiên cứu, bào chế sản phẩm này, chúng tôi có tìm kiếm công nghệ trên sàn giao dịch nhưng riêng lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe hầu như rất thiếu thông tin.

Thực tế, dù được sự quan tâm của chính quyền các cấp nhưng thị trường khoa học-công nghệ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cũng như mong muốn của các bên tham gia. Việc hỗ trợ để giữa bên có nguồn cung công nghệ với bên cầu công nghệ ngồi lại để thỏa thuận, đàm phán vẫn còn hạn chế. Việc hỗ trợ chuyên gia tư vấn về pháp lý, công nghệ để có thể đi đến ký kết, chuyển giao chưa chuyên nghiệp. Vẫn thiếu sự kết nối giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp trên địa bàn…

Phát triển thị trường khoa học-công nghệ tại Bà Rịa-Vũng Tàu -0  Nhiều sản phẩm công nghệ cao được giới thiệu tại Techfest vùng Đông Nam Bộ tổ chức tại Vũng Tàu.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Mai Thanh Quang cho biết: Chúng tôi nhận thức rõ những khó khăn, bất cập trong phát triển thị trường khoa học-công nghệ thời gian qua. Việc thúc đẩy các chủ thể tham gia phát triển thị trường khoa học-công nghệ, đặc biệt là đẩy mạnh việc hình thành, phát triển các tổ chức trung gian (như sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ…) sẽ tiếp tục được chú trọng.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết có hiệu quả giữa các trường học đại học, các tổ chức khoa học-công nghệ, doanh nghiệp khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đổi mới công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ phát triển khoa học-công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm… phấn đấu đến năm 2025, phát triển thị trường khoa học-công nghệ theo hướng hiện đại, sàn giao dịch công nghệ trực tuyến đóng góp 50% trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm, phát minh, sáng chế, trở thành kênh trung gian kết nối hiệu quả các hoạt động cung-cầu khoa học-công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Trong hai ngày 3 và 4-12 tới đây, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ diễn ra sự kiện “Kết nối cung-cầu công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2020” (Ba Ria-Vung Tau Techconnect 2020) do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp tổ chức.

Tại sự kiện này sẽ có các hoạt động kết nối cung -cầu công nghệ và tư vấn kỹ thuật, giới thiệu, hỗ trợ tham gia chương trình/dự án tại khu triển lãm; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”…