Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, góc nhìn từ Đà Nẵng, bài 2

Thị trường khoa học và công nghệ Đà Nẵng: Từ thách thức nội tại …
(DSA) – Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 (được Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở, phối hợp với các Chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu xây dựng để triển khai thực hiện), cũng cho thấy nhiều thách thức nội tại.

Nhiều năm qua, sự phân bố đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn thiếu cân đối, đa số làm việc trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và y tế. Khối công nghiệp, thương mại, dịch vụ có tỷ lệ cán bộ trình độ đại học và trên đại học rất thấp. Việc bố trí sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ do thành phố quản lý chưa thật hợp lý. Sự phân bố cán bộ khoa học và công nghệ theo vùng lãnh thổ mất cân đối, chủ yếu tập trung ở cấp thành phố, số làm trực tiếp ở cơ sở rất ít.

Lực lượng cán bộ trong ngành công nghệ cao trong thời gian qua đã được quan tâm đào tạo, đặc biệt là hai lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Tuy nhiên đa phần là lực lượng cán bộ trẻ. Số cán bộ đầu ngành, đầu đàn có khả năng đề xuất và triển khai những chương trình lớn trong các lĩnh vực này rất ít, chiếm vị trí khá khiêm tốn so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ở Đà Nẵng tuy đông về số lượng, nhưng lực lượng chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao rất mỏng. Số lượng cán bộ có học vị cao còn rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở khối các cơ quan trung ương. Thiếu cán bộ đầu đàn có khả năng tổ chức thực hiện những chương trình, dự án nghiên cứu lớn. Trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế, sự yếu kém thể hiện rõ nhất ở năng lực thẩm định, đánh giá công nghệ, xây dựng dự án hay xem xét những vấn đề có tính khoa học chuyên sâu.

Về tổ chức, thành phố hiện có 5 tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố, trong đó có 4 tổ chức trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và 1 tổ chức trực thuộc UBND thành phố. Số lượng, chất lượng nhân lực các tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhìn chung đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thực tế việc sử dụng nhân sự tại một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cũng chưa thực sự hiệu quả, hợp lý. Nguyên nhân là do các tổ chức này chưa hoàn toàn tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và vẫn được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên, chưa phải tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Nhằm tạo nguồn cung công nghệ cho thị trường, tính đến thời điểm hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 21 doanh nghiệp ngoài công lập. Các tổ chức này đã có những đóng góp nhất định trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đưa kiến thức, kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào đời sống.

Nhưng thực tế, các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập có quy mô nhỏ về nguồn lực tài chính và nhân lực, năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ không lớn, chủ yếu tập trung vào hoạt động dịch vụ. Trong thực tế, các đơn vị này hoạt động trong nhiều lĩnh vực và tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố còn hạn chế.

Tại một số tổ chức, công tác nghiên cứu khoa học hầu như chưa được triển khai, chủ yếu tập trung vào hoạt động dịch vụ, đào tạo kỹ năng… Bên cạnh đó, các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập được thành lập trên cơ sở nhu cầu của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên thiếu tính định hướng, quy hoạch thống nhất về số lượng theo ngành, lĩnh vực như đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Ngoài ra, cho đến nay, các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập còn hạn chế. Cả Trung ương và địa phương đều không có quy định riêng về cơ chế tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập. Các tổ chức K khoa học và công nghệ ngoài công lập hầu hết hoạt động theo cơ chế tự quản, tự chịu trách nhiệm; đóng thuế thu nhập theo nhiệm vụ và các nghĩa vụ tài chính khác như doanh nghiệp; không được hưởng chính sách ưu tiên nào về tài chính.

Đà Nẵng cũng đã hình thành Sàn giao dịch công nghệ – thiết bị (techmartdanang.vn) với chức năng cầu nối gắn kết người mua, người bán công nghệ – thiết bị, giúp các doanh nghiệp đăng ký, đăng tin giới thiệu và quảng bá sản phẩm công nghệ – thiết bị. Năm 2021, Sàn đã thực hiện việc tinh lọc các doanh nghiệp và sản phẩm không mang hoặc ít hàm lượng công nghệ, đến nay, tổng số doanh nghiệp Đà Nẵng hoạt động trên Sàn là 170 doanh nghiệp và hơn 200 công nghệ và thiết bị được các doanh nghiệp quảng bá trên Sàn. Trung bình hàng tháng, có khoảng 10.000 lượt truy cập và hơn 30 cuộc gọi từ các cá nhân có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, thiết bị, khai thác thông tin trên Sàn.

Tuy nhiên, việc cung cấp các dịch vụ môi giới chuyển giao công nghệ, thẩm định, đánh giá, định giá công nghệ còn hạn chế; việc liên thông, liên kết của các tổ chức trung gian, đặc biệt là các sàn giao dịch tại miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng) và miền Nam (TP Hồ Chí Minh) với các sàn giao dịch trong nước và quốc tế chưa được đẩy mạnh, nên số lượng giao dịch thông qua các sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian công nghệ còn thấp (chiếm 5% tổng số các giao dịch công nghệ trên thị trường).

Một vấn đề khác rất đáng quan tâm nữa, đó là ý tưởng, đề tài, sản phẩm công nghệ, giải pháp, … xuất phát từ hoạt động nghiên cứu của các viện, trường trên địa bàn thành phố thời qua, phải nói khá sôi động, phong phú. Các viện, trường đã tích cực tham gia trưng bày sản phẩm tại các kỳ Techmart, các sự kiện kết nối cung cầu và có nhu cầu về chuyển giao công nghệ và thiết bị. Nhưng, trong thực tế các doanh nghiệp có nhu cầu mới dừng ở mức tìm hiểu sản phẩm nội sinh, do các sản phẩm này chưa hoàn thiện (về tính năng, độ ổn định) nên tính cạnh tranh chưa cao so với các sản phẩm có tính năng tương tự của nước ngoài.
Do vậy, các viện, trường càn chủ động mở kênh phối hợp với các doanh nghiệp, tìm kiếm nguồn đầu tư hoàn thiện sản phẩm nội sinh (nhất là khâu thiết kế, mỹ thuật công nghiệp) thì sẽ rất khó thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Đồng nghĩa rằng, tuy rất mạnh về năng lực nghiên cứu ; viện, trường cũng chưa tham gia mạnh mẽ vào thị trường khoa học công nghệ.

… đến thiếu đồng bộ, bất cập trong thể chế, chính sách phát triển thị trường
Thời gian qua, hành lang pháp lý cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ đã được hình thành, hoàn thiện với nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ đã được ban hành.

Tuy nhiên, vẫn thiếu đồng bộ trong thể chế và chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ, bên cạnh, không ít những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đã và đang là các hạn chế và điểm nghẽn cần được tháo gỡ , để thị trường khoa học và công nghệ có thể được vận hành thông suốt, hiệu quả hơn.

Đơn cử, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu trí tuệ. Song, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ, trong khi đó tài sản trí tuệ là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp (đang hoạt động) cũng không được ngân hàng chấp thuận khi dùng tài sản trí tuệ (kể cả bằng sáng chế đã được bảo hộ) làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đây cũng là một rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào dự án đầu tư.

Hiện đang tồn tại một nghịch lý ở tầm chính sách là doanh nghiệp cần công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học có các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có giá trị, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp, viện, trường nhưng không triển khai được vì còn tồn tại sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý trong Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức, viên chức, pháp luật về quản lý tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,…

Tương tự, một số trường đại học, viện nghiên cứu đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nên định hướng thành lập “doanh nghiệp khởi nguồn” (spin – off) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể “về việc thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn trong các viện, trường”nên việc thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia đề xuất
Theo ông Chu Quang Thái – Thường trực phía Nam, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, nói đến Đà Nẵng, ai ai cũng nghĩ ngay đến những “định danh” và cũng là mục tiêu mà thành phố đang phấn đấu: Thành phố đáng sống ; Thành phố hấn dẫn của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, … Do vậy, Đà Nẵng phải có những bước đột phá. Trước tiên, hãy nghĩ đến một Sàn giao dịch thị trường khoa học công nghệ đổi mưới sáng tạo, thay cho Sàn giao dịch công nghệ đã lỗi thời. Trong nhiều đề xuất về chính sách, cơ chế, phải hướng đến cơ chế bền vững, một “Nghị quyết yêu cầu các Sở ban ngành đặt hành cho cộng đồng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Muốn vậy phải sớm có chính sách và xúc tiến ngay đầu tư để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với Doanh nghiệp và người dân.

Trong 4 nhóm giải pháp rất cụ thể, đề xuất với thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cho rằng, “ Đà Nẵng cần xây dựng chương trình hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn, chú ý “ưu tiên các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của thành phố”. Xây dựng và không ngừng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp “sản xuất sản phẩm có lợi thế của Đà Nẵng”, doanh nghiệp “có tiềm năng ứng dụng sáng chế, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh”. Hỗ trợ việc liên kết/hợp tác quốc tế, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuẩn hóa các sản phẩm phục vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, và “doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”. Hỗ trợ ươm tạo và phát triển công nghệ phục vụ phát triển giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, đô thị thông minh”.

“Để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội, rõ ràng, cần phải khắc phục nhanh những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ, với hệ thống pháp luật liên quan. Cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung.

Cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước, mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp. Khuyến khích và có chính sách đòn bẫy để nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. viện, trường và doanh nghiệp tiếp tục tăng cường liên kết, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Có vậy mới phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ – một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo nên những bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Võ Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, nhấn mạnh./.

Trần Ngọc

Trở lại bài đầu tiên
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, góc nhìn từ Đà Nẵng, bài 1