Phát triển năng lực vận dụng hóa học vào cuộc sống trong môn hóa học – Tri thức trẻ vì giáo dục
Công trình: Phát triển năng lực vận dụng hóa học vào cuộc sống trong môn hóa học
Link công trình: https://drive.google.com/drive/folders/1G4T3cZ7AgTUyoa9GE8z-kJPMi6fGX4Og?fbclid=IwAR3jzg949SdqvD0ewU5ndbxZ73VsFeFqkaiukilvcltDOkxFxqu4Wqr4xxY
Giới thiệu về công trình:
TÊN CHỦ ĐỀ: PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC VẬN DỤNG HÓA HỌC VÀO CUỘC SỐNG TRONG MÔN HÓA HỌC
A – MỞ ĐẦU
I- ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Thực trạng
Giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến quan tâm học sinh vận dụng được gì qua việc học. Mục tiêu của giáo dục hiện nay là dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kĩ năng, hình thành năng lực và phẩm chất, đồng thời chuyển cách đánh giá kết quả giáo dục từ kiểm tra trí nhớ sang kiểm tra đánh giá năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề nhằm năng cao chất lượng của các hoạt động dạy và học riêng bộ môn hóa học nói riêng, và tất cả các môn học khác nói chung.
Với bộ môn hóa học là môn khoa học và thực nghiệm gắn liền với tự nhiên và đời sống của con người. Mục tiêu của việc giáo dục môn hóa học là ngoài việc cung cấp cho học viên hệ thống kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất, còn cung cấp những kiến thức thiết thực và gắn liền với đời sống để học viên thấy hóa học không xa lạ, hóa học gần gũi, có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, đóng góp một phần không nhỏ vào việc giải thích các hiện tượng trong thực tiễn.
Ở cấp THCS, hóa học là một môn mới, lên chương trình lớp 8,9 các em mới được làm quen và biết đến hóa học, nếu không chú ý từ những bài học đầu tiên để nắm được các kiến thức cơ bản nhất, thì học sinh sẽ chán và không có hứng thú với bộ môn này, và hiện tượng rỗng kiến thức sau khi vào lớp 10 là rất phổ biến. Tuy nhiên, giáo viên ngoài việc biết lựa chọn lượng kiến thức vừa phải, cơ bản nhất và trong giảng dạy nếu lồng ghép được các hiện tượng xảy ra trong thực tế, vấn đề bảo vệ môi trường,… liên quan đến bài học thì không chỉ làm cho bài học trở nên sinh động mà còn gây hứng thú, và sức hút cho học viên. Từ đó kích thích sự tò mò, ham học hỏi, giúp học viên chủ động trong việc tìm hiểu, tiếp thu kiến thức, góp phần phát triển tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề cho học viên.
Tuy nhiên, các nội dung, bài tập gắn liền với thực tiễn môn hóa học nói chung và môn hóa học 10 nói riêng còn hạn chế, ít được quan tâm. Từ thực trạng chung của ngành giáo dục nước ta hiện nay, tôi nhận thấy về phía học viên để tăng hứng thú với môn học, kích thích sự tìm tòi, khám phá là cần thiết, đặc biệt là học sinh lớp 10, giúp các em yêu thích môn hóa học, chủ động trong việc nắm kiến thức làm nền tảng cho chương trình hóa 11,12. Đồng thời về phía giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá tích cực nhằm phát huy tối đa các năng lực của học sinh.
2. Ý nghĩa và tác dụng
– Giúp học sinh có thể giải đáp được một số thắc mắc, vấn đề, hiện tượng, những câu hỏi “Vì sao” nảy sinh trong đời sống bằng kiến thức hóa học. Từ đó làm tăng lòng say mê, học hỏi, phát triển tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng hóa học vào thực tiễn cho học viên. Giúp giáo viên đánh giá khả năng vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống của học viên.
– Góp phần thực hiện nguyên lí giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất, lí thuyết gắn liền với thực tế.
– Tạo ra hứng thú học tập bộ môn hoá học, góp phần tạo nên sự tiến bộ của học viên.
– Góp phần làm thay đổi chất lượng giờ dạy của bộ môn Hóa học theo hướng tích cực, phát huy các năng lực cho học sinh, làm cơ sở cho việc xây dựng phương pháp dạy học, mong muốn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá, phát triển các năng lực cần thiết
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
a) Đối tượng
– khối lớp 10
– Hệ thống bài tập SGK, sách bài tập, và các tài liệu tham khảo khác.
b) Phạm vi
– Hệ thống nội dung lí thuyết và bài tập về phi kim: nhóm halogen, oxi – lưu huỳnh. .
II- PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH
1. Cơ sở lí luận
1.1. Luật giáo dục số 38/2006/QH11, điều 28 quy định: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”
1.2. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-1020 ban hành kèm theo Quyết định 711/QĐ-TTg ngày 13/06/2012 của thủ tướng chính phủ chỉ rõ “ Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo và năng lực tự học của người học”
2. Cơ sở thực tiễn
– Xuất phát từ tình hình thực tế học sinh trong trường THPT Phú Bình, đặc biệt là các học sinh mới bước vào lớp 10:
+ Một số bộ phận học sinh không muốn học hoá học, lạnh nhạt, thờ ơ không có hứng thú với môn học, học không hiểu bài, chán nản và ỉ lại.
+ Kiến thức cơ bản từ trung học cơ sở chưa nắm vững, đa số không nhớ kiến thức cũ, một số em coi đó là môn học phụ nên không chú ý.
+ Kĩ năng giải quyết các tình huống thực tiễn chưa được quan tâm.
+ Giáo viên chưa chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới các phương pháp dạy học để tạo được những tiết học lôi cuốn, thu hút, tạo hứng thú cho học sinh. Dẫn đến chất lượng tiết học chưa cao, chưa phát huy được tính tích cực, tự lực, sáng tạo cho học sinh.
+ Tình trạng đọc-chép, học sinh thiên về ghi nhớ, ít được vận dụng kiến thức.
3. Biện pháp tiến hành, giải pháp thực hiện
a) Biện pháp tiến hành
– Truyền đạt kiến thức: thuyết trình, dùng lời lẽ giải thích.
– Sử dụng phương tiện dạy học: máy chiếu, hình ảnh, video.
– Sử dụng đồ dùng hóa học: dụng cụ, hóa chất để tiến hành thí nghiệm.
b) Giải pháp thực hiện
– Vận dụng, lồng ghép các kiến thức với các ứng dụng, hiện tượng trong tự nhiên, thực tiễn :
+ Đặt vấn đề bài mới bằng các ứng dụng của các chất trong cuộc sống: tạo sự tò mò, hứng thú cho học sinh.
+ Vận dụng các phản ứng hóa học cụ thể trong bài học để giải thích hiện tượng trong cuộc sống.
+ Lồng ghép hiện tượng trong cuộc sống thông qua những câu chuyện về hóa học: giảm bớt không khí căng thẳng, khô khan, tạo không khí học tập vui tươi, thoải mái, kích thích niềm đam mê hóa học cho học viên.
+ Giải quyết hiện tượng trong cuộc sống cuối tiết học: học viên căn cứ vào những kiến thức đã học, đưa ra cách giải quyết những hiện tượng này khi gặp phải.
– Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực
+ Sử dụng thí nghiệm và các phương tiện trực quan khác trong dạy học hóa học.
+ Tăng cường và sử dụng các bài tập giải quyết vấn đề, các bài tập gắn với bối cảnh, tình huống thực tiễn góp phần phát triển năng lực giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng hóa học vào thực tiễn: Xây dựng các dạng câu hỏi, bài tập gắn với bối cảnh, thực tiễn.
– Cải tiến phương pháp dạy học truyền thống.
4) Thời gian nghiên cứu
– Từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020
B – NỘI DUNG
I. MỤC TIÊU
– Đánh giá khả năng học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
– Xác định cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của dạy và học môn hóa học trường THPT Phú Bình.
– Trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp nhằm giúp học viên có những hứng thú trong học tập môn hóa học nhằm pháp huy tính tích cực, chủ động của học viên trong học tập, phát triển năng lực vận dụng hóa học vào thực tiễn cho học sinh.
– Tạo hứng thú, giúp học sinh yêu thích, say mê môn hóa nhằm nâng cao chất lượng bộ môn.
II. NỘI DUNG
1. Khái niệm năng lực
“Xu hướng chung của dạy học hiện nay là chuyển quá trình giáo dục từ “chủ yếu trang bị kiến thức” sang “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Hướng tới phát triển các năng lực chung mà mọi học sinh đều cần có: năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề… đồng thời hướng tới phát triển các năng lực chuyên biệt của từng bộ môn” trích Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực của học sinh môn Hóa học cấp THPT-2014.
Năng lực: Theo “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên-NXB Đà Nẵng – 1998, năng lực là: “Khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”. Trong tài liệu tập huấn việc dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của HS do Bộ giáo dục và Đào tạo phát hành năm 2014 thì “Năng lực được quan niệm là sự kết hợp một cách linh hoạt và có tổ chức kiến thức, kỹ năng với thái độ, tình cảm, giá trị, động cơ cá nhân,…nhằm đáp ứng hiệu quả một yêu cầu phức hợp của hoạt động trong bối cảnh nhất định”. Năng lực thể hiện sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố (phẩm chất của người lao động, kiến thức và kỹ năng) được thể hiện thông qua các hoạt động của cá nhân nhằm thực hiện một loại công việc nào đó.
2. Một số năng lực chuyên biệt của môn hóa học
Trong tài liệu tập huấn việc dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của HS do Bộ giáo dục và Đào tạo phát hành năm 2014 thì các năng lực chuyên biệt của bộ môn hóa học bao gồm:
a) Năng lực sử dụng ngôn ngữ hóa học
– Năng lực sử dụng biểu tượng hóa học, năng lực sử dụng thuật ngữ hóa học, năng lực sử dụng danh pháp hóa học.
b) Năng lực thực hành
– Năng lực tiến hành thí nghiệm, sử dụng thí nghiệm an toàn; năng lực quan sát mô tả, giải thích các hiện tượng thí nghiệm và rút ra kết luận ; năng lực xử lý thông tin liên quan đến thí nghiệm.
c) Năng lực tính toán
d) Năng lực giải quyết vấn đề thông qua môn hóa học
– Phân tích được tình huống trong học tập môn hóa học.
– Phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập môn hóa học.
– Xác định được và biết tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề phát hiện trong các chủ đề hóa học.
– Đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề đã phát hiện.
e) Năng lực vận dụng kiến thức hóa học vào cuộc sống: gồm
– Năng lực hệ thống hóa kiến thức: Có năng lực hệ thống hóa kiến thức, phân loại kiến thức hóa học, hiểu rõ đặc điểm, nội dung, thuộc tính của loại kiến thức hóa học đó. Khi vận dụng kiến thức chính là việc lựa chọn kiến thức xã một cách phù hợp với mỗi hiện tượng, tình huống cụ thể có thể xảy ra trong cuộc sống, tự nhiên và xã hội.
– Năng lực phân tích tổng hợp các kiến thức hóa học vận dụng vào thực tiễn: Định hướng được các kiến thức một cách tổng hợp và khi vận dụng kiến thức hóa học có ý thức rõ ràng về loại kiến thức hóa học đó được ứng dụng trong các lĩnh vực gì, ngành nghề gì, trong cuộc sống tự nhiên và xã hội.
– Năng lực phát hiện các nội dung kiến thức hóa học được ứng dụng trong các vấn đề, lĩnh vực khác nhau: Phát hiện và hiểu rõ được các ứng dụng của hóa học trong các vấn đề thực phẩm, sinh hoạt, y học, sức khỏe, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và môi trường.
Nếu vận dụng tốt hệ thống các hiện tượng hóa học cuộc sống vào bài giảng sẽ làm tăng ý nghĩa thực tiễn của môn học, làm bài học trở nên hấp dẫn và cuốn hút học viên hơn. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực nhận thức, tích cực chủ động học tập của học viên. Điều này mang lại kết quả học tập tốt hơn.
3. Dạy học định hướng năng lực
– Chương trình dạy học định hướng năng lực được xây dựng trên cơ sở chuẩn năng lực của môn học. Năng lực chủ yếu hình thành qua hoạt động học của học viên. Hệ thống câu hỏi, bài tập định hướng năng lực chính là công cụ để học sinh luyện tập nhằm hình thành năng lực và là công cụ để giáo viên kiểm tra, đánh giá năng lực của học viên và biết được mức độ nắm được bài của học viên.
– Câu hỏi/bài tập là một thành phần quan trọng trong môi trường học tập mà người giáo viên cần thực hiện. Vì vậy, trong quá trình dạy học, người giáo viên cần biết xây dựng các bài tập định hướng năng lực.
– Các câu hỏi/bài tập gắn với bối cảnh, tình huống thực tiễn: vận dụng và giải quyết vấn đề gắn các vấn đề với bối cảnh và tình huống thực tiễn. Tạo cơ hội cho học viên có nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường giải quyết khác nhau.
– Kết quả đánh giá năng lực người học:
+ Năng lực người học phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ hoặc bài tập đã hoàn thành.
+ Thực hiện được nhiệm vụ càng khó, càng phức tạp hơn sẽ được coi là có năng lực cao hơn.
4. Hệ thống câu hỏi/bài tập vận dụng hóa học vào cuộc sống.
4.1. Đặt vấn đề bài mới có gắn hiện tượng trong cuộc sống.
1. Giới thiệu chương halogen
GV đặt vấn đề: “Các con sông, suối,…các dòng nước trên lục địa đều chảy về biển dương và hòa tan mọi chất có thể hòa tan. Do quá trình bay hơi, các nguyên tố và hợp chất tụ tập trong nước biển ngày càng nhiều theo thời gian. Vị mặn của nước biển chủ yếu do NaCl gây nên. Trong nước biển có khoảng hơn 80 nguyên tố. Halogen có nhiều trong nước biển, nguyên tố brom có trong nước biển tới 99% tổng lượng tồn tại và chiếm 0,065% trong nước biển”
Vấn đề này có thể đưa vào bài dạy về halogen với mục đích giải thích vì sao nước biển lại mặn. Kích thích học viên muốn tìm hiểu xem halogen gồm những nguyên tố nào, có tính chất gì?…
Giáo viên giải thích thêm : Halogen – “sinh ra muối ” ; Flo – “luồng chảy”; Clo – “lục nhạt” ; Brom = “nước mặn” ; Iot – “tím”.
2. “Theo khám phá về giới hạn sinh tồn của con người, con người có thể nhịn thở 3 phút, nhịn uống 3 ngày, và nhịn ăn 3 tuần. Vì vậy hô hấp là nhu cầu không thể thiếu của con người để suy trì sự sống. Nếu không có oxi thì tốc độ chuyển hóa tế bào giảm xuống và một số tế bào bắt đầu chết sau khoảng 30s nếu không được cung cấp đủ oxi. Hiện nay người ta có thể sử dụng bình khí thở oxi trong y học và đời sống để cung cấp oxi cho người không có khả năng tự hô hấp hoặc làm việc trong môi trường thiếu oxi không khí, có khói, khí độc, khí gas, …
a) Theo đoạn thông tin trên người ta sử dụng bình khí thở oxi trong trường hợp nào?
b) Trình bày phương pháp điều chế oxi trong phòng thí nghiệm và trong công nghiệp, tại sao không áp dụng phương pháp điều chế oxi trong phòng thí nghiệm để điều chế khí oxi trong công nghiệp và ngược lại. (dạy bài 29: Oxi- ozon)
Hướng dẫn
a) Bình khí thở oxi sử dụng trong các trường hợp
– Sử dụng trong hầm mỏ, nhà kho.
– Sử dụng cho nhân viên cứu hỏa, thợ lặn.
– Sử dụng trong công nghiệp hóa chất, dầu mỏ, luyện kim.
– Sử dụng cho bệnh nhân về đường hô hấp.
b) Phương pháp điều chế oxi trong phòng thí nghiệm: phân hủy những hợp chất giàu oxi, kém bền bởi nhiệt như: KMnO4; KClO3.
Phương pháp điều chế oxi trong công nghiệp: chưng cất phân đoạn không khí lỏng.
– Vì :
+ Trong phòng thí nghiệm điều chế một lượng nhỏ, còn oxi trong công nghiệp thì sản xuất với lượng lớn.
+ Hóa chất điều chế oxi trong phòng thí nghiệm đắt, không có giá trị kinh tế. Còn trong công nghiệp nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền”– trích Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực của học sinh môn Hóa học cấp THPT-2014.
Phân tích : Vấn đề đề cập về oxi, bằng kiến thức thực tế, học viên có thể trả lời được ý a) của câu hỏi, từ đó giúp học viên hứng thú, muốn tìm hiểu các nội dung liên quan đến oxi (vị trí, cấu tạo, tính chất vật lí, tính chất hóa học, ứng dụng, điều chế) làm cơ sở trả lời các câu hỏi còn lại.
Qua câu hỏi này, học viên nắm được vai trò quan trọng của oxi trong lao động, sản xuất, y học, công nghiệp thông qua đoạn thông tin. Đồng thời biết được giá trị kinh tế khi lựa chọn hóa chất trong công nghiệp.
3. Trước khi dạy bài 25 “ Flo-Brom-Iot”
GV đặt vấn đề về phần Flo bằng một ứng dụng thực tế: “Hằng ngày để bảo vệ răng chúng ta phải giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng. Xem trên tivi, đài báo, hay chính rong thành phần của kem đánh răng chúng ta thường thấy có thành phần đó là Flo làm chắc răng, chống sâu răng”
Qua phần đặt vấn đề này học viên sẽ tò mò flo có tính chất vật lí, tính chất hóa học gì và còn những ứng dụng gì trong thực tế nữa hay không, điều này sẽ kích thích hứng thú học tập, sáng tạo cho học viên.
GV đặt vấn đề về phần Iot bằng câu hỏi : “Nếu thiếu iot thì con người có sức khỏe bình thường hay không”, đối với câu hỏi này học viên có thể trả lời ngay đó là thiếu iot gây nên bệnh bướu cổ, đần độn. Từ đó làm tăng hứng thú tìm hiểu về nguyên tố Iot cho học viên hơn.
Hoặc đưa ra câu hỏi “Tại sao phải ăn muối iot”, cho học sinh trả lời, sau đó giáo viên nhận xét, bổ sung, giải thích cho học viên nắm rõ hơn:
Trong cơ thể con người có tồn tại một lượng iot tập trung ở tuyến giáp trạng. Theo các nhà khoa học mỗi ngày cơ thể con người cần được cung cấp 1.10-4– 2.10-4g iot.
Hàng ngày ta phải bổ sung lượng iot cần thiết cho cơ thể bằng cách ăn muối iot. Iôt có trong muối ăn dạng KI và KIO3. Nếu lượng iot không cung cấp đủ thì sẽ dẫn đến tuyến giáp trạng sưng to thành bướu cổ, nặng hơn là đần độn, vô sinh và các chứng bệnh khác.
Điều này cần đề cập trong bài giảng về iot giúp học sinh hiểu được tại sao mọi người phải ăn muối iot. Giúp các em tự nhận thấy tầm quan trọng của muối iot.
Cần lưu ý thêm với các em là hợp chất iot có thể bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Vì vậy phải nêm muối iot khi thực phẩm đã được nấu chín.
4. Trước khi dạy bài “Oxi-ozon”
GV đặt vấn đề: con người có thể nhịn ăn trong vòng một tuần lễ, nhịn uống trong vòng 3 ngày nhưng không thể nín thở quá 5 phút. Điều đó cho thấy oxi rất quan trọng, quyết định sự sống của con người và sinh vật trên toàn trái đất.
5. Trước khi dạy bài “Axit sunfuric, muối sun fat”
GV đặt vấn đề bằng cách nhấn mạnh ứng dụng của axit sunfuric: Là hóa chất hàng đầu được sử dụng trong nhiều ngành sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa tổng hợp, tơ sợi, sơn màu, phẩm nhuộm, dược phẩm,…
4.2. Vận dụng các phản ứng hóa học cụ thể trong bài học để giải thích hiện tượng trong cuộc sống
1. Ở các khu vực phát triển như thành phố, thị trấn thường sử dụng nước nước máy. Khi sử dụng chúng ta thấy nước máy lại có mùi clo? Giải thích? (dạy bài Clo)
Hướng dẫn
Clo được dùng để diệt trùng nước sinh hoạt. Hòa tan vào nước một lượng nhỏ clo để diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.
Khi tan trong nước, một phần khí clo tác dụng với nước tạo ra hỗn hợp axit clohiđric và axit hipoclorơ:
H2O + Cl2 HCl +HClO
Hợp chất HClO có tính oxi hóa mạnh nên có tác dụng khử trùng, sát khuẩn. Phản ứng thuận nghịch nên clo rất dễ sinh ra do đó khi sử dụng nước vẫn còn mùi clo.
Phân tích: Để trả lời được câu hỏi, học viên dựa vào
+ Tính chất vật lí của clo (mùi, tính tan trong nước)
+ Tính chất hóa học (tác dụng với nước tạo hỗn hợp hai axit HCl và axit HClO có tính oxi hóa mạnh)
+ Ứng dụng của clo: tiệt trùng nước sinh hoạt.
Trong câu hỏi này nhằm phát triển năng lực phát hiện các nội dung kiến thức hóa học được ứng dụng trong các vấn đề, lĩnh vực khác nhau, cụ thể vấn đề xử lí nước trong sinh hoạt, công nghiệp. Hiện nay clo đang được sử dụng để làm sạch nước trong các nhà máy nước để cung cấp nước trong các thành phố, thị xã, thị trấn…
2. Vì sao muối NaHCO3 được dùng để chế thuốc đau dạ dày? (dạy bài 23: Hidroclorua- Axit clohidric và muối clorua)
Hướng dẫn
Trong dịch vị dạ dày, axit clohiđric có nồng độ lớn hơn 0,001 mol/l (pH < 3) ta mắc bệnh ợ chua, nặng hơn nữa dẫn đến bệnh đau dạ dày.
Một số thuốc chữa đau dạ dày có chứa muối NaHCO3 còn gọi là thuốc muối có tác dụng trung hòa bớt axit trong dạ dày, làm giảm lượng axit HCl nhờ phản ứng:
NaHCO3 + HCl NaCl + CO2 + H2O
Phân tích: Để trả lời được câu hỏi này học viên tìm ra nguyên nhân đau dạ dày: do nồng độ axit HCl lớn, lớn hơn 0,001M. Từ đó tìm ra hướng giải quyết: cần trung hòa, làm giảm nồng độ axit HCl.
Trong câu hỏi này nhằm phát triển năng lực phát hiện các nội dung kiến thức hóa học được ứng dụng trong các vấn đề, lĩnh vực khác nhau, cụ thể trong y học sử dụng chất ít độc hại làm thuốc chữa bệnh
3. Phản ứng khắc chữ hay hình lên thủy tinh ? (dạy bài 25: Flo-Brom-Iot)
Hướng dẫn
Axit flohidric: là axit yếu, có tính chất đặc biệt đó là ăn mòn các đồ vật bằng thủy tinh. Phản ứng xảy ra như sau :
SiO2 + 4HF → SiF4↑ + 2H2O
Phân tích: Dựa vào tính chất hóa học của axit flohidric: là axit yếu, có tính chất đặc biệt đó là ăn mòn các đồ vật bằng thủy tinh.
Qua câu hỏi cho thấy đây là vấn đề về tính chất hóa học trong quá trình dạy về flo, giúp học viên giải đáp được bài tập mà trong thực tiễn về khắc thủy tinh và tránh đựng dung dịch HF trong bình thủy tinh.
– Không sử dụng bình thủy tinh để đựng axit HF.
– Khắc chữ, hoa văn lên thủy tinh.
4. Vì sao sau những cơn giông, không khí trở nên trong lành, mát mẻ hơn ?
(dạy bài 29: Oxi- ozon)
Hướng dẫn
Sau những cơn mưa, không khí trong lành, sạch sẽ. Do
– Nước mưa làm sạch bụi bẩn .
– Trong cơn giông đã xảy ra phản ứng tạo thành ozon từ oxi
3O2 2O3.
Không khí chứa một lượng rất nhỏ ozon có tác dụng làm cho không khí trong lành.
Phân tích: Để trả lời được câu hỏi, học viên cần nắm được một trong những ứng dụng của ozon đó là làm trong lành không khí. Vậy thì khi trời mưa giông, ozon có được sinh ra không, và được sinh ra như thế nào? Học viên có thể trả lời được ngay từ phản ứng tạo thành ozon của oxi.
Qua câu hỏi, cho thấy kiểm nghiệm trong cuộc sống mà đôi khi có nhiều học viên không để ý đến. Đây là hiện tượng tự nhiên không xa lạ, kích thích hứng thú học tập tìm hiểu về oxi, ozon cho học viên.
5. Brom là nguyên liệu điều chế các hợp chất chứa brom trong y dược, nhiếp ảnh, chất nhuộm, chất chống nổ cho động cơ đốt trong, thuốc trừ sâu…Để sản xuất brom từ nguồn nước biển người ta dùng phương pháp thổi khí clo vào nước biển. Viết phương trình hóa học xảy ra? (dạy bài 25: Flo-Brom-Iot)
Hướng dẫn:
Cl2 + 2NaBr → 2NaCl +Br2
Phân tích: Dựa vào tính chất hóa học của halogen (Brom có tính oxi hóa kém clo nên clo có thể oxi hóa muối bromua thành brom)
Qua câu hỏi học viên không chỉ nắm được các ứng dụng của brom trong thực tế (y học, nhiếp ảnh, chất nhuộm,…) mà còn giải thích được quá trình sản xuất brom dựa vào tính chất hóa học của brom, nhằm phát triển năng lực hệ thống hóa kiến thức.
4.3. Lồng ghép hiện tượng trong cuộc sống thông qua những câu chuyện về hóa học.
1. Kể một câu chuyện lịch sử trước khi dạy bài Clo: Khí Clo được dùng làm vũ khí như thế nào?
“Đó là xế chiều ngày 24-4-1915 (thế chiến thứ nhất 1914-1918) giữa hai ngôi làng có tên là Steensstraat và Poel Kappelle (nước Bỉ) xuất hiện một đám cháy màu vàng lục xuất phát từ phòng tuyến của quân Đức bay là là cách mặt đất khoảng 1m theo chiều gió tiến dần đến phòng tuyến quân Pháp. Đó là khói của 150 tấn Clo chứa trong 5830 thùng điều áp được các binh sĩ của trung đoàn quân tiên phong 35,36 Đức thả vào không khí, 15 phút sau bộ binh Đức được trang bị đặc biệt bám theo đám khói clo đó tấn công thẳng vào cứ điểm Pháp. Sự tác động của khí thật vô cùng ghê gớm. Hàng trăm binh sĩ Pháp hỗn loạn chạy ngược về phía sau tìm không khí để thở. Khi quân đội Đức tới nơi họ trông thấy nhiều xác chết với gương mặt xanh nhợt nằm la liệt bên những người hấp hối, cơ thể co giật dữ dội, miệng ứa ra một chất dịch màu vàng nhạt, kết quả là tuyến phòng thủ của quân Pháp bị phá vỡ và khí clo đã giết chết 3000 người làm 7000 bị thương”
Phân tích: Sau khi nghe xong, học viên có hứng thú tò mò muốn tìm hiểu sâu hơn về khí clo (cấu tạo, tính chất vật lí, tính chất hóa học, ứng dụng,…), đồng thời giúp học viên nắm được ngay thông tin về tính chất vật lí của clo qua câu chuyện là khí màu vàng lục, rất độc.
3. Trước khi tìm hiểu muối clorua, giáo viên kể một mẩu chuyện nhỏ:
Truyện nhà muối
– Một ngày đẹp trời, nàng Na sang nhà Halogen bắt chàng Cl về làm chồng. Họ sống hạnh phúc và yêu thương mặn mà từ đó. Hết truyện!
Phân tích: Từ mẩu truyện trên, kết hợp nghiên SGK học viên có thể nắm được khái niệm, thành phần của muối clorua.
Qua câu chuyện, tạo cảm giác thoải mái, hứng thú cho học viên, từ đó nhấn mạnh nội dung muối clorua cần nắm được.
4. Trước khi dạy Bài 32 “Hiđrosunfua- Lưu huỳnh đioxxit – Lưu huỳnh trioxit”
GV kể câu chuyện về màn khói giết người.
“Ngày 5/2/1952 nước Anh (nước mệnh danh là sứ sở sương mù) tại Luân Đôn đã xảy ra hiện tượng “ màn khói giết người” làm chấn động thế giới. Việc giám sát môi trường cho thấy hàm lượng SO2 cao tới 3,8mg/m3; gấp 6 lần và nồng độ bụi lên tới 4,5mg/m3 gấp 10 lần so với ngày thường. Dân trong thành phố thấy tức ngực, khó thở và ho liên tục. Chỉ trong vòng 4,5 ngày đã có 4000 người chết, trong đó phần lớn là trẻ em và người già, hai tháng sau có thêm 8000 người chết” trích SKKN Hóa: Sử dụng các câu chuyện, liên hệ kiến thức thực tiễn làm sinh động bài giảng hoá học.
Nguyên nhân của “ màn khói giết người ” là do khói than (SO2, bụi) của các nhà máy quyện với sương mù sớm đông gây ra.
Liên hệ thực tế: Sau khi có câu trả lời, học viên sẽ hứng thú hơn trong việc tìm hiểu về khí SO2, đồng thời liên quan đến vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường xung quanh cho học viên.
4.4. Giải quyết các hiện tượng trong cuộc sống cuối tiết học.
1. Trong dịch vị dạ dày con người và động vật chứa một lượng nhỏ axit HCl. Như vậy, axit clohiđric có vai trò như thế nào đối với cơ thể ?(dạy bài 23: Hidroclorua- Axit clohidric và muối clorua)
Hướng dẫn:
Axit clohiđric có vai trò rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất của cơ thể. Trong dịch vị dạ dày của người có axit clohiđric với nồng độ khoảng từ 0,0001 đến 0,001 mol/l (có độ pH tương ứng là 4 và 3). Ngoài việc hoà tan các muối khó tan, axit clohiđric còn là chất xúc tác cho các phản ứng thuỷ phân các chất gluxit (chất đường, bột) và chất protein (chất đạm) thành các chất đơn giản hơn để cơ thể có thể hấp thụ được.
Khi trong dịch vị dạ dày của con người có lượng axit clohidric nhỏ hơn hoặc lớn hơn mức bình thường thì người đó đều mắc bệnh. Nếu trong dịch vị dạ dày, axit clohiđric có nồng độ nhỏ hơn 0,0001 mol/l (pH > 4) ta mắc bệnh khó tiêu, ngược lại, nồng độ lớn hơn 0,001 mol/l (pH < 3) ta mắc bệnh ợ chua.
Qua câu hỏi nhằm phát triển năng lực phân tích tổng hợp các kiến thức hóa học vận dụng vào thực tiễn, cụ thể học viên nắm được vai trò của axit HCl đối với cơ thể, từ đó có chế độ ăn uống hợp lí tránh bệnh tật, kích thích các em hứng thú với các hợp chất khác của clo. Tạo tiền đề tìm hiểu về nước tẩy Gia ven, clorua vôi.
2. Vì sao khi sử dụng máy photocopy phải chú ý đến việc thông gió? (dạy bài 29: Oxi- ozon)
Hướng dẫn
Khi máy photocopy làm việc thường xảy ra hiện tượng phóng điện cao áp do đó có thể sinh ra khí ozon theo phản ứng:
3O2 2O3
Với một lượng ít ozon trong không khí thì có tác dụng diệt khuẩn, diệt vi trùng. Nhưng nếu lượng ozon lại vượt qua giới hạn cho phép sẽ gây tổn hại cho đại não, phá hoại khả năng miễn dịch bệnh, gây mất trí nhớ, biến đổi nhiễm sắc thể, gây quái thai ở phụ nữ mang thai, …Hiển nhiên là lượng ozon do máy photocopy sinh ra rất bé nên nếu ngẫu nhiên mà tiếp xúc với nó cũng chưa có thể gây nguy hại cho cơ thể. Nhưng nếu tiếp xúc với ozon trong thời gian dài và nếu không chú ý làm thông gió căn phòng thì do ozon tập hợp nhiều trong phòng đến mức vượt tiêu chuẩn an toàn thì sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Phân tích: Bằng kiến thức về tính chất hóa học và ứng dụng của ozon, học viên tìm hiểu và trả lời câu hỏi.
Qua câu hỏi học viên có ý thức tuyên truyền, nhắc nhở sử dụng máy photocopy cùng về vấn đề bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
3. “Cho đoạn thông tin sau:
Tháng 10-1985, các nhà khoa học Anh phát hiện thấy tầng ozon trên khôn trung Nam cực xuất hiện một lỗ thủng rất lớn, bằng diện tích nước Mĩ.
Năm 1987, các nhà khoa học Đức lại phát hiện tầng ozon ở vùng trời Bắc cực có hiện tượng mỏng dần, có nghĩa là chẳng bao lâu nữa tầng ozon ở Bắc cực cũng sẽ bị thủng. Tin này nhanh chóng được truyền khắp thế giới và làm chấn động dư luận. Các nhà khoa học đều cho rằng, nguyên nhân này có liên quan đến dung dịch freon thể lỏng (thường gọi là “CFC”).
Ozon vừa gây ô nhiễm, vừa là chất bảo vệ. trong thương mại và đời sống con người ozon có rất nhiều ứng dụng thực tế.
a) Tính chất hóa học nào của ozon làm ozon có những ứng dụng trên. So sánh tính chất đó với oxi.
b) Hãy giải thích tại sao ozon vừa gây ô nhiễm, vừa là chất bảo vệ?
c) Trong câu cuối của đoạn thông tin trên cho biết ozon có nhiều ứng dụng trong thương mại và đời sống, những ứng dụng đó là gì. Khoanh tròn Có hoặc Không với mỗi nội dung trong bảng sau:
Ứng dụng của ozon
Có hoặc Không
- Tẩy trắng các loại dầu ăn, tinh bột
Có/Không
- Khử trùng nước, khử mùi, bảo quản hoa quả.
Có/Không
- Sử dụng trong các bình khí thở
Có/Không
- Dùng để chữa sâu răng trong y học
Có/Không
- Sử dụng bảo quản thức ăn.
Có/Không
d) Không khí chứa một lượng rất nhỏ ozon (dưới 10-6% theo thể tích) có tác dụng làm cho không khí trong lành. Hãy giải thích tại sao ở các rừng thông không khí lại rất trong lành, dễ chịu. Ý nghĩa của không khí chứa lượng nhỏ ozon trong y học.
e) Hợp chất CFC có tên chung là Freon. Hãy cho biết Freon chủ yếu có ở đâu, từ đó đề xuất biện pháp bảo vệ tầng ozon mà em có thể thực hiện? (dạy bài 29: Oxi- ozon)
Hướng dẫn
a) Tính oxi hóa làm ozon có những ứng dụng trên. Tính oxi hóa của ozon mạnh hơn oxi.
b) Ozon vừa là chất gây ô nhiễm, vừa là chất bảo vệ. Tầng ozon đóng vai trò cực kì quan trọng, nó có tác dụng như lá chắn bảo vệ cho sự sống trên trái đất ngăn không cho tia cực tím từ vũ trụ thâm nhập vào trái đất.
Nhưng ở tầng thấp (trên mặt đất) thì ozon là chất gây ô nhiễm. Nó cùng những hợp chất oxit nitơ gây nên hiện tượng sương khói quang hóa bao phủ bầu trời mùa hè trong những ngày không gió. Sương khói quang hóa gây đau cơ bắp, mũi, cuống họng, đó là nguồn gốc của bệnh khó thở.
c) 1. Có ; 2. Có; 3. Không; 4. Có ; 5. Không.
d) Nhựa thông rất dễ bị oxi hóa để giải phóng 1 lượng nhỏ ozon sẽ làm cho không khí rất trong lành. Vì vậy các khu điều dưỡng, chữa bệnh thường được bố trí gần các rừng thông.
e) Hợp chất CFC được dùng trong kĩ thuật làm lạnh, dung môi cho mĩ phẩm, sơn, nên chủ yếu CFC bị rò rỉ trong quá trình sản xuất hoặc từ các thiết bị làm lạnh (máy lạnh, tủ lạnh,…)
Biện pháp bảo vệ tầng ozon:
+ Phân loại rác thải sinh hoạt và học tập, bỏ rác đúng nơi quy định, tuyên truyền cho người thân và gia đình cùng bảo vệ môi trường.
+ Tham gia các hoạt động ngoại khóa về môi trường (đi xe đạp, nhặt rác khu công cộng,…)
+ Sử dụng nguồn năng lượng sạch: gió, mặt trời ” trích Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực của học sinh môn Hóa học cấp THPT-2014.
Phân tích: Học viên cần đọc kĩ đoạn thông tin, đồng thời phải nắm được kiến thức cơ bản về oxi, ozon kết hợp, liên hệ tìm ra câu trả lời.
Qua câu hỏi giúp phát triển năng lực hệ thống hóa kiến thức và năng lực phát hiện các nội dung kiến thức hóa học được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, đây là vấn đề có liên quan đến giáo dục môi trường. Qua bài học, học viên hiểu được tầm quan trọng của ozon, vừa có ý thức bảo vệ môi trường và kích thích sự tìm hiểu vấn đề này.
4. Tại sao khi đánh rơi nhiệt kế thủy ngân thì không được dùng chổi quét mà nên rắc bột S lên trên? (dạy bài 30: Lưu huỳnh)
Hướng dẫn:
Thủy ngân (Hg) là kim loại ở dạng lỏng, dễ bay hơi và hơi thủy ngân là một chất độc. Vì vậy khi làm rơi nhiệt kế thủy ngân nếu như ta dùng chổi quét thì thủy ngân sẽ bị phân tán nhỏ, làm tăng quá trình bay hơi và làm cho quá trình thu gom khó khăn hơn. Ta phải dùng bột S rắc lên những chỗ có thủy ngân, vì S có thể tác dụng với thủy ngân tạo thành HgS dạng rắn và không bay hơi, dễ thu gom và không độc hại.
Phân tích: Học viên cần nắm được tính chất hóa học của lưu huỳnh đó là phản ứng ngay với thủy ngân ở nhiệt độ phòng, từ đó đưa ra biện pháp thích hợp để xử lí.
` Câu hỏi nhằm phát triển năng lực phân tích tổng hợp kiến thức hóa học vào thực tiễn, cụ thể từ tính chất hóa học của lưu huỳnh, giúp học viên biết cách tiếp xúc an toàn với thủy ngân.
5. Vì sao ta hay dùng bạc để “đánh gió” khi bị bệnh cảm ?(dạy bài 32: Hiđrosunfua- Lưu huỳnh đioxxit – Lưu huỳnh trioxit)
Hướng dẫn :
Khi bị bệnh cảm, trong cơ thể con người sẽ tích tụ một lượng khí H2S tương đối cao. Chính lượng H2S sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi. Khi ta dùng Ag để đánh gió thì Ag sẽ tác dụng với khí H2S. Do đó, lượng H2S trong cơ thể giảm và dần sẽ hết bệnh. Miếng Ag sau khi đánh gió sẽ có màu đen xám:
4Ag + 2H2S + O2 → 2Ag2S↓ đen + 2H2O
Phân tích : Dựa vào tính khử mạnh của H2S.
Qua đây, học viên có thể giải thích được hiện tượng thường gặp trong đời sống: đánh cảm, đánh gió.
6.“Hiện tượng mưa axit” là gì ? Tác hại của mưa axit ? (dạy bài 33: Axit sunfuric–muối sunfat)
Hướng dẫn:
Sản xuất axit sunfuric khí thải công nghiệp và khí thải của các động cơ đốt trong (ô tô, xe máy) có chứa các khí thải trong đó có SO2. Khí này tác dụng với oxi O2 và hơi nước trong không khí nhờ xúc tác oxit kim loại (có trong khói, bụi nhà máy) hoặc ozon tạo ra axit sunfuric H2SO4 .
2SO2 + O2 + 2H2O → 2H2SO4
Axit H2SO4 tan vào nước mưa tạo ra mưa axit. Hiện nay mưa axit là nguồn ô nhiễm chính ở một số nơi trên thế giới.
Mưa axit làm mùa màng thất thu và phá hủy các công trình xây dựng.
Phân tích: Sau khi học bài axit sunfuric, tìm hiểu quy trình sản xuất axit trong công nghiệp, giáo viên gợi mở thành phần của khí thải công nghiệp, học viên sẽ áp dụng như quy trình sản xuất axit và tìm ra câu trả lời.
Liên hệ thực tế: Ngày nay hiện tượng mưa axit và những tác hại của nó đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ở những nước công nghiệp phát triển. Vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được cả thế giới quan tâm. Việt Nam chúng ta đang rất chú trọng đến vấn đề này. Do vậy mà giáo viên phải cung cấp cho học viên những hiểu biết về hiện tượng mưa axit cũng như tác hại của nó nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cụ thể giáo viên có thể đặt câu hỏi trên cho học sinh trả lời sau khi dạy xong phần Sản xuất axit sunfuric.
7. SO2 là khí độc, mùi hắc nhưng lại được sử dụng để bảo quản thực phẩm, chống nấm mốc. Tại sao SO2 lại có khả năng bảo quản thực phẩm? ?(dạy bài 32: Hiđrosunfua- Lưu huỳnh đioxxit – Lưu huỳnh trioxit)
Hướng dẫn:
SO2 được sử dụng để bảo quản hoa quả sấy khô, làm hạn chế xuất hiện những vết màu nâu trên vỏ của rau quả tươi, như táo, khoai tây. Chất này còn giúp cho thực phẩm nhìn bắt mắt hơn khi có tác dụng chống mốc. Tuy nhiên chất SO2 có thể gây ra những phản ứng bất lợi cho sức khỏe con người như dị ứng, gây tăng tần suất hen phế quản ở những người mắc bệnh hen. SO2 cũng làm giảm hàm lượng Vitamin B có trong thực phẩm.
Phân tích: Học viên dựa vào tính chất vật lí, ứng dụng của lưu huỳnh đioxit.
Qua câu hỏi, nhằm phát triển năng lực phát hiện các nội dung kiến thức hóa học vào thực tiễn, cụ thể học viên nắm được thành phần, tác hại của chất bảo quản, từ đó hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói, bảo vệ sức khỏe.
8. Làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm) từ lâu được coi là nơi ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tỉnh Hưng Yên. Nguyên liệu chính là bình ắc quy cũ. Tìm hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm , tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục? (dạy bài 33: Axit sunfuric – muối sunfat)
Hướng dẫn:
– Nguyên nhân: Trong bình acquy có chưa axit H2SO4 , việc phá dỡ bình ắc quy đã xả thải ra môi trường một lượng lớn axit ngấm vào lòng đất và nước ngầm Mặt khác, thành phần cấu tạo nên acquy còn có các cực chì, hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế đã phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nặng nguồn không khí, đất và nước ngầm tại nơi người dân sinh sống.
– Tác hại:
+ Gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, không khí.
+ Axit thải trực tiếp ram môi trường làm cây cối, sinh vật chết.
+ Trong quá trình tái chế acquy để axit rơi vào da gây bỏng da, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng .
– Biện pháp:
+ Cần có cơ sở tái chế, không tái chế chung với môi trường sống.
+ Trồng nhiểu cây xanh để giảm nồng độ các khí thải độc hại.
+ Tuyên truyền an toàn lao động.
Qua câu hỏi nhằm đánh giá năng lực hệ thống hóa kiến thức cho học viên, cụ thể là những ảnh hưởng của việc sử dụng acquy cũ không hợp lí, từ đó giáo dục ý thức bảo vệ sức khỏe, môi trường.
9. Khi làm thí nghiệm hay trong thực tế để pha loãng axit sunfuric, vì sao chỉ có thể đổ axit sunfuric đặc vào nước mà không làm ngược lại? (dạy bài 33: Axit sunfuric – muối sunfat)
Hướng dẫn
H2SO4 tan vô hạn trong nước và tỏa rất nhiều nhiệt. Nếu ta rót nước vào H2SO4, nước sôi đột ngột và kéo theo những giọt axit bắn ra xung quanh gây nguy hiểm. Vì vậy muốn pha loãng axit H2SO4 đặc, phải rót từ từ axit vào nước và khuấy nhẹ mà không làm ngược lại.
Phân tích: Nắm được tính chất vật lí của axit H2SO4 đặc, cách pha axit an toàn.
Qua câu hỏi vấn đề an toàn khi làm thí nghiệm được đặt lên hàng đầu trong những tiết dạy có sử dụng hóa chất. Đặc biệt khi tiếp xúc với axit H2SO4 đặc thì rất nguy hiểm. Giáo viên có thể đặt câu hỏi trên cho học viên trả lời về cách pha loãng axit H2SO4 khi dạy phần tính chất vật lí của axit sunfuric đặc.
10. Vì sao ban đêm không nên để nhiều cây xanh trong phòng?
Hướng dẫn:
Do ban đêm, cây không có ánh sáng để quang hợp, chỉ hấp thụ O2 và thải CO2 làm phòng thiếu oxi và quá nhiều CO2 gây ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của con người.
Phân tích: Nắm được vai trò quan trọng quyết định sự sống của oxi.
Qua câu hỏi nhằm đánh giá năng lực phân tích, tổng hợp kiến thức hóa học được ứng dụng trong cuộc sống.
11. Vì sao trong công nghiệp thường sử dụng các dụng cụ chứa H2SO4 đặc nguội bằng sắt?
Hướng dẫn: Do Fe thụ động với axit H2SO4 đặc nguội.
Phân tích: Dựa vào tính chất hóa học của H2SO4.
Qua câu hỏi nhằm đánh giá năng lực phát hiện kiến thức hóa học được ứng dụng trong các vấn đề, lĩnh vực khác nhau cụ thể lĩnh vực công nghiệp.
12. H2S là khí rất độc, chỉ một lượng nhỏ trong không khí đã gây nhiễm độc mạnh. Vậy thì với một lượng khí H2S được sinh ra trong tự nhiên như trong khí núi lửa, bốc ra từ xác chết của người và động vật. Với một lượng không ít khí H2S trong không khí như vậy, nhưng tại sao con người ít khi bị nhiễm độc khí này?
Hướng dẫn
Do H2S có tính khử mạnh, tác dụng ngay với các chất trong không khí như O2, SO2 từ các nhà máy công nghiệp
2H2S + O2 → 2S + 2H2O hoặc SO2 + 2H2S → 3S + 2H2O
Phân tích: Học viên nắm được tính chất hóa học của H2S và SO2 từ đó đưa ra câu trả lời.
13. Vì sao nước tẩy Gia-ven và clorua vôi có tính oxi hóa tương tự nhau được dùng để tẩy trắng vải, sợi, giấy. Tại sao clorua vôi được sử dụng rộng rãi hơn?
Hướng dẫn:
Clorua vôi rẻ hơn, hàm lượng hipoclorit cao hơn nên còn dùng để tẩy uế hố rác, cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi, xử lí chất độc, bảo vệ môi trường.
Phân tích: Ngoài việc nắm được thành phẩn, tính chất, ứng dụng của nước tẩy Gia-ven và clorua vôi, qua câu hỏi giúp học viên quan tâm đến vấn đề kinh tế của hai hợp chất trên.
III. HIỆU QUẢ
Thế giới xung quanh rất phong phú, muôn màu. Có nhiều hiện tượng, sự việc khiến các em không khỏi tò mò, thắc mắc. Biết được điều này, học viên lại muốn biết điều khác, từ đó kích thích sự ham hiểu biết của học viên. Để khám phá điều kỳ thú trong thiên nhiên học viên sẽ phải chinh phục kiến thức, từ đó càng yêu thích môn học hơn.
Qua quá trình giảng dạy ở các khối lớp tại trung tâm trước và sau khi thực hiện phương pháp này học viên có ý thức hơn và nhận thức được tầm quan trọng của môi trường, hiểu được như thế nào là tốt cho môi trường, đặc biệt là các em nhận thức được những chất có hại cho sức khỏe thông qua bộ môn hóa học và từ đó có những phương hướng, biện pháp học tập ngày càng tốt hơn.
IV. KẾT QUẢ
Trên cơ sở lí luận và thông qua thực tiễn, tôi đã phần nào chỉ ra những nguyên nhân làm giảm hứng thú học tập môn hóa học của học viên tại trung tâm, và cũng mạnh dạn đưa ra một số ý kiến nhằm mục đích tạo được hứng thú học tập cho các em. Sau một thời gian kiên trì thực hiện, đã cho kết quả khả quan:
1. Học sinh
– Hứng thú học tập, hăng hái phát biểu, có ý thức tìm tòi các vấn đề hóa học liên quan đến cuộc sống thông qua các câu hỏi giáo viên giao về nhà.
– Biết vận dụng được các kiến thức đã học vào thực tiễn, có nhiều thắc mắc về cuộc sống liên quan đến bài học mà học viên có thể giải thích được một phần.
– Có ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe.
– Kết quả khảo sát đầu năm học 2019-2020về ý thức học tập của học sinh
khối 10 , khi tôi hỏi những học sinh nào thực sự yêu thích học bộ môn hóa học. Kết quả như sau:
Kiểm tra, theo dõi
Số lượng
Tỷ lệ (%)
Tổng số được điều tra
110
100%
Số HS yêu thích
30
27,3%
Số HS không yêu thích
80
72,7%
Đến giữa học kỳ I năm học 2019-2020 sau khi việc lồng ghép hóa học với thực tiễn, áp dụng sáng kiến tạo hứng thú cho học sinh, tôi tiến hành điều tra thì ý thức học tập của các em có sự chuyển biến rõ rệt, kết quả như sau:
Kiểm tra, theo dõi
Số lượng
Tỷ lệ (%)
Tổng số được điều tra
110
100%
Số HS yêu thích
75
68,2%
Số HS không yêu thích
35
31,8%
Bảng 1: Điều tra tâm lý học sinh trước và sau khi áp dụng đề tài
Kiểm tra, theo dõi
Trước
Sau
Số lượng
Tỷ lệ (%)
Số lượng
Tỷ lệ (%)
Số HS yêu thích
30
27,3%
75
68,2%
Số HS không yêu thích
80
72,7%
35
31,8%
Tổng số được điều tra
110
100%
110
100%
Từ bảng trên cho thấy sau khi áp dụng đề tài, số lượng học sinh yêu thích môn hóa tăng lên với con số đáng kể là 45 học viên chiếm 40,9%.
Với sự nỗ lực chú trọng đến việc tạo hứng thú cho học sinh, nên chất lượng bộ môn phần nào được cải thiện hơn.
Kết quả chất lượng bộ môn cuối năm học: 2018–2019; và kết quả chất lượng bộ môn cuối năm học 2019-2020 đối với những lớp tôi giảng dạy như sau:
Bảng 1: Bảng so sánh chất lượng môn hóa học năm học 2018 – 2019 và năm học 2019 – 2020
Năm học
Tổng
Chất lượng bộ môn
2018 – 2019
83
Giỏi
Khá
Trung bình
Yếu
Kém
SL
%
SL
%
SL
%
SL
%
SL
%
5
0
37
29,4%
36
63,2%
5
7,4%
0
0
2019-2020
110
14
1,8%
75
59,1%
21
37,3%
0
1,8%
0
0
Qua bảng so sánh chất lượng bộ môn hóa học năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020 cho thấy
– Số lượng học sinh giỏi tăng ( 1,8%)
Số lượng học viên khá tăng 29,7%
Số lượng học viên yếu giảm 5,6%
Rõ ràng, việc áp dụng thực nghiệm đề tài đã tạo ra kết quả học tập cao hơn cho học viên, đây là điều không chỉ học viên mà giáo viên đều mong muốn.
2. Giáo viên
– Tạo được hứng thú trong mỗi tiết học cho học viên.
– Chủ động sáng tạo trong việc sử dụng các phương pháp dạy học nhằm phát triển các năng lực cho học viên, đặc biệt là năng lực vận dụng hóa học vào cuộc sống.
V– BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Bên cạnh những mặt tích cực trong việc phát huy tính tích cực, chủ động, phát triển năng lực vận dụng hóa học vào cuộc sống cho học viên … Trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm bản thân tôi rút ra được những hạn chế, bài học kinh nghiệm sau mỗi bài dạy như sau :
– Nếu đưa quá nhiều nội dung liên hệ thực tiễn, ứng dụng của hóa học vào cuộc sống thì một phần kích thích hứng thú học hỏi của học viên nhưng giáo viên không đủ thời gian để hoàn thành bài dạy.
– Giáo viên lựa chọn nội dung chưa phù hợp: quá khó hoặc quá dễ với học viên. Nhiều phần đặt vấn đề, câu hỏi định hướng đối với học sinh yếu còn khó, chưa phù hợp với mức độ nhận thức của các em, không phải tất cả các câu hỏi các học viên đều có thể trả lời được, mà cần có sự hướng dẫn, gợi mở của giáo viên.
C – KẾT LUẬN
I. KẾT LUẬN
Để có những tiết học đạt hiệu quả cao, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên, nâng cao khả năng liên hệ thực tế, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá, phát triển năng lực vận dụng hóa học vào cuộc sống .
Trong nội dung sáng kiến của mình : “Phát triển năng lực vận dụng hóa học vào cuộc sống trong môn hóa học” tôi đã đề cập đến một số vấn đề xung quanh cuộc sống và có ý nghĩa thực tiễn, thậm chí có thể gặp, tiếp xúc hàng ngày. Tuy nhiên, trong nội dung trình bày của mình, tôi chưa đề cập mọi hiện tượng có liên quan.
II. KIẾN NGHỊ
Qua quá trình nghiên cứu và tiến hành thực nghiệm, tôi có một số đề nghị sau
– Cần đưa các bài tập thực tiễn vào sách giáo khoa, sách bài tập với số lượng nhiều hơn, nội dung phong phú hơn.
– Cần đưa thêm các ứng dụng hóa học, quá trình sản xuất hóa học,… vào bài học nhằm tăng hứng thú học tập cho học sinh.
– Bổ sung số lượng và chất lượng bài tập vận dụng hóa học vào cuộc sống trong đánh giá, kiểm tra.
“Đây là sáng kiến kinh nghiệm của bản thân tôi viết, không sao chép nội dung của người khác”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TT
Tác giả
Tên tài liệu
Nhà
xuất bản
1
Nguyễn Xuân Trường
(chủ biên)
Sách giáo khoa Hóa học 10
Giáo dục
2
Cao Cự Giác
(chủ biên)
Thiết kế bài giảng hóa học 10
Hà Nội
3
Nguyễn Thạc Cát
(chủ biên)
Từ điển hóa học phổ thông .
Giáo dục
4
224 câu hỏi lí thú về hóa học
VHTT
5
Cao Cự Giác
(chủ biên)
Tự học giỏi hóa học
ĐHQG Hà Nội
6
Nguyễn Xuân Trường
Hóa học vui
Hà Nội
7
Đặng Thị Oanh
(chủ biên)
Hướng dẫn ôn luyện thi trung học phổ thông quốc gia môn hóa học
ĐHSP.
8
Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực của học sinh môn Hóa học cấp THPT
9
Tài liệu, đề tài cá nhân sưu tập, nghiên cứu về hóa học với thực tiễn trên internet, sách báo.
SKKN Hóa: Sử dụng các câu chuyện, liên hệ kiến thức thực tiễn làm sinh động bài giảng hoá học.
SKKN: Dạy hóa học gắn với thực tế bộ môn nhằm tăng hứng thú học tập cho học sinh.