Phát triển năng lực học sinh qua bài học lịch sử lớp 5
Ảnh minh họa/INT
Học Lịch sử để các em biết, tổ tiên ông cha ta đã lập quốc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc như thế nào, biết được những cuộc chiến tranh giữ nước hào hùng, thể hiện ý chí quật cường của dân tộc, biết được để có ngày hôm nay cha ông ta đã đánh đổi bằng xương, bằng máu.
Lịch sử đã dựng lại bức tranh toàn cảnh về quá khứ một cách khách quan, sống động về những giá trị văn hóa, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Thực tiễn dạy học cho thấy, việc sử dụng phương pháp kể chuyện là phù hợp với đặc trưng của môn học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học, tích cực hóa hoạt động nhận thức của các em, kích thích hứng thú học tập, giúp học sinh hình thành động cơ học tập từ bên trong, chủ động tìm hiểu kiến thức môn học, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.
Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước là 1 trong 5 phẩm chất cần hình thành cho học sinh Tiểu học thông qua học tập các môn học. Có thể khẳng định rằng, giáo dục lòng yêu nước là sứ mệnh, là nhiệm vụ đặc biệt của môn Lịch sử.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định rõ: Giáo dục lòng yêu nước cho học sinh là giáo dục các em biết yêu thiên nhiên, di sản, yêu con người Việt Nam; tự hào và bảo vệ thiên nhiên, di sản, con người Việt Nam.
Trong quá trình dạy học, giáo viên cần nghiên cứu kĩ để xác định đúng yêu cầu cần đạt, nội dung, vị trí bài học, các nội dung liên quan đến các bài học trước và sau. Chuẩn bị các câu chuyện kể đảm bảo vừa tăng tính hứng thú, vừa phù hợp thời gian của tiết học và đồ dùng dạy học minh họa cần thiết phù hợp.
Giáo viên cũng phải cần kiểm soát quá trình nghe của học sinh bằng hệ thống câu hỏi. Sau khi học sinh nghe kể chuyện, có thể giáo viên nêu câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời, cũng có thể mời học sinh nêu những thắc mắc, chia sẻ ý kiến của mình về câu chuyện.
Sau đây tôi xin minh họa việc sử dụng câu chuyện kể vào bài:
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 – Sự kiện mang giá trị và tầm vóc thời đại. Ảnh tư liệu: ITN
CHIẾN THẮNG LỊCH SỬĐIỆN BIÊN PHỦ
I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
* Kiến thức :
– Biết được sơ lược chiến dịch Điện Biên Phủ:
+ Chiến dịch diễn ra trong ba đợt tấn công; đợt ba: Ta tấn công và tiêu diệt cứ điểm đồi A1 và khu trung tâm chỉ huy của địch.
+ Ngày 7/5/1954, bộ đội chỉ huy tập đoàn cứ điểm ra đầu hàng, chiến dịch kết thúc thắng lợi.
– Trình bày sơ lược ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ: Là mốc son chói lọi, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
– Biết tinh thần chiến đấu anh dũng của bộ đội ta trong chiến dịch: Tiêu biểu là anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
* Kĩ năng:
– Sử dụng lược đồ, sưu tầm tư liệu lịch sử.
– Kể chuyện.
* Định hướng thái độ:
– Tự hào về chiến thắng lịch sử vẻ vang Điện Biên Phủ, về tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
* Định hướng năng lực:
– Năng lực nhận thức lịch sử: Trình bày được diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ.
– Năng lực tìm tòi, khám phá lịch sử: Phân tích được ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ.
– Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: Kể chuyện, giới thiệu về tấm gương chiến đấu anh dũng của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
II. CHUẨN BỊ
– Giáo viên: Lược đồ, hình ảnh, truyện kể, phiếu học tập, phim tư liệu.
– Học sinh: Sưu tầm tranh ảnh,tư liệu.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
1. Khởi động
Giáo viên giới thiệu:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên trangsử vàng.
Đó là chính là niềm tự hào, là tiếng reo ca của dân tộc Việt Nam về chiến thắng Điện Biên Phủ, “Một mốc vàng trong lịch sử” như Bác Hồ đã khẳng định.
2. Hoạt động hình thành kiến thức (Khám phá)
Hoạt động 1: Tìm hiểu âm mưu của giặc Pháp và sự chuẩn bị của ta
– Treo BĐ hành chính Việt Nam yêu cầu học sinh chỉ vị trí tỉnh Điện Biên.
– Giáo viên giới thiệu kết hợp chỉ lược đồ thành phố Điện Biên Phủ.
Giáo viên nêu: Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947; chiến thắng biên giới Thu Đông 1950, quân ta đã dành quyền chủ động trên chiến trường. Thực dân Pháp rơi vào thế bị động, được sự giúp đỡ của Mĩ chúng đã âm mưu xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lớn mạnh nhất Đông Dương.
b) Sự chuẩn bị của quânvà dân ta
– Giáo viên tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm 4, đọc sách giáo khoa, thảo luận và chia sẻ trước lớp về sự chuẩn bị của quân và dân ta.
– Đảng và Bác Hồ giao quyền tổng tư lệnh, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch cho ai?
Giáo viên: Với quyết tâm giành thắng lợi, Đảng và Bác Hồ đã quyết định trao quyền tổng tư lệnh, người chỉ huy trực tiếp chiến dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác đã căn dặn: “Trận đánh này chắc thắng thì đánh cho kì thắng, không chắc thắng thì không đánh”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quân và dân ta đã chuẩn bị cho chiến dịch như thế nào. Mời học sinh chia sẻ.
– Giáo viên chốt kiến thức, một học sinh nhắc lại.
Giáo viên: Sự chuẩn bị này nói lên quyết tâm giành thắng lợi của Đảng và nhân dân ta – Ghi bảng: Đảng và nhân dân ta quyết tâm giành thắng lợi.
Hoạt động 2: Trình bày diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ
Như vậy, qua phần tìm hiểu ta thấy cả hai bên đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về mọi mặt. Vâỵ trận đánh này diễn ra như thế nào các em cùng tìm hiểu Diễn biến của chiến dịch.
– Đưa lược đồ lên, nêu tên lược đồ?
– Học sinh dựa vào SGK thảo luận nhóm đôi, theo gợi ý:
Thảo luận nhóm đôi:
Đọc SGK trang 38, 39; kết hợp quan sát lược đồ chiến dịch Điện Biên Phủ hình 3 trả lời các câu hỏi sau (2 phút).
1/ Ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ gồm mấy đợt tấn công? Gồm những đợt nào?
2/ Em hãy tóm tắt diễn biến các trận đánh trên lược đồ hình 3?
– Học sinh thảo luận
-1 học sinh trả lời câu 1.
– Trình bày diễn biến của các đợt.
– Giáo viên chốt sau từng đợt. Chiếu lên màn hình.
– Cho học sinh xem video chiến dịch Điện Biên Phủ.
Giáo viên hỏi: Chiến dịch Bắt đầu ngày… Kết thúc…?
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát-tơ-ri đó chính là giây phút kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Pháp đã hoàn toàn thất bại. Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử dân tộc.
Hoạt động 3: Tìm hiểu ý nghĩa chiến dịch Điện Biên Phủ
Bằng sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, với tinh thần chiến đấu kiên cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta đã làm nên một chiến thắng lịch sử. Vậy chiến thắng này có ý nghĩa gì?
Sử dụng kĩ thuật khăn trải bàn (4 nhóm). Hướng dẫn học sinh tìm hiểu ý nghĩa. Một nhóm trình bày, các nhóm khác nhận xét.
Ý nghĩa: Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, góp phần kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân pháp.
– Giáo viên chốt nội dung chính của bài – chiếu, học sinh nhắc lại.
Hoạt động 4: Tìm hiểu một số anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có rất nhiều tấm gương các chiến sĩ anh dũng chiến đấu… Các em đã sưu tầm trước
– Đó là những tấm gương anh hùng nào? Chúng ta hãy cùng chia sẻ với cả lớp.
– Học sinh đứng tại chỗ chia sẻ về các anh hùng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có rất nhiều tấm gương các chiến sĩ anh dũng chiến đấu. Sau sau đây cô mời các em cùng lắng nghe một câu chuyện về người anh hùng là người con thân yêu của Hà Tĩnh: Câu chuyện về người anh hùng Phan Đình Giót.
– Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xuân xanh. Họ – những người chiến sỹ mang trên mình tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo… Trong tiết học hôm nay, chúng ta cùng đến với câu chuyện về một người con của quê hương Hà Tĩnh – Anh hùng Phan Đình Giót.
Phan Đình Giót sinh năm 1922 huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo. Sống tập thể trong một môi trường quân đội, Phan Đình Giót luôn tự giác gương mẫu về mọi mặt, hết lòng yêu thương giúp đỡ đồng đội và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn về mình, anh được các đồng đội rất quý mến.
Phan Đình Giót tham gia rất nhiều các chiến dịch lớn như: Trung Du; Hòa Bình; Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ… Mùa Đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng, nhưng Anh vẫn kiên trì giúp đồng đội về đến đích.
Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.
Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám.
Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều.
Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên.
Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này.
Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hi sinh vì Đảng, vì dân”, rồi dướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phan Đình Giót hi sinh lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 ở tuổi 34, là biểu tượng cho tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Sau khi kể cho học sinh nghe, giáo viên nêu một số câu hỏi:
– Các em vừa được nghe kể về anh hùng nào?
– Anh đã hi sinh anh dũng như thế nào?
– Hãy nêu những tình cảm, suy nghĩ của em về anh hùng Phan Đình Giót?
Thực tế trong dạy học hàng ngày trên lớp, có rất nhiều câu chuyện được đến với các em. Trong giới hạn của bài viết này, tôi chỉ xin được phép đưa ra một ví dụ điển hình. Những câu chuyện ngoài khuôn khổ sách giáo khoa là sự khơi gợi, hứa hẹn trước mắt các em kho tàng tri thức vô tận của dân tộc Việt Nam ta.
Trong thời đại hiện nay, khi các em muốn tìm tòi, khám phá thì nguồn để các em khai thác là kho lưu trữ của ông bà – nhân chứng sống trong các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, là thư viện trường học của các em, hay rất nhiều thông tin, câu chuyện trên mạng Internet…