Phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để Việt Nam thoát “bẫy thu nhập trung bình”
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam năm 2022 (VietNam startup 4.0) với chủ đề: “Doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, kết nối toàn cầu” diễn ra chiều 19/10/2022.
VIỆT NAM THUỘC TOP 3 HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO NĂNG ĐỘNG NHẤT KHU VỰC
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030 cũng đề ra nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hướng mục tiêu tới năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo trình các cấp ban hành các cơ chế chính sách quan trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Việt Nam…
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất Đông Nam Á. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 ghi nhận Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đã đạt được tiến bộ lớn trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc).
Năm 2021 tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với năm 2020 và cao gấp 6 lần con số kỷ lục năm 2019 (874 triệu USD). Việt Nam cũng xuất hiện thêm 2 kỳ lân công nghệ là Sky Mavis và Momo.
Thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới như Israel, Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc… đã phát triển đất nước cường thịnh nhờ đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mặc dù có diện tích nhỏ với 9,4 triệu người nhưng năm 2021, Israel đứng thứ 3 thế giới về số kỳ lân công nghệ (17 kỳ lân), trong khi Mỹ là 45 và Trung Quốc là 25 kỳ lân.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc gia khởi nghiệp, bà Maayan Ben Tura, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam thông tin, ở Israel có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã được định giá lên đến tỷ USD (kỳ lân). Israel cũng có nhiều Hub, vườn ươm ở các nơi trên đất nước để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, ngay từ đầu khi khởi nghiệp, các doanh nghiệp đã xác định tư tưởng vươn ra thế giới. Trong văn hóa Israel, thất bại là thứ vô cùng có giá trị, tạo kinh nghiệm, trải nghiệm, bà Maayan Ben Tura nói.
PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI HOÀN CHỈNH LÀM “BỆ ĐỠ” CHO KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO
Có thể thấy, tinh thần, năng lực sáng tạo công nghệ từ Israel đã tạo ra sản phẩm, giá trị đột phá góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Theo TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, qua những kinh nghiệm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có thể sẽ rút ra bài học, gợi ý tốt cho Việt Nam.
Khởi nghiệp là một hành trình cả cuộc đời của doanh nhân tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực và chấp nhận rủi ro để thực hiện hóa giấc mơ sản sinh của cải xã hội. Trong hành trình đó, đổi mới, sáng tạo là yếu tố cốt lõi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 900.000 doanh nghiệp và hàng triệu doanh nhân đang chèo lái doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Hơn 30 năm đổi mới, doanh nghiệp đã góp vai trò quan trọng đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo. Theo ông Lộc, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp, doanh nhân đang và sẽ phải gánh vác trọng trách đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Muốn vậy cần phải thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Trước khi trở thành quốc gia hùng cường, Việt Nam phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Đây là một thách thức rất lớn bởi có rất ít nước đã vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải bám sát xu hướng thế giới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhân văn, đề cao trách hiệm xã hội, đặt con người ở vị trí trung tâm. Chỉ vậy mới có thể thúc đẩy phát triển trong bối cảnh mới. Đây là những tiêu chuẩn, yêu cầu bắt buộc và con đường độc đạo nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.
Đặc biệt, ông Lộc nhấn mạnh việc doanh nghiệp bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dù ở quy mô nào cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa, nhân văn, thân thiện môi trường. Điều đó sẽ tạo niềm tin cho thị trường và khách hàng để doanh nghiệp thành công dài hạn. Nguồn vốn cho phát triển không chỉ tài chính mà còn là vốn xã hội, là niềm tin và mạng lưới kết nối, ông Lộc nói.
Theo các chuyên gia, chìa khóa của sự phát triển hiện nay chính là nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và khởi nghiệp sáng tạo. Để tạo nên một nền kinh tế sáng tạo đòi hỏi cần có một hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh có thể làm “bệ đỡ” cho khởi nghiệp sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo luôn đi kèm với rủi ro nhưng pháp luật chưa chấp nhận thất bại, đặc biệt khi sử dụng ngân sách nhà nước.
Chia sẻ về xu hướng, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa khẳng định, khó khăn hiện tại của nền kinh tế Việt Nam và thế giới không phải là một cuộc khủng hoảng mà là một “tai nạn” do Covid-19 và khủng hoảng Nga-Ukraine. Các doanh nghiệp không nên mất tinh thần kinh doanh, mất tinh thần khởi nghiệp.
Còn theo ông Huy, hiện nay, hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đều đã có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Với nhu cầu ngày càng lớn trong các hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Việt.