Phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước: Còn nhiều việc cần làm

Tỷ lệ nhỏ nhưng nguồn lực lớn

Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội. Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty (như Tập đoàn Viettel, PVN, EVN, VNPT…) luôn là những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh cao, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước cũng có thị phần đủ lớn trong một số lĩnh vực quan trọng như: an ninh năng lượng quốc gia; hạ tầng và dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng tài chính… Đơn cử, hiện có tới 96% khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động là của Viettel, VNPT và Mobifone; các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, VietinBank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay; các nhà máy điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước, như EVN, PVN, TKV chiếm khoảng 87% trong cơ cấu nguồn điện.

Doanh nghiệp nhà nước còn là khu vực xây dựng, phát triển các hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.

Theo báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 được Chính phủ gửi tới Quốc hội gần đây, đến hết năm 2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, với tổng tài sản là 3.749.867 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020; tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là 1.671.574 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020; tổng doanh thu đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020; lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020.

phat huy vai tro doanh nghiep nha nuoc con nhieu viec can lam

Viettel, một trong những doanh nghiệp nhà nước có kết quả sản xuất kinh doanh cao, đóng góp lớn vào ngân sách.

Bức tranh về cơ bản là tích cực nếu chỉ nhìn trong ngắn hạn, nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ vẫn là thực tế gắn với doanh nghiệp nhà nước vốn đã tồn tại lâu nay. Trong năm 2021, vẫn ghi nhận 90/826 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp nhà nước) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng; 184/826 doanh nghiệp (chiếm 22% tổng số doanh nghiệp nhà nước) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp nhà nước có các dự án rơi vào tình trạng bị thua lỗ, kém hiệu quả, gây nhức nhối dư luận cũng làm ảnh hưởng đến vị thế và uy tín của doanh nghiệp nhà nước. Đây là những điểm nghẽn của doanh nghiệp nhà nước làm vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua còn mờ nhạt.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 20/10/2022 cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, Chính phủ ghi nhận công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu, chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn… Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản; các dự án đầu tư tại các khu vực bất ổn về kinh tế, chính trị, pháp lý, xã hội, thị trường; một số dự án lỗ liên tiế́p trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả…

Thay đổi để vượt lên

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong giai đoạn chiến lược sắp tới cần tiếp tục phát huy tối đa vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, cần phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước với vai trò là “doanh nghiệp đầu tàu” để cùng với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phát huy được nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước thông qua các dự án đầu tư trọng điểm, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thực trạng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp nhà nước có nhiều, song chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; Việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước chưa thực hiện triệt để; Đổi mới trong quản trị còn chậm; Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao, chưa quyết liệt; Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm vẫn như đối với viên chức nhà nước thông thường nên không tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường…

Định hướng của Chính phủ tới đây là sẽ phải tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ chính trị và kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền, trách nhiệm; tăng cường minh bạch về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải hoàn thiện được quy trình quản trị, phân cấp cho doanh nghiệp nhà nước, gắn với đó là trách nhiệm và động lực về tiền lương. Hiện nay cơ chế theo Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 đã cho phép phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp nhà nước, gắn với trách nhiệm thông qua hệ thống quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ chế tiền lương theo Nghị quyết 27 cũng đã được định hướng và tới đây sẽ được cụ thể hóa trong các quy định pháp luật.

Ví dụ Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp tới đây có thể mềm hơn, theo hướng tăng phân cấp, gắn trách nhiệm của người đứng đầu và Hội đồng thành viên, thay vì quy định cứng về điều này, điều kia được làm như hiện nay. Còn về động lực tiền lương, phải theo cơ chế thị trường, người lao động hưởng theo năng suất, người quản lý hưởng theo hiệu quả. Hiệu quả cao thì lương cao và ngược lại.

Mới đây, Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” đã nhấn mạnh đến đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao một cách hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo ông Tiến, tiếp theo Đề án 360, cần đề xuất Chính phủ báo cáo Trung ương cho phép đẩy nhanh tiến độ đổi mới cơ chế tiền lương, thu nhập của doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết 27. Đây là một trong những đột phá để khu vực doanh nghiệp nhà nước có động lực đổi mới nhanh hơn.