Pháp lý về ủy quyền

Pháp lý về ủy quyền (28/08/2021)

Thực tiễn thực hiện các giao dịch dân sự hoặc các công việc khác, như nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan có thẩm quyền, thực hiện quyền khiếu nại… các chủ thể không tự mình thực hiện được thì nhờ người khác để thực hiện thay. Đây là hình thức ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

 “1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”.

Đại diện theo ủy quyền là ý chí của cá nhân hay của pháp nhân (bên ủy quyền) ủy quyền cho bên được ủy quyền (hay còn gọi là bên nhận ủy quyền) nhân danh bên ủy quyền và vì lợi ích của bên ủy quyền để thực hiện việc xác lập các giao dịch dân sự nhân danh bên ủy quyền trong phạm vi đã được ủy quyền.

Đối với các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác có thể tham gia thực hiện các giao dịch dân sự theo nhu cầu của mình thông qua các cá nhân, pháp nhân khác. Ví dụ, hộ gia đình ông A thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình để vay vốn ngân hàng nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp. Do ông A là đại diện hộ gia đình nên hợp đồng vay vốn chỉ cần có chữ ký của ông A. Tuy nhiên, hợp đồng thế chấp tài sản của hộ ông A thì phải có chữ ký của tất cả thành viên đã thành niên của hộ gia đình ông A, những người chưa thành niên thì được người đại diện ký thay.

Theo quy định của BLDS điều kiện để thực hiện công việc ủy quyền thì nếu bên ủy quyền là cá nhân thì cá nhân đó phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với nội dung ủy quyền mà pháp luật quy định. Nếu bên được ủy quyền là pháp nhân thì pháp nhân thực hiện công việc ủy quyền thông qua người đại diện của pháp nhân đó.

Về hình thức ủy quyền thì hiện tại pháp luật chỉ quy định hình thức ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền. Theo Điều 562 BLDS quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Mục đích cơ bản của ủy quyền là bên được ủy quyền sẽ nhân danh bên ủy quyền để xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của bên ủy quyền. Quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó đề thuộc về người ủy quyền trong phạm vi, nội dung ủy quyền. Có nghĩa là, mọi hậu quả pháp lý xảy ra do bên ủy quyền gánh chịu (trừ trường hợp bên được ủy quyền thực hiện giao dịch vượt ra ngoài phạm vi được ủy quyền).

Ngoài hình thức ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền, trên thực tế còn có một hình thức ủy quyền khác đó là Giấy ủy quyền. Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về hình thức, nội dung của Giấy ủy quyền do cá nhân lập, nhưng vẫn thừa nhận hình thức ủy quyền này thông qua việc quy định trình tự, thủ tục chứng thực Giấy ủy quyền được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015. Tuy nhiên, Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 02/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như: không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản. Việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

– Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

– Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

– Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; 

– Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch. Như vậy, đối với hình thức ủy quyền là Giấy ủy quyền thì hiện tại pháp luật đã giới hạn phạm vi, nội dung ủy quyền là không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường và chỉ giới hạn nột số công việc đơn giải nhất định.

Một số lưu ý khi thực hiện việc ủy quyền:

– Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 563 BLDS).

Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp có sự đồng ý của bên ủy quyền; Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu (Điều 564 BLDS).

Có thể thấy, ủy quyền là một hình thức chuyển giao cho cá nhân, tổ chức khác thay mình đảm nhận các nhiệm vụ, công việc, quyền hạn cụ thể. Việc ủy quyền được thực hiện khi bản thân người ủy quyền không trực tiếp thực hiện được công việc đó. Pháp luật luôn tôn trọng, thừa nhận các hình thức ủy quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham giao giao dịch dân sự./.

Thanh Long