Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

TÓM TẮT:

Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế – chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân kinh doanh cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Bài viết phân tích về thuế TNCN, từ đó, đưa ra gợi ý sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Từ khóa: pháp luật, thuế thu nhập cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, nộp thuế.

1. Đặt vấn đề

Thuế TNCN là một trong những loại thuế đã xuất hiện cách nay hàng trăm năm và hiện nay đã trở thành một trong những loại thuế rất quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia, đó là một trong những nguồn thu quan trọng đóng góp váo ngân sách nhà nước. Với vai trò quan trọng đó, trong quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt từ khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2007, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế TNCN là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý và hoàn thiện hệ thống thuế thu nhập ở Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Với vai trò quan trọng đó, để toàn diện hơn, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 bằng Luật số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012. Đáng chú ý, phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế TNCN đã bao gồm cả cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh, trong khi trước đây những đối tượng này chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, sự ra đời của Luật thuế TNCN đã đảm bảo công bằng hơn giữa cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công.

2. Pháp luật điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

2.1. Nguồn luật điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh cá thể là một mô hình kinh doanh khá đơn giản từ tổ chức hoạt động đến việc vận hành kinh doanh. Chính vì vậy, thủ tục thành lập hộ kinh doanh không rườm rà, phức tạp như khi thành lập doanh nghiệp. Hơn thế nữa, với quy mô nhỏ gọn, nên chế độ chứng từ, sổ sách kế toán của Hộ kinh doanh rất đơn giản. Hộ kinh doanh được áp dụng chế độ thuế khoán thay vì phải kê khai thuế hàng tháng như công ty. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, hộ kinh doanh lại có một số những nhược điểm, như: chỉ được dùng hóa đơn trực tiếp nên không được hoàn thuế, không được xuất hóa đơn VAT; chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm nhất định mà không được mở các đơn vị phụ thuộc; không có tư cách pháp nhân nên không có con dấu riêng, khó tạo được niềm tin cho đối tác, khách hàng; chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ kinh doanh cá thể đối với hoạt động kinh doanh.

Từ những phân tích trên có thể thấy, “cá nhân kinh doanh” theo Luật Thuế TNCN hay “hộ kinh doanh là những cá nhân hoặc nhóm cá nhân hộ gia đình có thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Pháp luật thuế TNCN là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu, nộp thuế của cá nhân có phát sinh thu nhập theo quy định của pháp luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam điều chỉnh về thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh bao gồm:

– Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019;

– Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng;

– Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

– Nghị định số 108/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/10/2018 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP;

– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

– Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;

– Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

2.2. Nội dung quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

2.2.1. Nhóm quy định về chủ thể nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

Việc quy định đối tượng nộp thuế của Luật Thuế TNCN hiện hành là khá hợp lí và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại Điều 2.1 Luật Thuế TNCN quy định: “Đối tượng thuế TNCN là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế,… phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế,… phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam”.

Việc quy định đối tượng nộp thuế như vậy là khá hợp lý, tạo sự bình đẳng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài, đồng thời tránh được sự phức tạp trong xác định đối tượng chịu thuế. Không những thế, nó còn thể hiện thái độ thiện chí của nước ta trong việc nỗ lực thể hiện các đãi ngộ quốc gia, tạo môi trường mở và tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư, người nước ngoài khi làm việc và sinh sống tại Việt Nam.

2.2.2 Căn cứ xác định yếu tố cư trú

Căn cứ điều 2.2 Luật Thuế TNCN, đối với cá nhân cư trú có điều kiện “có mặt tại Việt Nam” được hiểu là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong 1 năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Đây là một điều kiện thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt, có thể bao quát được những cá nhân có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày, nhưng không ở những tháng gián đoạn, không liên tục. Cá nhân cư trú còn được quy định là có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi đăng ký thường trú, hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn. Căn cứ Điều 2.3 Luật Thuế TNCN, cá nhân không cư trú là chủ thể không đáp ứng đồng thời cả hai điều kiện về thời gian có mặt, cũng như nơi ở thường xuyên tại Việt Nam. Các quy định này thể hiện sự tinh giản hóa quy phạm pháp luật, tuy nhiên do còn hạn chế là chưa rõ ý, dễ gây hiểu lầm, bởi lẽ cá nhân không cư trú ở Việt Nam 1 ngày khác với trường hợp ở Việt Nam 182 ngày.

2.2.3. Quy định về đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

Do thu nhập của cá nhân được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nên việc xác định thu nhập chịu thuế để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng mà vẫn khuyến khích được người dân lao động, sản xuất là việc làm cần thiết khi xây dựng quy định về thu nhập chịu thuế TNCN. Luật Thuế TNCN hiện hành đã liệt kê hầu hết các loại thu nhập có thể phát sinh và áp dụng thống nhất điều chỉnh các loại thu nhập của cá nhân trong Điều 3 Luật Thuế TNCN.

Thu thập từ kinh doanh: điều luật tại Luật Sửa đổi năm 2014 đã rút ngắn phạm vi chịu thuế hơn, là: (1) thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và (2) thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lâp của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, điều khoản này còn được bổ sung mức chịu thuế là đối với doanh thu trên 100 triệu đồng/ năm của cá nhân kinh doanh. Quy định như vậy tạo sự công bằng và bình đẳng hơn trong xã hội, tạo điều kiện cho cá nhân kinh doanh có doanh thu thấp.

Thu nhập từ tiền lương, tiền công: là thu nhập mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp mà cá nhân được hưởng cũng được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công trừ một số khoản phụ cấp, trợ cấp tại Điều 3.2.b Luật Thuế TNCN.

2.2.4. Nhóm quy định về nguyên tắc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

2.2.5. Nhóm quy định về phương pháp tính thuế và căn cứ tính thuế thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2.2.6. Nhóm quy định về quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

Quản lý thuế là khâu tổ chức, phân công trách nhiệm cho các bộ phận trong cơ quan thuế, xác lập mối quan hệ phối hợp giữa các bộ phận một cách hữu hiệu trong việc thực thi các chính sách thuế để ngày một nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, quản lý thuế góp phần tích cực hướng dẫn tuyên truyền chính sách thuế cho quần chúng nhân dân.

Luật Thuế TNCN quy định việc đăng ký thuế, kê khai, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế và các biện pháp quản lý thuế được thực hiện trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành và Luật Quản lý thuế. Mặc dù Luật Quản lý thuế là văn bản chính thống cao nhất về quản lý toàn bộ hệ thống thuế nói chung. Nhưng với thuế TNCN do có những đặc trưng riêng của nó nên việc quản lý thuế TNCN còn phải tuân thủ các quy định của Luật Thuế TNCN.

Đăng ký thuế là việc người nộp thuế kê khai những thông tin của người nộp thuế theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo các quy định của pháp luật.

Theo Điều 21, Luật Quản lý thuế năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 thì đối tượng đăng ký thuế bao gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN; tổ chức cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay; tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về thuế. Có thể hiểu, đăng ký thuế TNCN là thủ tục pháp lý mà theo đó người nộp thuế có thu nhập đến mức chịu thuế tiến hành kê khai những thông tin theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc quản lý về đăng ký thuế và cấp mã số thuế do Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm.

Kê khai thuế là cơ chế hành thu mà đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự tính toán số thuế phải nộp của mình dựa trên sự tuân thủ tự nguyện chấp hành pháp luật và chủ động nộp tờ khai thuế và nộp thuế cho Nhà nước theo số thuế mà mình đã tính toán đúng thời hạn[1]. Cơ quan không can thiệp vào việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế nếu đối tượng nộp thuế tự giác tuân thủ nghĩa vụ. Quy định này nhằm đề cao vai trò của người nộp thuế nhưng với phương thức này người nộp thuế có thể lợi dụng quy định này để gian lận thuế, trốn thuế. Do đó, khi kê khai thuế, người nộp thuế phải kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ về sự chênh lệch giữa thu nhập thực tế phát sinh và thu nhập khai báo, cơ quan thuế sẽ cùng với cơ quan chức năng khác tiến hành xác minh, làm rõ nguồn gốc và xử lý theo quy định pháp luật.

Hiện tại, ở Việt Nam, các hình thức kê khai thuế TNCN gồm kê khai theo từng lần phát sinh, kê khai theo tháng, kê khai theo quý, kê khai theo năm[2].

3. Những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh

Thứ nhất, cơ chế quản lý thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh còn chưa hiệu quả dẫn tới hiện tượng gian lận, trốn thuế TNCN. Hiện nay, cá nhân kinh doanh chiếm số lượng khá lớn với các hoạt động kinh doanh vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, hàng năm chỉ đóng góp được 2% ngân sách nhà nước. Sở dĩ có nguyên nhân đó là do trên thực tế, cơ chế kiểm tra, giám sát thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp kê khai thiếu trung thực, bắt tay với cán bộ thuế nhằm gian lận, trốn thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh. Cụ thể:

Hai là, cơ quan thuế khó ấn định mức doanh thu khoán. Do số thu từ các hoạt động kinh doanh thông thường của cá nhân kinh doanh không lớn, thậm chí chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thu nội địa. Tuy nhiên, để tính và thu được thuế thì mất tới khoảng 20% số lượng nhân viên thuế hiện có, còn chưa bao gồm bộ máy hỗ trợ, ví dụ như hội đồng tư vấn thuế phường (xã). Chính vì thế, khó có thể quản lý chặt chẽ được hoạt động thu nộp thuế. Bên cạnh đó, việc xác định mức thuế khoán cũng không có cơ sở. Chẳng hạn như tại các quán ăn, massage,… việc kinh doanh không ổn định, cán bộ thuế không thể ngồi tại chỗ để đếm số lượng người vào một ngày.

Ba là, do trình độ và ý thức tuân thủ pháp luật kém của cá nhân kinh doanh. Các cá nhân kinh doanh có trình độ hiểu biết hạn chế về pháp luật thuế TNCN, đồng thời lại có ý thức tuân thủ pháp luật kém, vì lợi ích của bản thân nên đã không tuân thủ theo các quy định của pháp luật về thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh. Chính vì thế, các cá nhân này đã cố tình không tuân thủ các nghĩa vụ về kê khai thu nhập và nộp thuế TNCN, thực hiện kê khai doanh số thấp, bán hàng không lập hóa đơn, ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế, hầu hết giao dịch đều sử dụng tiền mặt, đầu ra không có hóa đơn,…Không những vậy, một số cá nhân kinh doanh còn tìm cách trốn tránh, sử dụng các mối quan hệ cá nhân để bắt tay, câu kết với các cán bộ thuế để được hưởng mức khoán đóng thuế thấp nhất nhằm trốn thuế và trục lợi.

Thứ hai, hạn chế về công nghệ quản lý thuế. Mặc dù hiện nay, cải cách thủ tục hành chính quản lý thuế đã thực hiện quyết liệt nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, công nghệ quản lý thuế nói chung và thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống thông tin và dữ liệu trong chương trình quản lý thuế chưa đảm bảo phản ánh đúng, đủ và kịp thời nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh phải nộp thuế TNCN. Đặc biệt là đối với các cá nhân kinh doanh không thực hiện đăng ký kinh doanh hoặc các cá nhân làm việc tự do, kinh doanh qua mạng xã hội thì vẫn chưa có các dữ liệu đầy đủ về thông tin với những nhóm cá nhân này.

4. Định hướng hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh tại Việt Nam

Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước Những chủ trương, định hướng lớn của đảng cầm quyền có ảnh hưởng đến việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật của các quốc gia. Chính vì thế, trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh thì cần thiết phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016), Quốc hội (Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016) và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh nhằm đồng bộ với hệ thống pháp luật thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra mục tiêu cải cách tổng quát đối với thuế TNCN, đó là: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế; điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân (doanh nghiệp); điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.

Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh phải khắc phục được những vướng mắc của pháp luật thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh hiện hành. Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật Thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh thời gian qua cho thấy quy định tại luật thuế cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nên đã phát huy được những tác động tích cực. Tuy nhiên, một số quy định tại Luật Thuế TNCN về cá nhân kinh doanh hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và gây khó khăn cho công tác quản lý thuế.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguyễn Ngọc Hùng, Tôn Thất Cảnh Hòa, Nguyễn Kim Quyến, Đặng Thị Bạch Vân (2012). Giáo trình quản lý thuế 2. Nxb Kinh tế, trang 172.

[2] Điều 30, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, ngày 27/6/2013 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Văn Ái, Đỗ Đức Minh (2005). Thuế thu nhập cá nhân trên thế giới và định hướng vận dụng ở Việt Nam. Nxb Tài chính, Hà Nội.
  2. Nguyễn Ngọc Hùng, Tôn Thất Cảnh Hòa, Nguyễn Kim Quyến, Đặng Thị Bạch Vân (2012). Giáo trình quản lý thuế 2. Nxb Kinh tế, trang 172.
  3. Lê Quang Cường, Nguyễn Kim Quyến (2013). Giáo trình thuế Nxb Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. OECD (2014). Quản lý thuế các nước OECD: Tập hợp thông tin so sánh giữa các nước (năm 2014). Bộ phận Soạn thảo Diễn đàn về quản lý thuế Tiểu nhóm Tuân thủ Bộ phận Phê duyệt Ủy ban Các vấn đề về tài chính, tháng 10/2014 CTPA Trung tâm Chính sách và quản lý thuế.

 

PERSONAL INCOME TAX POLICY FOR BUSINESS HOUSEHOLDS

AND INDIVIDUALS

NGUYEN CONG QUOC DUNG

Tax Branch of District 5, Ho Chi Minh City Tax Deparment

ABSTRACT:

In the socio-economic development and international economic integration process, Vietnam’s personal income tax policy for individuals who do business activities has some shortcomings due to the rapid changes in the global economy -politics in general and Vietnam’s economy in particular. This paper analyzes the personal income tax policy and presents some recommendations for amending and supplementing this policy to resolve difficulties for businesses and create favorable conditions for taxpayers.

Keywords: law, personal income tax, individuals, business households, tax payment.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 5 năm 2022]