Pháp Luật Plus – Đi tìm lời giải những chuyện huyền bí về “bùa yêu”…
Đời của người Mường và Mông, cũng như các dân tộc khác ở đại ngàn Trường Sơn đã tồn tại những lời đồn thổi về sức mạnh của bùa ngải.
Đặc biệt là “bùa yêu”. Không những thế, “bùa yêu” hiện được rao bán, chỉ dẫn khá công khai trên mạng xã hội. Và đã có 1001 câu chuyện đầy huyền bí về những mối tình trai gái được coi là có yếu tố bị bỏ “bùa yêu”…
1001 câu chuyện huyền bí
Trong tất cả những câu chuyện nhuốm màu huyền bí về bùa ngải thì dường như thứ được gọi là “bùa yêu” có sức lôi cuốn nhất. Những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai liên quan đến loại bùa này người ta có thể được nghe kể ở hầu khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Thậm chí, có người còn khẳng định rằng, bất cứ ai không may “dính” phải loại bùa này sẽ “sống dở, chết dở” vì yêu. Chỉ cần bị cấm cản hoặc thậm chí chỉ cần vài ngày không gặp mặt nhau cũng có thể lên cơn điên loạn. Nếu một trong hai người, người bị bỏ và người bỏ bùa, không may chết đi thì người còn lại sẽ phải đến nhờ chính ông thầy đã cho bùa để cắt duyên mới mong thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Trên một hành trình ngắn, chúng tôi được nghe Nam kể về sự “éo le” của mình. Nam (người Hà Tĩnh), vốn là một hướng dẫn viên du lịch, dù đi khắp muôn nơi, gặp gỡ nhiều người, nhưng đến nay đã gần 40 tuổi vẫn chưa thể yên bề gia thất. Sau vài lần suýt cưới không thành, Nam chợt nhớ lại thuở còn sinh viên đi thực tập ở Sa Pa (Lào Cai) đã vô tư theo cô đồng nghiệp người Mông khi cô ấy rủ về nhà tại một bản làng sâu trong khe núi.
Bữa ấy, về nhà cô gái, Nam thực sự sốc khi cả gia đình, người lớn tuổi tới cùng ăn cơm tối và coi Nam như chồng sắp cưới của cô gái. Họ bắt Nam uống rượu, đeo sợi chỉ của cô gái trao. Mặc dù khá tỉnh táo và có biết qua về bùa ngải, Nam không nhận chỉ tay, rượu thì không thể từ chối với người vùng cao, nhưng ngay sau đó, Nam đã tìm được cây ớt ở bên hiên nhà sàn, ăn ớt đến bỏng miệng với hy vọng có bùa ngải gì sẽ tan.
Vụ án liên quan đến luyện bùa Thiên Linh Cái từng gây chấn động cách đây hơn 20 năm.
Tối đó, họ bắt Nam ngủ ở căn buồng của cô gái, nhưng Nam không chịu! (Ở vùng cao, để đến một bản làng thường phải đi bộ nguyên buổi, thậm chí cả ngày mới tới, nên không thể đến ăn cơm xong là về ngay được khi trời tối)…
Sau sự việc đó, Nam cũng bẵng đi trên các hành trình trong nước và quốc tế của mình. Mãi lần lỡ cưới gần đây nhất, Nam mới xâu chuỗi lại sự việc và lặn lội lên bản làng cách Sa Pa cả buổi đi bộ để tìm cô gái với ý nguyện giải bùa. Thế nhưng, sau nhiều năm, thầy bùa năm xưa đã không còn! Nam nghe ngóng và tìm đến một thầy bùa nghe đồn là bùa khó mấy cũng giải được ở Yên Bái. Với giá 20 triệu cho lá bùa giải này, Nam hy vọng tới đây sẽ “chốt” được vợ, nhưng vẫn chưa biết là khi nào…
Và tại một diễn đàn mạng xã hội, các thành viên đã chia sẻ một câu chuyện được cho là có thật về bà cụ Tú (vùng núi Như Thanh, Thanh Hóa). Theo lời kể của ông Liên (hàng xóm), thời còn thanh niên, ông Tú rất ưng bụng bà Tú (gọi theo tên chồng), nên ông mới về nhờ một ông thầy trong làng làm bùa sợi tóc. Sợi tóc kết duyên, lá bùa phát huy tác dụng, từ hai người lạ mặt ngoài đường, họ tìm đến với nhau.
Cuộc sống gia đình khá viên mãn, con cháu đề huề, điều kiện kinh tế ít phải lo. Cuộc sống của vợ chồng ông Tú được gọi là yên ổn nếu không có chuyện ông Tú đột ngột qua đời. Và bản thân ông Tú cũng quên mất rằng lâu nay mình sống với vợ bằng bùa nên cũng không dặn dò người nhà giải bùa.
Về phần người yểm bùa, do nhiều tuổi nên đã mất, thật may ông đã kịp gọi cô con gái cả đến rồi kể cho cô về việc yểm bùa bà Tú và dặn: “Giờ bố chết đi sẽ không ai giải bùa cho họ, nếu sau này một trong hai người đó chết thì con hãy giải bùa cho nhà người ta, kẻo tội nghiệp lắm”. Cô con gái nghe theo và để trong lòng nên không ai hay biết.
Khi ông Tú mất, người ta khiêng xác ông đi chôn, vừa chôn xong thì bà Tú ngã lăn ra bất tỉnh. Không ai biết bà Tú bị bệnh gì, càng lúc, bà Tú càng rơi vào cảnh nguy kịch. Khi biết tin, người con gái của ông thầy bùa mới nhớ ra lời dặn của cha trước khi chết. Lập tức, bà mang một con dao nhỏ, một cơi trầu ra mộ ông Tú. Bà cắm con dao xuống mộ 3 cái rồi đọc thần chú bằng tiếng Thái, đại ý như: “Anh chết thì cũng đã chết rồi. Anh trả lại hồn cho chị ấy để tôi mang về. Để chị ấy sống cùng con cháu thêm ít năm nữa”…
Làm lễ xong, bà mang linh hồn của bà Tú về. Khi ấy, bà Tú đang nằm bất tỉnh trên giường, người giải bùa đến bên cạnh và nói: “Đây! Hồn của chị tôi trả cho chị đây. Hãy mau tỉnh lại, sống đoàn tụ cùng con cháu”. Vừa dứt lời, bà Tú đã từ từ tỉnh dậy và cười nói vui vẻ như người khỏe mạnh bình thường. Cho đến giờ, bà Tú vẫn khỏe mạnh, đi chăn dắt trâu bò bình thường.
Báo chí đã từng đưa tin câu chuyện của chị Nguyễn Thu L (Thái Nguyên). Hai vợ chồng chị đến với nhau cũng vì “bùa yêu”. Sau khi lấy chồng, chị mới biết mình bị bỏ bùa. Mới lấy nhau được 2 năm anh chồng đã ra đi vì một tai nạn giao thông. Chị L lúc ấy đang bụng mang dạ chửa, cho rằng mình đã bị yểm bùa, kiểu gì cũng phải chết theo nên nhất quyết đòi tự tử theo chồng. Khi lễ tang chồng đang bắt đầu thì chị tự đập đầu vào cột nhà. May sao, người nhà cấp cứu kịp thời nên chị thoát chết.
Không ít người tin rằng, rang tóc hoặc đồ lót của người yêu sẽ khiến người đó yêu mình say đắm.
Một câu chuyện đau lòng khác từ gần 10 năm trước của anh Nguyễn Văn T (TP HCM). Sau 10 năm lén lút ngoại tình sau lưng vợ, anh này vẫn đi lại với cả vợ và người tình. Cô bồ dọa sẽ yểm “bùa yêu” để ép T bỏ vợ và toàn tâm toàn ý với mình. Vì sợ bị “bỏ bùa”, T đã sát hại người tình của mình…
Và không còn quá… thần kỳ
Trên các diễn đàn, trang mạng như xuangiao…, xomnail…, tvnon…, forum.tcnao…, buangaivn…, lamchame…, thegioivohinh…, vozforum… những công dân mạng thi nhau chia sẻ những sự hiểu biết, kinh nghiệm chơi bùa ngải, thậm chí nhiệt tình giới thiệu cặn kẽ cách làm nhiều loại bùa, từ cầu tài, cầu duyên cho đến bùa hại người và nóng hơn cả vẫn là “bùa yêu”.
Trên một diễn đàn khác, một thành viên “mách nước” cho chị em phụ nữ cách làm “bùa yêu” đơn giản hơn, không cần phải lặn lội đi tìm cây ngải mà sử dụng ngay… kinh nguyệt của mình để luyện bùa khá tỉ mỉ…
Một số thành viên trong các diễn chia sẻ những cách làm khác như luyện bùa với hình nhân; 7 ngày rang tóc, quần áo lót… của người mình yêu; luyện bùa bằng chim cuốc…
Một nam thành viên tâm sự, anh có thời gian dài công tác ở vùng rừng núi và được truyền cho bí kíp làm “bùa yêu”. Sau này khi về xuôi, anh có thử nghiệm vài lần, rất linh nghiệm, nhưng không hiểu sao, sau một thời gian yêu đương với người bị bỏ bùa, anh sẽ bị ốm hoặc tai nạn rất nặng. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng vì sợ quá, anh đã phải đốt lá bùa đó đi…
Chuyện thực sự có “bùa yêu” hay không, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào lý giải. Bùa ngải khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Nghe nói người Thái dùng xác hài nhi luyện bùa Kumathong (quỷ linh nhi) để được phù hộ may mắn, làm ăn phát tài. Người Campuchia có bùa Thiên Linh Cái làm bằng đầu lâu của cô gái trẻ còn trinh, khi luyện thành công có thể sai bảo vong hồn đoạt mạng kẻ khác. Người Việt cũng lưu truyền những câu chuyện về các dân tộc miền núi có hình thức thư ếm quả trứng, mảnh sành, bó giẻ vào… bụng. Người trúng bùa đang khỏe mạnh bỗng ốm yếu, xanh xao, bác sĩ khám không ra bệnh…
Theo một trưởng bản ở Nậm Pồ (Điện Biên), người rất thuộc những câu chuyện đầy huyền bí về “bùa yêu” của người Mông thì “bùa yêu” chỉ có hai dạng. Dạng thứ nhất, sử dụng thuốc để bắt người khác phải yêu mình, quấn quýt với mình. Cách này chỉ có tác dụng tức thời, tối đa là vài tháng, sau đó thuốc không còn tác dụng.
Dạng “bùa yêu” thứ hai ít gặp hơn, người bỏ bùa đòi hỏi phải có “phép thuật” cao. “Phép thuật” là một quá trình dày công tu luyện, vận động, điều hòa khí ở trong cơ thể của mình, đến lúc khí này khi được vận ra nó có sức mạnh như một dòng điện ở dạng vô hình… Khi ấy, người thực hiện bỏ bùa chỉ cần nhìn vào mắt của người mà họ cần bỏ, lập tức người này không còn làm chủ được bản thân, đi theo sự lôi kéo, đề nghị của người kia.
Nếu như “bùa yêu” của người Mường cần phải lấy được một vật thân thuộc của đối tượng, như áo, chiếc lược, thỏi son, đôi dép…, thì “bùa yêu” của người Mông có loại để yểm vào những đồ vật thân thuộc đó chứ không cần lấy nó và người Mông có một loại bùa có sức mạnh hơn bùa của người Mường.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, sở dĩ, bùa chú ngày nay không còn linh nghiệm như trước kia là bởi qua các thế hệ, kỹ thuật làm bùa đã mai một đi nhiều. “Trước đây, bùa ngải chỉ do các mo làng, các thầy bùa dân tộc làm rất công phu nhưng nay lớp trẻ kế cận vì nhận thức thay đổi và cũng thoát ly nhiều nên không còn lưu giữ được phương pháp làm bùa đúng cách”, TS Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) chia sẻ.
Do đó, mọi người cần tỉnh táo trước những thông tin tràn lan trên mạng hoặc đi tìm kiếm thầy bùa, kẻo “tiền mất, tật mang”. Bởi tình yêu luôn từ hai phía, là sự nương nhẹ, chăm chút chứ không phải là bằng mọi giá để “buộc” nhau lại! Sự cố chấp ấy chỉ làm “tổn thương” chính những người trong cuộc mà thôi…