Phân tích thế giới quan và thế giới quan khoa học
Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc thêm những kiến thức cơ bản, khái quát nhất về thế giới quan và thế giới quan khoa học; Hình thức cơ bản của thế giới quan; thế giới quan duy vật, thế giới quan duy tâm…
Nội Dung Chính
1. Khái niệm thế giới quan là gì ?
Có thể nói vắn tắt, thế giới quan chính là một hệ thống gồm nhiều quan điểm, nguyên tắc, niềm tin, khái niệm, biểu tượng của thế giới. Thế giới quan là một khái niệm, một cái nhìn bao quát về cuộc sống toàn cầu, từ các mối quan hệ xã hội, giữa con người và thế giới.
Thế giới quan của chủ nghĩa Mác – Lênin là toàn bộ các quan điểm và cách thức duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của con người về thế giới trong tính chỉnh thể của nó – sau đây gọi tắt là thế giới quan Mác – Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lê-nin con đường và phương pháp giải phóng dân tộc. Cho nên, trước tiên Người chịu ảnh hưởng của thế giới quan Mác – Lênin ở phương diện thế giới quan duy vật lịch sử. Nói cách khác, Người tiếp cận thế giới quan Mác – Lênin trước hết từ tính đặc trưng của triết học phương Đông, nhất là của Việt Nam, là tư duy trực giác tổng hợp và tập trung nhắm vào vấn đề “là người và làm người” hay vấn đề nhân sinh quan. Từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu thế giới quan Mác – Lênin ở từng nguyên lý riêng lẻ, mà trước hết tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin ở phương diện chủ nghĩa duy vật lịch sử; trong đó tập trung giải quyết mối quan hệ giữa hoạt động tự do của con người với tính tất yếu lịch sử theo quan điểm duy vật biện chứng.
Trên cơ sở đó, Người khắc phục được cách giải đáp chưa khoa học, có khi rơi vào duy tâm, trừu tượng và thần bí của thuyết Thiên – Địa – Nhân hợp nhất trong thế giới quan triết học phương Đông.
Vậy định nghĩa, nguồn gốc và những vấn đề cơ bản của thế giới quan ta sẽ tìm hiểu trong mục nhỏ này.
– Định nghĩa: Thế giới quan là toàn bộ những quan điểm, quan niệm của con người về thế giới, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới ấy.
– Nguồn gốc của thế giới quan: Thế giới quan ra đời từ thực tiễn cuộc sống; là kết quả trực tiếp của quá trình nhận thức, nhưng suy đến cùng, thế giới quan là kết quả của cả hoạt động thực tiễn với hoạt động nhận thức, của mối quan hệ giữa khách thể nhận thức với chủ thể nhận thức.
– Nội dung phản ánh của thế giới quan: Thế giới quan phản ánh thế giới từ ba góc độ, đó là: 1) Các khách thể nhận thức. 2) Bản thân chủ thể nhận thức. 3) Mối quan hệ giữa khách thể với chủ thể nhận thức. Ba góc độ này của thế giới quan vừa thể hiện ý thức của con người về thế giới, vừa thể hiện ý thức của con người về chính bản thân mình.
– Hình thức biểu hiện của thế giới quan có thể là các quan điểm, quan niệm rời rạc, cũng có thể là hệ thống lý luận chặt chẽ.
– Cấu trúc của thế giới quan gồm hai yếu tố cơ bản là tri thức và niềm tin, trong đó tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành thế giới quan; song tri thức chỉ gia nhập vào thế giới quan khi đã trở thành niềm tin để hình thành lý tưởng, động cơ hoạt động của con người.
– Một thế giới quan thống nhất giữa tri thức với niềm tin có vai trò là cơ sở để con người xác định những vấn đề then chốt của cuộc sống như tiếp tục tìm hiểu thế giới; xác định thái độ, cách thức hoạt động, lối sống nói riêng và nhân sinh quan nói chung.
2. Hình thức cơ bản của thế giới quan
Thế giới quan có các hình thức cơ bản sau:
– Thế giới quan huyền thoại có nội dung pha trộn giữa thực với ảo, giữa người với thần đặc trưng cho tư duy nguyên thuỷ giải thích các lực lượng tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng.
– Thế giới quan tôn giáo có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của lực lượng siêu nhiên đối với thế giới, đối với con người, được thể hiện qua các hoạt động có tổ chức để suy tôn, sùng bái lực lượng siêu nhiên ấy. Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế. Đặc trưng chủ yếu của thế giới quan tôn giáo là niềm tin vào một thế giới khác hoàn mỹ làm giảm nỗi khổ trần gian.
– Thế giới quan triết học thể hiện bằng hệ thống lý luận thông qua các khái niệm, phạm trù, quy luật. Thế giới quan triết học không chỉ nêu ra các quan điểm, quan niệm của con người về thế giới, mà còn chứng minh chúng bằng lý luận. Triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan, là bộ phận quan trọng nhất của triết học bởi vì nó chi phối các quan điểm, quan niệm còn lại của thế giới quan như quan điểm, quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, kinh tế, chính trị, văn hoá v.v.
– Thế giới quan duy vật triết học và thế giới quan duy tâm triết học là hai hình thức của thế giới quan triết học.
– Thế giới quan khoa học và thế giới quan phản khoa học. Thế giới quan khoa học phản ánh thế giới và định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người trên cơ sở tổng kết những thành tựu của nghiên cứu, thực nghiệm và dự báo khoa học. Thế giới quan khoa học không ngừng được bổ sung và hoàn thiện và phát triển; thông qua hoạt động thực tiễn của con người, thế giới quan khoa học được hiện thực hoá, trở thành sức mạnh vật chất. Thế giới quan phản khoa học, ngược lại do không phản ánh đúng bản chất của thế giới nên dễ làm cho con người rơi và thế giới quan duy tâm.
3. Thế giới quan duy tâm
– Định nghĩa: Thế giới quan duy tâm thừa nhận bản chất thế giới là tinh thần và thừa nhận vai trò quy định của các yếu tố tinh thần đối với thế giới vật chất nói chung, đối với con người và xã hội loài người nói riêng.
– Các hình thức của thế giới quan duy tâm được hình thành bởi các quan niệm khác nhau về tinh thần, ý thức của những người có thế giới quan này; nếu tinh thần, ý thức của con người tạo nên thế giới quan duy tâm chủ quan, còn tinh thần, ý thức ở bên ngoài con người tạo nên thế giới quan duy tâm chủ quan. Cấp độ của thế giới quan duy tâm phụ thuộc vào trình độ nhận thức của con người; có cấp độ thế giới quan thô sơ, tôn giáo hay triết học.
– Giá trị và hạn chế của thế giới quan duy tâm.
4. Thế giới quan duy vật.
– Định nghĩa: Thế giới quan duy vật thừa nhận bản chất thế giới là vật chất và thừa nhận vai trò quy định của các vật chất đối với tinh thần, ý thức nói chung, đối với con người và xã hội loài người nói riêng.
– Giá trị của thế giới quan duy vật.
– Cơ sở để phân biệt giữa thế giới quan duy tâm với thế giới quan duy vật là xem thế giới quan đó quan niệm về vật chất, ý thức và mối quan hệ giữa chúng như thế nào.
5. Lịch sử phát triển của thế giới quan duy vật
5.1 Thế giới quan duy vật chất phác
– Thừa nhận bản chất của thế giới là vật chất, nhưng quy vật chất nói chung vào một hay một số dạng cụ thể đầu tiên sản sinh ra vũ trụ. Trong triết học phương Đông và phương Tây, chất đầu tiên ấy là những vật thể cụ thể như ngũ hành Trung Quốc), Anu (Nyaya), đất, nước, lửa, không khí v.v (Lokayata), nước (Talét), apeyrôn (Anaximan), lửa (Hêraclít), nguyên tử (Đêmôcrít, Lơxíp) v.v. Con người được tạo nên từ âm dương, ngũ hành, là sản phẩm của khí, là sự kết hợp của các nguyên tử v.v.
– Hạn chế và giá trị của thế giới quan duy vật chất phác.
Nhận thức mang nặng tính trực quan, phỏng đoán. Đồng nhất chất hay một số chất với vật chất. Duy vật không triệt để. Chỉ giải thích thế giới mà chưa cải tạo thế giới.
Thế giới quan duy vật cổ đại đánh dấu bước chuyển từ dựa vào thần linh sang dựa vào tự nhiên để giải thích thế giới. Là cơ sở và đã đặt ra nhiều vấn đề để thế giới quan duy vật ở các giai đoạn sau tiếp tục hoàn thiện, phát triển.
5.2 Thế giới quan duy vật siêu hình
– Thế giới quan duy vật siêu hình xuất hiện từ thời cổ đại với đặc điểm tuyệt đối hoá mặt vận động, phát triển hay tuyệt đối hoá mặt tĩnh tại, đứng im của sự vật, hiện tượng trong thế giới.
– Thế giới quan duy vật siêu hình thể hiện rõ nét vào thế kỷ XVII – XVIII. Do sự phát triển của khoa học chuyên ngành còn hạn chế; chỉ coi các định luật cơ học là duy nhất đúng với hoạt động nhận thức; tuyệt đối hoá phương pháp phân tích để tách cái toàn thể thành cái bộ phận để nghiên cứu và chính phương pháp đó đã mang lại những thành tựu to lớn trong những lĩnh vực cụ thể nên hầu hết các nhà triết học tây Âu thời kỳ này chịu ảnh hưởng của phương phán tư duy này. Thế giới quan duy vật siêu hình coi thế giới do vô số những sự vật cụ thể tồn tại cạnh nhau trong không gian trống rỗng, vô tận.
– Hạn chế và giá trị của thế giới quan duy vật siêu hình.
Tư duy máy móc, không nhận thức được thế giới là kết quả của quá trình phát triển của vật chất trong các mối liên hệ phức tạp, đa dạng và trong trạng thái vận động không ngừng. Chống thế giới quan duy tâm, tôn giáo. Trong những lĩnh vực hẹp, cụ thể thế giới quan duy vật siêu hình góp phần giúp đạt hiệu quả cao.
5.3 Thế giới quan duy vật biện chứng
– Nguồn gốc của thế giới quan duy vật biện chứng
Kế thừa tinh hoa các quan điểm duy vật về thế giới trong các học thuyết triết học trước đó. Sử dụng các thành tựu khoa học tự nhiên để chứng minh những mối liên hệ tồn tại trong bản thân giới tự nhiên; chuyển khoa học từ kinh nghiệm sang khoa học lý luận. Tổng kết các sự kiện diễn ra ở các nước tây Âu, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phát triển và bộc lộ những mặt mạnh, mặt hạn chế của nó.
– Nội dung, bản chất của thế giới quan duy vật biện chứng đem lại bức tranh trung thực về thế giới; giúp định hướng, tạo phương pháp tư duy khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).