Phân tích bức tranh phố huyện nghèo trong Hai đứa trẻ

Trong văn học Việt Nam, có mấy ai được như nhà văn Thạch Lam. Bằng những truyện ngắn tưởng chừng như đơn giản, không có cốt truyện, những những gì nhà văn viết đã để lại những lắng sâu, nghĩ suy, những dư âm nhẹ nhàng mà sâu sắc cho người đọc. Tác phẩm “Hai đứa trẻ” của ông cũng là một truyện ngắn như thế. Dưới con mắt ngây thơ của “Hai đứa trẻ”, người đọc dường như cùng nhập cuộc, cùng theo dõi, để rồi hiện ra trước mắt là bức tranh thiên nhiên, bức tranh đời sống của phố huyện nghèo, của những con người bình dị, lam lũ.

Phân tích bức tranh phố huyện nghèo trong Hai đứa trẻ

Mở đầu câu chuyện, bằng sự quan sát tài tình kết hợp với ngòi bút tài hoa, Thạch Lam đã vẽ lên một bức tranh đơn giản mà huyền ảo, tạo cho người đọc cảm giác như được bước chân vào thế giới cổ tích. Từ “chiều” được lặp lại nhiều lần, cảm giác như bóng tối lan nhanh, rồi thấm dần vào tâm hồn ngây thơ của cô bé Liên. Cái âm thanh “êm ả như ru”, “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng” hay là tiếng chõng nan kêu cót két đã tạo nên “nỗi buồn man mác trước thời khắc của ngày tàn” bên trong tâm hồn của Liên.

Phiên chợ đã “vãn từ lâu”, “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”, những gì con lại sau phiên chợ chỉ là sự nghèo nàn, xơ xác của những thứ rác như “vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía”, còn lại đó một “mùi âm ẩm bốc lên”, hơi nóng của ban ngày và cả mùi của cát bụi. Tất cả những gì còn lại ấy đều khiến cho Liên ngỡ rằng đây là mùi của quê hương, mùi riêng biệt của nơi phố huyện này. Bên cạnh đó là cảnh mấy đứa trẻ trong làng đi nhặt nhạnh những thứ rác còn sót lại dù chỉ là những thanh nứa. Người đọc dường như cảm nhận được rằng những đứa trẻ ấy sống một kiếp sống của loài dơi, loài chuột chứ không còn là kiếp sống con người. Khi Liên nhìn thấy những cảnh tượng ấy, bên trong cô bé dâng trào lòng trắc ẩn, nhưng rồi chính chị cũng chẳng thể nào có tiền để mà cho chúng cả.

Và rồi, hình ảnh của những con người nghèo khổ khác nơi phố huyện cũng hiện ra trước mắt người đọc: mẹ con chị Tí xách điếu đóm, đội chõng tre dọn hàng nước mặc dù chẳng kiếm được bao nhiêu; “gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau trắng để trước mặt”, giống như chìa tay ra trước cuộc đời này vậy; “tiếng đòn gánh kĩu kịt” nơi hàng phở của bác Siêu; bà cụ Thi “hơi điên vẫn mua rượu ở hàng Liên”, ngửa cổ uống một hơi cạn sạch, cất tiếng cười khanh khách rồi lẽo đẽo bước trở lại màn đêm mênh mông, lay lắt như ngọn đèn trước gió nơi hàng nước của chị Tí. “Vũ trụ thăm thẳm bao la”, những ngôi sao trên cao ấy đang đi tìm sông Ngân Hà, tạo nên một cảnh tượng thật đẹp đẽ, lung linh. “Tiếng trống cầm canh” cứ vang lên trong khô khan, không vang động ra xa, rồi lại chìm sâu vào bóng tối. Ngày qua ngày, chiều và tối cứ đơn điệu lặp lại cái buồn tẻ ấy, cũng giống như cái cuộc sống lầm than của người dân nơi phố huyện này trong cái thời kì Pháp xâm lược nước ta.

Trong tác phẩm, Thạch Lam đã rất thành công với thủ pháp đối lập tương phản, đặc biệt là khi tác giả tạo ra sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng của cuộc sống có chăng chỉ là sự lay lắt “chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ” như chiếc đèn của chị Tí, hay từng hột sáng lọt qua phên nứa. Sự sang trọng vùng sáng lớn của con tàu đi từ Hà Nội về, lướt ngang qua phố chỉ trong thoáng chốc rồi đi sâu vào màn đêm tối cũng chỉ là một điều gì đó thật mơ hồ, xa lạ, chẳng biết bao giờ mới đến với cuộc đời của chị em Liên, của người dân phố huyện này. Trái ngược với những thứ ánh sáng khi nãy là một màu sắc u tối bao phủ cả khu phố huyện: bóng tối trải dài từ con đường ra sông, con đường qua chợ về nhà, cho tới các con ngõ vào làng. Có thể nói, Thạch Lam đã mượn ánh sáng để làm nổi bật lên bóng tối, đó cũng là một thành công của ông trong sử dụng nghệ thuật.

Không một lời phê phán, một sự phê phán hay một câu hỏi nào được đưa ra, ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam chỉ miêu tả đời sống thật – đời sống tối tăm, không chút hy vọng của người dân một vùng quê nghèo mà sao lại khiến cho tâm thức mỗi người đọc cảm thấy nhức nhối, gieo vào lòng ta một sự hoài nghi về cái xã hội mà nhà văn đang sống. Đóng góp như vậy cho cuộc đời, dành sự cảm thông lớn như thế cho thân phận của con người trong cái thời kì Pháp thuộc, miêu tả xuất sắc như vậy trong tác phẩm của mình, ta mới thấy được tâm hồn của Thạch Lam thật đẹp đẽ biết bao, giá trị văn học cũng như giá trị nhân đạo mà nhà văn mang tới cho người đọc thật là đáng trân trọng biết bao! Người đọc cảm thấy biết ơn Thạch Lam thật nhiều vì đã viết nên những trang sách cho đời, coi ông như một trong những cây bút viết truyện ngắn bậc thầy của văn học Việt Nam hiện đại.

Viết bởi Diệp Tư Viễn