Phấn đấu của tôi: Bệnh viện rất sạch đẹp, người bệnh và thầy thuốc rất thân tình với nhau
Ở Hà Nội, PGS-TS Trần Danh Cường – giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương – nổi tiếng bởi “nghề” siêu âm chẩn đoán thai nhi, từ gần 20 năm trước mỗi ngày phòng mạch của ông có cả trăm thai phụ đến siêu âm, thu mấy chục triệu.
Ông cũng nổi tiếng bởi biệt danh Cường “Bờm”, với những câu chuyện rất hài, rất tếu, rất Cường “Bờm” về chuyện của chị em.
Hơn ai hết, bác sĩ Cường rất hiểu chị em, năm 2022 này là tròn 40 năm ông từ quê nhà Bắc Giang bước chân vào ĐH Y Hà Nội, và tròn 35 năm vào nghề sản phụ khoa, như ông nói là “nhân duyên, nghề đã chọn bác sĩ Cường”.
Bác sĩ Trần Danh Cường: Từ chàng trai nghèo ra Hà Nội theo học ngành y đến bác sĩ sản khoa hàng đầu “có đam mê sẽ có thành công” – Video: NGUYỄN HIỀN
Nếu ngược lại thời gian một chút, tôi bắt đầu làm phòng mạch từ năm 2007, khi đó tôi mới đi học nước ngoài về. Thời gian ấy tôi mới làm phó khoa, sau làm trung tâm chẩn đoán trước sinh, rất sướng, nhàn, thong dong.
Buổi sáng làm 8h thì 7h mới dậy, sau đó thì đi xe máy rong ruổi, vừa đi xe máy vừa ngắm cảnh, chả cần phải nghĩ, cà phê sáng ở Phủ Doãn, 8h kẻng boong boong mới vào bệnh viện.
Công việc của mình là bác sĩ điều trị, hội chẩn, siêu âm. Có lẽ tôi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam mang về và triển khai toàn diện phương pháp siêu âm hình thái, thăm dò tình trạng của thai, sử dụng kỹ thuật lấy bệnh phẩm của thai để chẩn đoán trước sinh, hiện trung tâm này đã tương đối lớn, được trang bị đầy đủ, hiện đại.
Tháng 1-2007 tôi bắt đầu mở phòng mạch, người bệnh đến rất đông, đông lắm, ít áp lực, mà hoàn toàn làm ngoài giờ, nhưng từ đó cũng tạo nguồn lực để mình đi giúp đỡ người khác, giúp người bệnh, hay sinh viên xin thì tôi cho hết. Lúc ấy rất sẵn tiền.
* Có lúc nào ông nghĩ lên làm giám đốc, khi ông lên làm giám đốc cũng rất nhiều người bất ngờ…
– Không bao giờ tôi nghĩ tôi làm lãnh đạo, thật sự không phải mình phấn đấu làm lãnh đạo. Hôm vừa rồi con của người em nhập học ngành dược. Bố mẹ hai ngày chuẩn bị, túi lớn túi bé, gạo trắng gạo đỏ, tôi bảo “các cháu sướng thật”.
Năm 1982 tôi vào trường y, hành lý mang theo có một cái chiếu và một cái túi, chiếu hỏng rồi, những cái túi tôi vẫn giữ. Tôi nhớ như in những chuyện đó, giờ xã hội thay đổi. Anh thanh niên cầm cái chiếu và cái túi xuống Hà Nội này phấn đấu để làm bác sĩ hay là làm giám đốc?
Tôi đi học chưa bao giờ nghĩ phấn đấu làm giám đốc, để điều khiển cái này, cái kia, mà chỉ vì đúng một thứ: Khi ra đây học là tôi học được nghề bác sĩ, có chuyên môn, mọi thứ ngành sản đều học hết, biết hết. Mỗi cái đó thôi chứ không vì thành ông nọ bà kia.
Khi ra đây học thì học xong, có nghề thì mình làm ở đâu? Bố mẹ mình là nông dân, nghèo xác. Bố mẹ tôi chả biết việc học hành của tôi thế nào.
Tôi tự nghĩ nếu học có nghề, chữa bệnh, cống hiến cho mọi người và cũng là để khẳng định thì không còn cách nào khác là phải làm việc ở bệnh viện lớn. Nhưng với điều kiện của gia đình mình thì ở lại TP dường như không thể.
Làm thế nào mình có nghề? Mình phải học rất giỏi. Làm thế nào để mình được làm việc ở bệnh viện lớn, mình phải thi bác sĩ nội trú.
Ngành y có hệ bác sĩ nội trú, từ năm thứ 1 đến thứ 5 tôi phấn đấu để thi đỗ bác sĩ nội trú. 6 năm trường y chỉ có học, nhà nghèo, chỉ có 1 bộ quần áo, không có tất, giày, chỉ đi dép lê. Ôi, nghèo lắm.
Trong nhà tôi bây giờ có mấy đống quần áo, đủ các loại, vì trước ít quá, giờ mua đủ các thứ. Thi được nội trú năm 1987, điểm toàn 8, 9. Hồi đó có 2 hệ, nội trú ngoại và nội trú nội. Nội có nhiều ngành: nhi, da liễu, lây…; hệ ngoại có 4 chuyên khoa là ngoại, sản, mắt, tai mũi họng.
Tôi đi bộ đến Bệnh viện Việt Đức xin học ngoại, các thầy nói bên đó có 2 người rồi, còn 2 người các em đi ngành khác. Tôi thích ngoại cực kỳ, ngoại phóng khoáng, không biết bệnh gì thì mở ra ngó. Nhưng hết chỗ rồi. Thôi thì sang ngành mắt. Tôi nghĩ thế. Ra cổng hỏi bác bảo vệ, bác tả “phải đi sang cuối phố Bà Triệu, mà đi cẩn thận kẻo lạc”.
Ôi xa, mà tôi không có xe đạp, toàn đi bộ. Bạn nhớ là tôi đi học toàn đi bộ, xa nhất là đi học ở Bệnh viện Phổi. Toàn cuốc bộ hết. Thế là sang bệnh viện bên cạnh Việt Đức chính là Bệnh viện Phụ sản trung ương, hồi năm thứ 4 tôi học ở đây.
Tôi cho là cơ duyên, cô Dương Thị Cương, viện trưởng hồi ấy, rất bận mà hôm tôi sang cô đang ở văn phòng bộ môn. Cô hỏi một chút rồi nhận tôi. Thế là tôi ở đây. Sau này tôi nghĩ té ra nghề chọn tôi, thâm tâm tôi thích ngoại, nhưng vì tôi không có xe đạp, nếu không tôi đã thành bác sĩ mắt. Nhưng cuối cùng tôi thành bác sĩ sản.
Thế nhưng vẫn có trục trặc, sau khi học xong ĐH Y tôi được nhận về làm cán bộ giảng dạy của bộ môn sản, nhưng từ 1991-1998 không có biên chế nên không có lương, chỉ có phụ cấp, Tết không có tiền gì, nghèo lắm.
Nhưng có một thứ mà tôi cho là tôi đúng: không bao giờ tôi lấy tiền “bồi dưỡng” của bệnh nhân, kể cả lúc tôi nghèo nhất trong túi không có đồng nào. Mổ xong là về, khám bệnh xong là về, có hôm làm siêu âm ở phòng khám xong nhân viên bảo anh này dở hơi, người ta cảm ơn. Tôi nói: Đó là việc mình làm, cảm ơn cái gì. Mà tôi nói luôn: tôi đúng, suy nghĩ của tôi đúng.
Sau này có chị lãnh đạo ở bệnh viện khác đến mời tôi về làm, rồi có hãng máy muốn mời tôi làm đại diện… Nhưng GS Dương Thị Cương nói: “Anh đi đâu thì đi, nhưng tôi là người mời anh về bộ môn”. Thế là không đi đâu hết, lại ở lại và vẫn tiếp tục không lương, lại dạy học và làm nghề. Đến năm 1998 thì tôi mới được là bác sĩ có lương!
* Làm giám đốc bệnh viện, những điều ông quan tâm nhất là gì?
– Điều tôi quan tâm nhất là cuộc sống của con người. Ở bệnh viện này là 1.600 y bác sĩ, cán bộ nhân viên. Giám đốc phải làm sao để y bác sĩ có đủ sống, có điều kiện làm việc. Tôi và tập thể cũng đã cố gắng thay đổi điều kiện làm việc của bệnh viện. Nhưng 2 năm vừa qua COVID-19 ngành y rất vất vả, đó là thử thách với ngành y chúng tôi.
Nhưng mình cùng cố rồi cũng được thôi. Thứ nữa ngành y là phải có trang thiết bị. Trước đây các cụ chỉ có cái ống nghe, bàn tay, sau này có thiết bị, người bệnh sẽ được phát hiện sớm, tránh được tổn thương, ngành y càng đi xa. Thứ nữa là cơ sở vật chất, mong muốn phấn đấu của tôi là bệnh viện rất sạch, đẹp, người bệnh và thầy thuốc rất thân tình với nhau.
Bác sĩ Cường trong một ca mổ ở bệnh viện – Ảnh: BVCC
* Ai cũng phấn đấu lên làm giám đốc, làm to, ông thấy ông bác sĩ làm giám đốc thì có vui, sướng hơn bác sĩ thường hay không?
– Cái sướng nhất là thầy mình. Ông thầy tôi ở quê rất thích, rất tự hào. Thứ 2 là bố mẹ mình (mẹ ông Cường năm nay 93 tuổi, đang sống ở quê nhà Bắc Giang). Mẹ tôi biết rất ít chữ, cũng chẳng biết tôi học hành thế nào.
Khi tôi đi học ở Pháp, khi đó cước điện thoại rất đắt không thể gọi điện về mà chỉ có viết thư tay, cậu em tôi mới viết một mặt thư, mặt còn lại bà viết bốn chữ “con có khỏe không”, chữ to đùng (ông Cường chảy nước mắt xúc động nhớ lại lá thư của người mẹ).
Mẹ không biết con ở Pháp thế nào, chỉ quan tâm con có khỏe không. Mẹ tôi chưa được đi nước ngoài bao giờ vì khi có điều kiện đưa đi thì mẹ già yếu rồi.
* Bây giờ khi nói với các bác sĩ tương lai, ông hay nói điều gì?
– Trong thâm tâm, tôi rất biết ơn ông thầy, ông đã định hướng cho tôi. Sau này tôi hỏi ông vì sao lại nhận tôi học, ông bảo: Khi tôi gặp ông lần đầu tiên, tôi thấy ông thông minh và thật thà.
Thế là ông ấy nhận tôi, và tôi sang học. Từ năm 1999-2019, trong 20 năm, năm nào tôi cũng sang thầy 3 lần, sang để cập nhật kiến thức. Thầy cũng sang đây dạy học, chi phí do tôi trả hết.
Tôi hay hỏi học trò là sao các em không hỏi thầy những kiến thức thầy dạy lấy ở đâu, học từ ai? Đó đều là các thầy để lại cho chúng ta, đều là kiến thức chúng ta làm hằng ngày. Điều chúng ta cần nhất là kiến thức trong đầu, nghề nghiệp ở bàn tay, đừng bao giờ nghĩ sau này ta được lợi gì.
Như tôi chưa bao giờ nói tôi là ông giám đốc, mà tôi là bác sĩ được giao thêm nhiệm vụ giám đốc trong một thời hạn. Vì có nhiều nhiệm vụ nên tôi hay nói với sinh viên giá như một ngày có 48 giờ để làm việc.
Làm thầy thuốc chữa bệnh, thầy giáo dạy học, làm thêm giám đốc bệnh viện, thời gian rất eo hẹp, 5h30 sáng phải dậy, ngày nào cũng như ngày nào suốt từ khi làm giám đốc đến giờ. Hết giờ phải ở lại để làm. Người ta hỏi sao phải khổ thế? Thì người ta giao cho mình nhiệm vụ ấy, mình đã nhận thì phải hoàn thành.
Bác sĩ Cường trong một ca mổ – Ảnh: BVCC
* Đối với ông, điều gì là quan trọng?
– Quê hương, quê hương tôi không phải là đẹp nhưng mà tôi cũng đóng góp rất nhiều cho quê hương. Thứ 2 là mẹ. Mẹ là quan trọng nhất, không có gì quan trọng hơn. Tất cả mọi thứ tôi phấn đấu là dành cho mẹ.
Mẹ tôi cũng ra Hà Nội ở với tôi vài lần, bà ít đi lắm. Lần nhiều nhất bà ở gần một tháng, ngắm pháo hoa kỷ niệm Quốc khánh, bà rất thích, nói rằng “không biết còn được ngắm như thế này bao nhiêu lần nữa”.
* Với những người đồng nghiệp, người thầy, ông nhớ ai nhất?
– Tôi có ông thầy người Pháp, hồi ấy mình có siêu âm, nhưng không bằng họ. Sau tôi đỗ nội trú Pháp, sang đó gặp ông thầy siêu âm giỏi. Trong đầu tôi nghĩ tại sao ông Tây siêu âm giỏi thế nhỉ? Mình phải học món siêu âm. Năm 1999-2000 tôi sang học y học thai nhi và được cấp bằng Diploma của Pháp.
Học ở Pháp về tôi triển khai được ngành y học thai nhi như hiện nay, đó cũng bắt đầu từ đam mê và truyền cảm hứng cho mọi người. Trước đây chúng ta cũng siêu âm nhưng rất đơn giản, còn nay ngành này đã nối dài được bàn tay của thầy thuốc thông qua máy móc. Trước đây siêu âm phát hiện dị tật thai nhi thì rất ghê gớm, nhưng bây giờ mà bỏ sót không phát hiện ra dị tật là không thể được, đòi hỏi cho ngành này đã khác.
* Với những người bệnh, ông nhớ câu chuyện nào, người bệnh nào, những người được ông cứu sống, đem lại niềm vui nhưng cũng mang đến cho ông thành công về nghề nghiệp?
– Nếu nói về bệnh nhân, trước kia mô hình bệnh tật khác nay rất nhiều. Trước đây bà mẹ tử vong, em bé tử vong nhiều. Tôi vẫn băn khoăn câu hỏi: Vì sao lại thế? Nếu mình không ứng dụng khoa học, không có máy móc, không có kiến thức thì tình hình không thay đổi. Chính vì thế chúng tôi mới phát triển siêu âm, các phương pháp thăm dò, theo dõi…
Sau này khi nghỉ không làm việc nữa, tôi có thể tự hào về lĩnh vực sản bệnh lý hiện nay trên toàn quốc, thái độ xử trí, ứng dụng của các đồng nghiệp và hiệu quả điều trị đã cải thiện, tốt hơn rất nhiều so với trước. Những bà mẹ bị biến chứng, những em bé không biết vì sao qua đời đã giảm hẳn.
Thứ 2 là thay đổi trong chẩn đoán trước sinh. Trong đời tôi gặp nhiều bệnh nhân nghèo lắm, rất nghèo, mà nghèo thì bệnh nặng. Năm 2010 tôi làm trưởng khoa sản bệnh, tôi đã bỏ tiền túi ra để sửa nhà vệ sinh và sau đó là lắp điều hòa.
Trên ấy nóng lắm, thăm bệnh xong là phải thay quần áo vì mồ hôi ướt hết. Hồi ấy có một gia đình mang 2 thai IVF (thụ tinh ống nghiệm) 26 tuần mà trục trặc, cô ấy sinh được 1 con nhỏ xíu, 1 thai sinh tiếp sau đó. 2-3 tháng sau có một ông đến gặp bác sĩ Cường. Ôi lại có ông nào thắc mắc gì đây?
Ông ấy bảo không, em là bố 2 cháu bé kia, em ở đây 2 tháng, em thấy anh nhiệt tình, nhân viên của anh cũng tốt. Em đã chuẩn bị trong túi hàng chục cái phong bì vì theo thông lệ có người đến chăm bà mẹ lại đưa cái phong bì, năm ấy là 2010 mà ở bệnh viện công lại không ai lấy, ấy là riêng khoa anh. Em rất kính nể nên tặng anh 200 triệu.
Ôi trời ơi, 200 triệu thời ấy! Ôi không được, tôi gọi cho giám đốc, phó giám đốc, các anh ấy bảo nhận được, làm gì thì cho tôi quyết. Tôi nhận và dùng lắp toàn bộ điều hòa trong khoa, hồi đấy hết hơn 500 triệu.
Hơn 300 triệu còn lại tôi bỏ ra. Bệnh nhân lau hết nền nhà nằm dưới đất, mở cửa ra phòng mát rượi, hành lang cũng sạch. Hồi ấy ông nào nhổ kẹo cao su ra đất, tôi nhặt bỏ vào sọt rác, không mắng, sau không ai nhổ.
Còn một nhà nữa, trước 27-2 nào cũng vào. Hôm ấy tôi đã đóng cửa phòng mạch rồi, họ vào, thai non tháng và cần tôi chẩn đoán, tôi mở cửa chẩn đoán miễn phí luôn vì lúc ấy không có ai thu phí nữa, tối quá rồi. Sau họ đến đây tặng bệnh viện cái máy siêu âm.
Khi gặp bệnh nhân nghèo, tôi hay nói y tá trưởng bảo cầm cho họ 1, 2, 3 triệu, tôi cũng hay gọi cho cô bạn hay làm thiện nguyện, đến 2014 bệnh viện mới có Phòng Công tác xã hội. Trước nhiều người nghèo, ai mà tôi biết thì tôi cho hết, cái này là giúp đỡ người ta thôi.
* Nếu hồi ấy ông không đi học bác sĩ, mà như các bạn cùng học chuyên toán với ông chọn nghề khác, thì ông nghĩ có tiếc không có bác sĩ Cường không?
– Tôi nghĩ là nghề đã chọn tôi, nhiều bạn tôi đi các nghề khác đều giàu. Còn tôi, tôi kiếm ra tiền không cho tôi mà cho mọi người.
Tôi cho là con người sống cùng nhau trong một vòng tròn, mỗi người có vị trí trong vòng tròn ấy. Cuộc đời bác sĩ Cường, nói thật là quá đơn giản.
Nội dung:
LAN ANH
Ảnh:
NGUYỄN HIỀN
Đồ hoạ:
NGỌC THÀNH