Phân biệt “mua bán”, “hợp nhất” và “sáp nhập” doanh nghiệp. – dichvu3s

Trong quản trị công ty có hai điểm mấu chốt nhất là quyền sở hữu và người quản lý thì quyền sở hữu vẫn mang ý trọng tâm hơn cả. Mặc dù xu hướng quản trị hiện đại tách biệt quyền sở hữu và quyền quản lý nhưng bản chất thì quyền sở hữu có ý nghĩa quyết định trong việc lựa chọn người quản lý, đồng thời quyết định chiến lược phát triển, phương án phân chia lợi nhuận và xử lý tài sản của công ty. Các khái niệm mua bán, sáp nhập và hợp nhất đều xoay quanh mối tương quan này.

Mua lại doanh nghiệp được hiểu là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

Về mặt bản chất khái niệm và hệ quả pháp lý thì “mua lại”, “hợp nhất, “sáp nhập” là khác biệt, tuy nhiên nếu xét về tác động thực tế đối với quản trị công ty thì ranh giới phân biệt giữa chúng nhiều khi lại rất mong manh. Chẳng hạn, trong trường hợp việc mua lại 100% công ty, mục tiêu được thực hiện thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu thì vụ mua lại đó không khác gì so với vụ hợp nhất. Tuy nhiên các hình thức M&A vẫn có một số điểm khác biệt, xét theo các khía cạnh sau:

1. Hình thức thực hiện:

Hợp nhất: Các doanh nghiệp được hợp nhất sẽ cùng mang toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp của mình, góp chung lại với nhau trên tinh thần tự nguyện.

Mua bán và sáp nhập: Chỉ có các doanh nghiệp bị mua lại hoặc bị sáp nhập phải mang tài sản, quyền, nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp của mình gộp chung với tài sản vốn có của doanh nghiệp mua lại hay sáp nhập. Còn tài sản, quyền, nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp trước khi giao dịch của doanh nghiệp sáp nhập hoặc mua lại sẽ không bị tác động. Theo đó điểm khác nhau giữa mua lại và sáp nhập là không rõ rang. Đối với sáp nhập thì toàn bộ tài sản của doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ được gộp chung với tài sản của doanh nghiệp sáp nhập. Còn đối với mua lại thì không nhất thiết toàn bộ mà đôi khi chỉ là một bộ phần tài sản của doanh nghiệp bị mua lại phải gộp chung với tài sản của doanh nghiệp mua lại. Điều này phụ thuộc vào quy mô của thương vụ mua lại. Một thương vụ mua bán cũng có thể được gọi là sáp nhập khi cả hai bên đồng thuận liên kết cùng nhau vì lợi ích cho cả hai công ty. Nhưng khi bên bị mua không muốn bị thâu tóm thì sẽ được coi là một thương vụ mua bán. Một thương vụ được coi là mua bán hay sáp nhập hoàn toàn phụ thuộc vào nhìn nhận của Ban giám đốc, nhân viên và cổ đông của công ty.

2. Hệ quả pháp lý:

Hợp nhất: Sau khi đăng ký kinh doanh, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại, công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.

Sáp nhập: Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị sáp nhập.

Mua bán: Sau khi hợp đồng có hiệu lực, công ty bị mua lại sẽ chấm dứt hoạt động đối với phần bị mua lại, công ty mua lại được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của phần công ty bị mua lại.

3. Quyền quyết định và kiểm soát doanh nghiệp:

Sau khi giao dịch hợp nhất hoàn thành các doanh nghiệp tham gia hợp nhất cùng có quyền quyết định trong Hội đồng quản trị mới tùy thuộc theo tỷ lệ vốn góp của mỗi bên. Thông qua hợp đồng và điều lệ Công ty hợp nhất, thì các thành viên, các cổ đông của công ty bị hợp nhất sẽ tiến hành bầu ban lãnh đạo công ty hợp nhất, cùng nhau định ra đường lối hoạt động cho công ty mới này.

Còn đối với giao dịch sáp nhập hoặc mua lại thì sau khi giao dịch được hoàn thành công ty bị sáp nhập hoặc mua lại sẽ chấm dứt tồn tại. Cổ đông của các doanh nghiệp bị sáp nhập và mua lại sẽ không có quyền quyết định cũng như kiểm soát đối với doanh nghiệp sáp nhập hoặc mua lại (trừ khi các bên có thỏa thuận khác). Doanh nghiệp sáp nhập và mua lại sẽ vẫn do ban lãnh đạo cũ điều hành và quản lý.

Tóm lại qua một số phân tích ở trên có thể thấy hợp nhất đòi hỏi mức độ hợp tác rất cao giữa các công ty tham gia hợp nhất. Việc chia sẻ sở hữu, quyền lực và lợi ích một các đồng đều và lâu dài luôn khó khăn và cá biệt. Điều này giải thích tại sao hình thức sáp nhập hay mua lại phổ biến hơn rất nhiều so với hợp nhất. Khi có nhu cầu liên kết, các công ty có cùng chung lợi ích có nhiều sự lựa chọn các hình thức khác như lập một liên doanh mới tồn tại độc lập, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hoặc ký kết các thỏa thuận liên minh mà không ảnh hưởng đến nền tảng quản trị của công ty hiện tại.

Công ty TNHH Giải pháp và Tư vấn Dịch vụ 3S Việt Nam – Hiệu quả, chuyên nghiệp, nhanh chóng

Địa chỉ: Tầng 8, Pacific Place, 83B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Hotline: 0916 158 666

Google maps: https://bit.ly/38pJFOa

#https://dichvu3s.vn/ #dichvu3s #Phân biệt “mua bán”, “hợp nhất” và “sáp nhập” doanh nghiệp.