Phân biệt Khoa học Máy tính và Công nghệ Thông tin

Phan biet Khoa hoc May tinh va Cong nghe Thong tin

Khoa học Máy tính và Công nghệ Thông tin là hai ngành học quan trọng trong thời đại 4.0 nhưng không phải ai cũng có thể nhận định được sự khác biệt của mỗi ngành để có thể lựa chọn một cách chính xác cho sự nghiệp tương lai của mình. Cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu những điểm khác nhau của hai lĩnh vực dễ khiến nhiều người hoang mang này trong bài viết dưới đây các bạn nhé.

 

>> Ngành Khoa học Máy tính: Lựa chọn hàng đầu cho sự nghiệp vững chắc

 

Vai trò trong lĩnh vực công nghệ

Đúng với tên gọi, Khoa học Máy tính là một ngành đào tạo nên những nhà khoa học về máy tính. Công việc của những nhà khoa học nói chung là nghiên cứu và sáng tạo nên các sản phẩm mới. Xét riêng nhóm các nhà khoa học máy tính thì nhiệm vụ của họ là chế tạo ra các chương trình máy tính đem lại lợi ích cho mọi người.

 

Trong khi đó, Công nghệ Thông tin là ngành học thiên về ứng dụng những chương trình máy tính hiện có trong thực tế. Nói cách khác, ngành học Công nghệ Thông tin hướng dẫn cách sử dụng những sản phẩm do lĩnh vực Khoa học Máy tính sáng tạo nên. Lấy một ví dụ đơn giản, Khoa học Máy tính đã sáng tạo nên hệ điều hành (Windows hoặc MacOS) bạn đang sử dụng nhưng để tối ưu hóa mọi công năng mà hệ điều hành có thể làm được cho nhiều mục đích khác nhau thì bạn cần phải học Công nghệ Thông tin.

 

Phan biet Khoa hoc May tinh va Cong nghe Thong tin

Nếu bạn muốn làm người sáng tạo ra chương trình máy tính, đừng ngần ngại chọn Khoa học Máy tính. Còn bạn chỉ muốn biết cách dùng máy tính một cách hiệu quả thì hãy mạnh dạn theo đuổi Công nghệ Thông tin.

 

 

Cấp độ

Mặc dù Khoa học Máy tính và Công nghệ Thông tin có vai trò tương đối khác nhau nhưng nếu xét về mặt cấp bậc thì Khoa học Máy tính sẽ đứng ở vị thế cao hơn so với Công nghệ Thông tin. Lý do đơn giản bởi vì người học Công nghệ Thông tin sẽ không thể chế tạo ra một sản phẩm máy tính hoàn toàn mới nhưng nếu học Khoa học Máy tính thì buộc phải biết sử dụng sản phẩm mình đã làm ra. Tương tự như một người chuyên sửa xe không thể nào sản xuất ra một chiếc xe hoàn chỉnh nhưng người trực tiếp sản xuất ra chiếc xe đó sẽ dễ dàng biết được vị trí hỏng hóc trong sản phẩm của mình.

 

Phan biet Khoa hoc May tinh va Cong nghe Thong tin

Tuy nhiên nhận định trên chỉ mang tính tương đối vì một nhà khoa học máy tính khi tiếp xúc với một chương trình không phải do mình tạo ra có thể vẫn cần sự giúp sức của nhân viên công nghệ thông tin thì mới hiểu rõ cách vận hành của chương trình đó. Và cả hai ngành học này đều đóng vai trò quan trọng một chín một mười trong bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực công nghệ.

 

>> Ngành Công nghệ Thông tin: Có nhiều hướng đi để phát triển sự nghiệp

 

 

Hình thức làm việc

Những người làm việc trong lĩnh vực Khoa học Máy tính thường sẽ hoàn thành công việc một cách độc lập hoặc chỉ giới hạn trong một nhóm người nhất định để hoàn thành dự án hoặc sản phẩm. Ngược lại, nhân sự trong ngành Công nghệ Thông tin có thể sẽ phải tiếp xúc với nhiều người hơn, không chỉ gói gọn trong đồng nghiệp mà gồm cả đối tượng khách hàng để giúp họ giải quyết những vấn đề kỹ thuật hoặc những nhu cầu liên quan khác.

 

Vì lẽ đó nên nếu bạn là người có tính cách hướng nội không muốn tiếp xúc với nhiều người thì Khoa học Máy tính là lựa chọn tiềm năng. Trong trường hợp bạn không ngại trò chuyện, tư vấn hay trực tiếp xử lý vấn đề của vô số người thì Công nghệ Thông tin sẽ là hướng đi phù hợp hơn cả.

 

 

Hướng đi nghề nghiệp

Vì Khoa học Máy tính tập trung vào vai trò sáng tạo nên cái mới nên con đường sự nghiệp thường sẽ là các vị trí phát triển sản phẩm như kỹ sư phần mềm, kỹ sư hệ thống hay kỹ sư lập trình trang web. Các công việc này đòi hỏi kỹ năng quản lý dự án tốt, nhất là quản lý thời gian để mọi khâu trong quá trình thực hiện đều đúng tiến độ để có được thành phẩm cuối cùng. Kỹ tính cũng là một yêu cầu quan trọng vì chỉ cần một lỗi nhỏ thì sản phẩm sẽ không thể hoạt động trơn tru.

 

Phan biet Khoa hoc May tinh va Cong nghe Thong tin

Trong khi đó Công nghệ Thông tin tập trung vào mảng ứng dụng nên công việc thiên về hướng quản trị, tư vấn hoặc bảo mật như chuyên viên bảo mật thông tin, chuyên viên giải quyết kỹ thuật hay quản trị hệ thống thông tin. Một trong các kỹ năng mềm ngoài năng lực chuyên môn mà các công việc trong ngành Công nghệ Thông tin cần có là chăm sóc khách hàng và giao tiếp tốt.

 

 

Tạm kết

Khi đọc tới dòng đây mà bạn vẫn không biết nên theo ngành nào trong hai lựa chọn trên thì Hotcourses Vietnam khuyên rằng… chọn ngành nào cũng không hề trật. Suy cho cùng thì ngành học nào cũng thuộc mảng công nghệ, đều có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau nên những gì bạn học trong ngành này có thể ứng dụng chút ít vào ngành còn lại và quan trọng nhất là con đường sự nghiệp của cả hai ngành đều rộng mở với mức thu nhập hấp dẫn so với những lĩnh vực khác.

 

>> Nếu chọn sai ngành thì… cũng chẳng sao!

 

Nguồn tham khảo: Computer Science, King University, Best Colleges Online, Rasmussen College