Phân biệt 2 loại hộp số CVT và AT, Mitsubishi Xpander trang bị AT 4 cấp có gì khác với trang bị CVT? | AutoFun
Hộp số có chức năng tạo ra các tỷ số truyền khác nhau, từ đó làm thay đổi mô men xoắn trên bánh xe chủ động, làm thay đổi tốc độ xe tùy theo từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Hộp số còn có thể giúp thay đổi các chiều chuyển động của xe, để xe tiến hoặc là lùi. Nó cũng có chức năng tách rời động cơ với hệ thống truyền lực trong khoảng thời gian tùy thích mà không cần người dùng phải thao tác tắt máy, mở ly hợp.
Hộp số – thuật ngữ chỉ bộ phận làm nhiệm vụ thay đổi tỷ số truyền, giúp truyền sức mạnh từ động cơ đến hệ dẫn động, dẫn đến thay đổi mô men ở các bánh xe, thay đổi tốc độ xe phù hợp với điều kiện vận hành.
CVT và AT đều là hộp số tự động, nhưng AT là loại có cấp, còn CVT là loại không cấp. Dưới đây sẽ là vài ưu, nhược điểm của từng loại hộp số để người dùng dễ lựa chọn hơn khi mua xe ô tô.
Hộp số cũng làm nhiệm vụ truyền dẫn động lực học ra ngoài đến các bộ phận làm việc của xe, đảm bảo tạo ra tỷ số truyền phù hợp để quá trình truyền động ổn định, tiết kiệm chi phí.
Hộp số tốt khi hoạt động sẽ không tạo ra tiếng ồn, hiệu suất truyền lực cao, khi đổi số nhẹ nhàng, không sinh ra lực va đập với các bánh xe.
Nội Dung Chính
Có mấy loại hộp số?
Thị trường xe ô tô xưa nay có 4 loại hộp số lần lượt là hộp số sàn MT, ly hợp kép DCT, tự động AT và tự động vô cấp CVT.
Có 4 loại hộp số.
- Hộp số sàn MT hay là hộp số tay, hoạt động phụ thuộc vào cơ chế ăn khớp giữa các bánh răng. Hộp số sàn thường xuất hiện ở các mẫu xe đời cũ, hiện nay đa số đã bị thay thế.
- Hộp số ly hợp kép DCT là hộp số có 2 ly hợp, một ly hợp cấp số lẻ và một ly hợp cho cấp số chẵn. Nhờ có sự có mặt của ly hợp mà quá trình chuyển số diễn ra nhanh hơn, xóa bỏ độ ngắt khi chuyển giao giữa hai cấp số, giúp quá trình vận hành xe diễn ra mượt mà và êm ái hơn.
- Hộp số tự động AT hoạt động dựa trên các bánh răng phức tạp để tạo thành cấp số cho xe, sử dụng bộ biến mô thủy lực như là ly hợp để truyền và ngắt chuyện động quay từ động cơ đến hợp số. Đa số các mẫu xe hiện nay trên thị trường đều dùng loại hộp số này hoặc hộp số CVT.
- Hộp số tự động vô cấp CVT hoạt động bằng cách sử dụng đai dẫn lực di chuyển giữa 2 puli, các puli này có thể biến thiên đường kính liên tục để làm thay đổi tỉ số truyền, quá trình này được điều khiển, tính toán tự động bởi hệ thống máy tính, dựa trên điều kiện di chuyển cụ thể.
So sánh 2 loại hộp số CVT và AT
Hai loại hộp số này đều khá phổ biến hiện nay, điểm khác biệt là AV vẫn có cấp số còn CVT thì không. Các cấp số của AT sẽ mang các tỷ số truyền khác nhau, là kết quả tạo ra từ các cặp tỷ số truyền bánh răng trong hộp số. Các hệ bánh răng này sẽ làm việc cùng hệ thủy lực như ly hợp.
Còn CVT thì không có các bánh răng như AT, nó tạo các tỷ số truyền bằng cách thay đổi đường kính 2 ròng rọc được dẫn động bằng một dây đai truyền. Hộp số CVT kiểu mới còn đi kèm với bánh răng và một cấp số phụ – giúp tăng hiệu suất đồng thời mở rộng tỷ số truyền trong hộp số.
Ưu điểm và nhược điểm của hộp số CVT
Xe được trang bị hộp số CVT thường sẽ cho cảm giác lái mượt mà, êm ái, khi sang số không bị giật, giảm bớt tiếng ồn động cơ. Tốc độ vòng quay CVT tối ưu sẽ giúp xe tiết kiệm nhiên liệu, khả năng tăng tốc nhanh hơn, hạn chế hao hụt lực so với các dòng hộp số tự động thông thường. Hộp số CVT có cấu tạo đơn giản, khi hỏng hóc dễ sửa chữa, bảo hành, nhờ đó mà giá thành xe cũng giảm đáng kể.
Hộp số CVT không chịu được mô men xoắn quá lớn nên không phù hợp dùng cho các dòng xe tải trọng cao. Thành phần dây đai của hộp số dễ trơn trượt hoặc bị giãn làm giảm hiệu suất hoạt động, muốn bền phải thường xuyên thay mới.
Cấu tạo của hộp số CVT.
Ưu, nhược điểm của hộp số AT
Hộp số AT dễ sử dụng do có khả năng tự thiết lập và điều chỉnh, dễ dàng di chuyển trong điều kiện đường đông đúc hoặc kẹt xe giờ cao điểm, giảm tối đa nguy cơ chết máy. Khi kéo ga ít bị giật, ít bị rung, cho phép người lái tiến hành khởi động máy khi đang trên dốc.
Hộp số AT vẫn có nhược điểm, đó là tiêu hao nhiên liệu lớn, nhất là ở các loại AT ít cấp. Cấu tạo của hộp số cũng rất phức tạp nên chi phí sản xuất đắt đỏ, sửa chữa và bảo hành cũng tốn kém hơn.
Cấu tạo hộp số AT.
Mitsubishi Xpander CVT và AT 4 cấp khác nhau như thế nào?
Mitsubishi Xpander 2022 phiên bản cho ra mắt tại thị trường Thái Lan và Indonesia sử dụng hộp số CVT trong khi phiên bản bán tại thị trường Việt Nam thì vẫn sử dụng hộp số AT 4 cấp như thế hệ tiền nhiệm.
Mitsubishi Xpander 2022 phiên bản sử dụng hộp số AT 4 cấp đi cùng với động cơ 1.5L, 4 xy lanh, sản sinh công suất tối đa 103 mã lực và mô men xoắn cực đại 141 Nm. Xe không bị đuối khi chở tối đa 7 người. Vận hành ở điều kiện đường sá thông thường, vắng và bằng phẳng, thử 80km/h, 100km/h hay 120 km/h đều có thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên thời gian tăng tốc không ngắn. Khi tăng tốc, người ngồi trong khoang lái có thể nghe rõ tiếng gào của máy. Hộp số AT 4 cấp giúp xe chuyển số khá mượt.
Mitsubishi Xpander phiên bản trang bị AT 4 cấp.
Mitsubishi Xpander 2022 phiên bản sử dụng hộp số CVT chỉ có mặt tại thị trường Thái Lan và Indonesia, hệ thống treo cũng được nâng cấp, tuy nhiên động cơ thì vẫn giữ nguyên như cũ – loại 1.5L i4 MIVEC, cho công suất 104 mã lực và mô men xoắn 141 Nm.
Nên mua xe có hộp số CVT hay AT?
CVT biến chuyển tỷ số xe êm mượt, cấu tạo đơn giản và rẻ, tiết kiệm nhiên liệu nên thường được lắp đặt trên các dòng xe gia đình. CVT nhược điểm mô men xoắn yếu nên không phù hợp lắp trong các dòng xe thể thao hay xe tải trọng lớn.
AT thì cho khả năng tăng tốc và cảm giác lái tốt hơn, hộp số AT nhiều cấp sẽ cho cảm giác lái êm, bền hơn, đi hết được đời xe, nhưng quá trình sản xuất tốn kém nên chỉ xuất hiện trên các dòng xe hạng sang, cao cấp.
Do vậy, mỗi loại hộp số đều có những ưu điểm cũng như nhược điểm riêng, khi mua xe, người dùng có thể cân nhắc xem nhu cầu sử dụng của mình là gì, mình cần một chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu thì chọn CVT, muốn tăng tốc nhanh thì chọn AT, muốn giá thành rẻ hơn thì chọn xe trang bị hộp số CVT.
Xem thêm: Từ A-Z về đăng kiểm xe ô tô cho các bác