Phần 1 (Bài 3): Giáo Dục – Đời Sống Nhân Bản

I/ Nhân bản là gì? Nhân là người, bản là gốc => cái gốc của con người. Là cái gốc của đạo làm người / Nhân bản là những đức tính chính yếu của một con người. Con người từ lúc sinh ra, từ bản chất là lương thiện /

Những bộ tộc còn bán khai (sơ khai): Sống giữa rừng già âm u, tâm hồn họ còn đơn sơ, gần gũi với thiên nhiên, gọi là văn minh bán khai, tức là mới khai sáng một nửa / Họ còn mang nặng tính chất: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, đó là căn tính của con người chưa bị tha hóa, biến chất.

 

Xã hội văn minh như một con dao hai lưỡi:  Đời sống tiện nghi vật chất, của cải, danh vọng đã cuốn hút con người vào vòng xoáy của nó / Nó biến ta thành một con người dị dạng / Người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau mà sống, dùng mọi thủ đoạn để đạt được những tham vọng của mình, và con người đưa ra những danh xưng, những khẩu hiệu ngụy tạo để che đậy những hành vi vô nhân bản của mình, để ung dung sống trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác.

 

Tất nhiên, con người không thể sống đơn độc một mình mà phải sống cùng, sống với, sống nhờ, sống cho người khác / Tức là con người phải dựa vào nhau để sống / dựa vào tập thể, dựa vào xã hội để tồn tại.

 

Cuộc sống của ta hôm nay dựa vào biết bao công sức của kẻ khác / Ta không thể tự mình dệt ra vải và tự may áo cho mình / Ta không thể cày ruộng để có lúa gạo và làm ra cơm bánh / Do vậy cuộc sống của ta phải lệ thuộc vào xã hội, vào kẻ khác.

 

Đàng khác, Thiên Chúa ban cho con người sự tự do và Ngài không can dự vào sự tự do đó / Nhưng bản tính con người thường thích ngã theo những khuynh hướng xấu / dùng chính sự tự do Chúa ban để làm những điều xấu xa tội lỗi / Giả sử trong cộng đồng, ai cũng dùng sự tự do của mình để nói gì thì nói / ra đường muốn đi đâu thì đi / đi không cần luật lệ giao thông đèn xanh, đèn đỏ,… / thì xã hội sẽ ra sao? Và những gì sẽ xảy ra cho những sự tự do ấy?

 

Ngày nay, người ta hay nhắc đến “Lập lại trật tự an toàn giao thông” / “Lập lại hệ sinh thái môi trường”, thiết tưởng cũng nên lập lại “cách sống giữa con người với con người”! Tức là mọi người phải học tập lại về nhân bản để sống đúng, sống tốt.

 

II/ Rèn luyện nhân cách:

 

Đã là con người thì ai cũng mỏng dòn yếu đuối, kể cả những bật Thánh Nhân, Thánh Hiền, nhưng nếu muốn trở nên những bậc Thánh Nhân, con người phải luôn luôn rèn luyện nhân cách / Người xưa rất coi trọng việc sửa mình, Đức Khổng Tử đã dạy học trò: “Tu thân, tề gia”, rồi mới đến “Trị quốc, bình thiên hạ” / Đời sống con người như một cánh đồng lúa có xen lẫn cỏ dại, cỏ lùm, cả 2 thứ cùng mọc lên, thứ nào mạnh, thứ đó thắng / Nếu lúa nhiều hơn cỏ dại thì lúa sẽ phát triển và át mất cỏ dại / Ngược lại, nếu cỏ dại nhiều hơn thì lúa sẽ không phát triển được.

 

Việc tu thân tích đức không phải có thể làm một ngày, một tháng hay một năm, mà là liên tục suốt cả cuộc đời / Việc nhổ cỏ dại không phải chỉ một ngày, một buổi mà là kiên trì mỗi ngày nhổ đi một ít / Và như thế, cỏ mỗi ngày mỗi ít đi nhờ đó lúa mỗi ngày mới phát triển hơn lên.

 

Nếu học vấn, bằng cấp là những bông hoa mà thiếu nhân cách đạo đức thì bông hoa đó chỉ có sắc mà không có hương thơm / Nếu 1 bông hoa mà không có hương thơm thì còn tệ hơn là một bông hoa giả, vì hoa giả không tàn nhưng hoa không hương thì mau tàn / Thế thì bông hoa đó có ích chi cho đời? Vậy nhân cách đạo đức là hương thơm của hoa, cũng chính là thước đo giá trị con người.

 

Bà Sévigner, một nữ văn hào Pháp nói: Học chữ nghĩa thì dễ, học cho nên người thì quá khó. * Sống như con thú thì quá dễ, sống như con người thì quá hiếm (câu này được tác giả thêm vào –YL).

 

Một người có bằng cấp cao mà thiếu nhân cách, sẽ là một mối nguy hiểm cho xã hội / Vì khi phạm tội người đó có đủ khôn khéo để tính toán, hành động của họ một cách tinh vi, che đậy để hòng qua mắt các nhà điều tra / Bởi vậy, trong nghệ thuật dùng người của người xưa, người ta luôn cần những người có nhân cách đạo đức trước, tài năng và chuyên môn sẽ được đào tạo bổ túc sau / Thế nên ngày xưa, khẩu hiệu được đề cao ở các nhà trường là: “Tiên học lễ, hậu học văn”, thiết tưởng nên áp dụng vào thời buổi nào cũng sẽ không bị lỗi thời (Out mode).

 

Trong cộng đồng xã hội hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, văn minh, thì giá trị đạo đức ngày càng có nguy cơ bị suy đồi, bị đảo lộn, bị coi thường / Giá trị về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín bị coi là lỗi thời, tụt hậu, nhường chỗ cho những mưu mô toan tính để giành quyền lực, địa vị, và lợi nhuận / Nếu cứ chạy theo tiền tài, danh vọng, quyền lực thì đến một ngày nào đó, con người sẽ dễ đánh mất nhân tính và sống với nhau giống như loài động vật, là xử sự theo bản năng sinh tồn / Vì bản chất của thú vật là săn đuổi nhau, cắn xé nhau với một mục đích duy nhất là sinh tồn.

 

Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài và cho con người có xác, có hồn, có trí khôn ngoan để phán đoán suy xét tốt – xấu, tội – phúc / Ta đã dùng những đặc ân Chúa ban để làm vinh danh Chúa chưa? Hay ta đang khước từ hạnh phúc vĩnh cửu để chạy theo những bã hư danh, phù du chóng qua? Ta hãy nhớ rằng:

 

“Kiếp phù du tháng ngày vắn vỏi

 

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng

 

Một cơn gió thoảng là xong

 

Chốn xưa mình ở, cũng không biết mình” 

 

(Tv 102, 15-16).

 

Ước chi ơn Chúa sẽ là ngọn đèn chiếu sáng tất cả những ngóc ngách trong tâm hồn ta, để ta nhận ra cái thân phận bọt bèo của mình, cái kiếp phù du đầy những hỷ, nộ, ái, ố, để chỉnh đốn lại cuộc sống theo lời Chúa dạy.

 

“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.”

 

Sắc lệnh Tông Đồ Giáo dân nói: Mọi tín hữu nên chú ý đến các đức tính liên quan tới đời sống và xã hội như: lương thiện, công bình, thành thật, nhân hậu, quả cảm,… / Nếu không có những đức tính đó, sẽ không có đời sống Kitô hữu đích thực (số 4).

 

Hiến pháp dòng Đa Minh nói về đời sống nhân bản như sau: “Anh em hãy trau dồi các đức tính nhân bản kẻo lời giảng khuyên của anh em sẽ ra vô ích” (số 99). Ta phải học hỏi nhân bản, vì trước khi là tu sĩ dòng ĐaMinh, ta phải là người Kitô hữu / Trước khi là người Kitô hữu / ta phải là con người sống đúng theo nhân phẩm Chúa dựng nên (cuối trang 33).

 

Tại sao phải học nhân bản? / Để giúp con người trưởng thành trong nhân cách, tức là biểu hiện ra bên ngoài khi có những đức tính tự nhiên do luyện tập như: tác phong tốt đẹp, suy nghĩ chính chắn, khôn ngoan, ý chí tự chủ, kiên quyết, tâm tính quân bình, điềm tĩnh, cư xử hài hòa, quảng đại, vị tha.

 

Tầm quan trọng của giáo dục nhân bản: nhờ giáo dục nhân bản qua việc luyện tập các đức tính tự nhiên, con người mới đạt được sự trưởng thành nhân bản, để xứng đáng là người hơn.

 

Sự trưởng thành nhân bản còn là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành của người Kitô hữu qua việc tập luyện các nhân đức Kitô giáo, nhờ đó họ sẽ đạt được mức độ trưởng thành Kitô hữu, được hoàn hảo, thánh thiện nhờ có trưởng thành nhân bản, mới có trưởng thành Kitô hữu, nhờ đó, người muốn theo đuổi ơn gọi tu trì mới phát huy và xây dựng được một nếp sống tốt đẹp.

 

* Kết: Giáo dục nhân bản rất quan trọng và cần thiết cho con người / Để xứng đáng là con người, xứng đáng là người Kitô hữu, và cũng cần thiết hơn cho một người tu sĩ/ Giáo dục nhân bản nhằm hướng đến con người trưởng thành theo một khuôn mẫu lý tưởng đó là Chúa Yesus , Siêu người mẫu.