Phạm tội giết người đi tù bao nhiêu năm? – Luật 90
Giết người là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự. Vậy, các dấu hiệu cơ bản của tội giết người là gì và người phạm tội giết người phải đi tù bao nhiêu năm?
Nội dung bài viết
Giết người là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự
Nội Dung Chính
Giết người là gì?
Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.
Các dấu hiệu cơ bản của tội giết người?
– Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật.
Ví dụ: Do có mâu thuẫn nên dùng dao đâm người khác dẫn đến tử vong, đánh người khác cho đến chết, …
Thực tế có trường hợp một người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác nhưng được pháp luật cho phép thì không phạm tội. Ví dụ: Người cảnh sát thi hành bản án tử hình đối với người phạm tội.
– Hành vi trái pháp luật của người phạm tội phải là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân.
Nếu người phạm tội có hành vi trái pháp luật với nạn nhân nhưng đó không phải là nguyên nhân gây ra tử vong cho nạn nhân thì họ không phạm tội giết người mà có thể phạm một tội khác.
Ví dụ: Người phạm tội dùng dao đâm vào chân của nạn nhân. Sau khi bị đâm, nạn nhân vẫn tỉnh táo và bỏ chạy. Sau đó do nạn nhân không được đưa đi cấp cứu kịp thời nên dẫn đến bị mất máu và chết. Trong trường hợp này, người phạm tội không bị truy cứu về tội giết người mà sẽ bị truy cứu về “tội cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “làm chết người”.
Trường hợp có nhiều nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân thì phải xác định nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân nào chỉ là thứ yếu để xác định mức độ chịu trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
– Hành vi của người phạm tội có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Hành vi của người phạm tội có thể được thể hiện dưới dạng hành động (đâm, chém, bóp cổ, đánh, đốt cháy, …) hoặc không hành động (cố ý không cho bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để bệnh nhân chết).
– Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải được thực hiện với lỗi cố ý, tồn tại dưới 02 dạng như sau:
+ Dạng thứ nhất, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu sẽ xảy ra nếu thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
+ Dạng thứ hai, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu sẽ xảy ra nếu thực hiện hành vi. Tuy rằng họ không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (chết người cũng được hoặc không chết cũng được). Trường hợp này, nếu nạn nhân bị tử vong thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội giết người”.
Vì tội giết người là tội xâm phạm tính mạng của người khác nên nạn nhân phải là người đang sống trước khi người phạm tội thực hiện hành vi.
Nếu một người đã chết thì mọi hành vi xâm phạm đến thi thể của người đó không phải là hành vi giết người mà tùy trường hợp có thể sẽ phạm một tội khác.
Hành vi phá thai không phải là hành vi giết người vì nạn nhân chưa được sinh ra nên không được xem là một người đang sống. Tương tự, hành vi giết 01 phụ nữ đang mang thai không phải là giết nhiều người.
Hành vi giết 1 người sắp chết thì vẫn được xem là giết người vì tại thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội thì nạn nhân vẫn còn đang sống.
Phạm tội giết người đi tù bao nhiêu năm?
Tùy theo mức độ nguy hiểm khi thực hiện hành vi, người phạm tội giết người có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Một số lưu ý khi xác định tình tiết định khung hình phạt tội giết người
Việc xác định tuổi của người bị hại căn cứ vào giấy khai sinh, giấy chứng sinh hoặc tài liệu khác có giá trị chứng minh ngày sinh của người bị hại. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị hại thì ngày, tháng, năm sinh của người bị hại được xác định như sau:
– Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
– Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Giết người một cách man rợ là phương thức thực hiện hành vi giết người làm cho nạn nhân đau đớn, khổ sở, quằn quại trước khi chết. Ví dụ: Mổ bụng, chặt gân tay chân, lóc da thịt, tra tấn, …
Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là trường hợp người phạm tội sử dụng công cụ phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây bị thương hoặc tử vong cho nhiều người. Ví dụ: ném lựu đạn, bỏ thuốc độc vào bể nước chung, …
Giết người có tính chất côn đồ là giết người do bản tính ngang ngược của người phạm tội, giết người không có lý do hoặc vì lý do nhỏ nhặt hoặc cố tình viện lý do nhỏ nhặt để giết người.
Giết người có tổ chức là trường hợp có từ 02 người trở lên cùng tham gia vào việc giết người. Trong đó có sự câu kết chặt chẽ, phân công giữa những người cùng thực hiện hành vi và cùng có ý chí thực hiện hành vi phạm tội.
Giết người vì động cơ đê hèn là giết người thuộc một trong các trường hợp sau:
– Giết vợ hoặc chồng của mình để được tự do lấy vợ hoặc chồng khác
– Giết nạn nhân để lấy vợ hoặc chồng của họ
– Giết người tình khi biết họ có thai với mình nhằm mục đích trốn tránh tránh nhiệm
– Giết chủ nợ để không phải trả nợ
– Giết người để cướp của
– Giết người là ân nhân của mình.
– ….
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.
5/5 – (6 bình chọn)