Phải làm gì nếu bị rắn độc cắn?

Vì vậy, một người nên xử lý thế nào với vết rắn độc cắn? Và điều gì xảy ra cho cơ thể khi bị rắn độc cắn?

Điều đầu tiên cần làm là tránh xa con rắn – đừng cố bắt nó, điều đó có thể khiến bị thương thêm, tiến sĩ Nicholas Kman, tại Đại học bang Ohio (Mỹ), cho biết.

Và sau đó, nên ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất, vì những triệu chứng này có thể tiến triển rất nhanh, theo Live Science.

Các triệu chứng sẽ là các vết đỏ, sưng, phồng rộp, nóng và sau đó buồn nôn, nôn, đau cơ và huyết áp thấp, tiến sĩ Kman nói với Live Science. Nếu các bác sĩ bắt đầu nhìn thấy những triệu chứng đó, họ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc chống nọc độc.

Độc tố trong nọc rắn có thể gây suy tạng, chảy máu không kiểm soát được, phá hủy mô và gây tê liệt – có thể cản trở hô hấp.

Trước khi bệnh nhân đến cơ sở y tế, vết thương phải được giữ sạch và chân hoặc tay bị cắn phải được nâng cao để giảm tác dụng của nọc độc. Cần theo dõi nhịp tim của nạn nhân, tiến sĩ Kman nói.

Sau khi bị rắn cắn, cần giữ bình tĩnh, vì nó giúp làm chậm sự lây lan của nọc độc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết.

Không nên làm gì khi bị rắn cắn?

Nạn nhân bị rắn cắn không nên cố gắng hút nọc độc từ vị trí cắn hoặc tự cứa vào vết cắn để nặn nọc độc ra, tiến sĩ Kman nói. Sau khi cắn, nọc độc tràn vào các mô của cơ thể và không thể loại bỏ thông qua việc hút. Cứa cũng không có tác dụng gì mà còn có thể dẫn đến bị thương nghiêm trọng, ông nói thêm.

Có những trường hợp bị rắn cắn ở tay và khi người ta cắt để nặn nọc độc ra, thì cắt trúng gân, ông nói.

Nọc độc sẽ được hấp thụ vào cơ thể ngay lập tức, vì vậy nếu có làm gì đi nữa, cũng chỉ gây bị thương nặng thêm mà thôi. Cũng không nên chườm đá vết cắn, không nên sử dụng steroid.

Nếu gặp loài rắn có nọc độc gây chảy máu quá nhiều, không nên buộc garo vì có thể dẫn đến hoại tử mô và cơ, tiến sĩ Dan Brooks, Arizona (Mỹ) nói với Live Science.

Ông nói: Buộc garo thực sự có thể làm tăng bị thương cục bộ và có thể dẫn đến mất ngón tay hoặc ngón chân hoặc phải ghép da.

Nhiều loài rắn độc chết người tạo ra độc tố thần kinh có thể nhanh chóng dẫn đến tê liệt hô hấp. Các vết cắn của những con rắn này thường được xử lý bằng một dải băng hạn chế chạy nọc độc và sau đó được điều trị bằng thuốc chống nọc độc.

Bởi vì nhiều loại thuốc chống nọc độc cho rắn thời xa xưa là đặc trưng cho loài, nên việc các nạn nhân mô tả chính xác về con rắn là rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng nhất là phải cho nạn nhân dùng thuốc chống nọc độc càng sớm càng tốt, tiến sĩ Brooks nói.

Vết cắn từ rắn độc không phải lúc nào cũng tiêm nọc độc. Ít nhất 25% vết cắn của rắn độc không tiêm nọc độc.

Tuy nhiên, không thể biết ngay sau khi cắn là có nọc độc hay không, và nạn nhân không nên chờ đợi các triệu chứng xuất hiện mà phải tìm cách điều trị ngay.

Rắn sống ở tất cả mọi môi trường. Sau thảm họa thiên nhiên, như lũ lụt hoặc cháy rừng, phá rừng, rắn thường di chuyển đến các khu vực đông dân cư mà trước đây chúng vẫn tránh – thậm chí có thể tìm nơi trú ẩn trong nhà.

Ước tính 100.000 người trên toàn thế giới chết vì bị rắn cắn mỗi năm và khoảng 400.000 người bị rắn cắn gây dị dạng hoặc khuyết tật kéo dài đến hết đời, theo tổ chức Bác sĩ không biên giới.