Phải có cơ chế xử lý doanh nghiệp không có an toàn vệ sinh viên
Bình quân mỗi năm cả nước xảy ra hơn 8 nghìn vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tính mạng người lao động mà TNLĐ còn gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, để phòng ngừa TNLĐ, đảm bảo vệ sinh trong lao động, cần thiết phải phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở doanh nghiệp.
Phóng viên VOV trao đổi về câu chuyện này với bà Hồ Thị Kim Ngân (ảnh nhỏ), Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sự tham gia của an toàn vệ sinh viên đã đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Vậy bà có thể nói một cách tổng quát nhất, đội ngũ an toàn vệ sinh viên – họ là ai?
An toàn vệ sinh viên (ATVSV) chính là người lao động (NLĐ) làm việc trực tiếp tại tổ sản xuất trong một cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh. Họ có kinh nghiệm về chuyên môn kỹ thuật, am hiểu và gương mẫu chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Bởi thế, họ được NLĐ bầu làm ATVSV với hai nhiệm vụ chính. Một là theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn NLĐ chấp hành các quy định về ATVSLĐ và thực hiện việc tự cải thiện các điều kiện làm việc của mình ở nơi làm việc tốt hơn.
Ngoài ra, họ hỗ trợ, kiến nghị với tổ trưởng sản xuất về các quy định, điều kiện làm việc để đảm bảo ATVSLĐ. Trực tiếp làm việc tại tổ sản xuất, họ không chỉ nhắc nhở NLĐ về các biện pháp an toàn lao động, mà còn kịp thời phát hiện những thiếu sót trong ATVSLĐ và có ý kiến để có những biện pháp xử lý kịp thời tại doanh nghiệp. Nhờ thế, trong thời gian qua, an toàn lao động ở các doanh nghiệp phần lớn là tốt. Tuy nhiên, có một số nơi không thành lập mạng lưới ATVSV, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Theo bà, đội ngũ này quan trọng như vậy nhưng vì sao lại nơi có, nơi không, hoặc nơi có thì hoạt động nửa vời?
Đội ngũ ATVSV có vai trò rất quan trọng tại DN. Họ không chỉ giám sát NLĐ mà còn giám sát cả các tổ trưởng và những người làm công tác ATVSLĐ. Góc nhìn của ATVSV luôn xuất phát từ việc an toàn cho NLĐ. Thế nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều này. Đây là nguyên nhân chính khiến mạng lưới ATVSV tại các DN chưa được phát triển.
Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm ra quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV. Và sau khi thành lập, đội ngũ ATVSV lại hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của ban chấp hành công đoàn cơ sở. Điều này khiến nhiều DN cho rằng các mạng lưới ATVSV chỉ phải thành lập ở những nơi có công đoàn cơ sở. Trong khi đó theo quy định của pháp luật thì mỗi một tổ sản xuất phải có ít nhất 1 ATVSV làm việc kiêm nhiệm trong thời gian làm việc, kể cả những nơi không có tổ chức công đoàn thì họ sẽ hoạt động theo pháp luật và theo quy chế mà người sử dụng ban hành.
Nguyên nhân thứ hai, đội ngũ ATVSV phần lớn hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và trách nhiệm. Theo quy định của pháp luật thì phụ cấp cho đội ngũ ATVSV tương đương với tổ trưởng. Nhưng trên thực tế, có nơi còn không có phụ cấp hoặc phụ cấp rất thấp, vì thế không tạo được động lực cho đội ngũ này. Chưa kể công việc của họ vừa là NLĐ, vừa là ATVSV rất vất vả nhưng không được hoan nghênh, không được quan tâm và cũng không ai ghi nhận ý nghĩa việc họ làm.
Việc nâng cao các thiết bị bảo hộ lao động hay quyền lợi của NLĐ nói chung, tôi nghĩ phải có sự tham gia của nhiều thành viên, trong đó công đoàn cấp cơ sở, thậm chí có đơn thư của chính ATVSV gửi tới các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp thì sẽ hiệu quả hơn so với việc đấu tranh trực tiếp?
Về công tác thương lượng quyền lợi cho NLĐ thì tinh thần mới của Bộ luật Lao động 2019 hiện nay là luật pháp chỉ quy định những điều kiện tối thiểu, ví dụ như tiền lương tối thiểu, hoặc những điều kiện cơ bản để đảm bảo cho việc an toàn tại nơi làm việc, còn những điều kiện khác cao hơn, cụ thể hơn luật… thì phải có sự đối thoại, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với NLĐ thông qua tổ chức công đoàn.
Cần phải nhận thức được rằng, điều kiện lao động tốt hơn không phải chỉ là quyền lợi của NLĐ mà điều này có lợi cho cả người sử dụng lao động bởi sự an toàn, sự gắn bó của NLĐ góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, đảm bảo quyền lợi của NLĐ bao gồm cả việc thúc đẩy và xây dựng các điều kiện làm việc tại nơi làm việc, trong đó có công tác ATVSLĐ, chứ không phải chỉ là tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ,… Điều kiện để đảm bảo được an toàn sức khỏe, tính mạng cho NLĐ tại doanh nghiệp còn quan trọng hơn cả tiền lương.
Như vậy, bảo vệ NLĐ chính là bảo vệ danh tiếng và uy tín của doanh nghiệp đó, nhất là hiện nay các nước rất quan tâm đến tiêu chí này. Mạng lưới ATVSV còn được quy định trong Luật An toàn vệ sinh lao động, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp chưa có mạng lưới này. Vậy tại sao họ không bị xử lý khi đã vi phạm luật?
Hiện nay, theo quy định của Nghị định 28 xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động bảo hiểm xã hội thì chưa có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp mà không thành lập mạng lưới ATVSV sẽ bị xử phạt. Ở đây có một số nguyên nhân như tôi phân tích ở trên là do nhận thức của NLĐ, và người sử dụng lao động chưa thấy được vai trò, chưa phát huy được vai trò của mạng lưới này. Và họ cho rằng nếu không thành lập được đội ngũ này là do lỗi của công đoàn.
Nhưng tôi cho rằng đấy là họ chưa hiểu đúng về Khoản 1 Điều 74 của Luật An toàn vệ sinh lao động là trách nhiệm thành lập và ra quyết định xây dựng quy chế cho đội ngũ ATVSV, trước hết nó là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động cũng cần phải lưu ý là NLĐ của Việt Nam có tính kỷ luật không cao, vì thế rất cần đội ngũ ATVSV để nhắc nhở NLĐ chấp hành tốt hơn các quy định của doanh nghiệp
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chú trọng hỗ trợ và đào tạo đội ngũ này ra sao để họ hoạt động chuyên nghiệp và ý thức được công việc của mình?
Chúng tôi đã có những chỉ đạo sát sao và tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ. Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở trong việc xây dựng đội ngũ ATVSV tại cơ sở để góp phần đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.
Thứ hai, kiện toàn việc đào tạo, tập huấn cán bộ, công đoàn những nghiệp vụ, kỹ năng về công tác ATVSLĐ, tập huấn thường xuyên, liên tục, nội dung, phương thức, kỹ năng để thực hiện công tác ATVSLĐ, đặc biệt chú trọng vào việc cập nhật những điểm mới, quy định mới của pháp luật cũng như chia sẻ những mô hình kinh nghiệm, những doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ cho đội ngũ này.
Thứ ba, chúng tôi cũng quan tâm thực hiện việc ban hành các văn bản chỉ đạo để nghiên cứu, đề xuất để góp phần hoàn thiện các chính sách luật có liên quan ATVSLĐ.
Thứ tư, tăng cường tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại các doanh nghiệp để yêu cầu các doanh nghiệp chưa có ATVSV phải thành lập đội ngũ này để điều kiện làm việc tại nơi đó được tốt hơn. Thứ năm, chúng tôi phát huy phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ như Hội thi ATVSLĐ hằng năm. Và bản thân NLĐ cũng phải ủng hộ đội ngũ ATVSV thì họ mới phát huy được vai trò, làm tốt công việc của mình.
Bà đánh giá thế nào về sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc phối hợp cùng công đoàn lập ra mạng lưới ATVSV?
Vì đây là quy định pháp luật nên những doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật tốt đã có ý thức rất cao trong việc tuân thủ pháp luật trong việc thực hiện Điều 74 của Luật An toàn vệ sinh lao động. Nhiều doanh nghiệp thấy được vai trò ý nghĩa tích cực của đội ngũ ATVSV đã chủ động phối hợp hoặc đề xuất Ủy ban chấp hành công đoàn cơ sở để thành lập đội ngũ này.
Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp chủ động xây dựng mạng lưới ATVSV chỉ chiếm khoảng 15 – 20%, còn lại đến 80% các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp làm dịch vụ hoặc là có ít lao động thì vẫn chưa quan tâm đến việc này. Quan trọng nhất là phải có cơ chế xử phạt các doanh nghiệp thì họ mới nghiêm túc thực hiện việc này.
Trân trọng cảm ơn bà!
Thanh Trường thực hiện